Thêm một nhà khoa học chân đất trên cao nguyên Mộc Châu
Phong trào sáng tạo quần chúng ngày càng làm xuất hiện nhiều nhà khoa học chân đất, kể cả ở các vùng miền núi. Họ là những nông dân, công nhân bình dị, trình độ văn hóa mới tốt nghiệp THCS, THPT. Chuyên môn tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm là chính. Nhưng họ vẫn có những sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị, sớm đi vào cuộc sống. Từ kết quả nghiên cứu ứng dụng, họ đã tạo dựng doanh nghiệp, đầu tư dự án, từng bước chiếm lĩnh thị trường...
Cách đây 3 năm, anh Mai Đức Thịnh, chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 19/5, Mộc Châu đã vinh dự được địa phương và giới báo chí coi là nhà khoa học chân đất. Anh Thịnh mới tốt nghiệp PTTH nhưng rất đam mê kỹ thuật canh nông và chế biến nông sản. HTX và anh đã tiên phong đưa vào trồng thử nghiệm ở Mộc Châu nhiều loại rau, hoa chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến và đã phát triển thành hàng hóa, kích thích các doanh nghiệp khác cùng làm. Và chính anh là người đầu tiên đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công rượu vốt ca chất lượng cao, có hương vị đặc trưng từ quả mận hậu. Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, HTX và anh đã mạnh dạn đầu tư dự án sản xuất. Một số sản phẩm rau, hoa, rượu mận, rượu ngô ( giọt châu sa) của HTX đã được t ặng Huy chương vàng và Cúp vàng tại các Hội chợ thực phẩm chất lượng Việt Nam . Riêng sản phẩm rượu mận được sử dụng Logo của vùng sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp là Midipyrene....
Sẽ thiếu sót, nếu không đưa ông vào danh sách những nhà khoa học chân đất. Ông là Nguyễn Xuân Tá, 62 tuổi, một cựu chiến binh, một hương binh hạng 3/4. Mới học lớp 7 cũ, nhưng do đam mê học hỏi, lăn lộn trong thực tế, ông đã trở thành một người làm vườn giỏi, có nhiều kinh nghiêm trồng cây ăn quả, nhất là cây hồng ở vùng đất Tráng Việt, Mê Linh Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội. Vì vậy mà ông có quan hệ mật thiết với nhiều nhà khoa học ở Viện bảo vệ thực vật, Viện di truyền nông nghiệp, Viện rau quả Việt Nam...Ông lên Mộc Châu lập nghiệp ( cơ sở 2) mới được hơn chục năm. Theo lời ông kể, thì năm 2001, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi công tác Nhật Bản đem về được một nắm cành hồng Fuyu- thuộc giống hồng giòn ôn đới.Viện bảo vệ thực vật được giao nhiệm vụ trồng thử nghiệm tại trung tâm của Viện ở Mộc Châu và ông được mời tham gia cộng tác. Nhưng đợt đó không thành công. Vùng Mộc Châu mùa đông có trên 200 giờ lạnh dưới 10 độ là phù hợp trồng hồng thương phẩm gốc ôn đới, nhưng có lẽ là quá lạnh để nhân giống tại chỗ bằng phương pháp ghép mắt (ghép mắt hồng Fuyu với cây hồng khác). Sau đó, Viện di truyền nông nghiệp chính thức nhập 6 giống hồng, trong đó giống Fuyu, giống Jito Nhật Bản. Do chỗ quen biết và có uy tín, ông Tá cũng được nhận một số cành để tạo vật liệu nhân giống và trồng trên trang trại của gia đình. Cũng trong giai đoạn này, đồng thời với Viện di truyền nông nghiệp, một số đơn vị khác như Viện rau quả, Viện bảo vệ thực vật cũng nhập giống, nhân giống và đầu tư dự án trồng khảo nghiệm tại một số địa phương khác trong nước...Còn ông Tá thì vừa tranh thủ sự hướng dẫn, tư vấn của các nhà khoa học chuyên nghiệp ở Viện di truyền nông nghiệp, vừa âm thầm phát huy kinh nghiệm và sự đam mê của mình...Vốn là nhà làm vườn, chuyên về các giống hồng, nên trang trại của ông ở Tráng Việt, Mê Linh sẵn các gốc ghép đủ tiêu chuẩn để ghép mắt của các giống hồng nhập ngoại. Ông thử nghiệm và phát hiện ra, gốc ghép tốt nhất là giống hồng bản địa có nguồn gốc xuất xứ từ Tuyên quang, ông đặt tên là hồng OTK1. ( Đương nhiên, giống hồng làm gốc ghép này có tên khoa học và đặc điểm hình thái). Nhân giống thành công, một số ít thì trồng ở Mê Linh, còn lại ông đem lên trồng thử nghiệm tại trang trại ở Mộc Châu, mỗi giống 15-20 gốc. Không ngờ, 3 năm sau, các loại hồng ôn đới trồng ở đồng bằng vẫn phát triển tốt, nhưng không có quả. Còn ở Mộc Châu, tại trang trại của ông mới 2 năm hồng đã bói quả, đến năm thứ 3 đã xum xuê 30-50 quả. Hồng bắt đầu chín vào giữa tháng 8, màu vàng tươi, trọng lượng trên dưới 200 g/quả. Chất lượng tốt, giòn, ngọt dịu, thơm mát. Quả sai, to, đẹp và ngon nhất là giống Fuyu, bán rất được giá.
Với sự nhạy bén của nhà khoa học chân đất vốn gắn với sản xuất, sớm thấy triển vọng của giống hồng Fuyu, năm 2004, ông quyết định thành lập doanh nghiệp Xuân Hồng. Hoài bão của ông là nhân giống, kinh doanh giống và và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển rộng giống hồng Fuyu ở Mộc Châu và các vùng khác trong nước...Năm 2006-2007, trên cơ sở đã chọn được những cây giống đầu dòng ( cây giống bố mẹ ) tốt nhất, ông đã nhân giống, trồng phủ hết 01 ha trang trại của gia đình và chuyển giao kỹ thuật trồng 02 ha khác cho các hộ trong vùng. Việc nhân giống quả là công phu. Cây gốc ghép OTK1 sản xuất tại Mê Linh. Mắt ghép giống Fuyu đưa từ mộc Châu về. Sau một năm, cây giống đủ tiêu chuẩn mới đưa đi các nơi để trồng.
Việc các tổ chức khoa học thử nghiệm nhân giống và trồng giống hồng Fuyu nhập ngoại ở một số vùng trong nước có lẽ chưa thành công như việc làm âm thầm với danh nghĩa cá nhân của ông Tá. Chính vì vậy mà khi biết chuyện ông Tá đã thuần hóa được giống hồng nhập ngoại, sở hữu những cây đầu giòng giá trị, bước đầu nhân giống và chuyển giao mở rộng sản xuất ở Mộc Châu thì các nhà khoa học Viện bảo vệ thực vật, Viện di truyền nông nghiệp rất ngạc nhiên. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Sơn La, nhiều tổ chức khoa học Trung ương và địa phương đều bị thuyết phục khi đến thăm... Trang trại của ông, nhà ở và cũng là văn phòng doanh nghiệp ở trên một mảnh đồi thoai thoải cạnh đường tỉnh lộ, thuộc tiểu khu Cờ đỏ, thị trấn Mộc Châu. Cơ ngơi đất đai của ông chỉ có 01 ha. Nhưng 01 ha đầy giá trị. Đó là một mô hình trồng hồng giòn thương phẩm, có thể nói là có một không hai ở Việt Nam . Khách không thể hiểu hết và nhớ được hàng chục giống hồng có tên có ký hiệu khác nhau. Nhưng thật thú vị, khi được thấy những gốc hồng mới 2-3 năm đã xum xuê quả. Còn những gốc 5-6 năm thì sai quả đến nỗi cành nào cũng phải có cây để chống. Có gốc thuần 01giống. Có gốc trên một cây có tới 3-4 loại giống hồng lai ghép khác nhau. Đó là nơi lưu giữ các nguồn gen hồng dòn nhập ngoại đã được lai tạo, là nơi cung cấp mắt gép chất lượng cao, đủ để sản xuất hàng chục vạn cây giống đủ tiêu chuẩn /năm. Không phải chỉ trang trại của ông, mà trang trại của ông Kỳ và một vài hộ hàng xóm khác do ông cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng phát triển đẹp như tranh. Có người thốt lên rằng, đi du lịch cảnh quan và thưởng thức hương vị hoa quả vườn hồng, vường mận, vường đào Môc Châu có khi còn thú vị hơn là du lịch miệt vườn ở Nam Bộ...Về cảm quan, người ta thấy hồng MC1 không có hạt, ăn ngon hơn nhiều hồng giòn nhập từ Trung quốc sang. Ông Tá cho biết, chuyên gia Nhật, Úc đánh giá chất lượng quả hồng MC1 còn ngon hơn cả nơi xuất xứ. Không biết thực hư thế nào. Còn kết quả phân tích của Khoa công nghệ thực phẩm, Đại học nông nghiệp I, hồng MC 1 ngon, giòn, ngọt, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, quả cứng để được lâu.
Công lao của nhà khoa học chân đất được đến đáp. Năm 2007, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ra quyết định công nhận giống hồng Mộc Châu được đặt tên hồng MC1 ở Mộc Châu Sơn La. Đây là giống cho phép sản xuất thử ở nhiều địa bàn có điều kiện tương tự như Mộc Châu. Thật vinh dự, ông Tá có tên trong danh sách quyền tác giả bên cạnh các nhà khoa học có tên tuổi ở viện di truyền nông nghiệp. Đó là về quyền tác giả. Còn quyền sở hữu thực sự giống hồng MC1 với 01 ha cây giống đầu dòng là của doanh nghiệp Xuân Hồng do ông Tá làm giám đốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cùng với các tổ chức khoa học và các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Hội đồng bình tuyển và đã công nhận vườn hồng của doanh nghiệp Xuân Hồng là vườn cây giống đầu dòng MC1, được phép khai thác làm vật liệu nhân giống.
Cây giống và quả hồng MC1 đã tham gia nhiều hội chợ lớn trong nước và cả quốc tế tại Việt Nam . Năm 2009, giống hồng MC1 đã được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng cúp vàng. Cũng năm 2009, ông Tá được tặng giải ba tại Hội thi sáng tạo toàn tỉnh Sơn La về kỹ thuật nhân và trồng giống hồng MC1.
Năm 2009-2010, Doanh nghiệp Xuân Hồng được sở Khoa học và Công nghệ Sơn La hỗ trợ đầu tư trên 500 triệu đồng với cơ chế thu hồi 60%. Doanh nghiệp đã nhân giống, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 10 hộ trồng mới được 6 ha và ghép cải tạo 3 ha cho các gia đình khác. Doanh nghiệp đã hoàn thiện thêm quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Doanh nghiệp Xuân Hồng đã trở thành đối tác của Viện di truyền nông nghiệp, Viện bảo vệ thực vật, Viện rau quả trongviệc sản xuất giống, vì doanh nghiệp đang sở hữu nguồn cây giống đầu dòng cho mắt ghép tốt nhất. Các giống hồng nhập ngoại được tiếp tục đưa về đây để nhân giống và trồng khảo nghiệm. Hiện tại doanh nghiệp đã có 20 giống. Có người thắc mắc, giống MC1 đã tốt như vậy rồi, còn tiếp tục khảo nghiệm nhiều giống để làm gì. Ông Tá tin tưởng, qua lai tạo, có thể cho những giống còn tốt hơn. Khoa học là vô cùng mà.
Theo tính toán của ông Tá, từ năm thứ 3 đến năm thứ 6 mỗi ha cho sản lượng 5-8 tấn, doanh thu 100-150 triệu. Đến năm thứ 7 trở đi, mối ha cho sản lượng 10-15 tấn, doanh thu 200-300 triệu đồng. Lãi khoảng 30% so với vốn đầu tư. Đối với doanh nghiệp của ông, hướng lâu dài là kinh doanh cây giống và chuyển giao kỹ thuật, đồng thời lo đầu ra cho các hộ. Sản lượng hồng quả tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã trên dưới chục tấn và đang tiếp tục tăng lên từng năm. Hiện tại doanh nghiệp đang tạo lập hệ thống bán hàng tại Hà Nội, kể cả quan hệ với siêu thị.
Chắc chắn, cao nguyên Mộc Châu, Sơn La đầy tiềm năng sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều nhà khoa học chân đất.