Thành công nhờ bám sát cuộc sống
Gắn bó với giống lan Hoàng thảo
Chị Liên gắn bó với hoa lan từ những năm 90 khi làm nghiên cứu sinh tại Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam . Thông qua những chương trình hợp tác theo Nghị định thư, chị Liên có điều kiện sang Thái Lan - nơi đi trước Việt Nam rất xa về nghiên cứu hoa lan – học tập kinh nghiệm. Ở Thái Lan, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực hoa cây cảnh phát triển rất mạnh, thường đặt hàng cho các Viện nghiên cứu. Còn ở Việt Nam, “cơ sở vật chất của các phòng thí nghiệm tại Việt Nam đang dần được cải thiện. Nhưng đến nay việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp còn nhiều vướng mắc”, chị Liên nói.
Phạm Thị Liên, tiến sĩ nông nghiệp, phó giám đốc Trung tâm thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao đồng thời là trạm trưởng Trạm thực nghiệm Văn Giang. |
Năm 2006, chị làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình KC.06/06-10 Nghiên cứu quy trình công nghệ phát triển một số giống lan Hoàng thảo tại miền Bắc, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giống hoa Hoàng thảo của Thái Lan rất phong phú tuy nhiên bài toán đặt ra là phải cho hoa nở được vào mùa lạnh để có thể trồng được trong điều kiện thời tiết lạnh của miền Bắc. Sau 4 năm nghiên cứu, nhóm của chị đã chọn được 3 giống HT1, HT2, HT3 có nguồn gốc từ Thái Lan, và chị đã thuyết phục được Bộ KH&CN đưa vào sản xuất thử nghiệm.
Nếu không bám sát thực tế sẽ bị nhà nông bỏ xa
Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất tại các Viện nghiên cứu đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng theo chị Liên, bên cạnh việc dành thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, nhà nghiên cứu phải bám sát cuộc sống mới biết được người nông dân cần gì để giúp họ có hiệu quả nhất. Nhiều khi giống mình làm ra nhưng vì lý do nào đó người nông dân không sử dụng thì cũng không thể gọi là thành công.
Theo chị Liên, làm nghiên cứu trong nông nghiệp không thể thiếu kinh nghiệm thực tế. Phải gần với nông dân, xem họ có vướng mắc gì để tìm cách giải quyết. Hiện nay, những công việc như nhập giống, ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác… nhiều hộ nông dân có thể làm được nhưng để đánh giá, lượng hóa cụ thể thì họ chưa làm được. Người làm nghiên cứu nông nghiệp gần nông dân, nghiên cứu càng sát, và nông dân gần nhà khoa học cũng đúc rút kinh nghiệm càng nhanh.
Chị vẫn nhớ câu chuyện về nhà khoa học Lương Định Của tại Viện cây lương thực và thực phẩm Hải Dương nơi chị từng làm việc. GS. Lương Định Của từng nói với các cán bộ nghiên cứu ở đây, “làm nghiên cứu nông nghiệp trước hết phải biết trồng cái cây cho sống đã. Nếu không biết trồng cây cho sống thì phải học nông dân”. Mặc dù là Viện trưởng nhưng mỗi lần đi thực tế ông vẫn xắn quần lội hết các cánh đồng của Viện để xem xét, nắm rõ mọi thứ. Còn các kỹ sư của Viện thì phải đi thực tế 3 năm, ông mới cho vào làm việc ở phòng thí nghiệm.
Đợt Tết vừa rồi chị thực sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy cây cảnh ghép ba vòng của các hộ nông dân trồng cây cảnh ở Văn Giang: vòng dưới cùng là bưởi, vòng trên cam, vòng trên nữa quất. Đó thực sự là một cách ghép cành hết sức độc đáo mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể làm được. “Tách rời thực tế, nhà nghiên cứu nông nghiệp vừa thua thế giới vừa thua cả chính người nông dân nước mình”, chị Liên khẳng định.