Tiếp cận khía cạnh đạo đức của khoa học và kỹ thuật từ giác độ triết học
Không thể phủ nhận được những lợi ích to lớn của khoa học, của những phát minh khoa học đối với sự phát triển của con người và xã hội loài người, những thành tựu tạo nên cuộc cách mạng trong đời sống nhân loại, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Thực tế ngày càng chứng tỏ luận điểm thiên tài của Mác: Khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới và nâng cao rõ rệt chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu của cách mạng khoa học, kỹ thuật thì rất nhiều những nghiên cứu và các hệ quả ứng dụng chúng lại gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến giác độ "đạo đức của khoa học và kỹ thuật". Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi bước đầu đề cập đến một số vấn đề liên quan đến đạo đức của khoa học và kỹ thuật từ giác độ triết học.
Khía cạnh đạo đức của khoa học
Đạo đức khoa học tập trung vào các hệ quả đạo đức của các nghiên cứu khoa học. Nó liên quan tới cả các cơ sở, chuẩn mực đạo đức trong nội bộ từng ngành khoa học lẫn tác động về mặt xã hội của các quá trình, các kết quả nghiên cứu khoa học.
Đạo đức của khoa học tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi như: Trong khuôn khổ khoa học, điều gì có thể được phép tiến hành xét về phương diện đạo đức? Những đối tượng, lĩnh vực khoa học nào không nghiên cứu thì tốt hơn? Trong chừng mực nào không nghiên cứu thì tốt hơn? Trong chừng mực nào thì nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng và truyền bá các kết quả nghiên cứu của mình?
Chẳng hạn như vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, người ta nhận ra rằng, năng lượng khổng lồ do sự phân rã hạt nhân có thể sử dụng vào việc phát triển vũ khí hạt nhân. Cùng với đó, vài trò của Robert Oppenheime trong việc phát triển và ứng dụng vũ khí hạt nhân đã cho thấy sự xung đột về lợi ích giữa tư duy khoa học, lý tưởng cá nhân và lợi ích quốc gia. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhà vật lý học vĩ đại Einstein - người phát triển các cơ sở lý thuyết đã cương quyết chống lại sự triển khai các loại vũ khí giết người hàng loạt này. Sự phê phán chống lại khoa học trong giai đoạn này chính là việc nó tạo ra các loại vũ khí mà chỉ cần thao tác, ấn nút là có thể xoá sổ toàn bộ cuộc sống của con người trên trái đất.
Từ những năm 1990 trở đi thì trọng tâm của các cuộc tranh luận về đạo đức của khoa học là sự nghiên cứu biến đổi gen và các sản phẩm biến đổi gen. Việc nghiên cứu tế bào gốc cũng đặt ra vấn đề đạo đức gay gắt liên quan đến sự bảo vệ cuộc sống của con người, chống lại những sự can thiệt từ bên ngoài. Tiếp theo đó còn là các cuộc tranh luận về nạo, phá thai, về việc trợ giúp bệnh nhân (bị bệnh nặng vô phương cứu chữa) chết theo ý muốn, về việc nhân bản vô tính động vật và con người… Tất cả những hiện tượng ấy đặt ra vấn đề đạo đức của khoa học và của các nhà khoa học, đặt giới hạn cũng như quyền hạn của khoa học và nhà khoa học: Điều gì họ được phép làm và điều gì không được phép làm? Điều này lại dẫn tới sự cần thiết phải thành lập nên các cơ chế và các cơ quan quản lý về đạo đức đối với khoa học và đối với việc triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Các cơ quan này sẽ tư vấn cho chính phủ và sẽ bao gồm một Hội đồng các nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành trên rất nhiều lĩnh vực: luật học, triết học, tâm lý học, đạo đức học, sử học, kinh tế học, văn hóa học, tương lai học…
Ở đây đã xuất hiện mâu thuẫn: Một mặt, con người cần phải có tự do trong nghiên cứu khoa học, vì đây là cơ sở tồn tại, nâng cao chất lượng sống của con người và còn đáp ứng niềm đam mê, khao khát nghiên cứu chính đáng của các nhà khoa học. Song mặt khác, nhà khoa học lại không được phép nghiên cứu mọi thứ, vì có những lĩnh vực liên quan đến sự phán xét của "Toà án đạo đức", cho dù "Toà án" này phụ thuộc vào điều kiện lịch sử - văn hoá của từng nước, từng cộng đồng riêng lẻ (trong việc đưa ra những quyết định pháp lý về điều gì nhà khoa học được phép làm và không được phép làm). Việc đặt ra "giới hạn" cho nghiên cứu rất có thể lại chính là sự hạn chế, cản trở ghê gớm sự phát triển của ngành khoa học ấy. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, khoa học và kỹ thuật hiện đại trong thời kỳ toàn cầu hoá ngày nay đang phát triển thành một hệ thống có kết cấu phức tạp, đan xen, phụ thuộc chặt chẽ với nhau tới mức không thể dễ dàng loại bỏ các bộ phận khoa học, công nghệ "xấu" và giữ lại các bộ phận "tốt".
Antoine Danchin, nhà khoa học người Pháp, ưa thích câu nói: "Khoa học không cho phép ta quyết định chút nào về các lập trường đạo đức của ta. Nó chỉ có thể giúp ta làm sáng tỏ các ý tưởng chứ không thể định đoạt các giá trị của ta". Chỉ riêng ý thức tuân thủ luật pháp cũng không đủ, đạo đức của người nghiên cứu mới đóng vai trò hàng đầu. Ngay cả khi mỗi người có thể nghĩ rằng mình có thứ "đạo lý riêng" của bản thân, thì đạo lý ấy cũng phải tương hợp với đạo đức của môi trường mình.
Chẳng hạn như nước Pháp lúc này đang nghiêm cấm mọi thí nghiệm trên phôi người trong ống nghiệm, ngay cả những phôi mà người ta huỷ 5 năm sau khi tiến hành lấy ra với sự trợ giúp y tế, một thực trạng mà theo Robert Naquet là gây tổn hại cho mọi công trình nghiên cứu, nhất là liên quan đến việc mở rộng các hiểu biết thuộc về giai đoạn phát triển thời kỳ đầu tiên. Những công trình thử nghiệm phôi trong ống nghiệm đó, cũng như các thử nghiệm khác nữa, đã khiến cho Pháp là quốc gia đầu tiên phải thành lập một uỷ ban tư vấn quốc gia về đạo đức. Mấy năm sau, nước Pháp đã ban hành tiếp những đạo luật về thí nghiệm trên động vật và một số văn bản chế tài các công trình khảo sát trên người và các luật về đạo đức sinh học năm 1994. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vẫn tiến hành rất mau lẹ và các luật ấy không đủ để giải quyết hết mọi vấn đề đạo đức khoa học hiện thời và thường xuyên được xem xét, bổ sung, chỉnh sửa.
Phương diện đạo đức của kỹ thuật
Thời đại hiện nay thường được gọi là thời đại kỹ thuật hay thời đại công nghệ. Người ta tranh luận nhiều về bản chất của kỹ thuật. Tác phẩm Suy ngẫm về kỹ thuật hiện đại của nhà triết học hiện đại về kỹ thuật H.lenka cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về các cuộc tranh luận ấy.
Theo tổng thuật của Lenk, kỹ thuật được hiểu là khoa học tự nhiên ứng dụng (Releau); hệ thống phương tiện mang tính trung lập đối với mục đích nhưng có thể được sử dụng để đạt tới bất kỳ mục đích nào (Spencer, Simmel, Jaspers); hệ thống phương tiện phục vụ việc đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh tế (Gottl-Ottlilienfeld); hệ thống phương tiện làm nhẹ bớt tồn tại của chúng ta (Helen, Jaspers); hệ thống phương tiện nhằm chinh phục tự nhiên (Gottl-Ottlilienfeld); khát vọng của con người; khát vọng quyền lực và bóc lột của con người (Spengler, Scheler); khám phá tự nhiên (Heidegger); kế tục sự nghiệp sáng tạo của Chúa (Dessauer); sự tự giải phóng của con người thông qua lao động (Brinkmann); con người dẫn đến văn hóa (Ortega y Gasset); giải phóng khỏi những hạn chế do tự nhiên áp đặt cho con người (Freier, Schelling); phóng chiếu bản thân vào vật liệu khác, vào cái "không phải tôi" (Helen).
Như chúng ta thấy, hiện tượng kỹ thuật thu hút được sự quan tâm sâu sắc của các nhà triết học. Và điều đó không phải là ngẫu nhiên: số phận con người do kỹ thuật tác động đến gây ra những sự quan ngại trầm trọng nhất. Song lẽ nào con người lại khước từ bản thân mình trong kỹ thuật? Phải chăng con người không thể khắc phục được sức mạnh ma quái của kỹ thuật? Nhân có những vấn đề này mà triết học về kỹ thuật đã phát triển cách tiếp cận hợp nhất đề tài về kỹ thuật với hệ vấn đề đạo đức học. Tư tưởng ở đây là hiển nhiên: đối mặt với những mối nguy hiểm đe doạ con người, vấn đề đặt ra là cần phải có sự giám sát về mặt đạo đức học đối với hoạt động kỹ thuật.
Cần nhận thấy rằng sau khi quan tâm đến kỹ thuật từ phương diện đạo đức, các nhà triết học bị lâm vào một thế nan giải. Thoạt nhìn thì không thể hiểu được tại sao lại có thể đánh giá một "tấm bê tông" về phương diện đạo đức. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm sáng tỏ sự cần thiết của thành tố đạo đức trong hoạt động kỹ thuật của con người. Chúng ta quan tâm đến những suy ngẫm của rmột số nhà triết học kiệt xuất, là những người đã nêu ra các cách tiếp cận thú vị với việc giải quyết vấn đề về phương diện đạo đức kỹ thuât. Phải chăng kỹ thuật và đạo đức học cần phải cấu thành một cặp không tách rời?
Nhà triết học Tây Ba Nha, José Ortega y Gasset quan niệm vấn đề "Kỹ thuật là gì?" là một vấn đề rất nghiêm túc. Đi vào chiều sâu của vấn đề này, theo ông, chúng ta nhận thấy "một cái thực tồn này (tức con người, nếu nó muốn sống) cần phải hiện diện trong cái thực tồn khác - trong thế giới hay trong tự nhiên - như thế nào". Nhưng "sự hiện diện của con người trong kỹ thuật" là gì? Đây vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. José Ortecga y Gasset hàm ý nói rằng, bất chấp con người sử dụng kỹ thuật, song không phải kỹ thuật quyết định nội dung của cuộc sống con người và hơn nữa, thời hiện đại - thời đại có hàm lượng kỹ thuật lớn nhất từ trước tới nay - lại là thời đại nhạt nhẽo và trống rỗng nhất.
Nhà hiện sinh K.Jaspers nhấn mạnh tính chất hai mặt của kỹ thuật. Theo ông, kỹ thuật mang tính hai mặt. Vì kỹ thuật tự thân nó không đặt ra cho mình các mục đích, nên nó nằm ở phía bên kia cái thiện và cái ác hay tồn tại trước chúng. Nó có thể phục vụ cái thiện hay cái ác đối với con người. Bản thân nó mang tính trung lập và đứng đối lập với cả cái thiện lẫn cái ác. Chính vì vậy, cần phải định hướng nó, Jaspers nhận thấy lối thoát ra khỏi tình huống đã hình thành ở chỗ "đạt tới sự hiện diện trực tiếp của tồn tại con người trong mọi sự vật của thế giới thông qua việc thực hiện kỹ thuật". Nhưng ông cũng không trả lời cho vấn đề: đạt tới sự hiện diện trực tiếp của con người trong kỹ thuật như thế nào?
Nhà hiện tượng học E.Husserl cũng quan tâm đến sự khủng hoảng của loài người do sự phát triển không thích hợp của khoa học và kỹ thuật gây ra. Gắn liền với ý thức là cả một chuỗi những ẩn dụ: lý tưởng hóa - hình thức hóa - phương pháp hoá - cơ giới hoá - kỹ thuật hoá. Do đánh mất sự tỉnh táo về mặt triết học, sự bất cẩn của con người có thể dẫn tới việc lãng quên thế giới sống, chính điều này đã xảy ra do thiếu vắng phương pháp hiện tượng học.
Nhà bản thể luận, triết học sinh tồn M.heidegger bàn luận về kỹ thuật một cách rất độc đáo. Ông cho rằng "bản chất của kỹ thuật hoàn toàn không phải là một cái gì đó thuộc về kỹ thuật".
Con người "hiện diện" trong kỹ thuật nhờ những giá trị của mình. Vì những giá trị này không giống nhau, nên kỹ thuật thể hiện ra với con người là một cái mang tính hai mặt. Con người đem lại tính đa dạng về mặt đạo đức cho kỹ thuật, vì bản thân con người cũng đa dạng. Cấu trúc "con người + kỹ thuật" không bao giờ nằm ở phía bên kia cái thiện và cái ác. Heidegger không lý giải bản chất của hoạt động kỹ thuật của con người, nó được quy định bởi định hướng giá trị của con người. Heidegger không tin tưởng thể chế giá trị mà dường như không có khả năng biểu thị đúng bản tính của con người. Cái gọi là những giá trị sinh thái không cho phép con người khai thác tự nhiên một cách tuỳ tiện.
Như vậy, cần phải đặc biệt quan tâm đến những phương diện giá trị của kỹ thuật. Với mục đích ấy thì mỗi lần đều có thể phân tích tỷ mỷ các khoa học kỹ thuật khác nhau - từ kỹ thuật điện tử cho đến ngành chế tạo máy bay - nhờ tách biệt chính xác những giá trị nào đó và những đánh giá gắn liền với chúng. Cần lưu ý rằng nhóm các nhà công nghệ nổi tiếng người Đức đã xây dựng những chỉ dẫn về đánh giá kỹ thuật trên phương diện giá trị, và chúng ta có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của họ.
Bảy giá trị được đưa ra để đánh giá các giả tưởng kỹ thuật với tư cách những giá trị cơ bản: khả năng hoàn thành chức năng, an toàn, khả năng sinh lợi kinh tế, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khoẻ của con người, chất lượng sinh thái, thúc đẩy cá nhân và xã hội phải phát triển.
Trong thời gian gần đây, người ta bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng "Lời thề" kiểu như "Lời thề Hippocrates" trong y học. Theo đó tất cả các nhà khoa học cần phải có "Lời thề" về nghĩa vụ đạo đức của mình. Ý tưởng này đang được UNESCO cổ vũ mạnh mẽ và nó cũng được các nhà khoa học đầu ngành thuộc các Viện nghiên cứu khác nhau, các Liên hiệp khoa học và các Uỷ ban đạo đức hưởng ứng. Một nhà khoa học đã đoạt giải Nobel hoà bình 1995 vì những cống hiến của ông về đạo đức khoa học và cho hoà bình. Trong buổi lễ nhận giải Nobel, ông phát biểu rằng, đã đến lúc phải trình bày rõ ràng những tiêu chí ứng xử đạo đức cho các nhà khoa học và "có lẽ là dưới hình thức một lời thề Hippocrates".
Và thực ra, một dạng tương tự như Lời thề chung đã xuất hiện tại Mỹ khi khoảng 5000 nhà khoa học đã cùng tuyên thệ vào năm 1995: "Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, tôi sẽ chú ý tới các hệ quả đạo đức của công tác nghiên cứu của mình trước khi bắt tay vào nghiên cứu". Trước đó rất lâu, trong Các bài giảng về sứ mạng của nhà khoa học(1974), Fichte cũng đã kêu gọi: "Bổn phận của mỗi nhà khoa học là luôn phải đặt ra những mục tiêu đạo đức liên quan tới con người, xã hội và phải thường xuyên theo đuổi nó trong mọi công tác nghiên cứu khoa học".
Tuy nhiên, chắc là còn lâu chúng ta mới có thể tạo ra được một lời thề chung như vậy, bởi vì thực tế cho thấy: trong khi một số nhà khoa học đề cao lĩnh vực nghiên cứ này thì một số khác lại xem đó là "hiểm hoạ". Nhưng xét đến cùng, điều quan trọng trong Lời thề ấy là việc chịu trách nhiệm hoặc dừng nghiên cứu nếu kết quả của nó gây tổn hại đến lợi ích chung của toàn nhân loại.