Thử đi tìm nguyên nhân căn bệnh “chim sệ cánh”: Thủ phạm có phải là tiêm văcxin?
PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển- Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia:
Do tiêm nhưng không phải tiêm văcxin
Ngay từ thời gian đầu, khi báo chí đưa tin về hàng loạt trẻ bị teo cơ delta, một ông chủ tịch xã ở Hà Tĩnh đã tuyên bố rằng, trẻ địa phương ông bị như vậy là do nơi đây đã làm rất tốt công tác tiêm chủng. Và thế là người dân khắp cả nước tin theo, đổ lỗi cho tiêm chủng. Tôi đồng ý với giả thiết cho rằng nguyên nhân là do tiêm, nhưng chắc chắn không phải do tiêm chủng. Trong thực tế, theo đánh giá của thế giới, số lượng mũi tiêm do tiêm chủng so với những mũi tiêm nói chung khác là 10%. Còn ở Việt Nam, theo ước tính, tỷ lệ này chỉ vào khoảng trên 5%, nhiều nhất là 7%. Thế giới đạt được tỷ lệ đó là do ở các nước, việc tiêm chủng được tiến hành rất rộng rãi với nhiều loại vacxin hơn, đồng thời họ ít ốm đau nên ít phải tiêm thuốc trị bệnh.
Trong tiêm chủng, có hai loại văcxin tiêm vào tay là lao, tiêm cho trẻ mới sinh (tiêm trong da) và sởi tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi (tiêm dưới da). Còn DPT (ho gà, bạch hầu, uốn ván) có chỉ định tiêm vào bắp nhưng là tiêm ở đùi. Khoảng hai năm gần đây, chúng ta đưa thêm văcxin viêm gan B vào chương trình tiêm chủng mở rộng và mũi tiêm này được thực hiện bằng cách tiêm vào bắp tay của trẻ. Tuy nhiên, tính đến nay những trẻ được tiêm loại văcxin này trong thời gian sớm nhất cũng chưa được 5 tuổi. Trong khi đó, người ta thấy rằng, độ tuổi trẻ bị “chim sệ cánh” là từ 5 tuổi trở lên. Từ hai nguyên nhân trên, có thể thấy “chim sệ cánh” không phải do tiêm chủng gây ra. Theo tôi, đó có thể là do việc lạm dụng tiêm thuốc vào bắp tay.
BS Lê Quang Hồng- Giám đốc Trung tâm tư vấn y tế 1088:
Văcxin có thể gây teo cơ delta
Cũng giống như bất kể loại thuốc điều trị nào, các văcxin cũng có thể tạo ra một số tác dụng phụ không mong muốn, từ nhẹ đến nặng, xảy ra tức thời hay một thời gian dài sau khi tiêm chủng. Chúng ta đã được chứng kiến các trường hợp răng bị ố vàng do dùng tetracyclin, viêm loét - chảy máu dạ dày do corticoid, teo cơ do tiêm K-cort... Bên cạnh đó, cũng đã có các trường hợp tai biến do văcxin như hội chứng liệt ngược dòng do tiêm văcxin phòng dại cổ điển, hội chứng guillain - Barré do tiêm văcxin phòng viêm gan virus B. Hiện tượng viêm cơ delta gây ra do chất hydroxyd d’aluminium, một chất phụ gia được đưa vào thành phần của văcxin cũng đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo và khuyến cáo thay thế bằng một hóa chất có tính an toàn hơn. Đây là hoạt chất có tác dụng kích thích sự đáp ứng miễn dịch của người được tiêm chủng. Hiệu quả của văcxin phụ thuộc rất nhiều vào sự có mặt của loại phụ gia này. Vấn đề nảy sinh là chất này khi đưa vào cơ thể vẫn tiếp tục tồn tại và kích thích hệ thống miễn dịch, dẫn tới sự suy kiệt cơ thể. Được sử dụng từ năm 1923, được coi là tuyệt đối an toàn, nhưng cho mãi tới thập niên 90, người ta mới phát hiện thấy các tác hại mà hydroxyd d’aluminium có thể gây ra.
Theo tôi, đây là một thực tế cần được xem xét trong khi tầm soát nguyên nhân gây triệu chứng teo cơ delta ở nhiều trẻ em hiện nay. Để kết luận và xác minh nguyên nhân, cần tiến hành điều tra, nghiên cứu chu đáo và dựa trên những chứng cứ khoa học chuẩn xác.
Nguồn: KH&ĐS Số 41 Thứ Hai 22/5/2006