Thuyền thúng composit, phương tiện an toàn cho ngư dân bám biển
Nói về duyên cớ sáng chế thuyền phao, ông An cho biết, sau khi nghe thông tin về hậu quả cơn bão Chanchu tháng 5/2006, ông đã nghĩ đến một loại thuyền thúng phao composit vừa có thể thay thế thuyền tre truyền thống vừa có thể biến thành phao cứu sinh. Từ tháng 5 - 2006, quyết định bỏ ra số tiền 60 triệu đồng lặn lội, ngược xuôi đến với ngư dân vùng ven biển Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam… để tìm hiểu thêm những nguyên nhân đưa đến tử vong, mất tích trên biển khi bị bão. Ông nhận thấy, ở nước ta thuyền thúng tre, thúng chai… của hàng chục vạn ngư dân vùng biển, là phương tiện đi lại, đánh bắt hải sản ven bờ cũng như câu mực đại dương rất phổ biến. Nhược điểm lớn nhất của nó là không an toàn, khi gặp sóng to, gió lớn, thuyền dễ bị đắm hoặc bị rơi xuống biển thì khả năng sống sót rất hạn chế. Để khắc phục nhược điểm đó ông bắt tay thử nghiệm làm một mô hình thuyền thúng phao kích thước bằng ¼ thuyền thật.
Qua nhiều lần cải tiến, đến nay ông đã cho “ra lò” 4 thuyền thúng phao: 2 thuyền thúng phao composit AN - 3 dùng cho lưới cản và 2 thuyền thúng phao AN - 5 dùng cho câu mực. So với thuyền thúng chài đan bằng tre truyền thống, sản phẩm này có nhiều ưu thế vượt trội về độ bề (thời gian sử dụng có thể lên tới 10 - 15 năm), tiện dụng, an toàn. Chìa khoá công nghệ chính là chiếc van nằm ở đáy. Khi van đóng, thuyền thúng phao hoạt động như thuyền bình thường. Khi thuyền chìm, người bị nạn phải tìm cách mở van phao. Lúc đó, lực đẩy của nước tác động lên phao làm cho nước trong lòng thuyền thoát qua van ra ngoài và thuyền sẽ nổi trở thành phao cứu sinh. Nạn nhân khoá van phao, tát nước ra khỏi lòng thuyền để tiếp tục công việc hoặc chờ cứu hộ.
Theo tính toán của ông An, với thuyền thúng phao đường kính ngoài 2 mét, sức chở tối đa là nửa tấn, nghĩa là phải có một trọng khối như vậy làm lực nén mới làm cho phao ngập ngang bằng với mặt nước. Để đảm bảo cho phao có độ nổi cao hơn mặt nước từ 20 - 30cm, thuyền thỉ nên trở tối đa 4 - 5 người. Thuyền thúng phao có dây an toàn nhằm chống chịu va đập của gió bão. Một đầu dây dính chặt vào thuyền, một đầu có móc khoá vào đai thắt lưng, giúp người trên thuyền luôn giữ được mối liên hệ với thuyền. Bên ngoài thành thuyền còn có một quai phao làm chỗ vịn cho người bị nạn. Khi muốn chuyển sang phao cứu sinh này thành thuyền, chỉ cần đóng van và tát nước ra ngoài.
Sáng chế của ông Nguyễn Xuân An đã được các nhà khoa học đánh giá rất cao. Vật liệu của sản phẩm thoả mãn TCVN - 6282: 2003 (quy phạm kiểm tra và chế tạo các tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thuỷ tinh). Thậm chí nó có thể giúp ngư dân vượt qua siêu bão, vì với vật liệu bền chắc như composit và với bọt xốp, thuyền thúng phao không thể bị chìm, cũng rất khó bị phá hỏng và có độ bền lên tới 10 năm. Thêm nữa, đây cũng là loại phương tiện mới an toàn cho người đi biển, góp phần phát triển bền vững nghề đánh bắt thuỷ sản, giảm thiểu thiệt hại cho bà con ngư dân.
Chiếc thuyền thúng phao cải tiến của ông An được đưa đi thử nghiệm ở một số tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Bình Định… Bà con ngư dân rất phấn khởi khi đón nhận. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất với bà con là thiếu kinh phí. Ông An cho biết một chiếc thuyền thúng thông thường giá dưới 1 triệu. Trong khi chiếc thuyền thúng phao, mặc dù không lấy tiền bản quyền sáng chế, nhưng chi phí sản xuất cũng là 6 triệu đồng. Ai cũng thấy lợi ích từ thuyền thúng phao cải tiến, nhưng bỏ tiền đầu tư thì rất khó khăn bởi đây là số tiền không nhỏ của ngư dân miền biển. Đồng thời cũng là nỗi băn khoăn của người sáng chế ra sản phẩm rất tiện ích này. Ông hy vọng kỹ thuật làm thuyền thúng phao được chuyển giao được cho các cơ sở từ thiện, khuyết tật sản xuất để ngư dân có thể mua dùng với giá rẻ hơn.