Tình hình khai thác và chế biến khoáng sản kim loại màu hiện nay và phương hướng phát triển
1. Khái quát về tiềm năng khoáng sản đất nước và công tác điều tra thăm dò địa chất, khai thác đã tiến hành
Tiềm năng khoáng sản của Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau: Khoáng sản kim loại đen, kim loại màu, khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản quý hiếm, vật liệu xây dựng, đá quý... chúng phân bố trên hầu hết các vùng lãnh thổ của đất nước, trên đất liền và ở thềm lục địa.
Trước năm 1954, công tác nghiên cứu điều tra địa chất và khai thác khoảng sản chủ yếu phục vụ cho chính sách vơ vét tài nguyên của chế độ phong kiến và thực dân. Sau hòa bình, công tác điều tra địa chất và thăm dò khoáng sản đã được nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Hàng loạt các công trình đo vẽ bản đồ và tìm kiếm khoáng sản đã được hoàn thành, kết quả đã phát hiện thêm hàng loạt mỏ khoáng sản khác nhau. Một số mỏ quan trọng đã được đầu tư thăm dò đưa vào khai thác phục vụ nền kinh tế quốc dân. Thực tế trong những năm qua đã tập trung trên các lĩnh vực sau:
- Ngành khai thác và chế biến than.
- Ngành khai thác và chế biến dầu khí.
- Ngành khai thác và chế biến khoáng sản hóa chất.
- Ngành khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ luyện kim đen (quặng sắt, mangan, crôm...)
- Ngành khai thác chế biến khoáng sản luyện kim màu (thiếc, chì, đồng, kẽm, nhôm...)
Nhìn chung trong thời gian qua công tác thăm dò và khai thác khoáng sản đã phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, song cũng còn một số tồn tại sau:
- Công tác thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản chưa toàn diện, mới chỉ tập trung đối với một số khoảng sản thiết yếu.
- Trong những năm gần đây, nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, việc thăm dò đánh giá khoáng sản có chủ trương giao cho các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản thực hiện. Tuy nhiên một phần do các doanh nghiệp này đều nhỏ, vốn cần thiết để đầu tư thăm dò lại rất lớn, nhà nước chưa có cơ chế cho vay vốn đầu tư thăm dò khoáng sản là lĩnh vực chịu mức rủi ro lớn, vì vậy việc thăm dò tài nguyên khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn.
- Chưa có quy hoạch cụ thể thăm dò và khai thác đối với từng loại khoáng sản dẫn đến khai thác bừa bãi, làm tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
- Phần lớn các khoáng sản mới chỉ khai thác và phân loại ra sản phẩm thô để xuất khẩu hoặc sử dụng ngay trong nước, chưa chú ý đến khâu chế biến sâu.
Ví dụ: trong công nghệ sản xuất thép: quẳng sắt khai thác, chế biến thô®luyện gang; hoặc quặng sắt®tuyển thô®xuất khẩu. Các khoáng sản crôm, ilmenhit, kẽm... cũng chủ yếu được tuyển thô để xuất khẩu.
- Tình trạng khai thác tự do phát triển hầu khắp các địa phương có khoáng sản, nhất là các loại khoáng sản màu, quý, hiếm, đá quý. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, phá hủy tài nguyên rừng, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Ví dụ: các mỏ thiếc ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An; chì kẽm ở Tuyên Quang, Bắc Cạn; mỏ cromit Cổ Định - Thánh Hóa; vàng Lào Cai, Thái Nguyên...
- Đã xảy ra tranh chấp tài nguyên giữa các đơn vị của nhà nước khai thác công nghiệp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp địa phương được phép khai thác tận thu, gây khó khăn cho khâu quản lý (ví dụ khai thác thiếc tại Nghệ An; chì kẽm ở Bắc Cạn).
- Một số trường hợp khai thác tận thu khi mỏ chưa được đầu tư thăm dò đầy đủ để có thể kết luận đúng đắn về giá trị công nghiệp của mỏ.
2. Tình hình khai thác và chế biến khoáng sản ở Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam
Tổng công ty Khoán sản Việt Nam là một Tổng công ty nhà nước được thành lập từ cuối năm 1995 theo Nghị định 90/CP trên cơ sở sáp nhập hai Tổng công ty khoáng sản quý hiếm Việt Nam và Phát triển khoáng sản (từ năm 2003 sáp nhập thêm Tổng công ty Đá quý và vàng Việt Nam). Nhiệm vụ chính của Tổng công ty là tổ chức thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản từ các loại khoáng sản quý, hiếm, kim loại màu đến tất cả các loại khoáng sản kim loại và phi kim khác (trừ các khoáng sản đã nằm trong quy hoặch của các ngành dầu khí, than, thép, hóa chất và xây dựng).
Hiện tại Tổng công ty có 19 Công ty thành viên, trong đó có 16 Công ty hạch toán độc lập và 3 Công ty hạch toán phụ thuộc. Các công ty thành viên thuộc Tổng công ty đã tổ chức thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản ở hầu hết các tỉnh thành trên lãnh thổ Việt Nam . Các sản phẩm khai thác và chế biến khoáng sản của Tổng công ty rất phong phú và đa dạng về chủng loại. chất lượng (hiện nay Tổng công ty có tới trên 40 sản phẩm khoáng sản). Tuy nhiên các mặt hàng khoáng sản của Tổng công ty đều có sản lượng nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao (chủ yếu là sản phẩm thô), giá trị kinh tế thấp và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới. Các sản phẩm truyền thống có số lượng lớn và giá trị kinh tế cao hiện nay của Tổng công ty gồm có:
- Thiếc thỏi 99,95% Sn và 99,75% Sn sản lượng 1000 T/năm; gang đúc.
- Các sản phẩm kẽm chì (bao gồm bột kẽm, các loại tinh quặng). Đang xây dựng nhà máy kẽm thỏi công suất 10.000 T/năm.
- Các loại tinh quặng của sa khoáng ven biển (ilmenit, zircon, rutil), tinh quặng crôm v.v... sản lượng từ 2000 đến 3000 T/năm.
- Sản phẩm tinh quặng đồng. Đang xây dựng nhà máy sản xuất đồng thỏi công suất 10.000 T/năm.
Ngoài ra còn một số sản phẩm khác như đá ốp lát, đá xây dựng, cao lanh, felspat, pirofilit, fluorit, quặng sắt...
![]() |
Bảng 1 Dự báo phát triển ngành đá quý và vàng. |
Các sản phẩm cũng không ngừng tăng cả về sản lượng và chủng loại, từng bước đi theo hướng chế biến sâu nhằm tăng giá trị khoáng sản, tiết kiệm và sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả. Cụ thể:
- Đầu tư chế biến sâu quặng thiếc.
- Đầu tư chế biến sâu quặng kẽm - chì như xây dựng xưởng tuyển quặng sulphur, xưởng chế biến bột kẽm ôxyt, xây dựng lò quay sản xuất bột kẽm ôxyt công suất 3000 T/năm.
- Đầu tư mở rộng khai thác quặng sắt, chế biến nguyên liệu cho sản xuất gang đúc. Đầu tư lò cao số 2 công suất 250.000 tấn quặng/năm và 25.000 tấn gang đúc/năm.
- Đầu tư mở rộng khai thác sa khoáng ilmenhit ven biển Hà Tĩnh, Bình Thuận; sa khoáng cromit Cổ Định, Thanh Hóa.
- Đầu tư nhà máy gạch chế biến sét, cao lanh...
Hiện tại, Tổng công ty đang trực tiếp thực hiện đầu tư Tổ hợp đồng Sin Quyền, Lào Cai và chỉ đạo các công ty thực hiện đầu tư một số dự án lớn như Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên (công suất 10.000 T/năm); Nhà máy luyện gang Lào Cai công suất 30.000 T/năm để tận thu tinh quặng manhetit từ mỏ đồng Sin Quyền; Nhà máy sản xuất bột trợ lọc điatomit Phú Yên...
3. Định hướng quy hoạch phát triển kim loại màu của Tổng công ty khoáng sản Việt Nam trong những năm tới
Qua gần 10 năm phát triển và trưởng thành, với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản kim loại màu nên trong những năm tới Tổng công ty tập trung chủ yếu cho việc thăm dò, khai thác và chế biến các khoáng sản thiếc, kẽm – chì, nhôm, đồng, crôm, ilmenhit, đất hiếm, vàng và đá quý.
a. Đối với thiếc
Trong giai đoạn 2004 - 2010, Tổng công ty vẫn chủ yếu tiếp tục đầu tư khai thác và chế biến thành thiếc thỏi 99,9% Sn ở các vùng thiếc Pia Oắc (Cao Bằng), thiếc Tam Đảo (Sơn Dương, Tuyên Quang, Đại Từ, Thái Nguyên), thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An) đảm bảo được sản lượng thiếc thỏi hàng năm đạt bình quân 815 - 820 T. Việc thăm dò, khai thác chủ yếu ở cả ba vùng là thiếc gốc và nạo vét tận thu thiếc sa khoáng. Tổng mức đầu tư mới và đầu tư bổ sung thường xuyên cho thăm dò khai thác và chế biến thiếc trong giai đoạn 2004 - 2010 là 75,6 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho thăm dò là 25 tỷ đồng, đầu tư khai - tuyển và luyện kim là 50,6 tỷ đồng. Để duy trì sản lượng thiếc cần tập trung đầu tư thăm dò thiếc gốc ở khu vực mỏ Quỳ Hợp, Nghệ An và thiếc gốc vùng Tam Đảo, Sơn Dương; đồng thời có chủ trương thăm dò thiếc gốc ở vùng Lâm Đồng để đưa vào khai thác sau năm 2015.
b. Đối với kẽm - chì
Trong giai đoạn 2004 - 2010, Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư cho việc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản kẽm - chì ở các vùng mỏ kẽm - chì Chợ Đồn (Bắc Kạn) và vùng Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang (Tuyên Quang). Ngoài ra còn đầu tư thăm dò, khai thác các mỏ kẽm - chì có trữ lượng công nghiệp ở Hà Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa và Quảng Bình. Dự kiến xin thăm dò, cấp mỏ và xây dựng các công trình mỏ - tuyển ở vùng Chợ Đồn (Bắc Kạn); vùng Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang (Tuyên Quang); vùng Vị Xuyên (Hà Giang); Thái Nguyên; Yên Bái; Thanh Hóa và Quảng Bình. Ở khu vực luyện kim (chế biến khoáng sản thành kim loại kẽm – chì), ngoài Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên (công suất 10.000 T/năm) và Liên doanh bột kẽm Việt - Thái (công suất 26.000 T/năm) đang xây dựng, trong giai đoạn 2004 - 2005), Tổng công ty sẽ xây dựng Nhà máy luyện chì, tách bạc công suất 5.000 T/năm (sản lượng ban đầu sẽ là 2.000 T/năm) ở Thái Nguyên và Nhà máy luyện bột kẽm công suất 10.000 T/năm ở Tuyên Quang. Giai đoạn 2006 - 2010, sau khi các Nhà máy luyện kẽm - chì nêu trên sản xuất ổn định đạt công suất thiết kế sẽ tiến hành đầu tư xây dựng tiếp Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang công suất 10.000 T/năm (hoặc đầu tư nâng công suất Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên lên 20.000 T/năm). Tổng mức đầu tư dự kiến cho quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản kẽm - chì giai đoạn 2004 - 2010 là 350 tỷ đồng, trong đó cho thăm dò và khai thác là 150 tỷ đồng, cho luyện kim là 200 tỷ đồng (chưa kể vốn đầu như Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên đang thực hiện).
c. Đối với đồng
Đến năm 2005, sau khi đưa tổ hợp đồng Sin Quyền vào sản xuất đạt công suất thiết kế 10.000 T đồng kim loại, 341 kg vàng và 4 vạn tấn axit sunfuric (tổng mức đầu tư 987 tỷ đồng), sau năm 2010 nâng công suất tổ hợp lên 20.000 T/năm, Tổng công ty dự kiến đầu tư cho công tác thăm dò và xây dựng một số mỏ đồng xung quanh khu vực Sin Quyền như Tà Phới, Thùng Sáng với tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng.
d. Đối với nhôm
Với trữ lượng tài nguyên khoáng sản bauxit – nhôm tương đối dồi dào và đã được thăm dò nghiên cứu đánh giá chắc chắn ở mỏ Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng), song do những khó khăn khách quan nên trong giai đoạn 2004 - 2010 Tổng công ty dự kiến đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản bauxit - nhôm đến sản phẩm alumin với công suất 600.000 T/năm để xuất khẩu. Tổng mức đầu tư dự kiến là 6.000 - 7.000 tỷ đồng (400 - 450 triệu USD). Trên cơ sở hiệu quả xuất khẩu alumin, sẽ đầu tư cơ sở luyện nhôm với công suất 72000 T nhôm vào năm 2010.
e. Đối với khoáng sản crôm
Ngoài việc hiện nay Tổng công ty đang đầu tư đưa công nghệ khai thác bằng tàu cuốc vào khai thác với công suất 580.000 - 650.000 T quặng và cho ra 19.000 - 20.000 T tinh quặng 46% Cr 2O 3/năm, nếu sản xuất ổn định, có hiệu quả sau khi hoàn trả vay nợ, Tổng công ty tiếp tục đầu tư thêm 01 tàu cuốc để nâng công suất khai thác lên 5 vạn tấn vào năm 2007.
Trong Quy hoạch đến năm 2010, ngoài việc sản xuất tinh quặng crôm, Tổng công ty sẽ đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất bicrômat, cát đúc và bentonit. Tổng mức đầu tư cho sản xuất các sản phẩm crôm đến năm 2010 là 77 tỷ đồng (chưa kể việc đầu tư cho sản xuất tàu cuốc đang thực hiện để đầu năm 2004 vào sản xuất chính thức). Sau năm 2010 sẽ xem xét để đầu tư thêm tàu cuốc có công suất lớn hơn để nâng công suất lên 10 vạn T/năm.
f. Đối với sản phẩm ilmenit và các khoáng sản đi kèm
Ngoài việc tăng cường nghiên cứu và đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác quặng ilmenit nghèo nhằm tận thu triệt để tài nguyên ilmenit và các khoáng sản đi kèm, trong Quy hoạch phát triển từ năm 2004 đến năm 2010, Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư vào một số vấn đề sau đây:
- Xúc tiến thành lập Liên doanh sản xuất pigment công suất ban đầu 5.000 T/năm giữa Công ty PTKS 6 với Công ty Avireco USA (Mỹ) ở Bình Thuận và đưa liên doanh vào sản xuất cuối năm 2005 đầu năm 2006, sau đó sẽ xem xét và đầu tư nâng công suất lên 10.000 T/năm.
Nghiên cứu và đầu tư xây dựng Nhà máy pigment Thái Nguyên công suất 3.000 T/năm
g. Đối với khoáng sản đất hiếm
Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới, Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý quặng đất hiếm và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất đất hiếm, dự kiến đến năm 2010 Tổng công ty sẽ đầu tư các công trình khai - tuyển ở mỏ đất hiếm Đông Pao với công suất khai thác 100.000 T/năm, sau khi qua tuyển sẽ thu được 14.000 T tinh quặng đất hiếm 30 - 60% ReO và thu hồi các khoáng sản đi kèm như barit, fluorit.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 180 - 200 tỷ đồng.
h. Đối với vàng và đá quý
Đây là lĩnh vực còn non trẻ của Việt Nam , những sản phẩm từ vàng và đá quý mang tính đặc thù riêng và có giá trị kinh tế cao.
Nước ta rất có tiềm năng về khoáng sản đá quý và vàng song chưa có quy hoạch thăm dò, khai thác cũng như đầu tư công nghệ chế tác để làm ra những sản phẩm có giá trị cao. Định hướng trong những năm tới cần phải:
- Khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng của những khu vực mỏ có triển vọng.
- Đầu tư kỹ thuật và công nghệ khai thác, tuyển chọn và đặc biệt là khâu chế tác vàng và đá quý.
Quy hoạch phát triển ngành đá quý và vàng dự kiến cho các năm từ 2005 - 2010 được nêu trong bảng 1.
4. Các giải pháp tổng thể và kiến nghị chủ yếu
a. Các giải pháp và kiến nghị về vốn đầu tư
Để đảm bảo thực hiện Quy hoạch phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản, Tổng công ty đề xuất và kiến nghị với nhà nước một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Huy động tối đa nguồn lực nội tại của Tổng công ty bằng các nguồn vốn tái đầu tư, vốn phát triển sản xuất và huy động vốn đóng góp của CBCNV ở các đơn vị thành viên Tổng công ty.
- Huy động vốn thông qua hình thức bán cổ phiếu đối với các Công ty cổ phần là thành viên Tổng công ty.
- Huy động vốn của các Ngân hàng thương mại trong nước.
- Đề nghị nhà nước cho vay từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển để đầu tư cho chế biến sâu luyện kim và công tác thăm dò địa chất, đặc biệt là các dự án đồng, kẽm, chì, bauxit và đất hiếm.
- Đề nghị Nhà nước hỗ trợ Tổng công ty thu hút các nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển hạ tầng của các tổ chức tín dụng quốc tế và khu vực của các chính phủ, cũng như các tổ chức phi chính phủ.
- Đối với các dự án lớn, có hiệu quả cao thì tìm các giải pháp tiếp xúc và vay vốn của Ngân hàng nước ngoài.
b. Các giải pháp và kiến nghị về công nghệ và quản lý tài nguyên
- Đề nghị nhà nước xem xét sửa đổi Luật khoáng sản, loại bỏ việc khai thác tận thu đối với tất cả các loại khoáng sản.
- Đề nghị nhà nước có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu khoáng sản thô (quặng hoặc tinh quặng) đối với các khoáng sản trong nước đã có cơ sở chế biến sâu.
- Chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật khai thác mỏ, tuyển, luyện kim, chế tác đá quý, hàng trang sức đặc thù Việt Nam . Gửi đào tạo các công nhân, cán bộ có trình độ cao ra nước ngoài học tập.
c. Các kiến nghị về chính sách
- Đề nghị nhà nước nhanh chóng phê duyệt Quy hoạch ngành khai thác và chế biến khoáng sản của Tổng công ty khoáng sản Việt Nam và tạo điều kiện để các đơn vị thành viên Tổng công ty được cấp các loại giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các mỏ đã nằm trong Quy hoạch.
- Ngoài chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư cho các sản phẩm xuất khẩu, nhà nước cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cho các sản phẩm thay thế nhập khẩu.
- Đề nghị nhà nước có biện pháp thu hồi các mỏ khoáng sản có trữ lượng triển vọng công nghiệp đã giao cho các doanh nghiệp địa phương và các liên doanh nhưng trong thời gian dài vượt quá quy định không đưa được mỏ vào sản xuất hoặc sản xuất không có hiệu quả về cho Tổng công ty khoáng sản Việt Nam tiến hành thăm dò, đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản.
- Đề nghị nhà nước xem xét, miễn giảm thuế cho ngành công nghiệp đá quý và vàng còn non trẻ, cụ thể giảm thuế tài nguyên, thuế VAT bán và gia công chế tác; giảm thuế nhập khẩu đá quý và vàng.
Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đang từng bước hoàn thiện công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Trên con đường phát triển, Tổng công ty mong muốn được trao đổi với các doanh nghiệp, các cơ quan khoa học nhằm vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo cán bộ chuyên ngành lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn: T/c Kim loại, số 5,tháng 4/2006, tr 4