“Thợ ấp trứng” chế máy phun thuốc cho cây cao su
Đầu năm 2010, người trồng cao su trong tỉnh Bình Phước điêu đứng với căn bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng, diện tích 9ha cao su của gia đình ông Sáu Cúc cũng không ngoại lệ. Cách phun bằng máy bơm cao áp và đưa sào lên cao không hiệu quả do chỉ phun được độ cao thấp và ít tác dụng. Thế là Sáu Cúc bắt tay vào việc chế tạo máy dù kinh nghiệm không có, các thiết bị để chế tạo máy thiếu rất nhiều. Ông lặn lội xuống TP.Hồ Chí Minh mua các thiết bị như: bạc đạn, dây cu roa… Có các thứ cần thiết nhưng ông cũng chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Vậy là ông phải nhờ con mình lên Internet tìm hiểu cách chế tạo máy. Nghiên cứu tìm tòi các loại máy khác mà con ông tìm được, Sáu Cúc đã tính toán rất chi tiết để tạo một quạt cao áp có đường kính 1,1m với tốc độ quay gần 3.000 vòng phút và có một ống gió thoát (ống gió). Trên đầu ống gió này gắn bốn bét phun sương được nối từ máy bơm thuốc ra (giống bơm rửa xe).
Ông Sáu Cúc cho biết, máy phun được ở những độ cao mà các máy phun thông thường nông dân hay sử dụng không phun tới được, đặc biệt có thể phun lên đến ngọn cây. Máy ra đời sẽ đáp ứng 40% nhu cầu của bà con nông dân trồng cao su tiểu điền. Máy mà bà con đang dùng hiện chỉ phun được ở tầm thấp, trong khi đó nấm bệnh lại cư trú trên những cành cao nên dù có thuốc chữa bệnh nhưng vẫn không thể tiêu diệt được. Trong khi đó, máy do ông Sáu Cúc chế tạo đưa thuốc lên độ cao 30m. Sức gió làm cho lá cao su vểnh lên để thuốc có thể đưa lên mặt trên của lá và vào đọt, cũng như đánh các hạt thuốc tia nhỏ ra giúp việc phun thuốc được hiệu quả. Theo ông Sáu Cúc, nước thuốc được bơm ra với áp lực rất mạnh sẽ bay tới tán lá của cây và bám dính vào đó để diệt trừ nấm bệnh gây hại.
Bộ phận “máy phun thuốc” gồm: một bồn chứa nước (1000 lít nước), thùng thổi gió, 2 bơm điều chỉnh nước, dây ống thủy lực… máy ra đời sẽ tiết kiệm cho hơn 30 công nhân và năng suất 1 ngày phun được 15 - 20ha cao su và tốc độ phun lên tới 30m, độ lan tỏa khoảng 20m ngang. Một người điều khiển chiếc chiếc máy kéo (máy cày), chạy đi theo từng hàng trong vườn cây cao su để phun thuốc. Với cách này, thuốc có khả năng bay rất cao lên tới tận ngọn cây cao su, nên hiệu quả phòng trừ bệnh rất cao. Với chiếc máy này mỗi ngày một người có thể phun từ 15 - 20ha, người phun thuốc cũng không bị thuốc rớt lên ảnh hưởng đến sức khỏe như cách phun cầm sào đưa lên cao.
Ngoài bệnh rụng lá, máy phun thuốc tự chế này còn có thể dùng để phun thuốc phòng trị rất nhiều loại sâu bệnh hại trên bộ lá của cây cao su như bệnh phấn trắng, bệnh héo đen đầu lá, bệnh nấm hồng…
Hiện Sáu Cúc đã sáng tạo được 5 chiếc, trong đó ông đã bán được 2 chiếc với giá 16 triệu đồng/chiếc dù theo ông chi phí ban đầu để đầu tư vào chế tạo máy trên 30 triệu đồng. Sắp tới ông dự định sẽ cải tiến công suất máy. Nhờ chiếc máy bón phân của ông Sáu Cúc, các hộ nông dân trong ấp, xã đều yên tâm trong việc chăm sóc vườn cây cao su của mình, đồng thời giảm chi phí khi thuê người phun thuốc (1 người phun theo cách bình thường là phải mất 600.000 đồng tiền công/ha, trong khi đó với chiếc máy này giá thuê chỉ có 400.000 đồng/ha).