Tháp Dương Long nhận thức mới qua tư liệu khảo cổ học
Chúng được xây trên một ngọn đồi, trong một cánh rừng mít và xoài tuyệt đẹp…. Chúng rất cao, rất được trau chuốt và được bảo vệ tốt hơn các tháp ở Thai Nại. Tháp ở chính giữa lớn hơn và được trang trí đẹp hơn hai chiếc kia, tháp lớn nhất được xây bằng gạch đỏ nhưng nó được trang trí rất nhiều các tượng và phù điêu bằng đá sa thạch có hình voi và rồng. Bên trên các cửa là các hình chạm nổi trình bày các vũ nữ, các sư tử đứng, các quái vật và các súc vật, các phụ nữ và các con voi. Các góc là các đầu rồng hoặc súc vật khổng lồ có bộ mặt nhăn nhó nối tiếp nhau và nhỏ dần đi, điều này đã gây ra sự ấn tượng hư ảo. Chung quanh các tháp này vẫn còn giữ được các đường chỉ và đường gờ chạm nổi trên đá Granitte. Các cửa đều được hợp thành từ bốn cái cửa bằng đá nguyên khối, và thường hơi cao hơn mặt đất một tí. Bên trong là những cài vòm được thu hẹp lại đỉnh giống như cái lò sưởi của một phòng thí nghiệm. Đỉnh của chúng được đắp một bông sen nở…” (1).
Trong công trình nghiên cứu của mình H. Parmaetier đã có những khảo tả về khu tháp này khá chi tiết:
“… Các tháp này người Pháp gọi là tháp Ngà, người An Nam gọi là Dương Long, thuộc làng Vân Tường, tổng Mỹ Thuận, phủ An Nhơn.
Nhóm 3 tháp có được dựng trên một gò đất bao quát những ruộng đồng xung quanh, nó quay lưng vào ngọn đồi thấp cách chừng vài trăm mét. Nhóm điện này quay mặt về hướng đông, chếch nam 3,5 0, dường như có quan hệ một hướng với tháp Thủ Thiện dựng ở trên cánh đồng ở bên kia sông An Nhơn.
Các tháp Nhà hình như là một bộ phận của tổng thể quan trọng mà một số vết tích còn thấy khá rõ. Mặt bằng chung có lẽ bao gồm một khu vực rộng gần như là vuông, ở giữa là các tháp; trước khu vực đó có một khoảng hình chữ nhật khác gắn vào chiều dài, cạnh dài ngắn hơn cạnh vuông kia. Các khu khác nhau đó được biểu lộ bằng những vệt rất rõ.
Ngoài các tháp ra, khu chính dường như có một toà nhà dài theo hướng nam, nhưng chỉ còn lại những đống gạch. Có lẽ trước kia cũng có hai hoặc ba kiến trúc nhỏ đằng sau các tháp…. Một phòng nhiều cột kiểu Đông Dương, hình như trước đây nối liền hai khu vực. Bây giờ còn nhận ra được phòng đó qua những người đi tìm gạch. Trong khu vực này phía Nam còn thấy vết tích của một toà nhà nối dài qua những đống sụp đổ. Nơi đây chúng tôi đã tìm được một tượng ở góc và chuyển vào tiền phòng của tháp phía Nam …
Ba ngọn tháp đồ sộ này thuộc vào loại thông dụng trái với lẽ thường, ba tháp trông như đã được dựng cùng một lúc: Quả thực những tháp bên ngoài hầu như giống nhau về kích thước, cùng cách đều ngọn tháp trung tâm và đều nằm trên một trục chung, chỉ có một vài chi tiết trang trí phân biệt chúng với nhau.
Tháp xây bằng gạch, những bộ phận quan trọng bằng đá, dường như chúng đều nằm trên một mặt thềm liên tục. Các tháp trung tâm và tháp bắc cho thấy rằng gần gũi với loại giản lược, song tiền đường trong dạng đặc biệt của loại giản lược, có tầm quan trọng lớn.
Cái làm cho các tháp này khác với mặt bằng thường lệ trước hết là do sự có mặt của 3 cái khám lớn không sâu ở bên trong và cũng như ở bên ngoài, do nguyên tắc nhô ra của mỗi trụ ốp khi chúng càng tiến gần vào giữa. Kiểu này dẫn đến các tháp mặt bằng vuông cạnh cong và được tiếp tục ở các bộ phận trên thì dễ dàng chuyển sang hình dáng tròn ở chóp đỉnh tháp. Đây là kiểu hoàn toàn Cao Miên, đặc biệt trong sự trống vắng rất hiếm hoi các hình điểm góc và những bộ phận trang trí góc…” (2).
Đó là những dòng tư liệu chép đầu tiên về 3 ngôi tháp này, so với những gì ông ghi chép, và những gì còn lại của 3 ngôi tháp, hình như chúng ta thấy mất mát đi quá nhiều. Sự mất mát không mấy đáng trách ấy làm cho chúng ta hôm nay cần phải có cái nhìn nhân văn hơn, trách nhiệm hơn với những giá trị văn hoá trên mảnh đất Bình Định.
Những điều còn tồn nghi
Trong 14 tháp Chàm còn lại trên đất Bình Định, sau Bánh Ít có lẽ Dương Long là quần thể di tích lớn nhất. Cái lớn không phải 3 tháp hiện còn, mà là cả một quần thể rộng lớn với nhiều kiến trúc khác nằm trên một khu đồi này. Làm thế nào để vừa phát huy vừa gìn giữ cả một quần thể lớn là cả một bài toán khó chưa thể một lúc tìm ra lời giải.
Các học giả trong nước và ngoài nước đều đã đặt chân đến khu tháp này để ngắm nhìn, rồi ghi chép khảo tả về nó, nhưng ngoài những gì nhìn thấy được họ vẫn chưa quan sát được toàn bộ hình hài nguyên vẹn của nó như thế nào, và khi kết luận đều dừng lại ở những suy đoán về kiến trúc của nó.
Nghiên cứu về tháp Chăm, trước năm 1975 đến sau năm 1975 là khá nhiều, và đã có nhiều xuất bản phẩm công bố, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức đánh giá, giá trị về lịch sử, kiến trúc mỹ thuật, còn kỹ thuật xây dựng và cách chế tạo các vật liệu gạch dùng để xây dựng tháp Chăm như thế nào, và làm sao để đưa các khối đá lớn lên cao, rồi việc điêu khắc các hình tượng trên các tháp của người Chăm trong lịch sử như thế nào thì còn đang ở mức bàn luận có khi là tranh luận nữa, đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Với nhiều năm tiến hành tôn tạo tháp Chăm, Bình Định đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc trùng tu tháp có hiệu quả. Kết quả là đã trả lại phần nào dáng vẻ ban đầu của những khu tháp, trong việc trùng tu tôn tạo này không phải có nhiều lời bàn về tính hiệu qủa của nó, nhưng những gì đạt được trong nhiều năm qua đã khẳng định hướng đi đúng trong việc ưu tiên bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hoá trọng điểm của Bình Định. Nằm trên con đường di sản miền Trung, với việc đưa các di tích tháp Chăm vào phát huy tác dụng đang trở thành hiện thực là không thể bàn cãi.
Đi tìm lời giải cho một giả thuyết
Để có cơ sở định hướng cho việc bảo tồn đúng và có hướng phát huy quản lý có hiệu quả, hướng tiếp cận ngắn nhất có lẽ là khảo cổ học, đây là việc làm vừa mang tính khoa học lại vừa phù hợp vơi quy chế tôn tạo di tích do Bộ Văn hoá ban hành.
Năm 2006, Bình Định tiến hành 3 cuộc khai quật lớn, trước hết là khu tháp Cánh Tiên, sau đến là khu tháp Dương Long và cuối cùng là khu Tử Cấm Thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn.
Khu tháp Cánh Tiên, kết quả khai quật cho thấy, trước khi xây tháp, ngoài việc sử dụng khu đồi tự nhiên, người Chăm còn cho đắp đất để tạo cho khu đồi được cân đối trước khi xây cất điện thờ lên trên cho hài hoà với chung quanh. Về vật liệu gạch, so sánh kỹ thuật không khác mấy so với khu tháp Bánh Ít, nhưng kích thước nhỏ hơn, kỹ thuật xây vẫn ghép gạch với nhau nhưng không ghép chiều ngang mà lại ghép dọc từ ngoài vào trong. Kích thước gạch dài chỉ 0,35 m; dao động từ 0,12 m; 0,14 m; 0,15 m; dày 7 cm. Chân đế móng tháp được dùng toàn bằng đá ong, từ dưới lên chỉ 3 lớp. Qua hiện vật thu được, cho thấy khu tháp này được bày trí chung quanh khá nhiều tượng, phù điêu và văn bia, đáng tiếc chỉ còn trong dạng vỡ, duy chỉ có hai mảng phù điêu lớn có thể được gắn ở cửa chính tháp, phù điêu thể hiện là thần Siva, một trong những tam vị nhất thể của người Chăm.
Trong 2 cuộc khai quật nghiên cứu tháp Chăm, đáng chú ý nhất vẫn là khu tháp Dương Long, cuộc phát quật do Bảo tàng Bình Định chủ trì thực hiện, mục đích đặt ra trong lần khai quật này việc nghiên cứu chưa đặt ra nhiều mà chỉ là cung cấp cứ liệu một cách chuẩn xác nhằm phục vụ cho việc tôn tạo trùng tu, tuy nhiên để phục vụ cho việc trùng tu không thể không nghiên cứu.
Với 1.500 m 2diện tích khai quật, trong đó quanh chân tháp 1.000 m 2và 500 m 2bờ tường bao, phải nói rằng trong những cuộc khai quật tháp Chăm chưa có cuộc khai quật nào hoành tráng, quy mô lớn và mang lại nhiều điều mới lạ như lần khai quật này. Mới lạ không phải ở mức quy mô, mà là đưa lại cho chúng ta nhiều cá nhận thức mới về xây dựng tháp Chăm nói chung và Bình Định nói riêng.
Sau bước bóc tách lớp đất quanh chân 3 tháp, tại độ sâu từ 1,3 m đến 1,6 m, toàn bộ kiến trúc nguyên thuỷ của tháp đã được xuất lộ.
Trước hết đó là nền tháp, trong khi các khu tháp khác như Cánh Tiên, Bánh Ít chủ yếu nền được tận dụng nền đất nguyên thuỷ, sau đó ghép đá ong rồi từ đó cho xây tháp lên, thì ở tháp Dương Long là khu đồi Lateritte hoá khá chắc, ở các khu tháp mà chúng tôi trực tiếp khai quật, từ mặt nền đá này chỉ việc xây kiến trúc đó mà thôi, nhưng tháp Dương Long, người Chăm lại không làm như vậy, sau bước xử lý mặt bằng đến mức cho phép, người ta cho đầm kỹ một lớp vữa đá sỏi, cát đầm dện kỹ, lớp này dày từ 0,15 m sau đến mới tiếp tục ghép tiếp 4 lớp đá ong nữa, lên 4 lớp đá ong người ta tiếp tục ghép thêm 7 lớp gạch nữa, các viên gạch được ghép sít nhau thành một mặt nền phẳng, từ mặt bằng nền này mới tiếp tục cho xây tháp trên đó. Với cách xử lý nền vững chắc như vậy đã tránh cho việc tháp có thể nghiêng và đổ, cho nên ta thấy khu tháp Dương Long tuy đường bệ, hoành tráng nhưng không bị nghiêng lệnh như các khu tháp khác. Mặt bằng nền gạch bao quanh chân 3 tháp đã được khẳng định, nhưng hiện tại chưa xác định được quy mô diện tích, do vậy phải tiếp tục khai quật tiếp nữa mới có thể xác định được chính xác.
Điều quan trọng nhất là từ độ sâu này, quanh chân tháp đã phát lộ khá rõ đá ốp trang trí chân của khu tháp và được trang trí khá đẹp, điều đặc biệt là mô típ trang trí chân đế ốp của mỗi tháp hoàn toàn khác nhau, không trùng lặp. Trong ba tháp, hai tháp bên chủ yếu trang trí đi vào mảng khối, mặt ngoài trang trí hình các ô hộc, các góc chân đế tạo hình chim thần đà điểu Garuđa đang đỡ các khối nặng bên trên, hình tượng này giống tháp đôi Quy Nhơn, một yếu tố ảnh hưởng của văn hoá Khmer, đáng tiếc là đai trang trí hai tháp chỉ còn hai hàng đai ốp, các đai tầng trên bị lấy đi từ trước nên không đoán định được mô típ nguyên gốc.
Tháp giữa trang trí chi tiết hơn và gần như còn hiểu được mô típ trang trí trên các tầng đai, từ dưới lên còn 6 hàng đai ốp, chiều đai ốp hiện còn 2,3 m, hàng dưới cùng đá được tạo hình khối hộp chữ nhật không trang trí, đai thứ hai trang trí hoa văn hình cánh sen và hoa cúc, đai thứ 3 trang trí hoa văn cánh sen ngữa, đai thứ 4 trang trí hoa văn cúc ngữa, và hình vú (Parmentier gọi là hình trái xoài Chăm); đai thứ 5 trang trí hình hoa cúc cánh úp vào, đai thứ 6 toạ hoàn toàn hình mặt Kala đang phun ra ở miệng đầu rắn Naga. Điều đáng quan tâm là tất cả các đai ốp đều trong tình trạng làm chưa hoàn chỉnh, rõ nhất là cửa giả của tháp nam, giữa và tháp bắc, tất cả các khối đá mới ở dạng định vị vào vị trí. Không những phần đai ốp đá, mà cả phần gạch bên trong cũng có tình trạng này, rõ nhất là ở góc phía tây nam tháp giữa, còn thấy hiện tượng tạo khối cột ốp và góc, những dấu vết để lại này cho thấy, người Chăm đã xây theo mô típ đã định và sau đó tiến hành gia công theo mô típcủa tín ngưỡng tôn giáo quy định, điều mà trước đây còn nằm trong giả thuyết.
Còn việc xây tháp được tiến hành như thế nào, đó là câu hỏi đã được đặt ra trước đây, nhưng vẫn chưa có lời giải, có người đưa ra giả thuyết người Chăm cho xây gạch mộc rồi đốt cả trong lẫn ngoài, nhưng giả thuyết này khó đứng vững, vì nếu đốt thì vật liệu đá sẽ ra sao khi tiếp xúc với lửa. Nhưng qua khai quật tháp Dương Long giả thuyết này đã được giải đáp (tôi nghĩ thế). Sau khi làm sạch và rõ mặt nền gạch chung quanh 3 tháp, trên bề mặt nền xuất hiện khá nhiều lỗ chân cột tròn được bố trí lại khá gần chân tường tháp, nếu ta đưa ra giả thuyết đó là lỗ chân cột nhà thì hoàn toàn không có lý, theo chúng tôi thì đó là chân giàn giáo để tời kéo các vật liệu phục vụ cho việc xây dựng tháp mà thôi. Điều này đã khẳng định việc xây dựng tháp của người Chăm là được xây bằng gạch mộc rồi chất củi đốt như một số giả thuyết nêu lên trước đây, và chỉ có trang bị giàn giáo chắc chăn như vậy mới đủ tời kéo các vật liệu có trọng lượng lớn lên cao định vị vào vị trí một cách chính xác. Điều chúng ta đáng kinh phục, là việc tạo các hình trang trí trên các tầng tháp, trên thân tháp phải được làm khá thận trọng, không thể sai sót, việc làm này chỉ có người Chăm mới thực hiện được thôi ngoài ra không ai có thể làm được.
Về hiện vật, chưa có cuộc khai quật nào mà lại thu được nhiều hiện vật đá đến như vậy, chưa tính hiện vật dạng mảnh vỡ, chi riêng hiện vậy dạng thể khối chủ yếu là phù điêu có kích thước lớn hơn đã chiếm tới 1020 hiện vật và vật liệu kiến trúc chủ yếu là các lanh tô, đá ốp chân đế dạng khối là 262. Những hiện vật thu được chiếm 70% là hình đầu rắn Naga, các trang trí góc các tầng tháp từ dưới lên, đây là những cứ liệu tin cậy nhất phục vụ cho việc gia cố phần đá các tầng tháp Dương Long, cũng qua hiện vậy thu được cho ta biết một cách chắc chắn là ba tháp Dương Long thờ ba vị thần tối thượng của người Chăm trong đó tháp bắc thờ thần Visnu, và tháp giữa thờ thần Siva. Về văn hoá, từ kiểu dáng bên ngoài đến hiện vật thu được qua khai quật cho thấy tháp Dương Long ảnh hưởng khá sâu đậm của văn hoá Khmer vào trong kiến trúc và điêu khắc rất rõ, ngoài ra còn ảnh hưởng của văn hoá Việt tuy nhiên yếu tố Chăm vẫn là chủ đạo. Ngoài hiện vật đá, qua hiện vật gốm còn thấy một số mảnh của gốm Islam (gốm Trung Cận đông), gốm thời Minh (Trung Quốc) và gốm thời Lê (Đại Việt), điều này cho chúng ta biết về mối quan hệ giao lưu của vương triều Vijaya với nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Có thể còn nhiều vấn đề khác để bàn luận, nhưng một khi cuộc khai quật chưa kết thúc thì những gì đưa ra mới chỉ được xem như giả thuyết làm việc thôi. Nhưng cái mới tìm thấy trong cuộc khai quật này là đáng ghi nhận tạo tiền đề cho bước nghiên cứu tiếp theo.
-----
(1) Ch. Lemire, Các đền đài Chàm ở Bình Định.Tài liệu dẫn… tr 36 – 39.