Toilet trên sông
Trưởng nhóm Trần Vũ Linh cho biết: “Người dân sống trên sông nước thường hay bỏ chất thải, rác sinh hoạt ra sông. Đồng thời, họ cũng dùng chính nước sông để tắm rửa, giặt giũ. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ. Bên cạnh đó, nếu lượng chất thải trên sông ít thì dòng sông có thể tự làm sạch được, nhưng với lượng người sinh sống đông đúc như tại chợ nổi Cái Răng thì dòng sông sẽ ô nhiễm nặng”. Linh cũng tâm tư: “Một khu du lịch với lượng du khách nước ngoài khá đông mà không sao kiếm được nơi “giải quyết nỗi buồn” thì thật đáng suy nghĩ. Do đó, nhóm đã quyết định làm toilet nổi để vừa giúp giải quyết “nhu cầu” cho người dân ở đây, vừa bảo vệ môi trường...
Toilet được thiết kế giống như trạm xăng dầu trên sông. Mô hình có diện tích sàn là 15 m 2gồm một bệ nổi, phía trên là hai buồng vệ sinh. Tất cả đều được làm từ vật liệu thép tấm, thép thanh dày 6 li. Toilet thiết kế có thêm phần sàn bên ngoài để các thuyền, ghe dễ cập vào và được cố định bằng 4 trục gỗ. Điểm độc đáo của mô hình là toilet giữa vùng sông nước nhưng lại không sử dụng nước. Nguyễn Hoàng Anh - người vẽ mô hình - diễn giải: “Toilet sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời tạo ra dòng điện thắp sáng và nguồn điện cho máy bơm hoạt động. Nước rửa tay thì bơm lên từ sông qua hệ thống lọc và được diệt khuẩn. Sau khi tiêu tiểu, nước và phân được tách riêng. Nguồn nước thải có nước tiểu và nước rửa tay được chứa vào một bình và ủ chờ thu gom. Phân đi xuống bệ nổi được ủ thành phân compost. Chutrình đơn giản này cũng đang được khoa Nông nghiệp trường ĐH Cần Thơ chuyển giao cho bà con nông dân. Đặc biệt, bệ nổi được thiết kế giống như một giỏ rác. Chỉ cần đặt bao nhựa vào sọt, đến ngày thu gom, người dân chỉ việc lấy bao nhựa đi và thay vào đó một bao nhựa khác”.
Điều khiến nhóm tâm đắc nhất là mô hình khép kín: từ nhà sản xuất đến nhà vệ sinh và ra nhà vườn. Thành viên Nguyễn Hùng Giang giải thích thêm: “Nhóm đã chọn phương án tự làm sạch khép kín để xử lý nguồn nước thải cho nhà vệ sinh đặt trên mặt nước. Nếu xử lý bằng nước sông, chất thải cũng sẽ biến thành nước, rất nặng, sẽ không thành toilet nổi. Và phương án này cũng không giải quyết được tình trạng ô nhiễm nước trên sông. Sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng nhóm quyết định thiết kế toilet khô, vừa đảm bảo vệ sinh vừa có đường phân riêng và đường nước riêng là tiện lợi nhất”.
Theo thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Thị Kim Tú (trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) thì mô hình toilet nổi đã đáp ứng được các yêu cầu của một công trình kiến trúc về các mặt: kiến trúc, quy hoạch, sinh học và kinh tế.