Tình hình ô nhiễm biển hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới
Các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển
Môi trường biển bị ô nhiễm chủ yếu do các hoạt động phát triển của con người cả trên phần đất liền, vùng ven biển và cửa sông cũng như các hoạt động khác trên biển. Do đó có thể chia ra 2 loại nguồn gây ô nhiễm:
- Nguồn gây ô nhiễm từ đất liền: bao gồm các chất thải rắn và lỏng sinh hoạt và công nghiệp từ các thành phố, các chất thải trong sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là dư lượng thuốc trừ sâu…
- Nguồn gây ô nhiễm trên biển: bao gồm các sản phẩm thải ra từ hoạt động giao thông vận tải trên biển, thăm dò khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác dầu khí, nghỉ mát du lịch trên biển…
Ngoài ra, một số chất gây ô nhiễm còn được vào biển thông qua các dòng không khí trên biển hoặc do mưa.
Hầu hết các hiện tượng ô nhiễm ở đây đều có nguồn gốc từ lục địa và được đưa ra biển bởi các dòng sông, đường ống dẫn dầu hoặc rò rỉ ngầm. Dân số gia tăng, sự mở rộng đô thị, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất đều làm tăng đột ngột các hợp chất khác nhau vào trong biển do các con sông. Ngoài ra, một số chất ô nhiễm cũng đổ trực tiếp xuống biển (như các khu vực đổ rác hoặc rác sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp được đưa ra do sông) được phân tán và pha loãng do tác động của sóng, thuỷ triều và dòng chảy. Sự pha loãng làm giảm khả năng tập trung chất ô nhiễm cho nên làm giảm rủi ro sinh thái nguy hiểm, còn sự phân tán lại mở rộng ô nhiễm trên phạm vi lớn và có thể xảy ra rủi ro môi trường. Còn có 2 nguồn ô nhiễm biển khác nữa là các tai nạn trên biển như ô nhiễm dầu hoặc rơi xuống từ không khí như bụi nguyên tử từ vụ nổ Checnobyl năm 1986. Theo ý kiến của các nhà khoa học, ô nhiễm biển và đại dương có thể được chia làm 3 loại: Ô nhiễm vật lý (ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm điện, ô nhiễm chất nổ…); Ô nhiễm sinh học (sự tăng cường các vi khuẩn gây bệnh hoặc chứa độc tố trong nước biển); Ô nhiễm hoá học. Tuy nhiên, hiện nay điều đáng quan tâm hơn cả là ô nhiễm hoá học. Theo mức độ phổ biến, có thể chia ra mấy loại ô nhiễm hoá học sau:
Các chất ô nhiễm trong biển
- Nước thải:nước thải là hỗn hợp các nước thải do sinh hoạt và sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp từ các thành phố, các khu công nghiệp dưới dạng nước mặt hay đường ống dẫn ngầm dưới mặt đất. Nước thải chứa tỷ lệ lớn các chất thải hữu cơ và chất dinh dưỡng, các vi sinh vật… Ngoài ra, trong nước thải, đặc biệt là nước thải công nghiệp, còn có cả dầu và kim loại nặng là những chất nguy hiểm cho môi trường biển.
- Các chất hữu cơ: Hiện nay, 2 loại Clo hữu cơ được sử dụng nhiều nhất là PCB (Polychlorinated Biphenyls) và thuốc trừ sâu DDT. Các chất PCB có trong cả nước mặt lẫn trầm tích đáy ở nhiều vùng công nghiệp trên thế giới và được đưa vào biển chủ yếu bằng các dòng sông, các dòng không khí. Còn thuốc trừ sâu DDT lại được thải ra từ các vùng sản xuất nông nghiệp và cũng được mang ra biển theo các con đường và tác nhân như trên. Các chất này có thể tan trong nước và lắng đọng lẫn trong trầm tích biển, sau đó dần dần thâm nhập vào cơ thể sống của các loài sinh vật và gây tổn hại cho bản thân chúng và cho con người thông qua việc sử dụng chúng làm thực phẩm.
- Dầu:Ô nhiễm dầu bắt nguồn từ giao thông vận tải trên biển, từ các nhà máy lọc dầu, từ các khu thăm dò và khai thác dầu trên biển, rò rỉ đường ống dẫn dầu trong biển cũng như từ các thành phố và khu công nghiệp. Người ta ước tính rằng, hàng năm có khoảng trên 3 triệu tấn dầu chảy tràn ra trên mặt biển từ các nguồn khác nhau, trong đó phần lớn là do vận chuyển dầu và thải ra từ các thành phố công nghiệp.
Ô nhiễm dầu là một trong những dạng ô nhiễm đại dương dễ thấy nhất và gây nguy hại nghiêm trọng cho đại dương. Đây là một trong những loại ô nhiễm lớn nhất thế giới đối với môi trường biển và đại dương và được xem như một tai hoạ lớn. Chỉ trong 3 năm (1975 – 1978) người ta đã quan sát được gần 100.000 vết dầu loang trên toàn thế giới với lượng dầu tràn ra biển đạt tới nhiều triệu tấn (biết rằng cứ 1 tấn dầu sẽ gây ô nhiễm 12 km 2mặt biển). Các nguyên nhân gây ô nhiễm dầu trong biển và đại dương bao gồm đắm tàu chở dầu, sự cố giàn khoan, rò rỉ, thải ra từ phía đất liền, huỷ bỏ các thiết bị khai thác và chuyên chở dầu quá hạn sử dụng, phun lên từ lòng đất (ít)… Theo tính toán của nhiều nhà khoa học, trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 1982, lượng dầu khai thác ở khu vực này đã chiếm tới 38% tổng lượng dầu khai thác ở biển của toàn thế giới. Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (từ 16/1 đến 25/2/1991), lần đầu tiên Irắc đã dùng “hải triều đen” làm phương tiện tự vệ. Bằng cách này, Irắc đã đổ xuống tây - bắc vịnh Arập một lượng dầu thô của Kuwait ước tính khoảng gần 1 triệu tấn làm cho phần lớn đới bờ biển (với chiều dài 48 km và rộng 12 km) ở khu vực này bị ô nhiễm nặng.
Ô nhiễm dầu gây thiệt hại rất đáng kể đối với sinh thái và môi trường, đặc biệt đối với sinh vật phù du. Dầu nhẹ có thể dễ dàng phân tán rộng rãi trên bề mặt đại dương. Còn dầu nặng đôi khi tạo ra các giọt (các viên hình cầu nhỏ) lộ ra trên đáy biển gây độc cho các loài động, thực vật sống ở đây. Khi các vết dầu loang trôi về phía bờ thì có thể gây ô nhiễm bờ và giết chết sự sống ở đây.
Một trong những vụ ô nhiễm dầu nổi tiếng trên thế giới là vụ Exxon Valdez xảy ra vào ngày 24/3/1989 ở vùng bờ biển Alaska (Hoa Kỳ). Hơn 41 triệu lít dầu thô đã được phân tán trên một diện tích khoảng 12.400 km 2và kéo theo bờ ít nhất là 1.100 km và làm bẩn hơn 5.000 km đường bờ của Alaska . Tác động của vụ ô nhiễm này đã làm cho khoảng 34.000 con chim, khoảng 10.000 hải cầu và 16 con cá voi bị chết. Ngoài ra, do có sự cố ô nhiễm dầu này, một số đặc trưng môi trường cũng bị thay đổi, chẳng hạn tốc độ gió và tốc độ dòng chảy đều giảm trong thời kỳ này. Người ta nói rằng trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, chưa có vụ ô nhiễm dầu nào được nghiên cứu nhiều như vụ này và còn tiếp tục trong nhiều năm tới.
Kim loại nặng:Các kim loại nặng như thuỷ ngân (Hg), Cadimi (Cd), đồng (Cu), kẽm (Zn), Coban (Co), mangan (Mn), mopiden (Mo), niken (Ni), chì (Pb), sắt (Fe), asen (As), crom (Cr),… đều tổn tại cả trong nước lẫn trầm tích đáy và đều mang tính độc hại. Trong số đó nguy hiểm nhất là các kim loại Hg, Cd, Cu, Zn, Pb, As… Các kim loại nặng được đưa vào môi trường biển vừa do tác nhân tự nhiên (các dòng sông mang ra từ lục địa, từ khí quyển…) lẫn do các hoạt động của con người (chôn lấp và đổ chất thải vào biển).
Các chất phóng xạ:Nguồn phóng xạ được đưa vào biển và đại dương chủ yếu do chôn dấu các chất thải phóng xạ và việc thử vũ khí hạt nhân trên biển của các cường quốc hạt nhân. Ngoài các chất ô nhiễm khá phổ biến như trên, trong thời gian gần dây, trong biển còn có hiện tượng phú dưỡng và thuỷ triều đỏ. Hiện tượng phú dưỡng xảy ra mạnh hơn ở dải ven bờ do các chất dinh dưỡng mang ra từ lục địa phong phú theo các dòng sông. Thực chất thuỷ triều đỏ cũng là một hiện tượng phú dưỡng. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, khi có hiện tượng phú dưỡng thì các loài tảo và trùng roi phát triển rất nhanh chóng. Chẳng hạn, một tế bào trùng roi sau 25 lần tách có thể sinh ra 33 triệu ấu trùng cá thể, trong khi đó có 1 giọt nước biển có khoảng 6000 cá thể. Chíng sự bùng nổ nhanh chóng này cũng làm cho chúng nhanh chóng bị tiêu diệt. Khi chết, chúng làm cho nước màu đỏ. Nguồn dinh dưỡng cung cấpỗng quá trình này cũng do chất thải.
Tình trạng ô nhiễm hiện nay ở một số biển trên thế giới
- Biển Ban Tích:Biển Ban Tích là một biển nửa kín. Hiện nay có khoảng trên 17,5 triệu người sinh sống quanh biển này. Theo tính toán của các chuyên gia UNDP, hàng năm có khoảng 5 triệu tấn cacbon từ các chất hữu cơ, 26 triệu tấn cacbon từ các chất nguyên sinh, 7.500 tấn photpho, 50.000 tấn ni tơ từ các nguồn thải sinh hoạt và công nghiệp được đưa vào biển Ban Tích. Ngoài ra, các dòng sông hàng năm cũng đưa vào đây khoảng 18.000 tấn photpho, 50.000 tấn ni tơ và 1,4 triệu tấn các hợp chất hữu cơ khác. Các hợp chất hữu cơ này làm cho nước biển Ban Tích trở nên phú dưỡng. Một số chất độc hại như kim loại nặng cũng đạt đến số lượng đáng kể: thuỷ ngân – 30 tấn/năm (24 tấn do thải công nghiệp và sinh hoạt, 6 tấn do các sông đưa vào); thiếc – 400 tấn/năm (phần lớn do lắng đọng từ khí quyển); đồng – 27.000 tấn/năm; kẽm – 8.000 tấn. Nồng độ các chất DDT và PCB ở biển Ban Tích cũng thường xuyên cao hơn Biển Bắc.
- Biển Bắc:Biển Bắc nằm trên thềm lục địa tây bắc Châu Âu. Nước biển ở đây có độ mặn khá cao -35%, nhiệt độ nước biển tầng mặt vào mùa hè cũng chỉ đạt 14 – 16 0C. Có 3 nguồn gây ô nhiễm chính cho biển này là: Từ các hoạt động công nghiệp dầu khí (thăm dò, khai thác, vận chuyển…); Từ các khu công nghiệp khác và từ các đô thị cũng như các vùng đông dân nằm quanh biển này, và từ các dòng sông. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, hàng năm lượng các chất gây ô nhiễm cho môi trường ở đây như sau: các chất hữu cơ – 546.000 tấn; 7 tấn PCB; Kẽm 25.000 tấn; đồng 60.000 tấn; 22 tấn thuỷ ngân; tổng lượng dầu 1,4 triệu tấn.
- Biển Đông NamÁ và Việt Nam :Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều và có nhiều sóng lớn đổ vào, nên tình trạng ô nhiễm của vùng biển Đông Nam Á cũng chưa đến mức nguy hiển như hai biển vừa nêu. Độ mặn nước biển ở đây đạt 33 – 34%. Về mùa hè, nhiệt độ nước biển tầng mặt 29 – 30 0C, còn mùa đông là 26 – 27 0C. Ô nhiễm dầu được coi là vấn đề quan trọng ở khu vực này. Các nguồn gây ô nhiễm dầu ở đây bao gồm thăm dò và khai thac dầu khí từ các bể dầu của Indonesia (từ Sumatra đến Malacca, dọc đảo Java lên Kalimantan), các bể dầu ngoài khơi Tây Irian, tây bắc Borneo, Saigon – brunei, vịnh Thái Lan, Palawan.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây vùng biển Việt Nam cũng đã có hàng chục vụ tràn dầu với khối lượng hàng ngàn tấn. Trong đó đáng kể là vụ vỡ tàu Cauland (11/1988) ở vùng biể Quảng Nam – Đà Nẵng, vụ đắm tàu Lacta tại Qui Nhơn gây ô nhiễm nặng trên 400 ha ở Đầm Nại (8/1989), tàu Palaharver bị thủng tràn hơn 40 tấn dầu ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (9/1993), vụ va chạm giữa 2 tàu Travico – Oil của Việt Nam và Unihumanity của Đài Loan ở ngã ba Tức Rơi (Cần Giờ) làm tràn 100 tấn dầu (5/1994), vụ tàu Neptune Aries của Singapore làm tràn trên 1000 tấn dầu ra khu vực cảng Nhà máy Saigonpetro (10/1994)… Ngoài ra, các khu vực giàn khoan khai thác dầu cả ở vịnh Bắc Bộ lẫn ơ nam Biển Đông cũng gây ra sự ô nhiễm dầu đáng kể. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm dầu nặng nhất ở nước ta là vùng biển ven bờ Đông Nam Bộ.