Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/02/2007 00:28 (GMT+7)

Tôn Trung Sơn với Việt Nam

Sớm giác ngộ tư tưởng dân tộc – dân chủ, nên sau khi tốt nghiệp trường Y khoa Bác Tế (Quảng Châu), ông đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1894, ông thành lập Hưng Trung Hộiở Honolulu (Hawai), đề ra cương lĩnh “Đánh đuổi Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập Chính phủ liên hiệp”, thu hút nhiều nhân sĩ và thanh niên Trung Quốc yêu nước tham gia, quyên góp kinh phí, mua sắm vũ khí chuẩn bị các cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (1895), Huệ Châu (1898), định kết hợp với phong trào phản đế của Nghĩa Hoà Đoàn ở miền Bắc, nhưng không thành công, ông lại phải lưu vong ra nước ngoài.

Năm 1905, Hưng Trung Hộicủa Tôn Trung sơn, Hoa Hưng Hộicủa Hoàng Hưng (tức Hoàng Khắc Cường) cùng với các hội đảng cách mạng khác họp tại Tokyo (Nhật Bản) lập ra một chính đảng cách mạng thống nhất lấy tên là Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hội, gọi tắt là Đồng minh Hội, đề ra cương lĩnh hành động là “Đánh đuổi Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc, bình quân địa quyền”. Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng lý của Hội. Ông đề ra ba chủ nghĩa: Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh – Tam Dân chủ nghĩa – làm phương châm hoạt động của Đồng minh Hội. Phong trào cách mạng Trung Quốc từ đó tiến mạnh hơn trước. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc ngày càng lan rộng và đến ngày 10-10-1911, khởi nghĩa Vũ Xương thắng lợi, cách mạng Tân Hợi thành công, đạp đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm thống trị Trung Quốc. Chính phủ Dân quốc lâm thời ra đời do Tôn Trung Sơn làm Tổng thống, thủ đô đặt tại Nam Kinh.

Nhưng chẳng bao lâu sau, mọi thành quả cách mạng lại bị rơi vào tay bọn quân phiệt phản động Viên Thế Khải! Tôn Trung Sơn lại phải trải qua một chặng đường đấu tranh mới đầy gian lao khổ ải. Năm 1912, ông cải tổ Đồng minh Hộithành Quốc dân Đảngđể tiếp tục hoạt động chống bè lũ quân phiệt Bắc phương.

Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã ảnh hưởng rất lớn đến Tôn Trung Sơn, rồi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tạo nên bước ngoặt trong tư tưởng đấu tranh cách mạng của ông. Tôn Trung Sơn kết hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ trương lập mặt trận thống nhất cách mạng, đề ra ba chính sách lớn “Liên Nga, Liên Cộng, ủng hộ Nông Công” – Tam đại chính sách, đồng thời triệu tập Đại hội Đại biểu Trung Hoa Quốc dân Đảng (1924) xác định lại nội dung mới của Tam dân chủ nghĩa, đề ra cương lĩnh chính trị “phản đế phản phong”, xoá bỏ các “Điều ước bất bình đẳng”, triệu tập “Quốc dân hội nghị”. Sau đó, ông sáng lập trường Quân sự Hoàng Phố, đào tạo cán bộ chỉ huy, chuẩn bị Bắc phạt, tiêu diệt bè lũ quân phiệt phản động, lập lại chế độ cộng hoà dân quốc, nhưng không may, ông thụ bệnh và từ trần tại Bắc Kinh ngày 12-3-1925.

Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu viếng lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh năm 1960.
Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu viếng lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh năm 1960.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Tôn Trung Sơn phải trải qua nhiều năm tháng lưu vong ở nước ngoài để liên hệ, vận động nhiều lực lượng yêu nước, nhất là ở những nơi có nhiều Hoa kiều,đặng huy động sức người, sự đóng góp tài chính cho sự nghiệp chung, Việt Nam cũng là nước mà Tôn Trung Sơn hay qua lại lưu trú nhiều lần. Kể từ năm 1900 đến 1908, Tôn đã năm lần qua đây và dừng lại ởSài Gòn, Chợ Lớn, Hải Phòng, Hà Nội... để hoạt động:

Lần thứ 1: Từ 21-6-1900 là ngày từ Hồng Kông ghé Sài Gòn trên đường tới Singapore . Tôn Trung Sơn lưu lại Sài Gòn đến 8-7-1900 với ý định vận động Toàn quyền Pháp P. Doumer ủng hộ ông chống triều đình Mãn Thanh, nhưng việc không thành.

Lần thứ 2: Từ 13-12-1902 là thời điểm ông tới đự Hội chợ tại Hà Nội theo lời mời của P. Doumer. Thực dân Pháp dùng chính sách hai mặt: không giúp vũ khí cho Tôn đánh Mãn Thanh nhưng vẫn có ý định tranh thủ để tính kế lâu dài. Nhưng khi ông tới Hà Nội, thì Doumer đã hết nhiệm kỳ, chính phủ Pháp không những khước từ mà còn ra lệnh theo dõi chặt chẽ Tôn trên các thuộc địa của Pháp. Tuy vậy, Tôn Trung Sơn vẫn lưu lại Hà Nội cho đến mùa xuân 1903 rồi đi tiếp vào Sài Gòn cho tới hạ tuần tháng 7-1903 mới rời Sài Gòn đi Hồng Kông. Trong hơn tám tháng này, Tôn Trung Sơn chủ yếu hoạt động trong giới Hoa kiều và tìm cách liên hệ với các tổ chức yêu nước chống Pháp của Việt Nam .

Lần thứ 3: Từ tháng 8-1905, sau khi thành lập Đồng minh Hộiở Tokyo, trên đường đi Inđônêxia để vận động Hoa kiều giúp tài chính cho cách mạng Trung Quốc, ông dừng lại ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông lưu lại đây đến trung tuần tháng 8-1906, thành lập Phân hội hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hộivà thu được nhiều tiền quyên góp.

Lần thứ 4: Tháng 8-1906, sau khi rời Sài Gòn, đi Inđônêxia mới được hai tháng, Tôn Trung Sơn lại trở về đây, lưu lại hai tháng vẫn để tiếp tục hoạt động trong giới Hoa kiều.

Lần thứ 5: Cuối tháng 3- 1907, bị chính phủ Nhật Bản câu kết với Mãn Thanh trục xuất, Tôn Trung Sơn lại sang Việt Nam . Ông đến Sài Gòn gặp một số thủ lĩnh nghĩa quân Trung Hoa chống Mãn Thanh phải lưu vong ở nước ta, rồi ra Hà Nội và đây là lần cư ngụ ở Việt Nam lâu nhất (hơn một năm). Tại Hà Nội, lần này Tôn Trung Sơn và Đồng minh Hộitiến hành nhiều việc quan trọng.

- Các phân hội Đồng minh Hội ở Hà Nội, Hải Phòng lần lượt được thành lập. Người phụ trách Đảng vụ Hà Nội kiêm việc truyền đạt tin tức trong ngoài là Trương Hoàn Trì, thư ký “ Quảng Đông Hội quán” có trụ sở ở số nhà 22 phố Hàng Buồm. Các đồng chí qua lại đây phần nhiều do ông này tiếp đãi và dẫn đường.

- Tổng lý Tôn Trung Sơn quyết định dời cơ quan Tổng bộ Đồng minh Hộitừ Nhật Bản về đặt tại số nhà 61 phố Gambetta (Trần Hưng Đạo hiện nay) làm “Tổng hành dinh” để trực tiếp chỉ huy thực hiện kế hoạch quân sự của ba tỉnh Việt, Quế, Điền. Vì lúc bấy giờ chủ trương của Đồng minh Hộilà phải vũ trang tấn công giành chính quyền ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam . Một nhiệm vụ đặt ra cho các phân hội Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn - Chợ Lớn là phải chi viện cho quân cách mạng về các mặt quân nhu, khí giới, lương hướng, thuốc men… Các cán bộ và hội viên Đồng minh Hộiở Việt Nam lúc đó, đã bằng đủ mọi cách để ủng hộ quân cách mạng theo như “chỉ thị” của Tổng bộ. Có người đã mở quán hàng bán đậu phụ, rau giá để lấy tiền ủng hộ mặt trận, có thương nhân rút tiền cổ phần trong “Đông Dương ngân hàng” để ủng hộ, có người thì đi quyên góp trong bà con Hoa kiều và cả trong nhân dân Việt Nam để ủng hộ quân cách mạng. Những hoạt động của các phân hội đều được Hoa kiều và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng. “Lúc bấy giờ họ coi việc quyên trợ cách mạng là một việc nghĩa” (1). Chính Tôn Trung Sơn và Uông Tinh Vệ cũng đã nhiều lần vào Sài Gòn - Chợ Lớn hay xuống Hải Phòng để “thị sát” tình hình và bàn bạc công việc với các người phụ trách ở đấy.

Một điều đáng chú ý là trong suốt thời gian Tổng bộ Đồng minh Hộiđặt ở Hà Nội cũng như các hoạt động của cán bộ, hội viên của Hội trên đất Việt Namđều được nhân dân Việt Nam hết sức giúp đỡ che chở. Cũng nhờ vậy mà các chuyến đi lại công tác của các yếu nhân của hội, nhất là trong thời gian đánh Trấn Nam Quan và Hà Khẩu đều an toàn trót lọt, mãi đến tháng 2-1908, theo yêu cầu của chính phủ Mãn Thanh, thực dân Pháp mới ra lệnh trục xuất Tôn Trung Sơn khỏi Việt Nam. Tháng 3-1908, Tôn rời Việt Nam đi Singapore, giao nhiệm vụ chỉ huy quân sự ba tỉnh Việt, Quế, Điền cho Hoàng Khắc Cường và Hồ Hán Dân.

- Trận đánh Trấn Nam Quan tháng 10-1907. Theo như kế hoạch tác chiến của Tổng bộ Đồng minh Hội đã định, những cánh quân do Hoàng Minh Đường và Quan Nhân Phủ mấy lâu đóng giữ ở biên giới Việt – Trung, được lệnh xuất kích trên Nam Quan từ cuối tháng 10-1907. Sau một thời gian chiến đấu, ngày 27-10 đã chiếm lĩnh được pháp đài bên hữu của Trấn Nam Quan. Được tin thắng trận, Tôn Trung Sơn và Hoàng Khắc Cường lập tức đáp xe lửa từ Hà Nội lên tận trận địa xem xét tình hình. Tôn Trung Sơn thấy quân cách mạng tuy chiếm được một pháo đài, nhưng việc tiến thủ sẽ rất khó khăn, vì đây là một chỗ hiểm yếu, mà quân Thanh thì rất đông có trên 4.000 người đang từ các phía lũ lượt kéo về tiếp chiến. Về sau, qua mấy đợt phản công nữa, vì khí giới, lương thực thiếu thốn, “phải rút về địa phận Việt Nam , đóng quân ở dãy núi Con én (Yến Tử đại sơn) chờ thời cơ hành động” (2). Trong khi đó, Tôn, Hoàng đã trở về Hà Nội từ sáng 29-10 để trù liệu kế hoạch mới.

Chiến dịch Trấn Nam Quan cuối cùng đã thất bại. “Quân cách mạng không thể tiến theo ngả quan ải đánh dốc vào Quảng Tây làm nơi căn cứ cách mạng” (3), “mấy ngàn tráng sĩ khởi nghĩa ở Trấn Nam Quan lại chạy qua nương náu ở Bắc Kỳ” (4). Thời gian “nương náu” ở đây, quân cách mạng sống như thế nào? Theo cụ Nguyễn Quyền, sáng lập viên và là Giáo sư Đông Kinh nghĩa thục (1907) thì “hình như Đề Thám có hứa nuôi dưỡng lương thực cho 3.000 lính họ, nếu như họ thất bại mà cần dùng đến. Cũng vì thế mà trước ngày rời Việt Nam , Tôn Sơn có lên Bắc Giang thăm Đề Thám”(4). Và theo cụ Phan Tất Tuân cũng là nguyên Giáo sư Đông Kinh nghĩa thục cho biết thì: “Tôn Trung Sơn sau khi ở mặt trận Trấn Nam Quan về, có nhờ Đông Kinh nghĩa thục nuôi giúp cho 2.000 quân, Đông Kinh nghĩa thục không có khả năng nuôi nên đã giới thiệu lên Hoàng Hoa Thám và Hoàng Hoa Thám nhận nuôi” (5). Việc Hoàng Hoa Thám có nuôi giúp cho Đồng minh Hội hàng nghìn quân hay không và nuôi trong bao lâu, thì hiện nay chưa có đủ tài liệu để xác minh. Nhưng có một điều ta biết chắc là sau khi thất bại ở Trấn Nam Quan, quân Đồng minh Hộiđã rút về đóng ở núi Con én, sau đó gần 5 tháng nữa mới lại xuất quân đánh Hà Khẩu.

- Trận đánh Hà Khẩu. Theo cuốn NamĐiền phong vân(Sự đổi thay của tỉnh Vân Nam) (Vân Nam Đại học xuất bản xã, 2001) thì đầu năm Quang Tự thứ 34 (1908) Hoàng Minh Đường, Vương Hoà Thuận, Quan Nhân Phủ… “nhận lệnh của Tôn Trung Sơn, dẫn hơn 300 quân sang Việt Nam , giấu binh ở Lào Cai, tiếp xúc với Hoa kiều trong tỉnh, nhân viên đường sắt Điền - Việt và những binh lính Thanh có tinh thần chống đối đóng ở Hà Khẩu, chuẩn bị khởi nghĩa. Khởi nghĩa thắng lợi. Hà Khẩu được quang phục, nghĩa quân thu được hơn 1.000 khẩu súng, hơn 20 vạn viên đạn, cùng rất nhiều lương thực và chiến lợi phẩm khác…” (6). Ngày nay nhân dân Trung Quốc đã dựng một tượng đài “Hồng Hà Hồn” và “Nhà kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hà Khẩu” được người Trung Quốc coi là cuộc tập dượt của Cách mạng Tân Hợi ba năm sau đó.

- Tôn Trung Sơn tiếp xúc với nhân sĩ, chí sĩ Việt Nam . Những năm tháng hoạt động tại Việt Nam, Tôn Trung Sơn đã từng có liên hệ mật thiết với các tổ chức yêu nước như Đông Kinh nghĩa thục, như căn cứ chống Pháp ở Yên Thế… và với các chí sĩ như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền. Chẳng hạn như đã có “hai lần hội kiến với cụ Huấn Quyền” ở Thái Bình (địa điểm là nhà Tổng đốc Trần Đình Lập) và ở hà Nội (tại một tiệm cao lâu ở phố Hàng Buồm). Cụ Nguyễn Quyền thuật lại rằng: “Trong lúc đàm đạo tương đắc với tôi, họ (chỉ Tôn Trung sơn, Hoàng Hưng…) cho biết rằng, nếu một mai công việc diệt Thanh phục Hán của họ thành công rồi, anh em Việt Nam muốn họ giúp đỡ về bất cứ phương diện nào họ cũng sẵn lòng” (7). Về điểm này, trong bài Tôn Trung Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của châu Á, tác giả Đinh Tắc Lương (Trung Quốc) cũng có nhắc tới: Tôn Trung Sơn đã mấy lần bút đàm với các nhân sĩ yêu nước tiến bộ đã sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục năm 1907. Tôn Trung Sơn đồng tình với cuộc đấu tranh chống Pháp của họ, khiến họ rất cảm động” (8).

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam , các nhà yêu nước lãnh đạo các Hội đảng của mình đã ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng dân tộc – dân chủ tiến bộ của Tôn Trung Sơn.

- Phong trào Duy Tân Hội và Quang Phục Hội của Phan Bội Châu. Trong 20 năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu là ngọn cờ tập hợp lực lượng chống Pháp theo chủ trương “bạo động cách mạng”, thời gian đầu (Duy Tân Hội) Phan Bội Châu đề ra cương lĩnh “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập chính thể quân chủ lập hiến”. Khi lãnh đạo phong trào Đông Du (1905), tại Nhật Bản, Phan đã hai lần “hội đàm” với Tôn Trung Sơn và bị Tôn phê phán “tư tưởng quân chủ lập hiến”, nhưng Phan vẫn rất chú ý lắng nghe và dần dần hiểu rõ “tư tưởng dân chủ là hay là phải”, Phan tỏ ra rất kính phục “nhà dân chủ vĩ đại” này. Rồi cũng từ đó có mối quan hệ tốt với người Đảng cách mạng của Tôn Trung Sơn. Về sau, khi Tôn qua đời (1925), Phan đã có câu đối viếng cảm động:

“Chí tại tam dân, đạo tại tam dân, ức Hoành Tân, Trí Hoà Đường lưỡng độ ác đàm, trác hữu chân thần di hậu tử;

Ưu dĩ thiên hạ, lạc dĩ thiên hạ, bị đế quốc chủ nghĩa giả đa niên áp bức, thống phân dư lệ khấp tiên sinh”(9).

(Nghĩa: Chí ở tam dân, đạo ở tâm dân, nhớ hai lần nói chuyện ở Hoành Tân, Trí Hoà Đường, để lại tinh thần cho người chưa chết;

Lo vì thiên hạ, vui vì thiên hạ, bị nhiều năm áp bức do bọn đế quốc chủ nghĩa, cùng chia nước mắt để khóc tiên sinh).

Năm 1909, sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, Phan Bội Châu và nhiều đồng chí của Phan về nương náu ở Trung Quốc, đã được các đảng nhân của Tôn Trung Sơn giúp đỡ, tiếp tục học tập thành tài, trở thành cán bộ chủ chốt của Việt Nam Quang Phục hội (1912). Hội này do chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi, đã cải tổ lại, mô phỏng theo Trung Quốc cách mạng Đồng minh Hội của Tôn Trung Sơn. “Lời phi lộ của Việt Nam Quang Phục hội” nhấn mạnh ý nghĩa:

“Gần thì bắt chước theo Tàu (theo Tôn Trung Sơn),

Xa thì người Mỹ người Âu làm thầy”(10)

Ngôi nhà 61 Trần Hưng Đạo đã từng là trụ sở của Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hội.
Ngôi nhà 61 Trần Hưng Đạo đã từng là trụ sở của Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hội.
Duy Tân hội và Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bộ Châu hoạt động trên đất Trung Quốc từ 1909-1924 và đến cuối năm 1924 Phan còn định mô phỏng Trung HoaQuốc dân Đảngcủa Tôn Trung Sơn để cải tổ Quang Phục hội thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, đã có dự thảo Chính cương, Điều lệ… nhưng chưa kịp triển khaihoạt động, thì Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc đưa về nước ngày 30-6-1925. Tuy vậy, những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài này, Phan Bội Châu cũng giữ được mối quan hệ rất tốt vớicác đảng nhân cách mạng tiến bộ của Đồng minh Hội và Quốc dân Đảng của Tôn Trung Sơn. Thậm chí, khi có điều kiện, Hội của Phan Bội Châu cũng đã giúp đỡ “Đảng bạn” một cách chí tình. Như năm 1910, khicách mạng Trung Quốc cần được viện trợ nhân, tài, vật lực… để tập kích, đánh hạ các tỉnh thành ở Lưỡng Quảng, thì vừa dịp Phan Bội Châu mua được gần 500 khẩu súng dự định gửi về nước cho nghĩa quânchống Pháp, nhưng bị cản trở không thể liên thông được, Phan bèn đem toàn bộ số súng đó tặng lại quân cách mạng Trung Quốc và do người anh ruột của Tôn Trung Sơn là Tôn Thọ Bình phái người ra tiếpnhận. Về việc tặng súng này, trong bài báo Cách mạng Tân Hợi và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, tác giả Từ Thiện Phước đã nhắc lại một cách trântrọng rằng: “Lúc bấy giờ, Đồng minh Hội đang cần mua khí giới để đánh thành Quảng Châu, thì Duy Tân hội quyết định đem số súng ấy tặng Đồng minh Hội, biểu thị sự viện trợ cho cách mạng Trung Quốc”(11).

Quảng Đông hội quán ở 22 Hàng Buồm nay đã trở thành nhà trẻ.
Quảng Đông hội quán ở 22 Hàng Buồm nay đã trở thành nhà trẻ.
- Phong trào cách mạng Việt Nam tiếp theo sau phong trào của Phan Bội Châu. Sau khi Phan Bội Châu bị bắt về nước, những “chiến hữu trẻ tuổi” của Phan còn lại trên đất Trung Quốc vẫn tiếp tụchoạt động và hoà vào xu thế cách mạng tiến bộ của thời đại hướng theo cách mạng xã hội chủ nghĩa giống như phương hướng mà Tôn Trung Sơn đã xác định “liên Nga, liên Cộng, ủng hộ Nông Công” và giảithích, bổ sung nội dung mới cho “chủ nghĩa Tam dân”. Lớp chiến sĩ cách mạng mới này đã lập ra Tâm Tâm xã, rồi sau khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về TrungQuốc, công tác trong Cục Phương Nam, Bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản, đồng thời làm phiên dịch cho Cố vấn Borodine bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn, đã lập ra Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội. Trong các lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu (1925-1927), Người đã giảng dạy cho học viên lý luận Mácxít, đồng thời cũng truyềnbá cả tư tưởng “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn. Người cho rằng: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng, còn chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nóthích hợp với điều kiện Việt Nam”.

Theo Nguyễn Ái Quốc, cương lĩnh của Tôn Trung Sơn là một cương lĩnh cải cách. Bởi lẽ, bản cương lĩnh đó bao gồm những nội dung hết sức tiến bộ.

Một là, chống đế quốc và chống quân phiệt một cách rõ rệt;

Hai là, tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và giai cấp vô sản quốc tế;

Ba là, đồng tình với cách mạng Nga.

Đây chính là tình thần của “chủ nghĩa Tam dân mới”, được Tôn Trung Sơn bổ sung trong thời kỳ hoạt động ở Quảng Châu nhằm cải tổ Quốc dân Đảng dưới sự giúp đỡ của Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc” (12).

Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn với những yếu tố tiến bộ, thích hợp như vậy, nên đã có ảnh hưởng tốt đến cách mạng Việt Nam, trong giai đoạn cách mạng Dân tộc – Dân chủ cũng như trong Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.

Sau khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tiêu ngữ kèm theo quốc hiệu đã ghi đậm một dòng chữ trang trọng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đó chính là những chữ rút từ ba mệnh đề của “chủ nghĩa Tam dân” của Tôn Trung Sơn: Dân tộc: độc lập; Dân quyền: tự do; Dân sinh: hạnh phúc. Ngày nay sau hơn 60 năm (và sẽ mãi mãi), dòng chữ thiêng liêng và bất hủ này vẫn còn nguyên ý nghĩa cao đẹp của nó.

Thủ đô Hà Nội từng là nơi Tôn Trung Sơn lưu trú nhiều lần, nhiều năm tháng và đã để lại nhiều dấu tích lịch sử rất đáng ghi nhớ. Không kể đến những “di tích phi vật thể” là những mối quan hệ giao hảo, những lý luận cách mạng dân tộc… thì hiện nay vẫn còn hai chứng tích thật đáng bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng “truyền thống hữu nghị Việt – Trung”, đó là “Trụ sở của Tổng bộ Trung Quốc cách mạng Đồng minh Hội” đóng tại số nhà 61 phố Trần Hưng Đạo và nhà “Quảng Đông Hội Quán” ở số nhà 22 phố Hàng Buồm.

Những di tích này gắn liền với Tôn Trung Sơn khi vị lãnh tụ cách mạng đánh kính này hoạt động tại Hà Nội. Trước đây, vào những năm 1960, khi quan hệ Việt – Trung khi quan hệ Việt – Trung rất hữu hảo, vào buổi chiều ngày 12-11-1966, Hội Hữu nghị Việt – Trung và Tổng hội Hoa Liên đã long trọng tổ chức “Lễ đặt biển kỷ niệm Tôn Trung Sơn” tại 22 phố Hàng Buồm để ghi nhớ “nơi Tôn Trung Sơn từng sống và hoạt động cách mạng”. Buổi lễ có nhiều vị quan chức cao cấp tham dự như Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu… Trang Dung, Chu Kỳ Văn v.v… Nhưng với “di tích” là Trụ sở của Tổng bộ Đồng minh Hội, là “Tổng hành dinh” của Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng, v.v… thì chưa thấy được “xếp hạng” là “Di tích lịch sử”!?

Do vậy, việc phục hồi và tôn tạo những di tích liên quan đến danh nhân Tôn Trung Sơn là một việc làm cần thiết và càng sớm càng tốt. Nó vừa sửa chữa một sai sót, lại vừa có tác dụng tích cực vào đường lối đối ngoại đúng đắn là tăng cường tình hữu nghị với Trung Quốc. Nó cũng góp phần giáo dục đạo lý tôn vinh các danh nhân lịch sử và thể hiện tinh thần quốc tế phù hợp với công cuộc hội nhập. Nó còn đáp ứng tình cảm của mọi người Trung Hoa có chính kiến khác nhau đối với vị “quốc phụ” của mình và trở thành một địa điểm “hành hương” cho những du khách, làm phong phú nội dung “du lịch văn hoá” và giá trị của Thủ đô Hà Nội.

_______________

(1) (2) (3) Phùng Tự Do: Trung Quốc khai quốc tiền cách mạng sử. Quyển hạ, Trung Quốc Văn hoá phục vụ xã ấn hành, Trung Hoa Dân quốc thứ 35 (1947), tr. 45, tr. 104.

(4) (7) Xem bài: Trên đất Việt Nam , Tôn Trung Sơn hai lần hội kiến với cụ Huấn Quyền, nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục. Nguyên là bài của phóng viên báo Điện Tín, được đăng lại trên Tân báo tuần san, số 11, ngày 10-10-1946.

(5) Trong lần đến thăm cụ Phan Tất Tuân (6-1963) cụ đã kể cho tôi như vậy.

(6) Dẫn theo Nguyễn Hoàng Sơn: Nhà cách mạng Tôn Trung Sơn từng sống ở Hà Nội, báo Tiền Phong số Tết Giáp Thân(2004), tr. 16.

(8) Bài đăng trong Nhân văn khoa học học báo, số 1-1957 của Đông Bắc Nhân dân, Đại học.

(9) Phan Bội Châu, Toàn tập, tập 6, Nxb Thuận Hoá - Huế và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2000, tr.

(10) Lời phi lộ Việt Nam Quang Phục hội, đăng trong Tập san Đại học, số 7 của Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1957.

(11) Bài của Từ Thiện Phước trong Ký Nam Đại học học báo, Quảng Châu, tháng 3-1963, tr. 84.

(12) Dẫn theo Vũ Dương Ninh, bài Cách mạng Tân Hợi - 90 năm sau nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tân Hợi, Nxb KHXH, Hà Nội, 2002, tr 279-280.

Nguồn: Xưa & Nay, số 247, 11/2005

Xem Thêm

Đắk Lắk: Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng
Ngày 10/5/2024, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Hội thành viên của Liên hiệp hội tỉnh) đã tổ chức Hội nghị khởi động Dự án Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Tin mới

Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thách thức và có những phát triển bứt phá
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024). Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại buổi lễ. Vusta.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Phan Xuân Dũng.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".
Sơn La: Đóng góp ý kiến 5 Dự thảo Luật
Trong các ngày 09-10/5 và 13/5/2024, Liên hiệp Hội tỉnh Sơn La đã tổ chức các Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến đối với 05 dự án Luật, gồm: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội Chủ trì các hội thảo.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng; Cần tin tưởng, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức để họ cống hiến
“Hà Nội cần tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế chính sách để họ đủ dũng khí, dám nói, dãm nghĩ, dám làm, dám hành động hơn nữa, điều này sẽ góp phần để đất nước, thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt tầm cao mới…” đây là phát biểu của Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tại hội nghị.
Đắk Lắk: Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng
Ngày 10/5/2024, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Hội thành viên của Liên hiệp hội tỉnh) đã tổ chức Hội nghị khởi động Dự án Xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh dự khai mạc Hội nghị Điều khiển và Tự động hóa
Ngày 10/5, tại TP. Hải Phòng Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair) cùng phối hợp khai mạc Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7. Đây là một hoạt động trọng tâm của các kỳ VCCA.