Tình cảm, trách nhiệm của cố GS.Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng với đất nước
Tôi thấy mình may mắn được làm việc với GS Hoàng gần một năm rưỡi, nhưng đáng tiếc, quãng thời gian đó quá ngắn ngủi. Sáng 20/2/2008, cuối buổi làm việc với anh, tôi ký vào sổ nhận 11 tập tài liệu và hẹn sẽ trả lại sau 1 tuần… Nhưng bây giờ, số tài liệu đó vẫn trên bàn làm việc của tôi.
Việt Nam không nên trở thành đất nước công nghiệp hoàn toàn
Cuối 2006, anh hỏi tôi và GS Tôn Thất Đại: “Năm 2007, Viện Nghiên cứu định cư sẽ làm gì?”. Anh Đại nói, bức tranh toàn cảnh kiến trúc Việt Nam rất đáng buồn. Anh Hoàng cười: “Chắc là nhà thành thị lại bắt chước nông thôn có vườn, nông thôn lại bắt chước thành thị xây nhà phố?”. Chúng tôi giật mình, vì anh Hoàng tóm gọn lại bức tranh toàn cảnh kiến trúc đơn giản hóm hỉnh đến vậy.
Một lần được nghe anh dành thời gian nói về người nông dân. Anh bảo, việc thu hồi đất trồng lúa nước để xây dựng đô thị hạ tầng, khu công nghiệp, thuỷ điện… những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến hàng triệu nông dân rời bỏ làng quê. Cuộc chuyển cư mang lại lợi ích trước mắt, nhưng cũng gây nhiều tổn thất. Vì phải bất chấp tất cả để mưu sinh, hình ảnh người nông dân đang sa sút trong con mắt xã hội, dù thực ra họ đã tự vắt kiệt sức và xuất cư những đứa con ưu tú, khoẻ mạnh nhất đến các thành phố. Có những người chồng, người vợ biền biệt cách xa nhau, quan hệ gia đình mất dần cố kết… Rồi sau các cuộc tha hương thất bại, họ trở về làng xóm mang theo bệnh tật, lối sống hạ cấp ở đô thị… Anh nói, một chiến lược sử dụng đất đai nếu không tốt sẽ đe doạ nền kinh tế và cả những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp nhất, phải trải qua hàng ngàn năm người dân Việt mình mới xây dựng được.
Nước biển dâng: Chống chọi sớm thì không phải mất nhiều tiền
Trong suốt 5 tháng từ 10/2007 – 2/2008 làm vịêc với Viện Nghiên cứu định cư, lúc nào anh cũng trăn trở về các dự báo mực nước biển dâng. Thoạt đầu, tôi không hiểu tại sao anh lại “khổ sở” vì đề tài này đến vậy, bởi trăm năm nữa mới xảy ra? Nghe tôi hỏi thế, anh lắc đầu, cười nhẹ: “Nếu nước biển dâng cao, đồng bằng sông Hồng mất một nửa, đồng bằng sông Cửu Long gần như mất trắng”.
Trách nhiệm và khẩn trương, anh dành nhiều thời gian công sức tổ chức các hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học và toàn xã hội tìm kiếm các giải pháp chống đỡ với tình trạng nước biển dâng. Anh nhấn mạnh: “Đây là việc của toàn dân, làm được ngay từ bây giờ thì 50 năm nữa, đất nước ta vững như bàn thạch. Chống chọi sớm thì không phải mất nhiều tiền.”.
Với TP. HCM, anh rất lo ngại các dự án làm tàu điện ngầm, thuộc vùng đất Cần Giuộc, Nhà Bè, Bình Chánh… đã tính mực nước biển dâng hay chưa. Theo ước tính, các công trình ấy sẽ nằm dưới mực nước biển vào 2050. Linh cảm của anh nguy cơ nước biển dâng rất gần, chứ không quá xa như một số dự báo.
Tôi nghĩ, anh Hoàng là người có linh cảm lớn trong khoa học. Anh linh cảm những vấn đề trọng đại của đất nước từ giữ ruộng lúa để đảm bảo an ninh lương thực đến ứng phó với thảm hoạ nước biển dâng. Sự linh cảm của một người Việt có tình cảm, trách nhiệm sâu nặng với dân, với nước.