Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/03/2010 16:33 (GMT+7)

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải: “Càng giúp nông dân, càng tìm được nhiều phương pháp"

Với ông, giúp nông dân là giúp cái gì quan trọng nhất?

Phương thức sản xuất mới chỉ cao  hơn kỹ năng  cũ của họ một chút.

Cái “một chút” ở đây là được đo theo chuẩn nào, thưa ông?

- Ví dụ thế này nhé: Họ có thói quen đổ ụp sọt thanh long lên sàn ôtô, tôi hướng dẫn xếp thanh long vào sọt thấp hơn chiều cao sọt, bê để lên ôtô. Dưa hấu, thấy họ lăn, vứt  uỵch  quả dưa, tôi nói trải  khăn vải ra, bưng để lên trên, chậm rãi thôi. Mận tam hoa chín, họ lấy gậy đập, nhặt trái rụng, tôi chỉ cách ngắt. Camquýt họ vừa bứt, vừa nói chuyện, rồi ném xuống đất. Camquýt bứt thì đau tay, năng suất lại thấp. Có vùng chuyên canh quýt tôi đến,  phát ra 126 cái kéo cắt quýt, chẳng  ai muốn dùng.

Tôi nghĩ cách bảo bọn trẻ con lấy kéo cắt quýt thi, thấy “hay hay”, có hiệu quả, bà con làm theo. Tôi nghe nông dân kể, đêm, họ nằm đếm có 98 tiếng bịch, sáng hôm sau, ra vườn nhặt đúng 98 quả sầu riêng chín rụng. Tôi nói với họ, nên tích cực chủ động, ban ngày đi gõ, thấy trái chín 85% là hái. Rất nhiều chuồng trại ở nước ta sai về cách và thời gian chiếu sáng, nông dân cứ nghĩ, con lợn, con gà, cần gì ánh sáng?

Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí,  rồi mới tới thức ăn, nước uống - những yếu tố quyết định kết quả chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Việc rửa thức ăn cho gia súc, gia cầm, đơn giản nhưng rất cần thiết. Chiếu sáng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, sử dụng dung dịch hoạt hoá điện hoá (nước ozone), theo tôi là hai yếu tố có tác dụng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi, lại ngăn chặn dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng thịt.

Là một tiến sĩ vật lý, chuyên gia chế tạo các đầu thu laser, ông lại “ngoặt” sang việc giúp nông dân?

- Có thể áp dụng rất nhiều kiến thức lý sinh khi ra giúp nông dân. Thế này nhé: Quả cam người ta thường xếp thẳng, trái nhanh thối vì nước đọng ở núm. Tôi khuyên nông dân  để dốc nghiêng, vì khi dốc nghiêng, núm sẽ không đọng nước. Vì nghiên cứu đầu laser mà tôi biết cách chiếu sáng cho gà đẻ nhiều trứng, làm hoa nở đẹp, hãm hoa không nở… Áp dụng những kiến thức “cao siêu” vào những việc đơn giản, giúp nông dân có kết quả vì  những kiến thức đó là của tôi, không phải kiến thức vay mượn. Càng giúp nông dân nhiều, càng tìm ra được nhiều cách giúp nông dân.

Có khi nào ông nghĩ, tại  sao một chút cách thức làm việc đơn giản nhưng hiệu quả,  mà  bấy lâu nay, không ai  nghĩ  tới và chịu thay đổi?

- Tôi sinh ra ở Hà Nội. Thời gian tôi “xắn tay áo”  giúp nông dân nhiều nhất, có kết quả, tính đến nay  mới chỉ 15 năm, từ 1995; nhưng từ bé cho đến khi ra trận chiến đấu, đi học... tôi  luôn gắn với nông dân. Tôi nghĩ, cái “khác người” của tôi, chính là khi tới vùng nào, việc đầu tiên bằng con mắt của một nhà vật lý quan sát thật nhanh những thói quen xấu của nông dân trong lao động-sản xuất, những thói quen làm giảm chất lượng, sản lượng sản phẩm. Chữ xấu ở đây được xét dưới trình độ văn minh lao động.

Thưa ông, thói quen bắt đầu từ những hành động  có lựa chọn. Khi sự lựa chọn sai lầm cứ tiếp tục xảy ra, nó sẽ trở thành  thói quen xấu. Thói quen xấu của nông dân VN là được  tích tụ trong một nền kinh tế tiểu nông tồn tại hàng ngàn năm?

- Tôi nghĩ, tất cả do không có kỹ năng lao động. Không có kỹ năng bởi không được giáo dục. Chúng ta thường xuyên nói thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nhưng tôi có thể nói,  hiện chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật thấp: Những nông dân biết cắt lúa, hái vải, thu thanh long, chăn lợn đúng cách… Cần thay đổi cung cách ứng xử với sản phẩm mình làm ra. Không nên nhầm lẫn giữa phong thái làm việc chậm rãi với  cách làm việc lề mề, dềnh dàng.

Với tôi, quan trọng khi giúp nông dân là làm động tác mẫu để họ làm theo. Chỉ việc, ai cũng có thể chỉ, nhưng phải biết làm mẫu chính xác, để nông dân làm theo, vừa làm vừa giải thích vì sao có động tác ấy. Giúp nông dân không được phép sai. Mảnh ruộng, con bò, con lợn của họ  không phải là phòng thí nghiệm. Không có thời gian, cơ hội làm lại…

Từ đầu thế kỷ 20, một số học giả của nước ta chỉ rõ, phê phán những tính xấu của người Việt nói chung và nông dân Việt nói riêng. Tôi được biết, có những nghiên cứu xã hội đưa ra một phác thảo chân dung người Việt qua 10 đặc trưng cơ bản, trong đó nhấn mạnh: Nông dân Việt cần cù song dễ thoả mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng, ít quan tâm  đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm,…

- Tôi cũng đã từng nói thẳng: Nông dân Việt Nam không phải là người cần cù. Tôi vẫn thường gặp những phụ nữ 54 tuổi trèo cây hái vải bởi con cái  bỏ đi chơi, những người phụ nữ dân tộc làm lụng, trong khi ông chồng uống rượu say khướt... Tôi chỉ nông dân cách dùng nước ozone trừ sâu bệnh cho cây, họ nhờ luôn, thôi, bác phun nốt giúp cháu, cháu còn bận đi ăn cỗ ba ngày ở làng bên. Nông dân VN không kiên trì, họ bảo thủ,  không cầu tiến.

Cái  nguy nhất củanông dân hiện nay là thoả mãn  với lợi lộc nho nhỏ trước mắt vừa có được, tâm lý “Ăn chắc/mặc bền”, “Nhịn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng” vẫn còn phổ biến. Họ  chỉ mơ những điều nho nhỏthôi, rau trái từ 800 đồng bán lên 900 đồng, trong khi nếu chịu khó đầu tư một chút, có thể thu nhập cao hơn… Một cân quýt ở địa phương khi rộ mùa họ bán 3000 đồng, khi quýt lên giá 7000đồng/kg, thấylời  gấp đôi, họ  đã vội đòi bán.

Khi tôi về  HN, họ nói dối với cả chủ tịch xã là quýt thối rồi, đề nghị lãnh đạo xã điện cho ông già Ôzôn nên bán đi. Tôi khuyên họ, cứ yên tâm, dùng nước ozone  có thể bảo quản trái cây được lâu, chờ bán được giá. Một số hộ vội vàng bán với giá 7000 đồng/kg. Một số hộ “thử” chờ, một thời gian  sau, quýt cháy hàng, có những hộ bán được 30.000 đồng/kg…

Khi tới giúp nông dân, tôi cũng có thói quen quan sát cực nhanh để nghĩ tới  tiếp ngay một điều: Họ sắp sửa nói không thật với mình  cái gì đây. Nghĩ vậy không phải để “bắt vở” họ mà  vì hiểu tâm lý “phòng thủ” của nông dân  xuất phát từ nỗi lo bị trị, bị trả thù, trù úm, chẳng hạn cả xã đang có vẻ sạch, riêng chuồng trại của nhà họ  gia súc bị bệnh, thế là họ làm xã mất điểm thi đua…

Chính quyền với họ vẫn là  cái gì đó mang tính răn đe. Họ sợ họ làm không hợp ý cấp trên… Tôi hiểu có những trường hợp, sau khi được giúp, họ không nói thật vì luẩn quẩn trong nỗi lo  bị nhà khác nghĩ là họ khá lên, giàu hơn, trong khi xung quanh họ vẫn còn người nghèo.

Nông dân Việt - tư tưởng bầy đàn vẫn còn, nghe ngóng, đợi người  khác làm, bắt chước, làm theo. Cái dở là sau khi biết người ta làm như thế nào, làm theo thì nhiều khi lại “cải tiến”, nhưng thực ra là bỏ qua công đoạn sản xuất, bớt xén vật liệu. Đặc biệt, 20-30 năm trở lại đây, là tâm lý “trên chưa bảo, chưa dám làm”…

Ông thường nói thẳng với nông dân về những thói quen xấu của họ?

- Nói thẳng chứ. Nói trong những cuộc tập huấn ở hội trường, trước hàng trăm người, nói khi ra đồng hướng dẫn cho bà con. Tôi nhìn nhận những thói quen xấu của nông dân để hiểu và tìm cách phù hợp giúp họ. Nhiều nơi, bà con đã trở nên thân thiết. Có dịp, thỉnh thoảng trở lại ghé thăm họ, họ lại vồn vã “báo cáo” tình hình  về chuồng gà “mình”, đồng làng “ta”, đầm tôm “mình”…

Biết ông Khải chẵn 10 năm, có dịp vài lần cùng ông đi thực tế, nhưng đôi khi  băn khoăn, tôi vẫn nói  thẳng ông với ông, sự sốt sắng giúp người của ông có thể bị suy diễn…; ông lại “can dự”, góp ý khá nhiều vấn đề... Ông Khải cười “Quan trọng là nói đúng  quy luật tự nhiên. Tôi được học hành cơ bản, nghiêm túc”.

Tôi biết, có những nông dân trẻ, những hộ gia đình khi gặp khó khăn vào “bước đường cùng”, thường  lắng nghe, làm theo, tiếp nhận sự giúp đỡ của ông Khải. Nhiều người  vượt lên hẳn, trở thành ông chủ. Kinh nghiệm “thương đau” từ vài lần thất bại khi đi giúp nông dân, khiến ông Khải  rút ra được một điều, giúp nông dân, phải có sự ủng hộ, phải cùng với chính quyền địa phương. Vai trò, tầm nhìn của chính quyền địa phương quan trọng. 

Cuộc trò chuyện  giữa tôi và “Ông già Ozone” thỉnh thoảng lại bị ngắt quảng bởi những cú điện thoại, tư đồng nghiệp các báo gọi nhờ ông tư vấn cho các bài viết, từ một Việt kiều Canada gọi về đặt hàng bóng đèn huỳnh quang, từ Bình Thuận, Đồng Tháp, Đà Nẵng, nơi tháng một vừa qua, ông vừa ra giúp…

Trong cuộc gặp mặt cuối năm 2009 ở Cty CP Rạng Đông, ông  Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch UBMTTQVN - nói với ông Khải: “Giúp nông dân Việt Nam giàu hơn lên là một việc cực kỳ quan trọng và rất to lớn”.

Một trong những chương trình  của TS Khải được biết đến nhiều là chiếu sáng tiết kiệm. Từ năm 2006 TS Khải hợp tác với một số các nhà khoa học Trung Quốc thiết kế, chế tạo thành công bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí có kiểu dáng khác với các loại đã có trước đây, công suất tiêu thụ điện năng 0,01W.

Sau 2 năm thử nghiệm, được kiểm định ở nhiều viện nghiên cứu của Trung Quốc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Việt Nam, đã đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, từ 1.1.2008 hai loại bóng này và các loại bóng huỳnh quang, LED khác được ứng dụng rộng rãi không những chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn cả Mỹ, Đức, Canada, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn Quốc… Trong 2010, “Ông già Ôzôn tiếp tục“ tiếp những chương trình giúp nước sạch, bảo quản trái cây,  chiếu sáng hợp lý, tiết kiệm điện…

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.