Tìm hướng nghiên cứu phù hợp
Năm 2000 chị Oanh sang Nhật làm tiến sĩ về sinh học phân tử tại trường Đại học nữ Nara . Mặc dù đã quen với phong cách học tập và làm việc của người Nhật do đã từng được sang Nhật Bản 1 năm khi còn là sinh viên khoa Sinh của trường đại học Sư phạm Hà Nội, thời gian đầu chị vẫn phải chạy đua với thời gian để làm quen với môi trường mới. Theo chị Oanh, học tại một trường nữ ít áp lực hơn những trường đại học lớn khác tại Nhật Bản cũng là một may mắn vì mình cảm thấy rất thỏa mái với công việc và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống. Nhờ sự giới thiệu của giáo sư hướng dẫn, chị đã có hợp tác nghiên cứu với một số phòng thí nghiệm ở trường Đại học Kyotohay Tokyo . Sự hợp tác này đã giúp chị mở rộng mối quan hệ và hòa nhập vào với môi trường làm việc tại Nhật Bản.
Kim Thị Phương Oanh tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Đại học nữ Nara năm 2003. Làm nghiên cứu về sinh học phân tử và tin sinh học tại Nhật Bản từ năm 2003-2008. Từ tháng 9/2008 là nghiên cứu viên của Viện công nghệ sinh học Việt Nam . |
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Đại học nữ Nara, chị Oanh tham gia vào nhóm nghiên cứu tin sinh học tại Viện năng lượng nguyên tử Nhật Bản. Làm việc trong một chuyên ngành mới có sự tương tác mạnh giữa sinh học và tin học, chị Oanh phải mày mò ôn lại những kiến thức về lý sinh, toán và cả lập trình. Ở các nhóm nghiên cứu tin sinh học, người ta cần ở nhà nghiên cứu sinh học nêu lên được các bài toán về sinh học, cùng tham gia vào việc phân tích dữ liệu, tìm ra quy luật, xây dựng mô hình, phỏng đoán trước khi làm thí nghiệm. Sau khi có mô hình toán tin rồi, nhà nghiên cứu sinh học lại phải xem ứng dụng như thế nào. Suốt năm đầu tiên, chị Oanh chỉ loay hoay làm quen với một chuyên ngành mới.
Những buổi seminar, trao đổi với đồng nghiệp… giúp chị bớt khó khăn trong nghiên cứu. Năm thứ hai, chị bắt đầu tập trung nghiên cứu vào mảng riêng. Năm thứ ba chị đã có thể viết báo công bố kết quả nghiên cứu. Kết thúc hợp đồng làm tại Viện, chị Oanh quay trở lại làm nghiên cứu tại trường đại học nữ Nara và tiếp tục theo hướng sinh học phân tử có ứng dụng chính những kết quả nghiên cứu tin sinh học: sử dụng kết quả tin sinh học trong phỏng đoán tương tác protein-RNA để xây dựng mô hình thí nghiệm kiểm tra tính chính xác. Chị tiến hành trong hai năm tại trường Đại học nữ Nara cùng với 1 giáo sư và 2 sinh viên và đạt những kết quả rất tốt.
Tháng 2/2008 chị trở về Viện Công nghệ sinh học tham gia vào đề tài Giải mã và xây dựng cơ sở dữ liệu genome tôm sú. Công việc cần tới những kiến thức về tin sinh học. Tuy nhiên, chị không gặp nhiều khó khăn vì dữ liệu không nhiều, công cụ để xây dựng dữ liệu cũng phổ biến. Đề tài đang trong quá trình nghiệm thu nhưng dường như chị vẫn chưa hài lòng. “Nếu tiếp tục tham gia nghiên cứu theo đề tài, dự án cùng với mọi người thì có thể vẫn làm được. Nhưng điều quan trọng là tìm cho mình một hướng nghiên cứu lâu dài”, chị Oanh tâm sự. “Tôi vẫn đang trong giai đoạn làm quen với điều kiện nghiên cứu ở trong nước vì nhiều hướng nghiên cứu cơ bản làm ở nước ngoài rất khó tiếp tục được ở Việt Nam ”.
Tuy nhiên đã quen với việc nỗ lực theo học những cái mới, thích nghi với môi trường mới, chị không ngại đi qua giai đoạn “chuyển giao” này. Sắp tới chị Oanh tham gia giảng dạy khóa Master tin sinh học tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng với các giảng viên người Pháp. Chị Oanh hi vọng, những khóa đào tạo mới về tin sinh học này sẽ giúp chị có thêm những cộng sự cùng say mê nghiên cứu về tin sinh học. Và rất có thể những ý tưởng mới sẽ đến…