“Tôi chưa thấy lý do nào để ngừng việc táy máy của mình”
Nhận bằng Tiến sĩ sinh học tại Viện Đại học quốc tế Zittau (IHI - Zittau, Đức), năm 2008 (32 tuổi), Đậu Hùng Anh chỉ về nước như để “trình diện” cơ quan trong vòng 6 tháng. Đầu năm 2009, anh lại vội vã sang Thái Lan (ĐH kỹ thuật King Mongkutt, Bangkok, Thái Lan) để thực hiện công việc nghiên cứu sau tiến sỹ. Với anh, để thành công, người trẻ cần phải quyết liệt theo đuổi đam mê một cách có định hướng .
Các ngành đều “hot” ngang nhau
Sinh học là một ngành mà các bạn trẻ luôn cảm thấy rất “xương”. Anh thích nó từ nhỏ hay cứ “chọn bừa” khi thi đại học?
Tôi sinh ở Hà Nội, thời phổ thông, tôi học lớp A nhưng lại được cử đi thi học sinh giỏi môn Sử và thi đại học thì một mình tôi là nam chọn khối B, vào Khoa Sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Bị bạn bè trêu suốt vì trong mắt họ, Sinh học là sâu bọ, cây cỏ, các hoạt động sinh sản của động vật... Nói chung, nó là một môn “kỳ cục” và có lẽ chỉ nên dành cho phái nữ. Nhưng đúng là tôi thích sâu bọ từ bé thật. Thêm nữa, tôi học Toán không giỏi bằng các “chiến hữu” khác.
Vậy lúc đó, anh có xác định cho mình một hướng đi hay điều gì đó “to tát” trong tương lai?
Lúc ấy, Sinh học với công nghệ gene đang bắt đầu được đầu tư phát triển ở Việt Nam, và bản thân tôi có mục tiêu trở thành nhà sinh học. Đại học là thời gian rất vui trong đời. Bốn năm tôi cố gắng nhồi nhét được khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm thú vị về nghề nghiệp mình chọn.
Tốt nghiệp, tôi được nhận về làm tại Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Được các thầy hướng dẫn ủng hộ, nội dung khóa luận của tôi được tạo điều kiện hoàn thiện để đăng Tạp chí Sinh học và đó là bài báo khoa học chính thức đầu tiên của tôi. Sau 2 năm, tôi tiếp tục làm thạc sĩ tại ĐHQG và tiếp theo là lấy bằng Tiến sĩ tại Đức.
TS Đậu Hùng Anh:
- Tiến sĩ Sinh học chuyên ngành Vi sinh vật học và công nghệ sinh học môi trường tại Viện đại học quốc tế Zittau (IHI - Zittau), Đức. - Hiện đang làm postdoc tại Trường ĐH Kỹ thuật King Mongkutt, Bangkok - một trong những trường đại học kỹ thuật lớn nhất Thái Lan, nhằm phát triển hợp tác về nghiên cứu các cảm biến sinh học trong việc phát hiện các chất độc, mầm bệnh. - Số công bố khoa học đăng tải trên các tạp chí, hội nghị quốc tế: 13; trong nước: 13. |
Làm một nhà nghiên cứu có gì thú vị không, thưa anh?
Tôi mê Sinh học, cũng do hoàn cảnh từ bé hay bị “nhốt” nên toàn chơi ngoài vườn, phá hoại thiên nhiên theo đúng nghĩa đen của nó: bẻ cây, bắn chim... Như mọi đứa trẻ, tôi bị cuốn hút bởi thế giới sinh vật luôn ngọ nguậy. Đến lớn, theo ngạch sinh học, hiểu được sự mênh mông của sinh học, tôi lại muốn biết làm thế nào mà con người trở thành kẻ thống trị trong tiến hóa và phát triển.
Tôi học tiến sĩ mất 4 năm, 4 tháng, từ ngày bắt đầu đến khi bảo vệ xong. Thế là nhanh hơn so với bình thường một chút, trong điều kiện học ở Đức. Tôi công bố được công trình khoa học đầu tiên trên tạp chí ở Mỹ . Kết quả tôi làm cũng đang nằm trong một kế hoạch patent và đang tiếp tục hoàn thành công trình, bài báo khoa học thứ hai liên quan đến nội dung luận án Tiến sĩ, mặc dù tôi đã nhận bằng. Với thời gian như vậy thì kết quả đạt được, có lẽ là không tồi.
Bây giờ, tôi và các đồng nghiệp vẫn viết báo và tham dự các hội nghị chuyên ngành đều tay. Tôi may mắn được làm khách mời tại một vài viện nghiên cứu của Đức, thực hiện nhiều nghiên cứu cũng như học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của phía bạn. Do đó, kiến thức được bổ sung nhiều và cập nhật. Thực hiện các nghiên cứu cơ bản nhưng với tôi, mục đích là phải có được ứng dụng, đây là một tiêu chí làm việc mà tôi luôn xác định.
Hiện, tôi đang có điều kiện để hoàn thiện sản phẩm đầu tay của mình từ A đến Z. Một test thử nhanh thuốc bảo vệ thực vật và “tập tành” thử viết một vài tài liệu giới thiệu về chuyên ngành đang làm việc mà tôi hy vọng có thể có ích cho các bạn sinh viên Việt Nam. Còn trong tương lai, đó là việc sử dụng các cảm biến sinh học để phát hiện sớm ung thư cùng với việc tìm các vi sinh vật có khả năng phân huỷ các chất thải độc hại trong công nghiệp.
Tại sao có nhiều công ty mời làm việc, hứa hẹn đãi ngộ hấp dẫn nhưng anh lại từ chối để về đầu quân cho một cơ quan Nhà nước - nơi mà như anh nói, tiền thưởng Tết chỉ vừa đủ mua 1 cây quất?
Nếu xem lao động là vinh quang thì với tôi, các ngành đều “hot” ngang nhau. Nhưng thực tế thì các ngành dân dụng, dịch vụ mới thực sự “hot”, cái này thì ai cũng biết rồi. Tôi cũng đã nhiều lần phân vân chuyện chuyển công tác nhưng tôi không có khả năng kinh doanh. Khi chuyển sang công ty, nếu là một đơn vị sản xuất thì có nghĩa tôi lại làm việc nghiên cứu. Còn nếu chuyển sang quản lý, ừ thì tôi cũng có thể làm được vì bản thân tôi tham gia nhiều các dự án, tuy nhiên, tôi thích làm thực nghiệm, ngay cả khi đã trở thành tiến sĩ.
Điều này không giống với nhiều vị tiến sĩ mà tôi biết, sau khi nhận bằng cất vào tủ là họ tự coi như đã có thể thảnh thơi. Với tôi, điều này là không thể chấp nhận! Theo suy nghĩ đó, tôi thấy ở lại cơ quan là hay nhất. Thêm một lý do “bổ sung” nhưng cũng hết sức quan trọng: tôi thích tự do, tôi ở cơ quan Nhà nước thì mới có điều kiện làm cho cái CV khoa học có giá trị, và chỉ có thế mới giúp tôi thỏa mãn được ý muốn trở thành nhà khoa học thực thụ.
Anh có sự liên hệ nào từ việc học của mình với việc học của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay?
Việc học bây giờ càng ngày càng phức tạp, thậm chí, có những thứ là không cần thiết, nên tôi vẫn muốn nhấn mạnh một điều tưởng như đã cũ: các bạn cần phải có định hướng. Kiến thức phổ thông mà các trường học Việt Nam trang bị cho các bạn là khá cơ sở, nhất là đối với những môn khoa học tự nhiên. Thế nên, nếu hết lớp 12, bạn chọn một lĩnh vực như Toán, Hóa, thì tôi e rằng, ngoại trừ một số ít bạn có sở thích đọc để tìm hiểu những vấn đề khác, sẽ chẳng mấy khi bạn cầm đến các sách vở về Văn chương, Lịch sử, Triết học...
Do đó, khi có thời gian, đọc là thói quen nên có. Với tôi, đọc không bao giờ là thừa. Não người chỉ sử dụng cùng lắm đến 14% công năng như các nghiên cứu khoa học công bố hiện nay. Cuộc sống ngắn ngủi, tôi không muốn cái 86% còn lại ấy là một vật dụng thừa, mà lại chễm chệ ngự trên cổ mình. Sâu hơn, khi đã có sự nghiệp trong tay thì đọc lại càng cần thiết, để biết mình đang ở đâu, làm gì, cần rút kinh nghiệm gì trong công việc. Từ đó, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho việc mình cần làm.
Đam mê sẽ hình thành định hướng
Nhưng định hướng cho người trẻ có lẽ sẽ không hiệu quả bằng việc khuyến khích, tạo điều kiện để họ biết tự định hướng. Anh có đồng ý như vậy không?
Nếu coi đại học như một cái ngưỡng thay đổi cuộc đời, thì trên đại thể, tôi cho rằng, sinh viên Việt Nam hoàn toàn ngang sức với sinh viên các nước xung quanh, thậm chí còn có thể hơn. Nhưng khi bước ra khỏi trường đại học thì vấn đề hoàn toàn khác.
Do đó, để thực hiện được điều mình muốn, theo tôi, các bạn trẻ cần học cách làm chủ bản thân. Hãy nuôi dưỡng một đam mê để hình thành nên định hướng. Chẳng hay ho gì nếu cứ phải nhảy từ nghề nghiệp này sang nghề nghiệp khác, khi bạn đã đi dở một phần đường. Sự chuyên nghiệp hóa luôn là tối cần thiết trong một xã hội phát triển ổn định. Đam mê sẽ giúp bạn tiến đến gần cái bạn muốn nhanh hơn và có định hướng sẽ giúp bạn gắn công việc với thực tế tốt hơn.
Theo anh, làm khoa học giỏi có nhất thiết cho một kết quả khả quan về tiền bạc?
Nhất thiết chứ! Như tôi biết, lương và các chế độ đãi ngộ dành cho các nhà khoa học ở châu Âu hoặc ngay tại chỗ tôi đang hợp tác hiện nay ở Thái là khá cao, đủ cho họ một cuộc sống đầy đủ, hưởng thụ. Giỏi thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng và chỗ đứng của người có năng lực cao hơn sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn.
Và một điểm này tôi rất muốn nhấn mạnh, trong con mắt của tôi, khoa học hiện nay là thứ hàng xa xỉ, phải có tiền, rất nhiều tiền thì mới “mua” được và kinh doanh được. Do đó, khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản khó có thế triển khai tại các nước nghèo, khi mà kinh phí ít, nhân lực yếu và hệ thống quản lý không thích hợp. Tôi sang Thái cũng đang là đi làm nhiệm vụ, nhằm tiếp cận một ngạch nghiên cứu mới để phát triển trong nước về sau.
Nơi tôi hợp tác là nơi tôi đã từng được mời tham quan, và làm việc một thời gian trước đây. Trang bị không kém châu Âu và kinh phí nghiên cứu cao, có định hướng nghiên cứu rõ ràng. Chỉ cách Việt Nam 2 giờ bay nhưng tình huống là khác hẳn. Tôi được tạo điều kiện và động viên tuyệt đối để đề xuất, phát triển những ý tưởng nghiên cứu mới. Điều này chưa xuất hiện ở Việt Nam mình, với một tiến sĩ trẻ như tôi.
Những thú vui khác ngoài công nghệ sinh học của anh như âm nhạc, đọc sách, võ thuật... từ đâu mà có?
Tôi ham nhiều thứ lắm, biết mỗi thứ một ít nhưng hát hò, tán gẫu là tôi khoái nhất. Tôi nghe nhạc nhiều, đủ chủng loại. Bia cứ uống thử thoải mái. Tôi đã thử được hàng trăm loại bia ở châu Âu và châu Á. Những thú vui này, đôi khi là thứ hâm nóng đam mê đấy! Còn đọc thì có lẽ đã thành thói quen từ nhỏ. Tôi thích đọc. Từ lúc biết chữ, vớ được gì đọc nấy. Hết lớp 2, tôi đã “tập tọe” xong Hội chợ phù hoa, dù chẳng hiểu gì cả, ngoài vài đoạn mô tả bọn trẻ con nện nhau...
Anh nghĩ sao, nếu một ngày nào đó, vì một lý do nào đó, anh không còn thấy có ham muốn “táy máy” trong khoa học?
Tôi chưa thấy lý do nào để tôi ngừng lại cái việc táy máy của mình. Nhưng đến lúc nào đó mà tôi không còn nghĩ được cái gì nữa, tôi sẽ tìm việc khác và viết sách.
Theo anh, cái thiếu nhất trong giới trẻ Việt Nam hiện nay là gì?
Tinh thần học hỏi, cầu tiến thấp, khá nhiều ngộ nhận về năng lực bản thân. Và điều này là cực kỳ nguy hiểm khi bắt tay vào làm công việc thật.
Xin cảm ơn anh!