Tìm thấy dấu vết tổ tiên trực hệ của loài người
Những người phản đối thuyết tiến hoá thường dựa vào luận điểm cho rằng còn thiếu cái gọi là dạng trung gian giữa người và vượn. Trong thực tế, hiện nay, các nhà cổ sinh học và nhân chủng học đã tìm thấy quá nhiều mắt xích trung gian như thế. Không có loài sinh vật nào có lịch sử nguồn gốc đa dạng như loài người chúng ta. Vấn đề chỉ là từ những dạng trung gian ấy làm sao sắp xếp lại thành cây phả hệ cho hợp lý để biết được dạng nào xuất phát từ dạng nào.
Tạp chí “Nature” số ra gần đây đã thông báo về việc phát hiện ra những dấu vết của tổ tiên xa xôi của chúng ta, có thể đây là tổ tiên “mang tính chất trung chuyển” rõ nét nhất từ trước đến nay. Đó là mắt xích mới nhất trong số những mắt xích còn thiếu, tương thích một cách tuyệt vời đối với vị trí trung gian giữa hai giống vượn – người đã từng được biết đến. Mắt xích này đóng vai trò quan trọng trong cây phả hệ của loài người.
Lịch sử cổ nhân chủng học – nói một cách ngắn gọn nhất - đó là một loạt những phát hiện theo trật tự đảo ngược so với diễn biến thực tế và phân bố theo không gian của chúng, để từ đó “tiếp cận” với những tổ tiên xa xôi nhất của loài người. Vào năm 1859, khiDarwincông bố công trình “Về sự hình thành của các loài”, hoàn toàn không có những mô tả về hoá thạch người tiền sử. Một thời gian ngắn sau đó, xuất hiện những thông tin về người Neaderthal, sống ở châu Âu 200.000 – 300.000 năm trước và rất giống với người hiện đại. Vào khoảng thời gian giữa thế kỷ XIX và XX, người ta phát hiện ra hoá thạch của người homo erectus tại Java và Trung Quốc. Giống người này sống cách đây khoảng 2 triệu năm nữa. Tiếp đó, là việc phát hiện ra hoá thạch người australopithecus. Đầu tiên là ở Nam Phi, nơi họ sống cách đây hơn 2 triệu năm; tiếp đến là ở Đông Phi, nơi có người australopithecus còn sớm hơn (3 triệu năm trước). Cuối cùng là ởEthiopia. Tại đây, người ta tìm thấy những hóa thạch người australopithecus có tuổi là hơn 4 triệu năm.
Người ta đã từng coi những phát hiện trên đây là những “mắt xích” tạo thành một “đường thẳng tiến hoá”. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XX xuất hiện một “nhánh rẽ cụt”, đó là hiện tượng những người australopithecus khổng lồ sống cùng với những người nhỏ nhắn. Hơn nữa, tổ tiên giả định của chúng ta còn tồn tại đến tận thời kỳ mà lẽ ra con cháu của họ đã phải thay thế họ rồi: Người homo erectus chắc chắn đã sống tại Java 30.000 năm trước, mặc dầu người neaderthal xuất hiện trước đó 200.000 năm. Người neaderthal còn sống ở châu Âu cách đây 30.000 năm, trong khi người homo sapiens xuất hiện ở châu Phi 180.000 năm trước. “Đường thẳng” hình thành loài người do vậy đã biến đổi cùng với thời gian thành “cây phả hệ” ngày càng nhiều nhánh, còn mô hình “đường tuyến tính” biến thành tập hợp những “điểm rời rạc” biểu thị các thế hệ con cháu với dạng xuất phát ban đầu nguyên vẹn.
Những năm cuối thế kỷ XX mang lại sự phức tạp mới: Gần như cùng một lúc, tại ba địa điểm thuộc châu Phi, người ta tìm thấy những hóa thạch cổ, trước thời kỳ người australopithecus (khoảng 5 triệu - 7 triệu năm). Những hoá thạch này cổ xưa đến mức người ta xếp chúng vào danh sách những loài mới, với những tên gọi sahelanthropus tchadensis (từ Tchad), orrorin tugenensis (từ Kenia) và ardipithecus ramidus và kadabba (từEthiopia). Cây phả hệ của chúng ta không chỉ thêm nhánh mà còn có thêm rễ, còn thân cây thì hoàn toàn biến mất. Lý do là trong rất nhiều giống người, rất khó phân biệt dòng giống của chúng ta với những dòng giống phụ cận và rất khó xác định những mắt xích dẫn đến dạng người homo sapiens.
Trong bối cảnh đó, phát hiện nói trên trở nên rất có giá trị. Một đoàn nghiên cứu quốc tế gồm 22 người (trong đó có những nhà khoa học nổi tiếng như Tim White, Johannes Haile – Selassie, Clark Howell) đã tìm thấy trên bờ sông Awash thuộc vùng Afar –Ethiopia, 30 mẫu vật thuộc ít nhất là 8 người trong lớp trầm tích có tuổi từ 4,1 triệu đến 4,2 triệu năm. Chúng thuộc về giống người australopithecus anamensis, được nghiên cứu rất ít. Điều quan trọng ở đây là vị trí, độ tuổi và đặc điểm nhân chủng học của những hoá thạch.
Vùng Afar và con sông Awash thật sự là cái mỏ của những hoá thạch vượn người. Nơi đây người ta từng tìm thấy hoá thạch “Lucy” nổi tiếng (người A.afarensis, có thời còn được gọi là cụ tổ của tất cả loài người). Tại đây, người ta cũng vừa tìm thấy hộp xương sọ người có tuổi 180.000 năm… Nói chung, có thể xác định tính chất của những hoá thạch vừa tìm được là tính chất quá độ, giao thời. Dưới quan điểm của giải phẫu học, chúng nằm giữa giống người ardipithecus và A.afarensis, còn dưới quan điểm sinh thái học, chúng là trung gian của vượn người đầu tiên và australopithecus. Chúng tồn tại trong một giai đoạn ngắn, khi đã không còn ardipithecus và trước khi xuất hiện A.afarensis (3,6 triệu năm trước). Cho đến nay, ứng với giai đoạn này, người ta mới chỉ biết đến những hoá thạch A.anamensis từ Kenia với tuổi từ 3,9 triệu đến 4,2 triệu năm. Do vậy, phát hiện khảo cổ mới nhất chắc chắn sẽ biểu thị sự phân bổ khác của giống người này tại bắc Ethiopia, trên vùng đất có bán kính chừng 1000km. Phát hiện mới này cũng sẽ cung cấp dữ liệu bổ sung cho chuỗi tiến hoá ramidus – anamensis – afarensis trên cùng một khu vực. Sự hình thành người australopithecus diễn ra trong thời gian không quá 200.000 năm. Bởi vậy, dường như chúng ta đã tìm thấy mắt xích còn thiếu thật sự, cho biết ở đâu và khi nào xuất hiện những người australopithecus đầu tiên.
Nguồn: Gazeta, gdtd.com.vn, số 49,25/04/2006.