Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 26/06/2025 14:11 (GMT+7)

Giáo sư Trần Duy Quý và giấc mơ nâng tầm hoa lan Việt

Là một trong những nhà khoa học đầu ngành về di truyền học nông nghiệp, ngoài cây lúa, GS.TSKH Trần Duy Quý còn dành nhiều tâm huyết với hoa lan Việt Nam.

Trên cánh đồng lúa chín vàng, trong vườn lan rực rỡ sắc màu, có dấu chân của một vị giáo sư lặng thầm gieo hạt giống cho tương lai nông nghiệp Việt Nam.

tran-duy-quy.jpg

GS.TSKH Trần Duy Quý có tình yêu đặc biệt với hoa lan

GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh hoa lan Việt Nam không chỉ là nhà di truyền học hàng đầu, mà còn là người suốt đời đau đáu với sự sống của từng mầm cây, từ hạt lúa đến cánh lan. Câu chuyện cuộc đời ông là minh chứng cho một đức tin vững bền: khoa học phải gắn với đất, với người, và với khát vọng phát triển bền vững.

NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHỌN GIỐNG CÂY TRỒNG HIỆN ĐẠI

GS.TSKH Trần Duy Quý sinh ra tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông hai lần đỗ thủ khoa – kỳ thi đại học năm 1963 và tốt nghiệp khoa Sinh, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Từ đó, ông theo đuổi đam mê ngành di truyền – chọn giống cây trồng.

Năm 1971, ông bắt đầu công tác tại Phòng Sinh vật, Viện Khoa học Tự nhiên (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Sau năm 1975, ông được cử vào miền Nam để xây dựng Phòng Sinh học thuộc Phân viện KHCN Việt Nam.

tran-duy-quy-2.jpg

GS.TSKH Trần Duy Quý trăn trở, tốc độ phát triển kinh doanh hoa lan ở nước ta so với các nước phát triển ở châu Âu và châu Á là một khoảng cách rất xa.

Nhờ thành tích xuất sắc, ông được cử sang Liên Xô nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1983. Trở về nước, ông cùng GS.TSKH Phan Phải thành lập Trung tâm Di truyền Nông nghiệp (nay là Viện Di truyền Nông nghiệp).

Năm 1990, ông tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh cao cấp và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học năm 1992 với đề tài về di truyền và chọn giống lúa. Năm 1993, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, góp phần đưa viện trở thành đơn vị đầu ngành về nghiên cứu giống cây trồng. Ông được phong hàm Phó Giáo sư năm 1996 và Giáo sư năm 2002.

hoa-lan-2.jpg

Giống lan đẹp được GS Quý giới thiệu

Với gần nửa thế kỷ gắn bó cùng khoa học nông nghiệp, GS.TSKH Trần Duy Quý là một trong những nhà khoa học có nhiều đóng góp nổi bật cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng.

Ông là “cha đẻ” của giống lúa DT10 – giống lúa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và gió bão, từng thay thế hoàn toàn giống Nông nghiệp 8 tại Việt Nam. DT10 sau đó đã được phổ biến ra hàng chục quốc gia, với diện tích gieo trồng lên đến hàng chục triệu hecta. Tại Iraq, năng suất giống này đạt tới 11 tấn/ha – cao vượt trội so với mức 7–8 tấn/ha trong nước. Với thành công này, năm 1995, ông được Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương trao giải thưởng về giống lúa đột biến.

hoa-lan.jpg

Giống lan đẹp được GS Quý giới thiệu

Một thành tựu lớn khác là giống lúa NPT3 – hay còn gọi là siêu lúa Hoa Phượng Đỏ – được ông lai tạo trên nền tảng cải tiến giống ĐH18, khắc phục nhiều nhược điểm để tạo nên giống lúa ưu việt hơn. Tính đến nay, GS Quý đã chọn tạo gần 30 giống lúa, cùng nhiều giống đậu tương và hoa có giá trị.

Không chỉ dừng ở nghiên cứu giống, ông còn là tác giả của gần 200 công trình khoa học được đăng tải trong và ngoài nước, tiêu biểu như các nghiên cứu về bản đồ gen lúa, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ gen, và định danh DNA.

hoa-lan-3.jpg

Giống lan đẹp được GS Quý giới thiệu

Ông cũng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu và dự án thực tiễn có giá trị như: chọn tạo giống lúa thơm VS1, lúa siêu năng suất cho các tỉnh phía Bắc, giống lúa chất lượng cao cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hay giống hoa ly cho đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều sách chuyên khảo quan trọng về di truyền học, công nghệ gen và bảo vệ thực vật – những tài liệu nền tảng cho đào tạo và nghiên cứu trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài cây lúa, ông còn mang một giấc mơ cháy bỏng, đó là nâng tầm hoa lan Việt Nam.

KHÁT VỌNG "PHỤC HƯNG" NGÀNH LAN

GS.TSKH Trần Duy Quý trăn trở, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, có hơn 1.234 loài lan thuộc 154 chi, với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như Paphiopedilum, Dendrobium, Bulbophyllum… Nhưng ngành công nghiệp hoa lan trong nước lại đang tụt hậu so với Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… cả về quy mô sản xuất lẫn giá trị thương mại.

tran-duy-quy-3.jpg

Theo GS Quý, Nguồn gen lan rừng của Việt Nam cực kỳ phong phú

“Nguồn gen lan rừng của Việt Nam cực kỳ phong phú, nhưng đa phần vẫn chỉ được trồng theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, thiếu nghiên cứu bài bản, thiếu liên kết chuỗi giá trị, và đặc biệt thiếu sự quan tâm từ chính sách nhà nước. Điều này khiến thị trường lan trong nước phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, dù người chơi lan ngày càng đông và nhu cầu thị trường rất lớn”, GS Quý nêu thực trạng.

Lý do chính, theo GS Quý, là do thiếu hạ tầng, chi phí đầu tư cao, công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế và đặc biệt là chưa có chính sách hỗ trợ phát triển ngành lan một cách bài bản. GS Trần Duy Quý đề xuất: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng thu nhập thấp sang trồng hoa lan; đồng thời thúc đẩy quảng bá thương hiệu lan Việt ra thị trường quốc tế thông qua hợp tác công - tư.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA CHO HOA LAN VIỆT NAM

GS Quý cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đến nay cả nước có trên 500.000 nhà vườn, nhà sưu tầm, nuôi trồng và làm dịch vụ hoa lan với các quy mô khác nhau. Trong đó, những nhà vườn lan VAR đã đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ và bước đầu xuất hiện nhiều mô hình phát triển hoa lan trên giàn mái, vườn treo sân thượng vừa không tốn diện tích, vừa là giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính ở đô thị. Đặc biệt, đã góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

gen-h-duy-quy.jpg

GS Quý chia sẻ những trăn trở về hoa lan tại Hội thảo do VUSTA tổ chức

GS Quý cho rằng, ngành hoa lan cần được nhìn nhận đúng như một ngành kinh tế có giá trị cao, không chỉ phục vụ thú chơi mà còn có thể xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công như Đài Loan, nhưng cần tạo ra con đường riêng: tập trung vào giống lan quý, lan bản địa, kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái, xây dựng thương hiệu quốc gia cho hoa lan Việt. Việc thành lập VOPTA năm 2023 chính là bước đầu hiện thực hóa giấc mơ ấy – nơi kết nối cộng đồng, là tiếng nói phản biện chính sách và đồng hành cùng nông dân.

Với những cống hiến, GS.TSKH Trần Duy Quý đã được trao 4 giải thưởng VIFOTEX về KHCN, 1 giải thưởng nhà nước về lúa lai (2005); Giải thưởng của Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương năm 1995; Giải thưởng của Tổ chức Nông - Lương quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2014 về công trình đột biến tạo giống lúa... Trên 50 năm cống hiến tận tâm, tận lực, tận trí, tận tình cho ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, GS.TSKH Trần Duy Quý đã được Viện danh nhân Thế giới của Hoa Kỳ bình chọn là 1 trong 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến Thế giới năm 2002.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.
Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.