Thiên tài toán học Nga từ chối một triệu USD
Viện toán học Clay ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ (CMI), hôm qua cho biết tiến sĩ Perelman đã thông báo với họ rằng ông quyết định không nhận giải thưởng.
"Mùa thu này, CMI sẽ công bố sử dụng số tiền này như thế nào để có lợi nhất cho nền toán học", Ria Novosti dẫn tuyên bố của cơ quan này cho hay.
Giải thưởng Thiên niên kỷ trị giá 1 triệu USD từng được viện Clay tuyên bố trao cho ai giải quyết được một trong 7 vấn đề hóc búa nhất từ trước đến nay trong toán học. Giả thuyết Poincare là một trong số đó.
Tiến sĩ Perelman đã công bố các bài chứng minh được giả thuyết này vào năm 2003. Sau đó, đầu năm nay, Clay cho biết sẽ trao giải thưởng Thiên niên kỷ đầu tiên cho Perelman, 43 tuổi.
Tuy nhiên, Perelman không xuất hiện tại buổi lễ trao giải ở Paris hồi tháng trước và cũng không thông báo cho CMI về quyết định của ông.
Theo Guardian, sau khi giải thưởng được công bố, Perelman từ chối tiếp xúc với báo chí. Khi các nhà báo cố gắng tiếp cận ông bằng điện thoại, họ nhận được câu trả lời: "Các anh quấy rầy tôi. Tôi đang bận nhặt nấm".
Perelman còn tuyên bố: "Tôi không cần gì hết. Tôi đã có tất cả những gì mình muốn".
Giả thuyết Poincaréđược nhà toán học lỗi lạc Henri Poincaré đưa ra năm 1904, liên quan đến cấu trúc bên trong của các định dạng ba chiều. Chứng minh giả định này là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà toán học thế giới suốt 100 năm qua.
Perelman bắt đầu đăng lên mạng các tài liệu chứng minh giả định năm 2003. Loạt kiểm tra sau đó chứng minh ông đã đúng. Năm 2006, ông từ chối tham dự hội nghị ở Madrid nơi ông được trao giải thưởng Fields, được coi như giải Nobel toán học.
Perelman đang sống cùng mẹ già tại một căn hộ nhỏ ở St. Petersburg . Những người láng giềng nói rằng cuộc sống của ông rất khó khăn. Bạn của Perelman nói rằng ông đã từ bỏ toán học.
"Người thông minh nhất thế giới" Perelmansinh năm 1966 trong một gia đình người Do Thái ở thành phố Leningrad(nay là St Petersburg ). Thời phổ thông ông học ở trường chuyên toán lý. Năm 1982, ông là thành viên đội tuyển Liên Xô đi thi Olympics Toán quốc tế, giành huy chương vàng và đạt điểm tuyệt đối 42/42. (Trong kỳ thi này, Lê Tự Quốc Thắng của Việt Nam cũng giành điểm tuyệt đối).
Perelman từng được mời giảng dạy ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Princetonvà Stanford, nhưng ông đều từ chối và trở về Viện Steklov của Nga để nhận một vị trí nghiên cứu.
Nhà toán học siêu việt này ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên ông còn nổi tiếng là một tài năng violon và tay chơi bóng bàn giỏi.
Nhiều hàng xóm cho rằng Perelman là một con người lập dị, ăn mặc lôi thôi, đầu óc mơ màng. "Ông ấy luôn luôn mặc mỗi một cái áo và quần rẻ tiền đó. Không bao giờ cắt móng tay hay cạo râu. Khi đi ngoài đường ông ấy chẳng bao giờ nhìn xung quanh mà chỉ dán mắt xuống đất", một người láng giềng của nhà toán học nói với The Guardian.
Sergei Kisliakov, giám đốc Học viện toán học Steklov ở St Petersburg, nơi làm cũ của Perelman, nhận xét về ông một cách lịch lãm hơn: "Anh ấy có những nguyên tắc đạo đức khá lạ lùng. Anh ấy có cảm xúc mạnh mẽ nếu có những việc nhỏ khiến anh ấy không vừa ý".
Perelman giận dữ rời bỏ thế giới toán học 4 năm trước. Kisliakov cho rằng Perelman quyết định không nhận Fields Medal có thể xuất phát từ cảm giác rằng các bạn đồng nghiệp trước đó không xứng đáng được trao giải thưởng này.
"Anh ấy đã cắt đứt mọi liên lạc với xã hội và muốn tìm một công việc không liên quan tới toán", Kisliakov nói, "nhưng tôi không chắc là anh ta có kiếm được hay không".
Ngọc Sơn