Thuốc lãng quên
Xoá hết những ưu phiền
Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó bạn không may gặp một tai nạn. Bác sĩ có thể chữa cho bạn lành mọi vết thương trên cơ thể, nhưng còn nỗi ám ảnh trong tâm hồn? Hãy uống một vài viên “thuốc quên” và đi ngủ. Khi thức dậy, ký ức về vụ tai nạn đã biến mất. Bạn sẽ lại hăng hái, yêu đời như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Viễn cảnh kỳ diệu trên đang gần với hiện thực hơn bao giờ hế nhờ nỗ lực của các nhà khoa học trong việc phát triển các loại thuốc có khả năng xoá hết những ký ức đau khổ, phiền muộn. Ít nhất cho đến thời điểm hiện nay đã có một loại được thử nghiệm và cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Đó là propranolol, một dược chất khá phổ biến trong điều trị cao huyết áp.
Câu chuyện về “thuốc quên” propranolol bắt đầu từ một khám phá thú vị về trí nhớ. Trong khi nghiên cứu về quá trình hình thành ký ức ở chuột, giáo sư James McGaugh (đại học California, Mỹ) đã phát hiện ra hormon adrenaline giúp tăng khả năng ghi nhớ ở chuột. Ông tin rằng điều tương tự cũng xảy ra ở người. Nhiều người có thể nhớ rõ từng chi tiết của một vụ tai nạn xảy ra đã hàng chục năm trong khi không thể nhớ nổi hôm qua mình đã làm gì là vì sau tai nạn, căng thẳng và sợ hãi kích thích cơ thể tạo ra nhiều adrenaline. Như vậy, nếu tìm được cách ngăn chặn không cho adrenaline tác động đến thần kinh, người ta có thể thay đổi quá trình ghi nhớ, không để ký ức dày và sâu thêm. McGaugh nghĩ đến propranolol. Thử nghiện trên chuột cho thấy những con được tiêm propranolol gần như quên sạch những gì chúng đã biết hôm trước.
Công trình của McGaugh thu hút sự quan tâm đặc biệt của Roger Pitman, một chuyên gia tâm lý tại đại học Harvard (Mỹ), người đã nhiều năm tìm kiếm một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Pitman đã tiến hành thử nghiệm dùng propranolol theo một số cách khác nhau trên những người tình nguyện. Kết quả rất khả quan.
Một bệnh nhân nữ dùng propranolol 4 lần một ngày trong vòng 10 ngày sau 3 tháng kiểm tra đã không còn biểu hiện bị ám ảnh bởi vụ tai nạn mà cô gặp phải nhiều năm trước đó. Một người khác là nạn nhân của một vụ cưỡng bức từ khi còn nhỏ nên thường xuyên gặp ác mộng và cảm thấy lo lắng khi gần gũi chồng, sau khi dùng propranolol đã trở lại cuộc sống bình thường. Một số cựu chiến binh từng tham chiến ở Irắc và thân nhân những người tử nạn trong vụ khủng bố 11/9 cũng cho thấy dấu hiệu hồi phục tâm lý và quên dần những ký ức đã từng dày vò họ.
Xoá bỏ ký ức, không phải bao giờ cũng tốt
Mặc dù mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm, song propranolol với vai trò “thuốc quên” đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Bên cạnh lo ngại những tác dụng phụ của thuốc, nhiều chuyên gia còn cho rằng propranolol có thể tác động tiêu cực đến nhân cách con người. Nỗi lo đó không phải là không có căn cứ. Nếu như mọi người lính trở về dùng thuốc để quên đi ký ức về cuộc chiến thì sẽ còn ai đứng lên tố cáo bản chất thật sự của chiến tranh? Hoặc nếu mỗi người thất bại, thay vì hối hận, dằn vặt, người ta lại tìm quên lãng bằng propranolol. Đáng ra sẽ học được rất nhiều từ thất bại thì học sẽ chẳng được gì ngoài một khoảng chống ký ức. Đau khổ, tiếc nuối, day dứt giúp người ta trưởng thành. Như thế, xoá bỏ chúng đâu phải lúc nào cũng tốt.