Thuốc mới trị bệnh đái tháo đường týp 2
Tùy theo tình trạng thiếu hụt insulin, người ta phân biệt đái tháo đường làm 2 loại: đái tháo đường týp 1 và đái tháo đường týp 2.
- Đái tháo đường týp 1 có sự thiếu insulin tuyệt đối do tế bào beta (tế bào tiết ra insulin) của tuyến tụy bị quá trình tự miễn gây hủy hoại hoàn toàn. Đái tháo đường týp 1 thường xảy ra ở người trẻ tuổi, và trong điều trị, bắt buộc phải dùng insulin (vì vậy, đái tháo đường týp 1 còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin).
- Đái tháo đường týp 2, có sự thiếu insulin tương đối do giảm tiết insulin hoặc có sự đề kháng insulin , tức là sự tiết insulin không thiếu nhưng insulin không nhạy cảm, không cho tác dụng trên các cơ quan đích (như mô cơ, mô gan). Đái tháo đường týp 2 thường xảy ra ở người trên 40 tuổi và có thể bị béo phì. Điều trị đái tháo đường týp 2, thông thường không dùng đến insulin mà dùng thuốc hạ đường huyết loại uống (vì vậy, đái tháo đường týp 2 còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin).
Trong đái tháo đường týp 2, sự thiếu insulin do 3 bất thường: giảm tiết insulin, đề kháng insulin (do giảm tác dụng của insulin trên tế bào mô đích, đặc biệt là tế bào cơ) và tăng sản xuất glucose từ gan.
Cơ chế tác dụng của các thuốc trị đái tháo đường týp 2 dạng uống nói chung giải quyết vấn đề giảm khả năng tiết insulin của các tế bào bêta tuyến tụy do tế bào bêta bị hủy hoại, có kèm theo hoặc không kèm theo sự kháng insulin của tế bào mô đích là tế bào mô cơ.
Hiện nay, người ta phát hiện sự giảm khả năng tiết insulin của các tế bào bêta còn bị chi phối bởi các hormon peptid có tên incretin do niêm mạc đường tiêu hóa tiết ra khi thức ăn thức uống đi qua dạ dày-ruột. Khi thức ăn thức uống đi qua dạ dày-ruột cũng có nghĩa là sẽ có lượng glucose hấp thu vào máu sau khi ăn, phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẵn sàng hạ hàm lượng glucose trong máu xuống mức bình thường. Bằng các incretin được tiết ra, trong đó có GLP-1 (viết tắt của Glucogon-Like Peptid -1, tức peptid-1 giống glucagon) là hormon có tác dụng mạnh nhất, cơ thể tạo sự kích thích tế bào bêta tiết ra insulin để hạ hàm lượng glucose trong máu xuống đến mức cần thiết.
Các incretin sau khi được tiết ra sẽ hoạt động một thời gian ngắn (5-6 phút) và sau đó bị phân hủy bởi enzym thủy phân peptid có tên DPP-4 (dipeptidyl-peptidase-4). Biết được cơ chế của sự giảm tiết insulin do các incretin, đặc biệt do GLP-1 gây ra và cơ chế hủy incretin, người ta phát minh ra 2 loại thuốc mới trị đái tháo đường týp 2 theo cơ chế sau:
Thuốc tăng cường hoặc bắt chước incretin
Năm 1995, exenatid là thuốc tổng hợp đầu tiên thuộc nhóm này được đưa ra thị trường để trị đái tháo đường týp 2 theo cơ chế giống như GLP-1 và bền vững với tác dụng phá hủy của DPP-4, Exenatid còn được gọi là chất chủ vận GLP-1 hay chất bắt chước GLP-1, là một polypeptid cấu tạo bởi 39 acid amin. Exenatid có cấu trúc tương tự đến 53% so với GLP-1 và được tìm ra nhờ sự phát hiện hợp chất exendin-4 có trong nước bọt của kỳ nhông (lizard) có tên Gila monster (tên khoa học Heloderma suspectum) sống ở một số bang ở miền Tây Nam nước Mỹ.
Dùng exenatid không cần điều kiện là niêm mạc đường tiêu hóa phải có khả năng tiết ra incretin tức GLP-1 (vì đã có chất thay thế GLP-1) nhưng nhược điểm của thuốc này là phải dùng đường tiêm giống như insulin. Exenatid được bào chế dưới dạng tiêm dưới da, khi dùng liều 10mcg exenatid, nồng độ thuốc tối đa sẽ đạt sau 1,2 giờ. Thời gian bán thải vào khoảng 2,4 giờ. Thuốc được khuyến cáo tiêm 2 lần trong ngày, liều ban đầu mỗi lần 5mcg, lưu ý tiêm 1 giờ trước khi ăn (không được tiêm sau khi ăn).
Sau 1 tháng dùng liều ban đầu, mỗi lần 5mcg, có thể tăng liều đến 10mcg. Tác dụng phụ của thuốc: buồn nôn, ói, tiêu chảy, chán ăn, sút cân, nhức đầu, chóng mặt. Thuốc có thể dùng phối hợp với các loại trị đái tháo đường týp 2 khác tùy theo chẩn đoán và chỉ định thuốc của bác sĩ. Chỉ định của exenatid hiện nay thường là kết hợp với metformin hoặc sulfonylure (ở giai đoạn phải kết hợp 2 thuốc) hoặc với cả hai (ở giai đoạn phải kết hợp 3 thuốc).
Thuốc ức chế enzym phân hủy incretin, cụ thể là DPP-4
Cuối năm 2006, thuốc ức chế DPP-4 đầu tiên được đưa ra thị trường là sitagliptin. Thuốc thứ hai thuộc nhóm là vildagliptin cũng đã được chấp nhận dùng trong điều trị. Thuốc ức chế DPP-4 do bất hoạt enzym phá hủy GLP-1 nên kéo dài đời sống của hormon này. Vì vậy, điều kiện dùng các thuốc nhóm này là niêm mạc đường tiêu hóa phải còn khả năng tiết ra GLP-1. Ưu điểm của thuốc là dùng dạng viên uống. Sitagliptin cải thiện đáng kể mức HbA1C khi dùng một mình hoặc kết hợp (với metformin hoặc TZD), sitagliptin có thể làm giảm HbA1C 0.6-0.9%.
Đặc biệt, sitagliptin không gây tăng cân, không gây tụt đường huyết quá đáng. Chỉ định hiện nay của thuốc ức chế DPP-4 là kết hợp với thuốc hạ đường huyết khác như kết hợp với metformin hoặc với sulfonylure hoặc TZD (ở giai đoạn kết hợp 2 thuốc) hoặc kết hợp với cả 2 vừa kể (ở giai đoạn kết hợp 3 thuốc). Đã có thuốc kết hợp sẵn thuốc ức chế DPP-4 với metformin đưa ra thị trường như sitaglipptin/metformin hay vildagliptin/metformin.
Hiện nay, các thuốc trị đái tháo đường týp 2 mới chưa được lưu hành trong thị trường thuốc ở Việt Nam , hy vọng trong thời gian ngắn nữa ở ta sẽ dùng các thuốc này một cách rộng rãi.