Thế nào là “ chính điện Càn Nguyên trên núi Nùng”?
Tên Càn Nguyên của tòa chính điện được nói ở đây là gọi theo ghi chép của các bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Càn Nguyên (Càn: quẻ đứng đầu Bát quái; Nguyên: nguồn) có nghĩa là “Khởi đầu của muôn vật”.
Đây là tòa chính điện được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay vào năm đầu định đô Thăng Long: Canh Tuất 1010. Tòa này nằm trong một quần thể kiến trúc cung đình, gồm 8 điện và 4 cung, cũng được xây dựng trong năm ấy. Việc xây dựng bắt đầu- theo ghi chép của sử sách – là từ tháng Bảy (âm lịch) và được hoàn tất vào tháng Chạp (âm lịch), khi sử cũ chép rằng, một đơn nguyên trong quần thể kiến trúc ấy – là cung Thúy Hoa, “nơi ở của các cung nữ” - được long trọng làm lễ khánh thành.
Không còn bản đồ, bản vẽ, cũng như không có dòng chữ nào mô tả kiểu dáng, kết cấu, hình thù…của chính điện Càn Nguyên. Nhưng rất may là trong khi kể tên các đơn nguyên trong quần thể ấy, thì sử cũ có nói luôn “vị trí tương đối” của chúng (đơn nguyên nào nằm bên cạnh, nằm đằng trước, đằng sau đơn nguyên nào…). Nhờ đó, ta định vị được chắc chắn là: chính điện Càn Nguyên đã được đặt ở chính giữa của dàn kiến trúc căng ngang, giữa hai dàn kiến trúc cũng căng ngang ở phía trước và phía sau nó. Ba dàn kiến trúc căng ngang như thế này, rõ ràng có hình chữ Tam theo tự dạng Hán ngữ và cũng chính là hình tượng quẻ Càn long Bát quái. Chữ Tam biểu thị khái niệm về Tam tài (Thiên-Địa-Nhân) của vũ trụ luận phương Đông, gồm ba thế giới: Trời- Đất- Con người. Còn quẻ Càn thì tượng trưng cho ý niệm về sự khởi thủy. Ở trung tâm của tất cả những cấu trúc vật thể và phi vật thể như thế, chính là vị trí của điện Càn Nguyên. Với vị trí của trung tâm này, điện Càn Nguyên không những xuất trình chức năng- đặc trưng và rõ ràng- là một tòa chính điện nằm đúng giữa các điện và cung khác, mà còn chứng tỏ cho mọi người thấy: Tòa chính điện này đúng là trung tâm của cấu trúc và sự khởi đầu của muôn vật.
Các tài liệu văn tự cổ không nói trực tiếp và cụ thể rằng, chính điện Càn Nguyên đã được xây dựng trên núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng). Nhưng, có thể suy luận về vị trí trung tâm mang lại giá trị và ý nghĩ của một tiêu điểm duy nhất đối với cấu trúc, cùng việc xây dựng Hòang thành Thăng Long năm 1010 là núi Nùng, cũng như đối với quần thể kiến trúc cung đình xũng xây dựng năm 1010 là chính điện Càn Nguyên. Điều này cho thấy rõ ràng hai thực thể đó-núi Nùng và chính điện Càn Nguyên- chỉ có thể ở cùng một vị trí. Ngoài ra còn có một tài liệu gián tiếp nhưng quan trọng chứng tỏ điều này, đó là đoạn biên niên sử về năm 1017: “Điện Càn Nguyên bị sét đánh, vua Lý Thái Tổ coi chầu ở điện phía Đông (là điện Tập Hiền)”.
Tài liệu này ít nhất cũng cho biết hai điều: Một là, vì ở trên cao (tức được xây dựng trên núi Nùng) nên điện Càn Nguyên mới bị sét đánh, trong khi các cung và điện khác không hề hấn gì; và hai là việc coi chầu (tức thiết đại triều), sau khi Càn Nguyên bị sét đánh phải dời sang điện Tập Hiền ở bên phía Đông, nghĩa là trước đó, ở chính giữa và là nơi coi chầu, rõ ràng Càn Nguyên là một tòa chính điện.
Tòa chính điện Càn Nguyên ở trên núi Nùng (Long Đỗ) có vị trí, chức năng, và ý nghĩa quan trọng là thế, nhưng lại chỉ có tuổi thọ bằng và trùng với đời trị vì của vua Lý Thái Tổ: 19 năm! Nó đã bị phá hủy vào tháng Hai (âm lịch) năm 1028, trong và nhân sự biến Loạn Tam vương ngay sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà. Không phải chỉ bị phá hủy 1 lần do thiên tai (bị sét đánh năm 1917) mà hoàn toàn bị phá hủy lần này chính là đo bạo loạn (thái tử kế vị Lý Phật Mã đã tổ chức phòng ngự, rồi quyết định dùng quân sự đánh bại cuộc cướp ngôi của “tam vương” ở tòa chính điện này; và việc “báo tiệp”-trình bày tin tức thắng trận, dâng võ công dẹp loạn- cũng diễn ra ở đây), tòa chính điện Càn Nguyên, ngay cả với sự kiện kết thúc vai trò, sự tồn tại của mình cũng lại một lần nữa xuất trình trước lịch sử: Vị trí và vị thế của một tòa chính điện ở trên núi Nùng giữa Hoàng thành Thăng Long đời Lý, và tại chính trung tâm “Thành cổ Hà Nội” bây giờ.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 52 (1770), 1/7/2005