Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 25/02/2008 15:17 (GMT+7)

Thanh Lãng, từ tư liệu đến cách phân kỳ văn học

Đọc Thanh Lãng tôi càng nghiệm ra điều đó là đúng. Là một giáo sư văn học, tác phẩm không nhiều, lại chỉ là giáo trình: Biểu nhất làm văn học cận đại(1957), Bảng lược đồ văn học Việt Nam(quyển Thượng và Hạ, Trình bày, Sài Gòn, 1967) và Phê bình văn học thế hệ 1932(quyển 1 và 2, Phong trào văn học, Sài Gòn, 1973)..., nhưng Thanh Lãng đã có một số những ý tưởng độc sáng đến nay còn gợi ra nhiều ngẫm nghĩ (hoặc ít ra đối với tôi).


Trước hết, tôi muốn nói đến tư tưởng tư liệu. Các nước Đông Á thường không coi trọng tư liệu. Lối học theo kiểu Đạo học là càng lên cao càng quy giản để trở về với Một, thậm chí với Không, nên tư liệu bộn bề là một cản trở. Còn ở Việt Nam thì lại càng không có thói quen lưu giữ tư liệu, kể cả tư liệu thành văn lẫn tư liệu ký ức. Bởi vậy, sưu tầm tư liệu, xử lý tư liệu, làm học thuật trên cơ sở tư liệu là một lề lối phương Tây, một kiểu tư duy thực chứng.


Việc sưu tầm tư liệu, đặc biệt là tư liệu báo chí, của Thanh Lãng xuất phát từ việc thương học trò. Đến sinh viên đại học cũng học chay. Chỉ học nguyên lý mà không đọc tác phẩm, chỉ học luận điểm mà không đọc, hoặc không có để đọc, các luận chứng. Bởi thế, dạy - học trở nên áp đặt, độc thoại. Sinh viên không có tư liệu gốc, thứ vật liệu mà từ đó thầy khái quát nên những nguyên lý, những luận điểm, còn trò thì một mặtxác lập ý kiến của mình, mặt kháchiểu sâu quan điểm của thầy, thậm chí đối thoạivới quan điểm của thầy.


Tư liệu với nhà phê bình cũng quan trọng như vậy, thậm chí còn hơn. Bởi lẽ, nhà phê bình xây cất những luận điểm, thắp sáng những khám phá của mình trên và bằng tư liệu. Tư liệu là ga đi của một hành trình thám mã. Nếu có nhà phê bình nào đó nhắm trước một đích đến thì khi tiếp xúc với tư liệu, nhiều khi anh ta phải điều chỉnh hành trình, hoặc ga đến lại là nơi bất ngờ, ngoài dự kiến. Bởi tư liệu tuy là một dạng tiềm năng nhưng có tính ngoan cố không dễ gì phục tùng những thiên kiến. Vì thế, những công trình tư liệu thường sống lâu hơn những công trình chỉ có luận điểm chay: Mọi luận điểm sẽ qua đi nhưng tư liệu thì còn lại.


Cũng nhờ tư liệu mà Thanh Lãng có cái nhìn mới với một vài giai đoạn văn học. Trước hết là "văn học Thiên chúa giáo". Trước đây chúng ta thường nghĩ văn học Việt Nam có văn học Nho giáo (điều quá hiển nhiên), văn học Phật giáo (một số người còn nghi ngờ!), nhưng văn học Thiên chúa giáo thì nhất quyết không có. Nhưng Thanh Lãng đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Là một linh mục, một tiến sĩ văn chương Pháp, ông đã có điều kiện tìm vào kho lưu trũ của Nhà thờ và phát hiện ra cả một miền đất mới. Đó là các sách viết về các danh nhân trong Cựu ướcnhư Thánh TổGia cốp vãn, Đa vít thánh vương tuồng,Tô Bi A vãn...; về cuộc đời Đức Ki-tô trong Tân ước như Giáng sinh vãn; về các danh nhân trong lịch sử công giáo thế giới như Cécilia tuồng, Thánh An tôn vãn, Hoàng hậu Save vãn, Inê tử đạo vãn...;về danh nhân Việt Nam như Đông cung nhật trình vãn...


Các tác giả - tín đồ Công giáo bấy giờ không phải chỉ có chủ trương tôn giáo thuần túy, mà còn có chủ chương văn học. Những tuồng, vãn, thơ là những bằng chứng hùng hồn cho chủ trương làm văn, viết văn của những nhà văn tôn giáo ấy. Bởi thế, khác hẳn với nền văn chương Nho giáo của cái Đại xã hội văn hóa đương thời, nền văn chương Ki tô giáo tiểu ngạch đã khai sinh ra nhiều hình thức văn học mới. Đó là văn thuần túy tôn giáo gồm các kinh kệ dùng trong việc tế tự, các sách dạng giáo lý hay luân lý, sách chú giải kinh điển như Sách Thầy Giảng(1870), Sách dạy về sự kính thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Giêsu(1891) và bộ sách Giải nghĩa kinh Evang(1903)...; loại ca vè luân lý dạy về cách ăn ở ở đời như Vè Cụ Sáu; loại lịch sử lúc đầu chỉ chép lịch sử Ki-tô giáo thế giới, sau chép cả lịch sử văn hoá như Sử ký Đại Nam Việt; loại truyện ký hay hồi ký: do chịu ảnh hưởng của các nhà truyền giáo châu Âu, các nhà truyền giáo Việt Nam cũng viết hồi ký loại truyện ký bằng văn xuôi hoặc văn vần như Đông Cung nhật trình vãnviết về Hoàng tử Cảnh sang Pháp; cuối cùng là văn tuồng mới viết theo kiểu phương Tây, nhân vật là những danh nhân tôn giáo, nói chứ không hát, lời lẽ nôm na, dễ hiểu...


Tóm lại, trong lúc ngoài xã hội vẫn đang thống trị văn vần hay văn xuôi biền ngẫu chứa đầy điển tích thì ở đây ra đời một thứ văn xuôi đơn sơ, dễ dãi gồm những lời ăn tiếng nói hàng ngày, ít chữ Hán, ít điển tích; trong lúc ngoài xã hội vẫn đang thống trị tuồng hát như tuồng chèo với tính ước lệ rất cao thì ở đây ra đời thứ tuồng nói nôm na dễ hiểu. Đây là những đột phá để về sau cho ra đời những thể loại chủ đạo của văn học Việt Nam hiện đại hóa như văn xuôi, tiểu thuyết, kịch nói. Tuy văn học Ki tô giáo không có kiệt tác, nhưng đã đưa ra tư tưởng mới, thể loại mới, công cụ diễn đạt mới mở đầu cho nền văn học quốc ngữ đầu tiên ở Nam bộ, sau đó trên cả nước.


Cũng chính trên cơ sở tư liệunày, Thanh Lãng đã có đóng góp thứ hai, quan trọng hơn, vào việc phân kỳ lịch sử văn học. Trước tiên là sự phân chia văn học Việt Nam ra thành hai giai đoạn: Thời đại cổ điển và Thời đại mới, hoặc văn học trung đại và văn học hiện đại. Vậy đâu là mốc phân chia văn học trung đại và văn học mới. Gần đây, phần đông đều lấy mốc đầu thế kỷ. Tuy nhiên, trong khi vẫn có người, theo sát gót lịch sử chính trị, đẩy lên đến 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản, hoặc lui xuống 1858, năm thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam, thì Thanh Lãng chọn 1862, năm ba tỉnh miền Đông bị mất vào tay xâm lược.


Sự kiện một phần đất nước bị mất vào tay kẻ xâm lược, nhất là kẻ khácđó lại khác về văn hóa, đã gây ra một chấn động lớn trong tâm hồn người Việt Nam, đặc biệt là các nho sĩ. Từ đây, việc mất chủ quyền chính trị sẽ dẫn đến mất vai trò lãnh đạo tinh thần, mất địa vị trong văn học. Nhất là cái học mớiđang dần nảy nở và phát triển với các phương tiện trợ giúp hùng mạnh là chữ quốc ngữ, nhà in với báo chí. Năm 1865 xuất hiện tờ báo đầu tiên: Gia Định báovà năm 1866, chỉ một năm sau, Trương Vĩnh Ký đã cho in và phát hành bộ Chuyện đời xưacủa ông. Thế là bắt đầu một lớp người trí thức mới, Tây học, dần dà thay thế lớp cũ, Nho học. Họ bắt tay vào xây dựng nền văn học của mình. Bế mạc một mùa cổ điểnvà khai mạc một thời đại văn học mới.


Như vậy, chọn mốc 1862, tuy là một cột chính trị nhưng lại sản sinh ra nhiều hệ quả văn hóa quan trọng, Thanh Lãng đã mang lại một cái nhìn mới cho một giai đoạn văn học Việt Nam. Đó là một cái nhìn từ Nam bộnhưng lại có giá trị toàn quốc, một cái nhìn từ chữ quốc ngữ, từ văn chương Ki tô giáo, tức là cái mới nảy sinh và, do đó, có phần đối lập với cái nhìn quen thuộc từ Bắc bộ, từ nền văn chương Nho giáo, tức từ sự suy tàn của cái cũ. Nhưng, điều quan trọng hơn, là từ sự chọn mốc này, Thanh Lãng đã chia giai đoạn khởi đầu 1862-1945 của nền văn học mới, hiện đại thành ba thế hệ và từ đó gợi ra những suy nghĩ về việc phân chia lịch sử văn học theo thế hệ.


Thực ra, văn học Thời đại cổ điểntừ thế kỷ XVII đến năm 1862 cũng được Thanh Lãng chia làm 7 giai đoạn, tức 7 thế hệ: 1. Văn học thời đối kháng Trung hoa (thế kỷ XIII-XIV), 2. Văn học thời phát huy văn hóa dân tộc (1428-1505), 3. Văn học thời chớm mở đối kháng thời thế (1505-1592), 4. Văn học thời kỳ gặp gỡ phương Tây (1592-1729), 5. Văn học thời thác loạn (1729-1788), 6. Văn học thế hệ Nguyễn Du (1788-1820), 7. Văn học thế hệ Nguyễn Công Trứ (1820-1892). Cách phân chia trên, quả thực chưa chặt chẽ bởi một tiêu chí thống nhất. Điều này, trước hết phản ánh ở tên gọi: khi thì lấy tinh thần chủ đạo của một giai đoạn như "Văn học thời thác loạn", khi thì lấy một nhân vật tiêu biểu như "Văn học thế hệ Nguyễn Du"... Nhược điểm này được khắc phục một cách triệt để trong sự phân kỳ văn học Thời đại mớitừ năm 1862 đến 1945.


Thời đại này được Thanh Lãng chia làm 3 thế hệ: 1. Thế hệ Đối khángkéo dài từ 1862 đến 1913, tư tưởng chủ đạolà chống Pháp, chống văn hóa phương Tây qua thơ văn của các sĩ phu yêu nước, Cần vương, phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục; 2. Thế hệ Liên hiệpkéo dài từ 1919 đến 1932. Năm 1913 hầu như các cuộc đấu tranh chống Pháp đều tan rã: Phan Bội Châu chủ trương Pháp Việt đề huề, khởi nghĩa Yên Thế thất bại, Nguyễn Văn Vĩnh mở Đông Dương tạp chícổ động cho đường lối tổng hợp Đông Tây, dung hòa Âu Á, mới cũ, già trẻ, luân lý/nghệ thuật; 3. Thế hệ Đoạn tuyệtkéo dài từ 1932 đến 1945. Nếu các thế hệ trên hoặc là Nho học, hoặc là Nhà nho Tây học, thì thế hệ này toàn phần Tây học, nên họ muốn đoạn tuyệt với phương Đông để theo Tây phương, đoạn tuyệt với cái cũ để theo cái mới, đoạn tuyệt với luân lý để giải phóng nghệ thuật.


Cách phân chia này tôi thấy rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là việc chia lịch sử văn học Việt Nam thành 2 thời đại: Thời đại Cổ điển và Thời đại mới. Chữ thời đại ở đây là thời đại lớntheo cách dùng của nhà nhân văn học M.Bakhtin và nhà lịch sử tôn giáo M.Eliade. Thời đại lớn chính là thời đại văn hóa. Tư tưởng chủ đạo của Thời đại cổ điển là Trung Hoa hóa, tức khu vực hóa, còn của Thời đại mới là phương Tây hóa, tức thế giới hóa. Như vậy, xu thế hiện đại hóa ở văn học Việt Nam là không thể đảo ngược, đặc biệt là ở văn học thời đại mới.


Khi xác định tư tưởng văn học chủ đạo của Thời đại mới là phương Tây hóa, tôi muốn mở ngoặc nói thêm, ở thời kỳ này hiện đại hóa gần như trùng khít với phương Tây hóa, và phương Tây hóa cũng gần như trùng khít với thế giới hóa, chỉ sau 1945 thì hiện đại hóa mới đa phương hơn và, do đó, đa dạng hơn. Trên diễn trình hiện đại hóa này mỗi thế hệ gánh vác một phần nhiệm vụ của mình. Từ đó, không chỉ nhìn văn học theo tư tưởng chủ đạo, tức cái cốt yếu nhất, mà còn nhìn nó trong thế vận động. Như vậy, các thế hệ văn học của Thời đại mới từ chống đối, bất hợp tác với tư tưởng văn học phương Tây dần dà đi đến chỗ dung hòa tư tưởng Đông Tây, để rồi đoạn tuyệt với tư tưởng phương Đông nhằm chủ trương hiện đại hóa theo con đường phương Tây.


Theo sơ đồ này, Thanh Lãng đã chỉ ra con đường hiện đại hóa, tức phương Tây hóa, của văn học Việt Nam được các thế hệ kế tiếp nhau trong một cuộc chạy đua tiếp sức là không thể đạo ngược. Nhưng việc hiện đại hóa gần như trùng khít với phương Tây hóa, tức Pháp hóa, tức ít nhiều có dính dáng đến chính quyền Pháp cả ở chính quốc lẫn ở thuộc địa, đã ngầm chứa sẵn các số phận bi kịch cho những người có tư tưởng canh tân, cải cách.


Tuy nhiên, theo tôi, hợp lý hơn có lẽ nên chia giai đoạn 1932 - 1945 thành hai: 1932 - 1939 và 1940 - 1945. Thế hệ Đoạn tuyệt với Tự lực Văn đoàn là tiêu biểu kết thúc vào năm 1939, khi Thế chiến hai bùng nổ. Người ta mất niềm tin vào nền văn minh phương Tây, nên đã quay sang phương Đông, quay về dân tộc. Phong trào nghiên cứu văn hóa dân tộc hình thành quanh tạp chí Tri tân. Một thế hệ trí thức mới ra đời tiếp thu tinh thần khoa họcphương Tây để xử lý những vấn đề văn hóa xã hội Việt Nam nhằm tìm ra một con đường hiện đại hóa khác trước, trong đó có con đường mác - xít vừa giải quyết được vấn đề dân tộc và vấn đề quốc tế. Thế hệ trí thức này tập hợp xung quanh tạp chí Thanh nghịvà nhà xuất bản Hàn Thuyên. Điều này giải thích vì sao chính họ là những người nhiệt tình tham gia Cách mạng tháng Tám.


Việc phân kỳ lịch sử theo thế hệ là nhìn vào những con người chính yếu, chiếm số đông, mang tư tưởng chủ đạo của giai đoạn ấy. Ví như Thế hệ Phản kháng chủ yếu là các nhà nho, Thế hệ Liên hiệp chủ yếu là các nhà nho Tây học, còn Thế hệ Đoạn tuyệt chủ yếu là các nhà Tây học. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn đều có những con người lạc thế hệmình: hoặc họ thuộc thế hệ sau đó, hoặc họ thuộc về thế hệ trước đó. Ở thế hệ Phản kháng chẳng hạn, có những người như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tinh Của... lại chủ trương liên hiệp. Sự đi ngược lại thế hệ của mình đã mang lại cho họ nhiều ngộ nhận, hiểu lầm. Điều này cũng dễ giải thích vì họ thuộc nhà nho Tây họcsẽ chỉ trở thành chủ đạo ở giai đoạn sau. Đáng chú ý là trường hợp Tôn Thọ Tường, vốn là nhà nho nhưng lại chủ trương liên hiệp nên ông rơi vào một mâu thuẫn mang tính bi kịch: "một bên là thực tế của lương tri đòi hỏi nhà nho phải trung quân ái quốc, một bên là thực tế cuộc đời, bế bắc, tàn ác, bi đát nhưng phải thích nghi". Bởi thế, Tôn Thọ Tường (cả văn lẫn đời) đều là những cái nửa chừng: suy tưởng nửa chừng, hành động nửa chừng. Hoặc ở Thế hệ Liên hiệp cũng có những người bước một chân sang Thế hệ Đoạn tuyệt. Đó là trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà văn sáng tác quốc ngữ ở Thế hệ Đoạn tuyệt đều thừa nhận mình được đào tạo từ trường học của Tân Nam Tử (con người của nước Nam mới).


Sự phân kỳ văn học theo thế hệ không chỉ đến Thanh Lãng mới có. Thực ra trong Nhà văn hiện đạiVũ Ngọc Phan đã có chia các văn theo thế hệ. Nhưng ông làm không triệt để và quan trọng hơn không có biện luận cũng như không có lý thuyết. Còn trong phê bình văn học Việt Nam sau này, người ta cũng hay nói đến thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ nhưng thực ra không có nội dung tư tưởng. Hoặc, sự phân biệt các thế hệ nhà văn 70, 60, 50 tuổi cũng không có nội dung, chỉ để thuận tiện cho Hội nhà văn lên danh sách thăm hỏi, tặng quà. Nói vậy, là để biết đóng góp của Thanh Lãng với phương pháp phân kỳ văn học theo thế hệ của ông vào văn học sử và phê bình văn học.

      

Nguồn: vanhoanghethuat.org.vn (12/07)

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.