Thuốc kháng viêm không steroid
Cũng như các thuốc corticoid, NSAID có tác dụng chống viêm vì ức chế sự tạo thành prostaglandin (PG), nhưng khác corticoid ở chỗ, chúng ức chế men cyclooxygenase (COX), xúc tác sự tổng hợp PG từ acid arachidonic, trong khi corticoid lại ức chế men phospholipase, thúc đẩy phản ứng tạo acid arachidonic từ phospholipid của màng tế bào. Ngoài tác dụng chống viêm, NSAID còn làm giảm đau, hạ sốt nên cũng được gọi là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm; chúng không có tác dụng chống dị ứng, chống sốc, và đặc biệt, không gây ức chế miễn dịch như các thuốc corticoid.
Có rất nhiều loại NSAID đang được sử dụng trong điều trị, thường hay gặp nhất là aspirin, paracetamol, ibuprofen, diclofenac, indomethacin, meloxicam, acid minesulic,… Trước đây vài năng có một nhóm NSAID rất được ưa chuộng vì chỉ ức chế chuyên biệt COX2, là men xúc tác tạo PG gây viêm chứ không ảnh hưởng đến COX1, yếu tố xúc tác sản xuất PG che chở niêm mạc dạ dày, vì vậy ít gây tác dụng phụ loét dạ dày tá tràng. Sau này, người ta đã phát hiện ra chúng có những tác dụng phụ lên tim mạch, có thể dẫn đến tử vong nên các bác sĩ hiện rất thận trọng khi kê toa cho bệnh nhân nhóm thuốc này mà vẫn sử dụng các thuốc cổ điển vì chúng cho tác dụng tốt mà cả bác sĩ lẫn người bệnh đều có kinh nghiệm sử dụng.
NSAID được chỉ định cho những trường hợp bệnh khớp do viêm như viêm khớp dạng thấp, các chứng viêm không phải do thấp khớp,… dùng giảm đau như đau răng, đau bụng kinh, nhức đầu, đau cơ, đau hậu phẫu, đau do chấn thương, sưng nền, đau bụng kinh (thống kinh)…
Các thuốc kháng viêm không steroid hấp thu tốt qua đường tiêu hoá nên thường được sử dụng ở dạng uống, ít khi phải tiêm.
Để tăng cường tác dụng giảm đau và kháng viêm, có thể phối hợp hai thuốc nhóm này với nhau (như paracetamol và ibuprofen), hoặc với một thuốc khác (như paracetamol và cafein), nhưng người bệnh không nên tự ý phối hợp khi không có chỉ định của thầy thuốc.
Nhóm thuốc này cho tác dụng trị liệu tốt, nhất là làm giảm đau trong những trường hợp viêm, nhưng chúng cũng gây khá nhiều tác dụng phụ mà thường gặp nhất là gây viêm loét dạ dày, tá tràng, có khi nặng đến mức xuất huyết; đó là do thuốc ức chế sự tổng hợp PG, đặc biệt là PGE nên làm giảm lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày dẫn đến loét, xuất huyết. Vì vậy không dùng thuốc này cho những người có tiền sử viêm loét dạ dày. Thuốc còn gây xuất huyết do ức chế tổng hợp PG, tranh chấp với vitamin K, giảm tổng hợp prothrombin, ức chế sự đông vón tiểu cầu nên dễ gây xuất huyết, đặc biệt xuất huyết trong mắt.
Chính vì vậy, không dùng thuốc trong những trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân, ngoại trừ paracetamol, vì paracetamol không có tác dụng trên tiểu cầu. NSAID dễ gây dị ứng, hen suyễn và có thể có dị ứng chéo, khi người dùng bị dị ứng với một thuốc nào trong nhóm thì có thể cũng bị dị ứng với những thuốc còn lại.
Để giảm thiểu những tác dụng phụ, nhất là tác dụng làm loét dạ dày, tá tràng, các nhà sản xuất đã bao viên thuốc trong một màng đặc biệt, chỉ tan rã khi xuống đến ruột (aspirin pH8), khi dùng loại thuốc này cần nuốt nguyên viên, không bẻ hay nghiền nát viên thuốc. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ hạn chế được một phần tác dụng phụ, vì thuốc gây loét là do cơ chế ức chế PG. Khi kê toa loại thuốc này, nếu xác định người bệnh phải uống lâu dài, các bác sĩ cũng thường có các biện pháp phòng ngừa bổ sung như:
- Chỉ định liều thấp nhất có tác dụng;
- Cho bệnh nhân dùng kèm NSAID với một số thuốc có tác dụng chống loétnhư misoprostol ( Cyctotec), thuốc ức chế bơm proton (omeprazol); thuốc kháng H2 như ranitidin, hoặc dùng với các thuốc kháng acid (hydroxid nhôm, ma-nhê).
Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định, không nên tự ý kết hợp các thuốc kháng viêm không steroid với nhau hay với nhóm corticoid, vì sự phối hợp này không làm tăng tác dụng trị liệu mà chỉ làm tăng các tác dụng phụ của thuốc mà thôi. Trong khi dùng thuốc, nên hạn chế rượu bia và thuốc lá vì những thứ này làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 296, 15/11/2005, tr 10