Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 09/05/2011 22:18 (GMT+7)

Thương cha bạo bệnh, anh dân cày trở thành kỹ sư sáng tạo

Trong một lần đến Bệnh viện Đa khoa hữu nghị Việt Nam - Ba Lan tác nghiệp, vô tình chúng tôi được bác sỹ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, giới thiệu về “kỹ sư” chân đất vì tình yêu thương đấng sinh thành đã bỏ bê đồng ruộng, vắt óc sáng chế ra chiếc máy thở nhân tạo tự động, thay thế bong bóng thở mà con người phải thâu đêm hết ngày mệt nhoài túc trực. Bác sỹ Lân cũng cho biết thêm, không chỉ sáng chế cho cha mà hiện nay, người đàn ông có tấm lòng thơm thảo này còn lắp tặng cho nhiều người có hoàn cảnh tương tự, khiến ai cũng cảm động khôn nguôi. Mang theo sự khâm phục về sức mạnh của lòng hiếu thảo chúng tôi đã tìm về xã Nam Kim, huyện Nam Đàn để tìm gặp anh Võ Minh Đức, chủ nhân của sáng tạo về tình yêu thương đấng sinh thành.

Sức mạnh của lòng hiếu thảo

Căn nhà nhỏ của anh Võ Minh Đức nép mình lặng lẽ sau lũy tre già soi mình xuống dòng sông Lam. Trước nay, căn nhà ấy vốn nhỏ, lại được ít người biết đến nhưng hơn một năm nay, từ khi tiếng lành đồn xa về khả năng đặc biệt của Đức, nhiều người có người thân bạo bệnh đã tìm đến. Trong căn nhà vốn dĩ chỉ chất đầy dụng cụ sản xuất nông nghiệp ấy nay cũng rất nhiều các dụng cụ “linh kiện” để làm chiếc máy thở. Mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm của mùa vụ, anh Võ Minh Đức vẫn xoay ra làm nốt cái còn dang dở vì có người đang cần gấp. Anh cũng không nhớ mình đã làm tới cái thứ bao nhiêu, chỉ nhớ rằng hễ làm xong là có người đến mang về sử dụng luôn, thậm chí có hôm nhiều người còn ở luôn tại nhà anh để đợi sản phẩm ra lò.

Anh Võ Minh Đức chia sẻ, cơ duyên đưa anh đến với những thứ máy móc, dây rợ lỉnh kỉnh này là trong một phần cha anh ngã bệnh, phải nhập viện cấp cứu với tình trạng hôn mê sâu. Ròng rã trong mấy tháng trời, mọi người trong gia đình phải thay phiên nhau chăm sóc. Vì không đi lại được, cũng không tự thở được nên để duy trì sự sống cho ông cụ, hết mẹ rồi các em và cả anh đều phải vò võ trắng đêm để bóp trái bóng thở. Lúc bấy giờ, tại Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan (Vinh), bệnh nhân thì đông, có thời điểm hai người phải nằm chung giường trong khi những chiếc bóng thở của bệnh viện thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều bữa, nhìn thấy người nhà bệnh nhân giành nhau chiếc bóng thở mà anh Võ Minh Đức không khỏi xót xa. Cha anh bị bạo bệnh, đang rất cần chiếc bóng thở nên hơn ai hết, anh hiểu nỗi khát khao được kéo dài sự sống của người thân. Hình ảnh người cha nằm bất động, phải “cứa họng” để kéo dài sự sống, cùng với đó là hình ảnh mẹ, chị gái vò võ trắng đêm bên giường bệnh bóp bóng thở cho cha đã trở thành động lực thôi thúc Võ Minh Đức phải làm một điều gì đó để báo hiếu trước khi quá muộn.

Thương cha mẹ thì nghĩ thế nhưng thực sự điều cần làm là gì thì anh cũng không hình dung nổi. Sự sống của cha phụ thuộc cả vào đôi bàn tay gầy rộc của mẹ và chị. Nếu bất cẩn, họ rời chiếc bóng bóp thì hậu quả sẽ khôn lường. Nhiều đêm, ngồi thay mẹ duy trì sự sống cho cha mà Đức không khỏi băn khoăn, tại sao không có cách gì đó để thay thế đôi tay, không cần dùng sức mà chiếc bóng bóp vẫn hoạt động đều đặn? Bố nằm viện một thời gian thì gia đình anh xin phép đưa về nhà bởi không còn giường điều trị dài ngày vì bệnh nhân quá đông. Thời gian này, mọi khó khăn đều đổ dồn lên vai những người thân, đặc biệt là với Võ Minh Đức. Là trụ cột trong gia đình, Đức được ưu tiên việc bóp bóng oxy cho cha vào ban đêm để ban ngày còn bận ra đồng sản xuất. Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian, lần lượt là mẹ, chị gái đến cô em út đang là công nhân tận Sài Gòn trở về cũng tiều tụy hẳn vì phải túc trực bóp bóng đều đặn mỗi ngày. Thế rồi, trong một đêm vò võ bên cha, một lần vì quá mệt, vừa chợp mắt thiếp đi thì Võ Minh Đức giật mình tỉnh dậy bởi tiếng chuông báo giờ từ đồng hồ treo tường vang lên. Trong không khí tĩnh mịch của đêm, tiếng kim giây tích tắc cộng với quả chuông cứ đều đặn lắc đi lắc lại mà không cần tới bất cứ tác động cơ học nòa từ bên ngoài đã khiến anh Đức chú ý. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu anh: Tại sao mình không làm một chiếc máy thở, có thể tự động co bóp bóng oxy mà không cần tới bất cứ sự tác động ngoại lực nào nhỉ? Từ đấy, anh Võ Minh Đức đã âm thầm ấp ủ giấc mơ sáng chế của mình.

Sau một thời gian mày mò tìm tòi, cộng với việc chịu khó đến các cửa hàng sửa chữa điện tử nhờ tư vấn, Võ Minh Đức đã đúc rút được một số kinh nghiệm. Theo anh, cái khó là phải tìm cho được loại mô tơ có vòng quay phù hợp, có thể điều chỉnh tương đương với nhịp tim, và điều khó hơn là mơ tơ phải bền vì loại máy này chạy liên tục, không bao giờ nghỉ. Từ đó, Đức đã rất nhiều lần đi hết mọi ngõ ngách của thành phố Vinh để tìm hiểu nguyên lý, kích cỡ của mô tơ điện tử của các loại máy móc hiện có. Tuy nhiên, sau nhiều lần anh mua về thử đều không đáp ứng được vì hễ chạy được một lúc là nóng máy. Đang trong lúc thất vọng nhất thì một người bạn cùng làm nghề sửa chữa điện tử ở thị trấn Nam Đàn biết ý định của Đức đã tìm giúp một chiếc mô tơ. Có được “báu vật”, anh vội chạy như reo về nhà, mở đồ nghề ra rồi hì hục làm ngày làm đêm như thể sợ chậm trễ một giây là sẽ mang tội bất hiếu với đấng sinh thành. Hết ngày đến đêm, hết đêm đến sáng, tính ra là 22 ngày mới làm ra hình hài chiếc máy. Chiếc máy đã quay được những vòng đầu tiên nhưng cái khó là làm thế nào để điều chỉnh vòng quay cho phù hợp với nhịp thở, bởi chỉ cần một chút sai lệch là có thể dẫn đến hậu quả xấu ngay lập tức. Lấy chính bản thân mình ra để làm thử nghiệm, Võ Minh Đức vừa tự điều chỉnh các vòng quay vừa ước lượng lượng oxy do nó phát ra. Sau khi thấy vừa đủ, anh lại chuyển sang cho cha, hai cha con ra hiệu thống nhất, và vì cha anh không nói được nên phải trao đổi bằng ám hiệu duy nhất là ánh mắt. Khó khăn trăm bề. Sau cả tuần hì hục điều chỉnh, đến lúc mắt cha cũng đã nhấp nháy, anh Đức cùng những người thân trong gia đình ôm nhau cười trong nước mắt. Từ nay, mọi người không còn phải bóp bóng thâu đêm, mà cha vẫn được duy trì sự sống, thậm chí là sống khỏe nhờ bóng thở hoạt động đều đặn hơn nữa là đằng khác. Nhờ chiếc máy thở do anh Đức sáng chế mà ông cụ đã sống thêm được gần một năm nữa kể từ sau khi bệnh viện trả về. Quan trọng là tinh thần của cả cha lẫn mẹ anh đều thoải mái, hài lòng vì những ngày tháng cuối đời đã nhận được sự bù đắp xứng đáng từ đứa con có hiếu.

Sáng chế máy thở miễn phí cho bệnh nhân bạo bệnh

Câu chuyện về bố của anh Võ Minh Đức bị bệnh viện trả về đã sống thêm được gần 1 năm đã khiến cho nhiều người không tin nổi. Họ càng bất ngờ hơn khi biết điều kỳ diệu đã giành ông lại từ thần chết, ấy là sáng chế của đứa con trai có hiếu, người mà cả đời chỉ biết đến “ruộng sâu trâu nái”. Nhưng rồi, câu chuyện không hề thêu dệt ấy cứ ngày càng một lan xa. Cho đến một ngày nọ, tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, nhiều người có người thân đồng cảnh ngộ đã tìm đến nhà anh Đức để mục sở thị. Người đầu tiên là con trai của bác Nguyễn Văn Hà, bệnh nhân đang kéo dài sự sống bằng cách bóp bóng thở oxy đã mấy tháng nay. Thương cho người nghèo lâm trọng bệnh, anh Võ Minh Đức đã bàn với gia đình mang luôn chiếc máy của nhà mình cho người bệnh này mà không hề lấy một đồng xu. Sau bận ấy, bệnh nhân Nguyễn Văn Hà đã trở về nhà điều trị, không phải vào bệnh viện nữa. Đến lúc này, những người cùng chung cảnh ngộ mới thực sự tin vào khả năng “thần kỳ” từ sản phẩm độc nhất vô nhị của anh dân cày nên đã đến tận nhà năn nỉ anh Đức tiếp tục sáng chế, giá đắt chừng nào họ cũng sẵn lòng. Không thể từ chối, anh lại lăn ra làm chiếc máy thứ hai, rồi chiếc thứ ba, thứ tư. Đến nay, bằng việc làm thủ công, anh Võ Minh Đức đã làm đến chiếc máy thứ năm và thật đáng khâm phục là mặc dù mất khá nhiều thời gian, công sức để làm một chiếc máy như thế nhưng anh tuyệt nhiên không tơ hào của người khác một xu. Võ Minh Đức tâm niệm, đa phần những gia đình có người thân bạo bệnh đều nghèo khổ, họ cũng giống như gia đình anh, như mẹ và chị em anh nên rất cần một sự sẻ chia, giúp đỡ.

Võ Minh Đức cho biết thêm, sau khi một số sản phẩm của anh đến được với bệnh nhân nghèo, đến nay đã có hàng chục đơn đặt hàng nhờ lắp máy nhưng anh cũng chỉ mới làm giúp thôi, chưa nghĩ đến chuyện kinh doanh. Trong những chiếc máy tới đây, anh đang nghiên cứu cải tiến thêm mấy điểm nữa để hoàn thiện và sử dụng dễ dàng hơn. Anh cũng chia sẻ thêm, vì máy thở liên quan đến sức khỏe con người nên một số thủ tục về y tế phải làm chặt chẽ. Được sự giúp đỡ và tư vấn của các bác sỹ tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, hiện Võ Minh Đức đang xúc tiến việc đăng ký tác quyền cũng như một số thủ tục khác. Dù đang còn rất nhiều việc phải làm nhưng anh quyết tâm sẽ đi tới cùng để ngày càng có nhiều hơn nữa những sản phẩm máy thở hoàn thiện, để giúp cho bệnh nhân và người nhà của họ bớt đi một phần khó khăn, vất vả khi chẳng may lâm phải trọng bệnh.

Bác sỹ Vũ Ngọc Lân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, cho biết: “Trong lúc máy thở oxy ở bệnh viện rất ít, bệnh nhân lại rất đông thì máy thở cá nhân của anh Võ Minh Đức là cứu cánh cho nhiều bệnh nhân phải thở máy, đồng thời giải phóng cho đôi tay của người nhà bệnh nhân phải thâu đêm suốt sáng bóp bóng thở. Đặc biệt hơn, chiếc máy này còn có tác dụng kéo dài sự sống cho bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp nặng”.

 

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.