Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/12/2008 15:19 (GMT+7)

Tín ngưỡng thờ cây

Trong hệ thống tín ngưỡng Hai Bà Trưng, bên cạnh việc liên kết những nhân thần khác cùng vào ngồi trên thần điện, nhân dân còn lồng ghép nhiều nghi lễ, tiết lệ thuộc các tín ngưỡng thô sơ, nguyên gốc. Đôi khi, những lễ tiết, tín hiệu tín ngưỡng, tôn giáo ấy được gán ghép vào nhau một cách vô thức nhưng lại hằn đậm nên được truyền thụ qua nhiều đời. Những nghi lễ đó không những không mất đi mà thậm chí, có khi lại được bảo tồn vẹn nguyên hơn, tươi tắn hơn.

Chúng tôi xin đi vào một số nghi lễ, tín ngưỡng thuộc nhiều nguồn khác nhau (có thể gốc xuất phát của nó từ thuyết vạn vật hữu linh, thờ đất, thờ nước, thờ cây, thờ đá, thờ thần, Đạo giáo, Khổng giáo…) nhưng những nghi lễ đó đều được gắn với dòng tín ngưỡng Hai Bà Trưng như một trong những đặc trưng phải kể đến khi đề cập đến dòng tín ngưỡng này.

Trước nhất xin bắt đầu từ tín ngưỡng thờ cây.

Người ta tin rằng con người và cây cỏ có mối quan hệ qua lại. Trong tín ngưỡng người Việt, nếu một ai đó trong gia đình chết đi, tất cả cây cối trong vườn nhà - đặc biệt những cây do người quá cố trực tiếp trồng và chăm sóc - đều phải để tang. Có thể dùng vôi trắng bôi lên thân cây hoặc lá cây. Có thể đeo/buộc một mảnh khăn trắng – khăn tang quanh gốc hoặc cành cây để chứng tỏ sự liên hệ giữa người đã khuất và các cây cối trong nhà. Sự liên hệ này còn đặc biệt linh nghiệm nếu người quá cố là chủ gia đình và có địa vị cao trong xã hội. Trong một vài trường hợp, những cây cổ thụ trở nên còi cọc, héo úa và chết đi sau khi người chủ của nó đi về thế giới bên kia thì người ta lập tức liên hệ với đám tang và nghi lễ để tang cho cây cối. Nếu đã làm thủ tục để tang cho cây mà cây vẫn chết thì đó là dấu hiệu chấm dứt vĩnh viễn sự liên hệ của người và cây. Cây quá thương nhớ người chủ cũ mà “đi” theo chủ. Trường hợp quên không “để tang” cho cây thì việc cây cổ thụ trong nhà “chết” là một hệ quả tất yếu trong suy nghĩ của mọi người. Cũng có những trường hợp liên hệ ngược giữa cây và người. Những cây cối cổ thụ trong vườn nhà hoặc những cây cảnh lâu năm gắn bó với người trồng ra nó, chăm sóc nó tự nhiên không lý do mà héo úa, chết đi – đó là những dấu hiệu xấu báo hiệu cho sức khoẻ, thậm chí cả sinh mạng của người chủ đang bị đe doạ. Người ta liền nghĩ ngay đến vận xấu sắp tới và tìm mọi cách phòng trừ. Trường hợp bất khả kháng, kết thúc bằng cái chết thì được “quy kết” là người đó số mạng kém, và cái chết là một tất yếu vì “cây chết” là bằng chứng cho cái chết của người chủ nó. Như vậy, với tín ngưỡng người Việt – cây được hiểu ngầm một vế nào đó chính là cây sinh mệnh, cây thiêng. Với đất nước thảo mộc như Việt Nam , mối liên hệ giữa cây và người, cây và thần thánh, cây và sự thiêng liêng được kết gắn chặt chẽ trong đời sống tâm linh. Chả thế, đến với di tích nào chúng ta cũng bắt gặp những loài cây thiêng được trồng xung quanh như cây đa, cây si, cây muỗm, đại, bồ đề, thông… Những cây thiêng này khiến di tích “thiêng” hơn vì bản thân những cây này được coi là “cây vũ trụ”, cây có nhiều mấu, mắt gồ ghề như trường tồn cùng thời gian và không gian. Cây thiêng đó là nơi cả thần và người đều gửi gắm nhiều thông điệp. Cây thiêng là nơi thần (hoặc ma) thường đến: Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; Cây gạo có ma, cây đa có thần; Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa…Cây thiêng thường là nơi con người gửi tới những khẩn cầu, mong muốn, nguyện ước về may mắn, xa rời bất hạnh, rủi ro. Chúng ta vẫn thường thấy quanh cây thiêng trong di tích chùa, đền, đình, miếu hoặc chợ… của không gian làng xã Việt, còn lưu nhiều dấu vết tâm linh như những ông bình vôi, những cối đá cũ, chày giã cua sứt mẻ, những hòn đá kỳ dị, những hòn đá đã từng là ông đầu rau… được gửi/để quanh thân cây, gốc cây. Tức là từ mối liên hệ giữa cây và người trong phạm vi gia đình bé nhỏ, với sự thăng hoa của niềm tin tín ngưỡng, mối quan hệ giữa cây và người đã bước vào các di tích thiêng liêng và mãi mãi trở thành một biểu tượng thiêng để con người ngưỡng vọng. Ở đây, mối liên thông qua lại giữa cây và người cũng còn được hiểu rộng hơn vì lẽ, có thể ngược lại, từ di tích thiêng, mối liên quan cây – thiêng và người bước vào không gian gia đình như một sự lây lan văn hoá tự nhiên. Tóm lại trong tín ngưỡng người Việt, cây thiêng, trong đó có cây muỗm - một minh chứng sống động của tín ngưỡng Hai Bà Trưng - thực sự đã trở thành một tín hiệu folklore khi đến thăm di tích đền Hát Môn (Hà Tây). Người dân làng Hát Môn, ai cũng biết câu chuyện truyền tai nhau về cây muỗm ngự tại đền Hai Bà. Số là sau khi quyết chiến nhiều trận với giặc, đặc biệt sau trận huyết chiến tại Lãng Bạc, quân của Hai Bà Trưng suy yếu và thương vong rất nhiều, bản thân Hai Bà cũng bị thương nên phải lui về căn cứ Cấm Khê. Trên đường về Cấm Khê, Hai Bà Trưng dừng chân tại Hát Môn. Dân làng Hát Môn ra nghênh đón và dâng bánh trôi, muỗm ngự lên Hai Bà. Hai Bà dùng xong liền hỏi bà lão bán quán: “Tình thế thế này liệu chúng tôi còn sống được không?”. Bà hàng vái lạy thưa rằng: “Không biết các bậc tiên thánh thì số mệnh thế nào chứ dân chúng tôi thì khó lòng qua nổi”. Hai Bà Trưng liền gieo hạt muỗm xuống đất. Sau này, từ đó mọc lên hai cây đại thụ mà dân làng lấy đó làm hướng đền thờ Hai Bà. Tương truyền đó là hai cây muỗm vốn trước kia mọc trước đền Hai Bà và người dân quen gọi là cây muỗm Hai Bà. Khi hai cây muỗm quá già và chết đi, dân làng bèn dựng tượng hai người lính với ý nghĩa tượng trưng làm người bảo vệ. Ngày nay, chỗ hai cây muỗm xưa kia được xây hai cây hương nhỏ để tưởng nhó cây muỗm và hai người lính canh. Cũng có ý kiến cho rằng đây là bàn thờ thiên địa hoặc bàn thờ Mộc thần - thần cây muỗm mang tư cách là cây thông linh, trục vũ trụ. Với chi tiết này, chúng tôi vẫn băn khoăn vì các cách giải thích không giống nhau từ phía người dân và các nhà nghiên cứu. Hiện nay, vị trí đặt hai cây hương nhỏ trước sân đền được hương khói quanh năm như trong đền, nhưng hai cây hương này thực sự là nơi thờ hai cây muỗm, hay hai người lính canh, hay hai bàn thờ thiên địa, hay là hai ban thờ mộc thần thì rõ ràng rất khó khẳng định. Chỉ biết rằng, thực tế tại Hát Môn vẫn còn một nguồn thông tin khác cho rằng, hai cây nụ cao to phía cổng chính đền là cây nụ từ thời Hai Bà Trưng còn tồn tại đến bây giờ. Quả thực hai cây lưu niên này có tuổi tác tính theo đời cây đã lâu lắm rồi. Song vấn đề đặt ra, với tư cách cây thiêng từ thời Hai Bà Trưng, do Hai Bà Trưng gieo hạt ngầm chỉ hướng xây đền cho đến hai cây nụ là một sự tiếp nối mà tính địa phương hoá trở thành một minh chứng rõ nét nhất. Cùng với các cây lưu niên khác đã nhiều đời tồn tại quanh di tích khiến di tích trở nên thâm u thiêng liêng, biểu tượng cây muỗm ngự trước kia và cây nụ ngày nay cùng với các cây thiêng khác như cây đại, cây sen… trong khuôn viên cụm di tích Hát Môn góp phần đáng kể làm cho ai đã một lần đến Hát Môn đều không khỏi ấn tượng, cũng như nó thực sự đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân sở tại.

Cây gạo ở chùa Thầy – Hà Nội
Cây gạo ở chùa Thầy – Hà Nội
Tục thờ cây cối ở người Việt Nam được đánh giá là một trong những tục bản xứ. Tục đặt bình vôi dưới gốc cây thực chất không phải để cúng cây mà nó là một thứ ma thuật. Bình vôi chứa sức mạnhma thuật liên quan đến vận mệnh gia đình nên người ta phải tôn trọng gọi là ông bình vôi. Từ lúc mua bình vôi, mua vôi, tôi vôi, sử dụng vôi trong thờ cúng và ăn trầu là liên hoàn những thao tác chứađầy sự kiêng né. Miệng bình vôi càng có nhiều vôi bám thì chứng tỏ gia đình đó càng làm ăn thịnh vượng, bên cạnh đó, tất nhiên, trái lại thì là điểm gở. Ngay cả việc dùng chiếc chìa vôi cũng phảitheo nguyên tắc “ra vào hợp lý”, chỉ được cho que vào và rút que ra lấy vôi. Vôi nhiều quá thì quệt vào miệng bình (miệng ông bình vôi), tuyệt nhiên không bao giờ được phép ngoáy chìa vôi trong bụngông bình vôi. Các bà các mẹ tin rằng nếu ngoáy chìa vôi lung tung sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà “ứng” ngay lập tức là họ sẽ bị đau bụng, sôi bụng. Khi miệng ông bình vôi đã đầy, hoặc bìnhvôi bị rạn, sứt mẻ thì ngay lập tức phải thay bình vôi mới để tránh rủi ro. Những ông bình vôi cũ thường đem ra gốc cây cổ thụ để lại đó, hoặc có người treo ông bình vôi (loại có quai xách) lên nhữngrễ cây để tránh cho ông bình vôi (cũ) nhà mình không bị tiếp tục trầy xước. Họ cũng nghĩ rằng vôi có tác dụng trừ tà nên khi trẻ con sài đẹn đau yếu, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, họ thường lấyvôi bôi vào rốn để chúng có sức khoẻ trong cả năm.

Nói đến ông bình vôi là nói đến mối quan hệ cau - trầu – vôi, một nét văn hoá tâm linh được tổ tiên ta coi là mối quan hệ khăng khít đặc biệt. Trong văn hóa Việt Nam , miếng trầu là đầu câu chuyện không chỉ đơn giản là mời nhau để làm quen mà sâu xa trong triết lý quanh miếng trầu chính là một loại bùa yêu ma thuật. Mối quan hệ trầu – cau – vôi chính là quan hệ cây – đá - người, là mối quan hệ gắn với tập tục thờ cây cối. “Vôi với trầu cau là một phối hợp ma thuật giữa chất đá và chất mộc, tự nó đã như linh thiêng, chứa chất ở gốc cây cổ thụ càng làm tăng thêm khí thiêng cho cây. Một gốc cây có nhiều bình vôi cũ chồng chất thành đống tự nhiên biến thành một nơi linh thiêng đáng thờ cúng. Đấy là từ ma thuật biến sang tôn giáo rồi vậy” (1). Gắn bó với tục thờ cây là những hình thức thờ cúng như sau:

Một cái gò có cây cổ thụ; Một cái gò có án xây dưới gốc cổ thụ; Một gốc cổ thụ với một cái án xây.

Sau này, đình làng thay thế dần cho vị trí của hình thức thứ hai (một cái gò có án xây dưới gốc cổ thụ) cho nên thổ thần được mở rộng biên độ cai quản một khu đất nhỏ nâng lên thành bảo hộ cho dân trong một ngôi làng. Việc thờ cúng tại đình thay thế cho việc cúng tại gốc cây nên “sự chuyển dịch từ gò đống, án, miếu đến đình vẫn còn lại cái cây để tượng trưng cho ý nghĩa linh thiêng. Nhưng đáng lẽ các thần lnh ngự tại trên cây thì ở đình các ngài lại ngự nơi bài vị với sắc phong của nhà Vua để trong hòm sắc trên ngai đình” (2).

Thổ thần và thành hoàng đều là thần được thờ phụng theo nghi lễ địa phương và phân thành 4 cấp trật: Chúng sinh cô hồn, thổ thần, thành hoàng và đức thánh. Những thần này được gọi là hệ thống Dương thầncó quan hệ với cây linh. Do quyền uy to lớn của đức thánh bao phủ khắp một xứ nên nghi lễ và độ linh thiêng của thánh cũng rộng hơn. Người ta tin tưởng rằng những cây cổ thụ nguy nghiêm trong di tích có quyền năng huyền bí. Thời “vua” Lê Thái Tôn có lệnh cấm không chặt những cây to và nhân dân tin rằng chỉ phạm vào một cái lá cũng đủ đau ốm. Cái đức linh ấy là vì một phần năng lực thần linh của Đức Thánh đã ngự vào những cây ấy” (3). Đó là chuyện cây cối và các nam thần.

Đối với nữ thần – Âm thần, cây cối gắn với lực lượng này thường được biểu hiện ra bằng những đồ mã treo gắn lên cành cây, thân cây trong di tích do những người phụ nữ mang đến cúng tiến. Từ 5 hạng cây:

Cây không đứng một mình; Cây có bệ xây; Cây che phủ một ngôi miếu; Cây che phủ một ngôi đền; Cây vừa che vừa phủ đền, vừa che phủ miếu, người ta nhận thấy mức độ linh thiêng được nâng cao dần. Thấp nhất là hàng Cô – con gái đồng trinh chết yểu. Thứ đến là Bà – gái có chồng nhưng giữ được trinh tiết. Cao nhất là Thánh Mẫu hay Mẫu là Chúa. “Trên đây là tín ngưỡng bản xứ chưa pha trộn với các yếu tố ngoại lai. Những tín ngưỡng cổ xưa của bình dân về cây cối linh thiêng, về đá đất, mà thành một bộ ba đầy đủ, nhất là sự “hợp nhất thờ cúng một nữ thần như Thánh Mẫu, một cây cổ thụ và một tảng đá thành tinh”. Cây, đá, linh hồn phụ nữđấy là bộ ba tối linh trong tín ngưỡng Việt Nam bình dân cổ xưa. Tín ngưỡng ấy về sau mới pha trộn với Phật giáo và Đạo giáo thành một phức thể tôn giáo Việt Nam ” (4). Trở lại đền Đồng Nhân (Hà Nội), tài liệu vẫn còn ghi rõ, tại những gốc cây to trong khuôn viên đền, vào dịp chính hội, từ xa đã thấy lủng lẳng những chiếc nón, đôi hài… hàng mã treo quanh gốc cây như một tín hiệu đặc trưng cho vị linh thần Hai Bà Trưng đang ngự trị trong đền. Việc lý giải vị trí Hai Bà Trưng thả hột muỗm đánh dấu hướng ngự đền sau khi hoá chính là một trong những dấu hiệu cổ xưa của tín ngưỡng thờ cây cổ hơn lẩn khuất qua dáng hình của tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng. Sau này, dưới tác động của thời thế, các lớp văn hoá muộn bồi vào và được cắt nghĩa theo những quan điểm khác nhau như chúng tôi đã trình bày ở phần trên.

______________

1, 2, 3, 4. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tái bản, tập 1, Nxb TP. HCM, 1992, tr 226, 228, 229, 232.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới