Thử tướng Phạm Văn Đồng với công tác "Giữ gìn sự trọng sáng của tiếng Việt"
1. Về văn bản các bài nói, bài viết của Thủ tướng.
Ở ta, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước quan tâm và trực tiếp phát biểu về những vấn đề của tiếng Việt, như Tổng Bí thư Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài ngành ngôn ngữ học đã có những tìm hiểu bước đầu về vấn đề trên, nhưng chủ yếu là tập trung nghiên cứu về di sản ngôn ngữ của Hồ Chủ tịch, còn đối với quan điểm của của các vị lãnh đạo khác thì còn ít được tìm hiểu một cách hệ thống. Riêng về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì dường như chúng ta biết đến những phát biểu chính thức của ông chỉ về một vấn đề duy nhất có tên là “ Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đây là một vấn đề quan trọng, mang tính xã hội sâu sắc và phát triển tiếng Việt kể từ trước và sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
Bài nói đầu tiên của Thủ tướng tháng 2 - 1966 đã có tiếng vang lớn. Do có sự hưởng ứng mạnh mẽ của cả trong và ngoài giới ngôn ngữ học, bài nói chuyện này đã tạo thành một phong trào rộng lớn trong công tác nghiên cứu và sử dụng tiếng Việt, với tên là “ Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Về mặt văn bản, chúng ta đang có tất cả bài nói và viết của Thủ tướng, đó là: bài nói tháng 2 - 1966 có tên là Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt(in trong tạp chí Văn học 1966, số 3, tr 1 - 5 và 93 - 95); bài nói tháng 10 - 1979 cũng có tên như bài trên là Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt(in trong tạp chí Ngôn ngữ số 1 - 1980, tr 1 - 5); bài này cũng được in trong sách Tổ quốc ta nhân dân ta sự nghiệp ta và người nghệ sĩcủa tác giả (Nxb Văn học, H, 1983), với tên khác là Tiếng Việt, một công cụ cực kỳ lợi hại trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá) (tr 361 - 371). Năm 1999, Thủ tướng (lúc đó là Cố vấn của BCH TW Đảng) cho in bài viết có tên là Trở lại vấn đề: vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt(in trên tạp chí Ngôn ngữ số 6 - 1990, tr 1 - 8). Như vậy, hai bài đầu có in lại trong sách Tổ quốc ta nhân dân ta sự nghiệp ta và người nghệ sĩtrong Phần thứ tưcủa sách dành riêng cho các vấn đề ngôn ngữ và phần nào về ngữ văn nói chung. Chúng ta có thể nói như vậy bởi lẽ cả bốn bài trong phần này đều đề cập đến vấn đề ngôn ngữ (kể cả bài Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện (Sđd, tr 381 - 388)). Ngoài da, chúng ta có thể thấy bút tích của Thủ tướng trong bài Lời giới thiệucho quyển Từ điển tiếng Việtdo Viện Ngôn ngữ học biên soạn (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học - Nhà xuất bản Giáo dục, H, 1994) có đề cập ít nhiều đến vấn đề trên.
Để tiện cho việc trình bày, từ đây chúng tôi gọi bài nói năm 1966 là Bản 1966, bài nói 10 - 1979, in lần đầu tiên 1980, là Bản 1980,bài viết năm 1999 là Bản 1999. Vì sao Thủ tướng lại chọn ba thời điểm khác nhau để trình bày về cùng một vấn đề và thời điểm trình bày có ý nghĩa gì? Trả lời cho thấu đáo các vấn đề trên thực không đơn giản. Theo thiển ý của chúng tôi, Thủ tướng đã trình bày ý kiến của mình ở ba giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam: Bản 1966ra đời khi đất nước còn phân chia làm hai miền, chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và nhiệm vụ giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Bản 1980xuất hiện khi cả nước đã thống nhất và chúng ta đang tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; Bản 1999được phát biểu trong thời kỳ nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong đổi mới với chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do đó, nội dung văn bản về cơ bản là thống nhất, nếu có khác nhau ít nhiều, đặc biệt là Bản 1999, là điều dễ hiểu vì mỗi giai đoạn của cách mạng tuy là cùng giải quyết một loại công tác nhưng đều có tính vấn đề riêng.
Nếu để ý kĩ sẽ thấy một sự khác biệt giữa các bài nói và bài viết của Thủ tướng, có liên quan ít nhiều đến nội dung và lối tình bày. Bởi như đã rõ, nếu các văn bản in của Bản 1966và Bản 1980giống nhau ở chỗ, đây vốn là các bài nóicủa Thủ tướng được ghi chép lại và đưa in sau đó, nên phong cách nói còn thể hiện rõ tính ngẫu hứng của diễn giả, bài in không có chú sách tham khảo và chú thích, thì ở Bản 1999, do là bài viếtnên có phân mục rõ ràng, chú thích các từ, dẫn chứng tỉ mỉ, cách diễn đạt ý và lời, kể cả thuật ngữ, có điều kiện thể hiện kỹ hơn.
Sau đây chúng tôi sẽ đi vào nội dung chính trong quan điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chung ở cả ba văn bản.
2. Những nội dung chính trong ý kiến của Thủ tướng về công tác Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
2.1. Phải nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Mở đầu bài nói, bài viết nào (tức không chỉ nói về ngôn ngữ, mà khi bàn đến nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội khác) từ chức năng và tầm nhìn bao quát để chỉ đạo của mình, Thủ tướng bao giờ cũng nhắc cán bộ phải nhân thức rõ về tầm quan trọng của công tác, công việc đang được quan tâm tới. Ở đây chúng tôi dùng từ “tầm quan trọng” là muốn nói về bản chất và tính khoa học của vấn đề (tính triết học, tính chính trị và thực tiễn) nằm ở lĩnh vực nào trong các cuộc cách mạng mà ta đang tiến hành. Đây quả là những vấn đề rộng lớn, chúng tôi chỉ xin nêu một số nội dung chính sau đây:
a) Trước hết, về bản chất, tính chất và chức năng của ngôn ngữ
- Về bản chất, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Nó găn bó với quá trình hình thành dân tộc, từ thấp lên cao. “Dần dần loài người xây dựng nên các cộng đồng chung về ngôn ngữ từ thấp lên cao về mặt tổ chức xã hội như thị tộc, bộ lạc, dân tộc. Về sau này, khi đã xuất hiện quốc gia thì ý thức về một quốc thống nhất bao giờ cũng gắn bó với ý thức về một quốc gia chung” [4.1]. Ngôn ngữ, do gắn bó với dân tộc, nên nó “góp phần làm bên bản sắc của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác” [4.1]
Tuy là một hiện tượng xã hội, nhưng ngôn ngữ tồn tại như “một hiện tượng sống”, và có sự phát triển liên tục. “Tất nhiên khi đối tượng là ngôn ngữ, thì nói đến phương pháp là nói đến một cái gì chẳng đơn giản bởi vì nó là một hiện tượng sống. Nó sống với con người, đời sống của nó gắn mật thiết với đời sống xã hội, của dân tộc trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Nhưng nó cũng sống đời sống bên trong của bản thân nó” [3.2]. Ở dây tác giả đang bàn đến tính triết học của ngôn ngữ: nảy sinh, tồn tại, phát triển… gắn với đời sống xã hội, nên ngôn ngữ là một loại hiện tượng xã hội. Cũng như các hiện tượng xã hội khác, ngôn ngữ cũng vận động, phát triển theo các điều kiện xã hội, nhưng cũng có quy luật “sống” riêng của mình. “Những biến đổi thường diễn ra khi nhanh, khi chậm và không đều ở các mặt ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, trong đó năng động, mạnh mẽ nhất là bộ phân từ ngữ” và “Sự phát triển của ngôn ngữ trên thế giới đều có tính quy luật chung là từ từ, liên tục, không bùng nổ, không nhảy vọt” [3.3]. Do hiểu được bản chất của ngôn ngữ,con người có thể tác động tích cực làm cho ngôn ngữ phát triển, nhưng cần phải tác động đúng quy luật, cho nên chúng ta cần tìm hiểu kỹ các quy luật của ngôn ngữ. Nếu sự tác động này vừa kiên trì, liên tục, không được nóng vội, vừa đúng quy luật thì chúng ta sẽ duy trì được sự phát triển tốt của ngôn ngữ, còn ngược lại, sẽ làm nó biến dạng, kết quả là sẽ bị lệch lạc và thậm chí không hành chức đầy đủ nữa.
- Về chức năngcủa ngôn ngữ, Thủ tướng nêu và nhấn mạnh hai chức năng chủ yếu của ngôn ngữ: 1/ Là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao tiếp giữa con người với nhau và 2/ Là công cụ của tư duy. Tác giả viết: “Ngôn ngữ nào cũng có hai chức năng chủ yếu, là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao tiếp giữa người với ngừơi và là phương tiện, là công cụ của tư duy” [4. 2]. Ở Bản 1980, tác giả còn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy: “Ngôn ngữ nào tư duy ấy, tư duy nào ngôn ngữ ấy. Sự gắn bó giữa ngôn ngữ và tư duy như hình với bóng” [4.4]. Sở dĩ tác giả nhấn mạnh điều này, bởi cho rằng ngôn ngữ và tư duy “là hai đòn xeo quý báu không ngừng nâng cao hiểu biết của con người trong quá trình đi lên giải quyết các vấn đề của cuộc sống trên mọi lĩnh vực, từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ đời này đến đời khác” [4. 2]. Và sở dĩ ông nhấn đi nhấn lại mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy còn vì điều này gắn với yêu cầu cán bộ đảng viên trong rèn luyện lời ăn tiếng nói. Riêng bài viết năm 1999, tác giả đã dành hẳn một mục (mục I) có tên là Tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với lịch sử loài người và lịch sử các dân tộcđể luận bàn về các vấn đề cơ bản trên.
b) Về ý nghĩa của việc rèn luyện ngôn ngữ
Do ngôn ngữ có vai trò, chức năng là công cụ thể hiện, phản ánh tư duy, tư tưởng nên đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là với người cầm bút, phải có sự rèn luyện ngôn ngữ (cách nói, cách viết). Thủ tướng cũng rất khắt khe với yêu cầu này, vì ông coi rèn luyện ngôn ngữ liên quan đến bản chất của cán bộ, đảng viên, đến trách nhiệm của người cầm bút, đến tư cách cán bộ, đến tác dụng của việc nói và làm. Rõ ràng ở đây Thủ tướng đã tiếp thu được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề ngôn ngữ và tiếng Việt. Từ 1966, ông viết: “Phải dùng tiếng nói của dân tộc, lời nói, cách nói thông thường nhất, mộc mạc nhất, không chỉ có lợi ích lớn là dễ hiểu, mà còn có thể gây cảm xúc mạnh ở người nghe, người đọc” [2. 4]. Thậm chí, năm 1980, ông còn khẳng định hơn: rèn luyện ngôn ngữ còn có ảnh hưởng đến cả sự phát triển của khoa học. Bản 1980, có đoạn viết “Rèn luyện nó (ngôn ngữ - PVH) không tốt đối với pháy triển của tư duy khoa học, sự phát triển của chính bản thân nền khoa học nước ta” [3. 4].
Ngoài ra, việc rèn luyện ngôn ngữ cũng sẽ tránh cho chúng ta các thứ “bệnh”: “bệnh sáo”, “bệnh ba hoa” và “bệnh nói chữ”. Ở cả ba bài viết và ba thời kì khác nhau, tác giả đều nhấn mạnh đến các thứ bệnh nói trên. Tác giả viết ở Bản 1999như sau: “Ở ta, từ những năm 50, trong cuốn “Sử đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã nói đến các thứ “bệnh” ngôn ngữ mà chúng ta thường hay mắc phải như: bệnh sáo, nghĩa là nói và viết theo một cái khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, ở cơ quan nào; bệnh “ba hoa”, nói dài, nói dai, nói dại,. còn nội dung thì rỗng tuếch; bệnh “ba voi không được bát nước xáo”; bệnh “vẽ rắn thêm chân”; bệnh “nói chữ” [4. 3]. Còn trong Bản 1966,chính tác giả đã nhấn mạnh đồng thời phát triển thêm ý tứ trong câu của Bác Hồ: “ (...) Bác Hồ thường phê bình “đã dốt lại hay nói chữ”. Đúng quá, chính vì dốt mà hay “nói chữ”[2. 4].
2.2. Nội dung của quan niệm của Thủ tướng về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
2.2.1 Xét về chữ nghĩa, có thể nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có quan niệm khá đầy đủ và giản dị về cụm từ định danh “giữ gìn sự trong sáng của tiến Việt”. Quan niệm của tác giả về các từ cơ bản trong cụm định danh trên như sau:
- Về từ “ giữ gìn”. Bản 1980, ghi rõ: “Khi chúng ta nói “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì chữ “giữ gìn” ấy bao trùm một ý quan trọng là chúng ta không thể để cho mất đi một cái gì vô cùng quý báu, một cái gì khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt (…)”. Như vậy, từ này hàm ý không đểvà không làmmất đi cái “Vô cùng quý báu” của tiếng Việt (cái bản săc, tinh hoa của tiếng Việt) bằng cách phải bảo vệvà phát triểnnó, trên cơ sở hiểunó một cách sâu sắc. Đây rõ ràng là một yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên, bởi nó không chỉ dừng lại ở hình thức của cách nói, cách viết, mà trước hết là một quan niệmvà một ý thứcvề bản thân tiếng Việt, nhận thứcđược cái “vô cùng quý báu, khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt”. Cái đó, ở nhiều chỗ khác nhau, chính Thủ tướng gọi là cái “bản sắc, tinh hoa” của tiếng Việt.
- Về các từ “trong”và “ sáng”. Cũng trong Bản 1980ghi rõ: “ trong,có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; sángcó nghĩa là sáng tỏ, chiếu sáng, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ điều chúng ta muốn nói tới” [3. 3]. Như vậy, sự “trong sáng” của ngôn ngữ, mà ở đây là tiếng Việt, theo tác giả là cái “thuần tuý”, “tinh tuý”, cái chỉ có ở tiếng Việt, không lẫn với ngôn ngữ nào khác, cái làm nên bản chất, cốt cách của bản thân tiếng Việt. Đương nhiên, cái trong sáng đó, theo tác giả, có thể bị làm vẩn đục, hoặc ở mức độ cao hơn là có thể bị mai một, bị mất đi.
Như vậy, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một công tác nặng nề, từ nhận thức đến việc làm, từ tìm hiểu về nó để nắm bắt nó đến sử dụng nó hiệu quả, từ việc sử dụng tốt ngôn ngữ đến việc tạo điều kiện cho nó phát triển… là những công việc đòi hỏi phải có cả tinh thần trách nhiệm rất cao lẫn kiến thức về nó rất sâu. Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo nàn, lại bị chia cắt và chiến tranh tàn phá, với hai nhiệm vụ chiến lược đè nặng trên vai, trong lúc ngành ngôn ngữ học chưa có cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, … mà thực hiện được chỉ thị này của Thủ tướng thì thực là không phải dễ. Chẳng vậy mà Thủ tướng đã coi việc thực hiện nhiệm vụ này như một “đạo lí” vì nó đã “góp phần chống Mĩ cứu nước trên mặt trận văn hoá” [2. 1].
GS Hoàng Tuệ đã bình luận rất hay về điều này. Ông viết, đại ý: Tiếng Việt, trong lịch sử đã có một quá trình chuẩn hoá, nhưng rõ ràng là “rất tự nhiên”. Chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam là có đường lối đúng đắn và rõ ràng về đường lối dân tộc và ngôn ngữ. “Chiều sâu và tầm cỡ rộng lớn của công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là, trước hết ở cái ý nghĩa lớn lao của nó: ý nghĩa “đạo lí” - như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói. Đạo lí của chúng ta thời nay đối với bao thế hệ người Việt Nam đã xây dựng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Lại vừa là đạo lí đối với con cháu đời sau, đối với tương lai của sự nghiệp cách mạng dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của Đảng quang vinh, ngọn cờ mà chúng ta tiếp tục dương cao” [16.30 - 40].
2.2.2 Vì sao cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Trong logic trình bày của mình, Thủ tướng tuy không đặt ra trực tiếp câu hỏi trên, nhưng cách nói và viết của ông nêu rõ lí do vì sao cần phải tiến hành công tác này. Để trả lời, ông nêu hai lí do, một lí do thuộc về bản thể của tiếng Việt: vì tiếng Việt rất giàu và đẹp, gắn với đời sống xã hội ngàn đời nay của dân tộc ta và là công cụ giao tiếp vô cùng quan trọng giúp chúng ta thực hiện các cuộc cách mạng ở Việt Nam, và vì một lí do nằm ngoài bản thân ngôn ngữ: lí do chúng ta sử dụng tiếng Việt còn chưa tốt.
a) Về tiếng Việt giàu và đẹp, Thủ tướng nhận xét về vấn đề này trong nhiều bài nói và viết của ông, chẳng hạn:
- “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu: tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta, bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu đời và phong phú, kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh với ngoại xâm; bởi kinh nghiệm sống của bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Namvà của dân tộc Việt Nam , của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và của tập thể lớn là dân tộc, quốc gia” [2. 2]
- “Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam , chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng ta đẹp bởi tâm hồn của người VIệt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp” [2. 3].
- (…) “Chính cái giàu đẹp đó đã làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt, kết quả của cả một qúa trình và biết bao công sức dồi mài” [2. 3].
Trên đây là những đoạn văn được đánh giá là rất hay và được trích vào sách giáo khoa phần tiếng Việt để dạy cho các cháu THCS (lớp 7). Tiếp sau đó Thủ tướng giải thích rõ hơn về cái giàu, và cái đẹp để nói về khả năng diễn tả phong phú “không bờ bến” của tiếng Việt, đưa ra nhiều thí dụ minh hoạ. Thủ tướng cũng đòi hỏi chúng ta cần ý thức rõ về điều àny, để biết quý trọng tiếng ta hơn.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản có đề cập đến cái “giàu” và “đẹp” của tiếng Việt, trong sách Tiếng Việt trên đường phát triểnvà có nhân mạnh ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng [14. 177 - 184]. Theo ông, cái giàu của ngôn ngữ thể hiện ở sự phong phú về ngữ âm, sự phong phú về vốn từ, và cả sự phong phú về lối diễn đạt. Tiếng Việt của ta đơn âm tiết nhưng đa thanh, diễn đạt cân đối nhịp nhàng, mượt mà. Chính những sự phong phú trên mà làm cho tiếng ta giàu cộng với sự thể hiện tinh tế và lối nói uyển chuyển “như chim hót” làm cho tiếng ta đẹp. Nhiều người nước ngoài lâu nay học tiếng Việt họ cũng nói như vậy. Hơn nữa, đúng như cách nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Muốn thấy nó đẹp, muốn hiểu được cái đẹp đó, trước hết hãy yêu nó và rộng hơn, là phải yêu nước trước đã!
b) Chúng ta còn sử dụng tiếng Việt chưa tốt
Trước hết, cần thấy rằng đây là thực tế tồn tại ở ngoài ngôn ngữ, không thuộc bản thể ngôn ngữ. Chúng ta sử dụng tiếng Việt chưa tốt do ý thức về cách nói, cách viết, lối tư duy và sử dụng ngôn ngữ của từng cá nhân mà ra. Trong ba thứ “bệnh” ngôn ngữ hay gặp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu ra (bệnh sáo, bệnh ba hoa và bệnh nói chữ, như đã nêu ở phần trên) thì bệnh sáo dần dần ít đi, bệnh nói chữ có lẽ là phổ biến hơn cả, và cho đến hiện nay vẫn rất cần có sự chấn chỉnh.
Ở cả ba bài nói và viết, Thủ tướng đều nói nhiều đến việc sử dụng ngôn ngữ. Ông thường nhắc đến những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Ví dụ, ngay trong bài viết gần đây nhất, Bản 1999, ông nêu lại vấn đề này như sau: “Ở ta, từ những năm 50, trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã nói đến các thứ “ bệnh” ngôn ngữ mà chúng ta thường hay mắc như: bệnh sáo, nghĩa là nói và viết theo một cái “khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, cơ quan nào”, bệnh “ ba hoa”, “nói dài, nói dại, nói dai”,còn nội dung thì rỗng tuếch, “ ba voi không được bát nước xáo”; bệnh “ vẽ rắn thêm chân”, bệnh “ nói chữ”. Sau này Bác cũng nhiều lần nhấn mạnh “ khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng”. Bác thường xuyên nhắc nhở “ tiếng nào sẵn có thì dùng tiếng ta” và đồng thời chỉ rõ “ có những chữ ta không sẵn có và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài” [4. 3].
Như vậy, cũng như Hồ Chủ tịch, Thủ tướng cũng nêu vấn đều vừa chống thói bảo thủ, vừa chống thói lai căng. Nếu có thể coi thói bảo thủ là dùng lối văn sáo rỗng vô hồn, lối văn chương cử tử khuôn sáo, đang còn thịnh hành trong xã hội ta, thì lối văn lai căng (“Tây bồi”), “nói chữ” (dùng chữ Hán trong trường hợp không cần thiết) là thái độ vay mượn một cách lười biếng hay thái độ khoe chữ, thể hiện sự sống sượng, thiếu văn hoá của người nói, người viết. Cả hai lối văn, hai lối tư duy ấy đều đáng phê phán như nhau. Nếu lối văn bảo thủ có phần do trình độ của người nói và viết quyết định nhiều hơn, thì lối văn “nói chữ” lai căng, đa phần do tính cách của người nói, người viết quyết định.
2.2.3 Ba khâu công việc cần làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Theo Thủ tướng, có ba khâu công việc cần làm, đó là:
1. Phải “giữ gìn và phát triển vốn chữ của ta (tôi không muốn dùng chữ “từ vựng”)”.
2. Phải “nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta (tôi muốn thay chữ “ngữ pháp”)”.
3. Phải “giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể loại văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật…).
Tất nhiên, khâu thứ ba có dính với hai phần khâu trên, nhưng nó rộng hơn nhiều và cũng quan trọng hơn nhiều”. [2. 5]
Đây là lời phát biểu trong bài nói của Thủ tướng năm 1966, và được ông nhắc lại trong bài viết năm 1999. Thủ tướng yêu cầu sự tác động vào cả ba khâu này phải “tích cực”, “chủ động”, “nhạy cảm”, đồng thời phải “kiên trì”, phấn đấu “lâu dài”, một cách “có tổ chức”, “có kế hoạch”, “vững chắc” [2. 5]. Có thể thấy rằng ở đây Thủ tướng đề cập đến sự tác động cần yếu cả đến ngôn ngữ (về từ vựng và ngữ pháp) lẫn sử dụng ngôn ngữ (thuộc phong cách).
Ở riêng Bản 1966, tác giả đã cụ thể hoá ba khâu trên hơn nữa để mọi người hiểu rõ về các công việc cần làm. Cụ thể như sau:
- Về vốn chữ, Thủ tướng nêu lại hai khuynh hướng dễ mắc phải, đó là a) “bệnh nói chữ” (ví dụ, nói xạ kíchmà không nói bắn súng, nói cự limà không dùng từ khoảng cách, hay việc dùng không đúng nghĩa các từ tồn tại, trao đổiv.v…); b) bệnh “nói tắt, viết tắt không đúng như cách “nói gộp”: sinh, tâm lý, y bác sĩv.v…). Cuối bài viết của Bản 1999, tác giả giải thích về 7 trường hợp cần chấn chỉnh trong cách dùng từ ngữ một cách khá cặn kẽ, tới khoảng một trang rưỡi, ở phần chú thích. Đối với trường hợp b) ông có phân biệt với cách nói tắt được coi là hợp lí, là Việt minh- Việt Nam độc lập đồng minh, và cho đây là cách nói tắt cần thiết, khác hẳn cách nói gộp vô lối trên.
Thủ tướng cũng cho rằng chúng ta đang đứng trước một tình hình cấp bách, là rất cần chữ mới (từ mới), nhất là thuật ngữ khoa học và kĩ thuật. Tuy nhiên, đứng trước việc nhập “vô tội vạ” từ ngữ nước ngoài, gây khó hiểu cho người nghe, người đọc, thì ông lại phê phán mạnh mẽ và gay gắt.
- Về phép tắc(ngữ pháp)t iếng Việt, Thủ tướng nhắc tới việc học tập cách làm sách ngữ pháp của nước ngoài là cần thiết, nhưng ông nhấn mạnh điều có tính chất phương pháp luận: phải xuất phát từ thực tiễn tiếng Việt. Ông nói: “Phải xuất phát từ cái gì trong lúc suy nghĩ, nghiên cứu? (…) Nghiên cứu nó, ngẫm nghĩ về nó, về cái đặc sắc, cái tinh hoa, cái mầu nhiệm nhất của nó. Phải xuất phát từ đó để nghiên cứu, để nhìn thấy của nó. Phải xuất phát từ đó để nghiên cứu, để nhìn thấy, để xác định những phép tắc, những mẹo luật của nó,… chứ không phải xuất phát từ cái gì khác’ [2. 93]
Ở đây, Thủ tướng khôngchỉ ra cách làm cụ thể như thế nào, mà nêu phương hướng suy nghĩ, cách xác định từ điểm xuất phát, từ góc độ nhìn một cách biện chứng để nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt: phải làm ngữ pháp tiếng Việt từ bản thân tiếng Việt, chứ không “bê nguyên xi” từ hệ thống ngữ pháp của châu Âu vào. Lời căn dặn này của Thủ tướng còn rất quan yếu đối với ngành ngữ pháp Việt ngữ hiện nay.
- Về cách nói, cách viết của tiếng ta
Trong phần này, Thủ tướng đề cập đến các lĩnh vực sử dụng khác nhau về ngôn ngữ, sao cho “thích hợp”. Ông đề cập đến hai lĩnh vực sử dụng ngôn ngữ chủ yếu: lĩnh vực văn học nghệ thuật và lĩnh vực khoa học.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật,ông cho rằng “không sợ nó (tức tiếng Việt PVH) không giàu và đẹp” [2. 94] và có chỗ trước đó ông đã than phiền: “chỉ sợ chúng ta không biết dùng tiếng ta” [2. 2]. Thủ tướng rất tin tưởng rằng ở lĩnh vực phong cách này “chắc chắn rằng nó sẽ phát triển một cách dồi dào, ăn nhập với sự nghiệp cách mạng, với đời sống của nhân dân ta” [2. 94].
Còn đối với lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, mặc dù nhiều lúc ông cho rằng sự vay mượn từ ngữ là cần thiết, nhưng ở Bản 1980tác giả khuyên là nên phát huy hết khả năng của tiếng Việt để diễn tả cái mới: từ mới, thuật ngữ mới, cách nói mới. Phải làm sao để vừa phát triển được tiếng Việt từ khả năng của tiếng Việt, lại vừa phải làm cho tiếng Việt “luôn luôn trong sáng”. Rõ ràng ở đây Thủ tướng yêu cầu rất cao ở các nhà khoa học trong việc phát triển nó trong lĩnh vực công tác của mình. Ông cũng chỉ rõ trong bài viết 1999 như sau:
“Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triểnkhi mà càng ngày nó càng mở rộng và phân biệtcác phong cách ngôn ngữ khác nhau (phong cách khoa học, phong cách hành chính, sự vụ, phong cách nghệ thuật, v.v…)”. “Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi mà nó ngày càng có tính trí tuệ haá và quốc tế hoá”. Từ đó, Thủ tướng kết luận: “Cho nên, ở thời điểm hiện nay trước thềm thế kỉ XXI, cần có nhận thức phù hợp về nội dung của công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là: Giữ hìn cho tiếng Việt luôn trong sáng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của nó” [4].
3. Về các giải pháp chính trong công tác giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Trước khi nêu các giải pháp chính. Bản 1999đưa lại tình trạng đáng báo động trong nhà trườngvà trong đời sống xã hộivề việc sử dụng tiếng Việt, và tác giả coi là một “thực trạng” có tính điển hình cần phải giải quyết. Theo ông, trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, ngữ pháp. Chính Thủ tướng nêu ra các dữ liệu thực tế rất đáng lo ngại ở phần Chú thíchbài. Trong đời sống xã hội, tình trạng viết chính tả (như viết “i” ngắn/ “y” dài, viết hoa các danh từ riêng) không thống nhất, cách dùng từ ngữ sai. “Mặt khác, đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài pha vào tiếng Việt hiện nay rất tuỳ tiện và lạm dụng đến mức báo động” [4. 5].
Do hai phạm vi này (nhà trường và xã hội) sử dụng ngôn ngữ chưa tốt mà Thủ tướng đã nêu bốn yêu cầu cụ thể như sau:
- “Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học, cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử;
- Tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách ngữ pháp và từ điển;
- Đẩy mạnh nghiên cứu lí luật về chuẩn hoá, về phát triển ngôn ngữ;
- Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay”.
Riêng đối với Nhà nước thì cần có càng sớm càng tốt một Hội đồng quốc gia về ngôn ngữđể chăm lo về tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta” [5. 6].
Như vậy là Thủ tướng đòi hỏi phải có những biện pháp tổ chức và thực hiện thiết thực và đồng bộ: trên có “Hội đồng quốc gia về ngôn ngữ”, dưới là tổ chức của các ngành: ngôn ngữ học, giáo dục, các cơ quan thông tin và tuyên truyền v.v… Trong số các ngành cần quan tâm đến vấn đề này, thì ngành ngôn ngữ học và ngành giáo dục có trách nhiệm nặng nề hơn cả: một bên là tổ chức nghiên cứu, điều tra, biên soạn sách công cụ (từ điển và ngữ pháp), nghiên cứu về chuẩn hoá... một bên là biên soạn sách cải tiến cho bậc phổ thông và đại học để bảo đảm việc dạy tốt và học tốt hơn tiếng Việt, sao cho xứng đáng với chữ “chấn chỉnh” của Thủ tướng. Riêng với ngành ngôn ngữ học, trong lần phát biểu năm 1980 của mình, Thủ tướng tâm sự với cán bộ chuyên môn của ngành một cách khá sâu sắc và tỏ thái độ thông cảm. Ông vui vẻ thấy ngành đã đi vào hoạt động của chiều sâu và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quan trọng. Tuy nhiên đây là công việc hết sức phức tạp và khó khăn, nên động viên mọi người làm dần dần, không nên quá thận trọng, cũng không được nóng vội, đoàn kết động viên nhau mà làm. Ông phát biểu rõ: “Trước cái phức tạp ấy, cần phải có thái độ của các đồng chí là đúng, tôi nghĩ vậy, ở chỗ các đồng chí đã thấy rằng không phải vì tất cả cái phức tạp ấy trong sự biến đổi của ngôn ngữ mà rồi cứ để cho nó trôi theo diễn biến tự phát; trái lại ở mặt nào, ở hiện tượng nào trong ngôn ngữ mà cho là có thể chuẩn hoá được, thì cứ chuẩn hoá, cứ quy định (…)” [3. 2].
Từ phát biểu thân tình trên, lần đầu tiên ông nói đế chữ “chuẩn hoá” và nhờ vậy từ năm 1980, đã có phong trào với cái tên: “ Giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hoá tiếng Việt” và sau này có định hướng mới là “ Giữ gìn sự trong sáng, bảo vệ và phát triển tiếng Việt”.
4. Ở trên,chúng ta đã điểm qua về nội dung chính và các vấn đề có liên quan đến trong các bài nói và viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công tác giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Như đã thấy, vấn đề mà Thủ tướng nêu ra vừa quan trọng, vừa có tầm bao quát rộng lớn. Việc học tập và vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng vào công tác này hiện nay, theo chúng tôi nghĩ là rất cần thiết, nhất là khi chúng ta đang có phong trào học tập, và noi theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
- Mác Angghen Lenin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, H. 1962.
- Phạm Văn Đồng -Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt , T/c Nghiên cứu văn học, số 3, 1966.
- Phạm Văn Đồng -Gĩư gìn sự trong sáng của tiếng Việt , T/c Ngôn ngữ, số 1, 1980.
- Phạm Văn Đồng -Trở lại vấn đề: vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt , T/c Ngôn ngữ số 6, 1999.
- Phạm Văn Đồng -Tổ quốc ta nhân dân ta sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (in lần thứ 5 có sửa chữa, bổ sung), Nxb Văn học, H., 1983.
- Brauner. S -Tiến bộ khoa học kỹ thuật và những tác động của chúng ta tới cảnh huống ngôn ngữ và đến các ngôn ngữ ở châu Phi . T/c Ngôn ngữ số 3, 1987.
- Nguyễn Phan Cảnh -Học tập cách viết dễ hiểu của Bác Hồ trong “Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh ”, Nxb KHXH, H., 1980.
- Đảng Cộng sản Đông Dương -Đề cương về văn học Việt Nam . T/c Tiên Phong (1945 - 1946), tr 32 - 35.
- Hoàng Văn hành -Hồ Chủ tịch với ngôn ngữ , trong “Học tập phong cách nghôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh ”, Nxb KHXH, H, 1980, tr 7 - 16.
- Học viện CTQG Hồ Chí Minh -Tư tưởng Hồ Chí Minh (tập bài giảng), Nxb ĐHQG Hà Nội, 2001.
- Nguyễn Văn Khang -Kế hoạch hoá ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, Nxb KHXH, H, 2003.
- Lê Xuân Thại -Câu văn của Bác Hồ , trong “Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ”, Nxb KHXH, H, 1980, tr 67 - 80.
- Đào Thản - Hoàng Văn Hành -Những nét đặc sắc trong ngôn ngữ Hồ Chủ tịch, trong“Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ”, Nxb KHXH, H, 1980, tr 81 - 92.
- Lê Quang Thiêm -Lịch sử từ vựng tiếng Việt giai đoạn 1858 - 1930 , Nxb KHXH, H, 1982.
- Hoàng Tuệ -Tuyển tập ngôn ngữ học , Nxb ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, H, 2001.
- Viện Ngôn ngữ học – “Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ”, Nxb KHXH, H, 1980.
- Nguyễn Kim Thản và các tác giả khác -Tiếng Việt trên đường phát triển , Nxb KHXH, H, 1982.