Thú chơi chọi gà
Nghề chơi công phu
Theo những người chơi gà “có nghề”, để tạo được một con gà tài, việc then chốt là phải biết chọn dòng gà bố mẹ. Gà mẹ phải xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt và nhất là không có thói xấu “trả độ”. Gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Trước đây, những dòng gà “mái chiến” (gà dữ) đều tập trung ở các tỉnh phía Nam như: Mũi Né, chợ Lầu (Phan Thiết - Bình Thuận), dòng gà của cụ Tôn Thất Đệ ở Nha Trang (Khánh Hoà), dòng “xám rách” của ông Bảy Đệ ở Vạn Giã (Phú Yên). Hiện nay, các tay chơi thường trao đổi với nhau nên những dòng gà hay đã được rải đều khắp các địa phương.
Theo nhiều “chuyên gia” trong nghề, điều tối kỵ trong việc “đúc” gà là cho gà “lại dòng” (quan hệ đồng huyết), bởi như thế sẽ chẳng sinh được gà tài. Chọn gà phải được bắt đầu từ thuở sơ sinh. Trong một bầy gà vừa nở, người ta sẽ chọn con gà tách bầy đi kiếm ăn một mình, hoặc về đêm không rúc vào nách mẹ ngủ mà nằm ngủ đối mặt với mẹ (gọi là gà chầu mỏ). Nếu chọn gà không do mình tự “đúc” thì dựa trên những tiêu chuẩn căn bản như: cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng); gà lưỡng nhãn (hai mắt khác màu); gà có bớt trong lưỡi hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết). Những con gà được xem là “linh kê” khi chúng có những biểu hiện “lập dị” như: chúm chân bước từng bước như lính diễu hành, mặt lắc qua lắc lại liên tục, hoặc mỗi buổi sáng sau khi được phun nước cứ đi vòng quanh lồng (gà né lồng). Dân chơi gà đúc kết những kinh nghiệm trên bằng mấy câu: “Nhất thời chân chúm bỏ ra, nhì thời lắc mặt thứ ba né lồng”! Tuy nhiên, qua kinh nghiệm, vẫn có ý kiến cho rằng: “ Kê đá mã kỵ”, phải nhìn được chân đá thì mới xác định được gà hay, gà dở. Chọn được gà tốt rồi nhưng nếu nuôi không đúng cách, huấn luyện không bài bản thì cũng chẳng thể nên gà. Chế độ ăn của gà phải được tuân thủ: một ngày chỉ cho ăn 2 diều lúa, trưa cho ăn xen kẽ rau xanh, vài ngày mới cho ăn một ít mồi tươi. Nuôi kỹ quá gà sẽ bị “nục” (mập). Muốn gà dày da, có sức chịu đựng tốt phải dùng nghệ tươi, lá ngũ trảo, một ít phèn chua, tất cả giã nát ngâm rượu để xoa cho gà mỗi ngày và cho gà phơi nắng sáng thường xuyên. Ngày xưa, gà “chấm niên” (1 năm tuổi) mới cho xây xổ tập tành chuẩn bị tham chiến. Nay người nuôi thường lạm dụng thuốc men nên cho gà nhập cuộc sớm hơn, cũng vì thế “tuổi thọ” trong chiến đấu của gà cũng giảm.
Chọi gà xưa và nay...
Ngày xưa ông cha ta chơi gà còn mang đậm tính nghệ thuật nên cách chơi gà chọi không “khát máu” như bây giờ! Xưa, người chơi có thể ấn định “hồ chọi” (thời gian) ngắn hoặc dài để gà có điều kiện nghỉ dưỡng sức. Nay mỗi hồ được ấn định phải đúng 20 phút, nghỉ giải lao 5 phút, cứ thế tiếp tục cho đến khi phân thắng bại. Xưa, nếu gà mệt quá có thể tựa vào nhau mà nghỉ, nay trong cuộc chiến, gà không được phép nghỉ ngơi. Để tạo độ bền cho gà, trong những cuộc chơi người ta dùng nước ấm để xoa gừng hoặc cho gà uống nước tiểu nhưng nay thì gà không còn được tiếp sức như thế nữa. Do tính chất của cuộc chơi có tính “quyết tử” nên chuyện thắng bại trong cuộc đấu không tùy thuộc vào tài năng của gà mà còn tùy thuộc phần lớn vào tài năng “bắt chạng” cho gà của người chủ. Mỗi miền có một cách “chạng” gà khác nhau. ở miền Nam thì “chạng” bằng cách “vô tray” (dùng tay vuốt lưng gà đối thủ để đo cân lượng). Còn ở miền Trung thì không được dùng tay sờ vào gà. Khi gà được nhốt trong lồng, gà được “chạng” bằng mắt. Do đó, người chơi phải biết “cân” gà bằng cách…nhìn: gà có khoảng cách từ “chậu” (ngón chân) lên đến gối, từ gối lên đùi, có “cần” (cổ) dài và mình gà mang hình bắp chuối thì đó là con gà cao, nặng. Còn mọi thứ đều ngắn là gà thấp, nhẹ cân. Nhìn nhầm gà là cầm chắc chuyện thất bại. Cách cho nước gà sau mỗi hồ đấu cũng quan trọng không kém. Nhìn gà thi đấu phải biết gà cần cho nhiều hoặc ít nước, cần được quạt mát hoặc cần được ăn một ít cơm. Nếu làm sai, gà sẽ giảm sức thi đấu. Anh Trần Đình Văn (55 tuổi), dân chơi gà vẫn gọi là Bảy Quéo hiện đang ở thị trấn Bình Định (An Nhơn - Bình Định) cho biết: Từ năm 1996 đến nay, anh đã đi chọi gà nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc… Bề dày của nghề chơi đã cho anh nhiều kinh nghiệm từ việc chọn cho đến cách huấn luyện gà. Sở trường của anh là rất tinh tường trong cách “chạng” gà. Nhìn gà ra đòn, anh đã biết kẻ thắng người bại mà không cần chờ kết cuộc. Ngoài những con gà được đúc từ lò nhà, anh còn đến các trường gà xem chân để chọn mua gà cho “xuất ngoại”. Từ khả năng trên, nhiều lò gà ở Thái Lan thuê anh đảm nhiệm công việc huấn luyện gà với mức lương hàng ngàn USD/tháng.
Gà chọi ở xứ người
Trong không khí mát mẻ cận xuân, anh Bảy Quéo kể cho tôi nghe chuyện gà chọi ở nước ngoài. Anh khẳng định nghệ thuật chơi gà chọi của họ còn kém xa ta mặc dù ở các nước ấy đã hình thành nhiều lò gà chọi chuyên nghiệp. Họ xây dựng những trại gà quy mô với những trang thiết bị hiện đại để chăm sóc và tập gà như nuôi những võ sĩ quyền anh. Những trận đấu của những chú gà chiến đều được giới thiệu trước trên các phương tiện thông tin đại chúng và tờ rơi. Ở Thái Lan còn có hẳn một tạp chí dành riêng cho những bài viết về kinh nghiệm, nghệ thuật chơi gà và giới thiệu, quảng cáo những con gà tài. Đặc biệt là người chơi Thái Lan quý gà hơn các nơi khác. Để bảo vệ gà, quanh các sới đấu đều được bao đệm bông để tránh cho gà khỏi bị va đập mạnh khi chiến đấu. Trong cuộc chơi, gà được tiếp sức bằng thuốc khỏe hoặc nhân sâm. Thời gian cho gà nghỉ sau mỗi hồ đấu được kéo dài đến 20 phút. Gà ở Thái Lan cho nước sau mỗi hồ đấu rất chu đáo: gà được tắm rồi được hơ lửa, được cho uống thuốc, được hấp một loại nước ấm nấu bằng nhiều loại lá cây. Gà ở Lào cũng có chế độ chăm sóc tương tự tuy thời gian nghỉ giữa 2 hồ đấu ít hơn, chỉ 10 phút. Còn ở Trung Quốc thì gà được thả vào đá một hơi cho đến khi có con bỏ chạy hoặc chết tại sới.
Lời kết
Chọi gà là thú chơi hấp dẫn. Có người so sánh thú chơi cây cảnh với thú chơi gà chọi như sau: thú chơi cây cảnh ở dạng “tĩnh”, còn thú chơi gà chọi ở dạng “động” mà cũng không thiếu tính chất tình cảm vì trong quá trình chăm sóc gà những nết riêng của chúng trở nên thân thuộc, đáng yêu. Chỉ tiếc là thú chơi gà chọi hiện nay đang dần bị mất đi tính chất nghệ thuật, tao nhã vì những đồng tiền cá độ!
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuấn, số 1+2, 2008, tr 20