Tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy thủy điện ở Gia Lai
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai: đến thời điểm hiện nay có 64 dự án thủy điện đăng ký thực hiện, trong đó có 41 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang triển khai thực hiện, 09 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, 01 dự án không triển khai. Trong số dự án đăng ký đầu tư thì có 62 dự án thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường. Trong đó có 43 dự án đã được thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường và xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Cụ thể: có 09 dự án được bộ Tài nguyên & Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; 19 dự án được UBND tỉnh thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM; 05 dự án đã được sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh phê duyệt đề án bảo vệ môi trường; 10 dự án đã được UBND cấp huyện xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Còn lại 19 dự án đang thực hiện lập báo cáo ĐTM, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo quy định. Trong đó có 16 công trình đã đi vào vận hành, 03 dự án đang hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng. Hiện nay, UBND tỉnh đã tạm giao, cho thuê đất để xây dựng công trình thủy điện đối với 40 dự án trên địa bàn 9 huyện với tổng diện tích 15.030 ha.
Tác động tích cực: nhìn chung các dự án về thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng quy hoạch, cơ bản đạt tiến độ đề ra, đóng góp một phần đáng kể nguồn điện cho quốc gia và khu vực, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã góp phần tăng sản lượng điện hàng năm cho lưới điện quốc gia, khai thác tiềm năng thủy điện, góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Trong quá trình xây dựng thủy điện thì đã có nhiều công trình giao thông, điện nước sinh hoạt được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới góp phần tăng năng lực kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa và góp phần thu nhập vào ngân sách địa phương. Theo đó các công trình định canh, định cư, các công trình hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm… đã nâng cấp phục vụ đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong vùng dự án.
Tác động tiêu cực: bên cạnh những hiệu quả về kinh tế - xã hội mà các công trình mang lại, còn có nhiều vấn đề phức tạp và bất cập xảy ra:
Ảnh hưởng đến môi trường xã hội: các công trình thủy điện hình thành đã làm ảnh hưởng đến nhà ở, đất ở, đất canh tác, cây cối, hoa màu và các công trình kiến trúc trên đất; ảnh hưởng đến phương tiện sống, gián đoạn sản xuất, tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa các cộng đồng dân cư; những nơi ở mới, người dân không quen với điều kiện canh tác mới nên đã làm xáo trộn sinh hoạt, văn hóa, đời sống của người dân cũng như những giá trị về tinh thần khó có thể tìm lại được.
Ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên: ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng, Theo ước tính của các nhà khoa học trung bình, để làm 1MW điện phải mất đến 16 ha rừng. Nếu vậy các công trình thủy điện trên đất Gia Lai sẽ làm mất diện tích rừng khá lớn; mất một phần đất sản xuất nông nghiệp do việc xây dựng lòng hồ, các công trình, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng khu tái định cư. Từ đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học, thảm thực vật và cảnh quan thiên nhiên sẽ bị biến đổi; chất thải từ việc xây dựng các công trình bị nước mưa cuốn theo làm tăng độ đục, ô nhiễm chất lượng nước, làm tăng khả năng xói lở, bồi đắp hạ lưu và ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh. Lo ngại lớn nhất là xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông là việc chặn dòng ngăn nước của các nhà máy làm mất đi dòng chảy sinh thái của các đoạn sông, ảnh hưởng đến động, thực vật xung quanh. Việc tích nước không xả hoặc xả với mức nước quá ít vào mùa kiệt gây nhiều tổn hại đến đời sống của người dân và các hoạt động khác vùng hạ lưu sau đập, sau nhà máy…
(Chú thích ảnh Rừng bị phá do xây dựng thủy điện)
Đơn cử như thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng tích nước. Kết quả đo đạc lưu lượng dòng chảy tại trạm An Khê của Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường tỉnh vào những tháng mùa kiệt năm 2011 cho thấy lưu lượng dòng chảy rất thấp Q=0,476m 3/s (ngày 23/3/2011). Trong khi theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công trình Thủy điện An Khê - Ka Nak được duyệt: khi đi vào hoạt động phải duy trì dòng chảy tối thiểu ở mức 4m 3/s. Đây là dòng chảy ở mức thấp nhất cần để duy trì phát triển bình thường của hệ sinh thái sông Ba và đảm bảo nhu cầu nước cho khu công nghiệp. Nhưng theo ý kiến của cộng đồng dân cư nếu duy trì dòng chảy đúng như Dự án được phê duyệt cũng vẫn không đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất trong những tháng mùa khô kéo dài huống chi dòng chảy chỉ còn 0,476 như đã đo đạc trên. Sông Ba cạn kiệt nguồn nước dẫn đến khó khăn trong sản xuất và đời sống của hàng chục ngàn dân ở khu vực hạ lưu, nhiều nhà máy đứng trên địa bàn phải ngừng hoạt động vì thiếu nước. Ngược lại, về mùa mưa khi hồ chứa An Khê xả lũ thì các địa phương ở hạ lưu lại phải hứng chịu. Cụ thể, rạng sang 25/5, thủy điện An Khê - Ka Nak đã bất ngờ xả nước sai quy định khiến gần 50 ha hoa màu, 10 con trâu, bò và 62 máy nổ, máy bơm nước của hơn 140 hộ dân ở xã Đông và Nghĩa An (huyện Kbang) bị cuốn trôi, gây thiệt hại theo ước tính khoảng 10 tỷ đồng… Tại thời điểm mực nước dâng cao nhất đạt cao trình 441 mét, trong khi đó cao trình cho phép chỉ 431 mét, đỉnh lũ cao nhất là bão số 9 cũng chỉ dừng ở mức 329 mét. Nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố tương tự đang treo lơ lửng…
Nguyên nhân tồn tại và hạn chế: qua công tác thanh tra, kiểm tra của Hội đồng nhân dân tỉnh tại các tổ chức, doanh nghiệp, chủ dự án thực hiện các công trình thủy điện cho thấy: Công tác bảo vệ môi trường nhiều chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm theo cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Cụ thể: không có văn bản báo cáo UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án về nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM kèm theo bản sao quyết định phê duyệt, không niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo ĐTM được phê duyệt; phần lớn các chủ dự án thực hiện chưa tốt các nội dung báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; như thu dọn lòng hồ không đúng quy định chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường theo quy định; chưa phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương có liên quan thực hiện chế độ điều tiết dòng chảy, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường sinh thái vùng hạ lưu sau đập; chưa có kế hoạch trồng rừng để bù vào diện tích rừng bị mất. Việc báo cáo về lĩnh vực môi trường của các chủ dự án không thực hiện nghiêm túc; trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: đời sống của nhân dân trong vùng dự án có cải thiện bước đầu, song về lâu, về dài không bền vững. Đây là nỗi lo và gánh nặng của chính quyền địa phương. Đó là do mất đất vùng thấp, người dân phải chuyển lên vùng cao, đồi núi nên thiếu đất ở, đất sản xuất, hầu hết người dân chưa được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để có việc làm ổn định… từ đó dẫn đến người dân lại tiếp tục xâm lấn đất rừng…