Tế Giao và áo tế của vua thời Nguyễn
Sử sách ghi lại, Việt Nam lập Đàn Nam Giao từ thời nhà Lý (đời vua Lý Anh Tông, 1138-1175), ở địa phận huyện Thọ Xương, phía Nam thành Thăng Long, cứ ba năm làm một đại lễ tế Giao. Vua đi tế ngự xe Thái Bình, khắc gỗ làm hình 40 vị tiên mặc áo gấm vóc ngũ sắc, cầm cờ; có khi vua ngự thuyền rồng ở hồ Chu Tước thuộc phường Bích Câu, dùng dây gấm kéo thuyền. Hai năm làm trung lễ, vua đi tế ngồi ngai lớn chạm trổ bách cầm. Một năm là tiểu lễ, vua đi tế ngồi ngai nhỏ, các quan văn võ theo sau.
Thời Hồ Hán Thương năm 1402 cũng theo lệ cũ của nhà Lý cho cử hành lễ tế Giao rất long trọng. Vua đắp đàn ở Đốn Sơn, chọn ngày lành, đi xe vân long, ra cửa Nam thành, trăm quan và các cung tần, mệnh phụ theo thứ tự đi sau. Việc cho phép phụ nữ được đi theo xa giá của vua trong lễ tế Giao là điểm đổi mới đáng ghi nhận của triều đại Hồ Hán Thương nhưng lại bị các nhà làm sử phong kiến đời sau coi là “học mót cặn bã trong lễ, không kê cứu gì cả, rất là quê mùa”. Hồ Hán Thương quy định mũ áo đàn bà đi trong đoàn phải kém mũ áo của chồng một bậc, nhưng lại có thêm một điểm cách tân tột bực nữa là “người đàn bà nào chính bản thân làm nên sang hiển thì mũ áo không phải kém mũ áo của chồng”. Nhà Hồ cũng chia lễ ra làm 3 hạng: lễ lớn, lễ trung bình và lễ nhỏ. Lễ lớn cử hành 3 năm một lần, lễ trung bình hai năm một lần, lễ nhỏ được tổ chức hàng năm. Đến năm 1462, lại quy định cứ đến đầu mùa xuân hàng năm là làm lễ tế Giao.
Thời Nguyễn, nghi lễ tế Giao là nghi lễ trọng thể nhất trong mọi hoạt động nghi lễ của triều đình. Mọi chi tết liên quan đến các bước thực hành nghi lễ, trang phục, thành phần tham dự, thời gian, tế phẩm đều được điển chế hoá thành các quy định cụ thể và đều có những thay đổi qua các đời vua Nguyễn.
Thời đầu triều, vua Gia Long quy định tổ chức tế hàng năm vào mùa xuân (tháng 2 ÂL). Đến thời Thành Thái năm thứ 2 (1900) định lại cứ ba năm tế một lần, lấy năm Thành Thái thứ 3 (1901) làm kỳ đầu tiên.
ĐànNamGiao thời Nguyễn được lập năm Gia Long thứ 2 (1806), ở địa phận xã Dương Xuân, phíaNamkinh thành Huế. Đàn chia làm ba tầng:
Tầng thứ nhất: hình tròn, quy định để thờ Trời và Đất, phối thờ các vua Nguyễn.
Tầng thứ hai: hình vuông, thờ các vị thần: Mặt trời, Mặt trăng, Tinh tú, thần Gió, Mưa, Mây, Sấm, sao Thái Tuế, thần Nguyệt tướng (chỉ lúc mặt trời, mặt trăng họp nhau, có 12 vị - ĐNTLT.3), các thần Núi, Biển, Sông, Chằm, các thần Cồn, Gò, Bờ nước, Bãi Bằng và các thần trong cả nước.
Tầng thứ ba: hình vuông, có chỗ thiêu các con sinh và chôn lông huyết.
Ngoài ra còn có các công trình phục vụ cho lễ tế Giao như Thần Khố, Thần Trù, Trai Cung, có phòng Thượng Trà, sở Thượng Thiện.
Theo sử triều Nguyễn, thời Gia Long tế lộ thiên, nhưng đến thời Minh Mạng (năm 1841), cho làm các nhà vải, màu xanh ở tầng thứ nhất và màu vàng ở tầng thứ hai, tế xong thì triệt hạ.
Với quan niệm “việc tế tự Giao đàn là việc rất lớn,… sự báo đáp rất mực kính thành, không cần văn vẻ… cốt yếu là nghiêm túc, đem lòng thành kính đối với thần minh và vẫn không ngoài ý nghĩa báo đáp từ gốc, nhớ lại từ đầu…”, các vật phẩm cúng tế và đồ tự khí dùng trong tế Giao thời Nguyễn đều được chọn lựa hoặc chế tác riêng, hầu hết đều mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: màu xanh, hình tròn dùng cho đàn tế trời: màu vàng, hình vuông dùng cho đàn tế đất; các màu đỏ, đen, trắng dùng cho án thờ các vị tinh tú, vân vũ phong lôi, các thần Sơn Hải Giang Trạch. Tuỳ theo vị trí và tầm quan trọng từ cao xuống thấp mà dùng các loại đồ đựng bằng vàng, bạc, bịt vàng, bịt bạc, đồ pháp lam, đồ sứ, đồ mây tre đan hoặc đồ đồng… Số lượng các lễ phẩm cũng dừng ở các con số 3, 5, 7, 9 chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng của Dịch học (ba hạng lụa thờ: hạng nhất dài 9 thước, hạng nhì 7 thước, hạng ba 5 thước, ba tầng đàn v.v…). Các tế phần gồm có tam sinh (trâu, heo, dê) và các loại bánh trái, quả phẩm, xôi, dưa muối, canh, ngũ cốc… Ngay cả trên trang phục tế Giao, đặc biệt là áo tế Giao của nhà vua, màu sắc và hoa văn trang trí được chú trọng cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật, mang tính biểu đạt cao. Minh chứng sinh động cho loại áo này của vua Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, sử triều Nguyễn còn gọi là “cổn”.
Đó là chiếc áo tế Giao mang số ký hiệu BTH 06-Đd 05 bằng vải sa màu đen, cỏ nằm, nẹp lớn. Dải áo thêu rồng mây, thủy ba và các cụm rong tảo. Hai vạt áo xẻ dọc, hoi xoè. Tay áo dài hơn vạt áo, xoè rộng phần cửa tay.
Phần trang trí trên áo được bố trí thưa nhưng rất ấn tượng. Ngực áo thêu nổi hình rồng 5 móng mặt ngang. Dọc theo tay áo thêu hình rồng mây ngũ sắc, mặt rồng hướng về phía cổ tay. Cửa tay thêu 4 hình rồng đuổi với kích thước nhỏ nhưng rất tinh xảo.
Đặc biệt, phần lưng áo được trang trí nhiều hơn, với các văn tam sơn, mặt trời, mặt trăng và 5 vì tinh tú (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) tượng trưng cho ngũ hành. Hình mặt trời được thêu bên vai phải, màu trắng và xanh nhạt. Khoảng giữa hai vầng nhật nguyệt là 5 hình tròn viền mây thêu nối với nhau trên một đường thẳng. Chính giữa lưng áo là cụm tam sơn được thêu chỉ màu vàng, đỏ và xanh nhạt.
Tất cả các hình thêu trên áo đều được kim sa. Mặc dù phần trang trí trên áo không có nhiều hoa văn như các loại áo khác trong sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn, nhưng cách phối màu trên nền áo đen và kỹ thuật thêu được áp dụng rất tinh xảo. Màu sắc đa dạng của các hình thêu trên áo và các hạt kim sa óng ánh vàng tạo cho chiếc áo một vẻ sang trọng mà không quá cầu kỳ.
Sự hội tụ của những vì tinh tú, mặt trăng, mặt trời, núi sông, mây nước trên chiếc áo tế Giao của vua Nguyễn chính là phần quan trọng nhất góp vào màu sắc mang tính biểu trưng có chọn lọc trong nghi lễ tế Giao thời Nguyễn. Chiếc áo không chỉ thể hiện sự tinh tế về màu sắc, điêu luyện về kỹ thuật may dựng áo mà còn thể hiện rất sâu sắc về ý nghĩa biểu tượng, phản ánh trung thực nhân sinh quan, vũ trụ quan của một thời quân chủ. Chính vì những giá trị ấy, chiếc áo tế Giao thực sự là một bảo vật mang tầm quốc gia trong số ít ỏi các hiện vật thuộc sưu tập đồ dệt hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Nguồn: Cổ vật tinh hoa, số 12, tháng 5/2005