Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/03/2009 01:36 (GMT+7)

Tây An cổ tự ở núi Sam

Giặc men theo đường thuỷ kéo sang. Vua sai Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Tiến Lâm giữ mặt Tiền Giang; Phạm Ngọc Điển và Nguyễn Văn Nhân giữ mặt Hậu Giang; Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tiến Nhân giữ mặt Vĩnh Tế. Giặc bị đẩy lui ra khỏi bờ cõi. Quân Xiêm về đất Miên gây tội ác. Chân Lạp cầu viện Vua ta. Tháp 5 Ất Tỵ (1845), triều đình sai Võ Văn Giai, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn và Tôn Thất Nghị tiến binh, phá được đồn Dây Sắt, lấy hai thành Nam Vang (trấn Tây Thành), 23.000 người Chân Lạp xin hàng. Quân ta đuổi và vây ngặt, Nặc Ông Đông và tướng Xiêm là Chất Tri ở Ô Đông (Oudong), liệu thế không chống nổi, Chất Tri xin hoà, hai bên đều giải binh.

Nhờ lập được chiến công lớn trong trận tiến công năm ấy, lại với bản chất thanh liêm, cần mẫn và những thành quả đạt được trong thời gian làm Tuần phủ An Giang (1843) nên Phó Khâm sai Đại thần Doãn Uẩn được thăng chức Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên). Với trọng trách này, sau năm 1847 ông đã cho xây cất lại ngay trên nền cũ - triền núi Sam ngôi chùa mới khang trang, vừa uy nghiêm đồ sộ lại vừa mang một kiểu thức hài hoà, đáp ứng thoả đáng yêu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng chung cho cộng đồng các dân tộc (Việt - Khơ-me - Chăm) tại đại phương. Đây là một công trình mang tính chiến lược về tâm lý trong kế an dân ở vùng biên giới phía tây, thể hiện rõ nét sự đa mưu túc trí của một ông quan văn võ song toàn. Vì vậy, Vua phong tước cho ông là “Tuy Tĩnh Tử” và khen là “An Tây Mưu lược Tướng”.

Chính do công “An Tây” nên khi chùa Phậtdựng xong, người ta không còn gọi chung chung là chùa Phật như trước, mà gọi là chùa “Phật Tây An”hoặc chùa “Tây An”(cũng hiểu, ngôi chùa ở phía tây thành An giang. Vị trí thành An Giang khi ấy ở phía dưới chợ Châu Đốc bây giờ).

Đặc biệt hai tiếng An và Vĩnhtrở thành khuynh hướng của cách gọi các địa danh ở miền biên viễn thuở ấy. Nó phản ánh tâm tư của những lưu dân có ước muốn vùng đất mới được khai thác này, từ nay sẽ mãi mãi được an cư. Kiểm xét, thực tế cho thấy đã có ít nhất 21 địa danh mang tiếng Vĩnhnhư: Vĩnh Tế, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Hoà, Vĩnh Lộc, Vĩnh Tường, Vĩnh Hậu, Vĩnh Xương…Và trên 20 địa danh có từ An, mà trước hết là tỉnh An Giang,huyện An Phúvà các tên xã: Khánh An, Tân An, Long An, Phú An, An Cư, An Hảo, An Nông, An Thành, An Lạc…Chỉ tính riêng các địa danh có mang chữ Anhoặc Vĩnh, đã chiếm 1/3 tổng số địa danh trong cả tỉnh lúc bấy giờ.

Chùa Tây An do quan triều đình xây cất, là một loại chùa công nên đã được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước. Do đó, ngay từ buổi đầu, những người xuất gia tu ở đây đều được mời về từ “chùa trung tâm” Giác Lâm. Các sư này tu theo phái Lâm Tế (1 trong 5 phái chánh: Lâm Tế, Tào Đọng, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn, du nhập từ Trung Hoa), nên cũng có người gọi là chùa Tây An là chùa Lâm Tế.

Lúc bấy giờ, do nghe biết ông Đoàn Văn Huyên đang phát phù trị bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân bị dịch tả bạo hành tại một “trại ruộng” (nơi thờ Tam Bảo, như chùa) bằng tre lá, do dân tự nguyện dựng lên ngay cạnh “cốc ông Đạo Kiến” (ở Kiến Thạnh - huyện Chợ Mới ngày nay). Chính quyền tình nghi “gian đạo sĩ” (vì thầy tu mà để râu tóc, lại “quy tụ đông người”), nên bị đòi về tỉnh điều tra.

Tương truyền, khi lính đến mời ông về tỉnh thành An Giang ở Châu Đốc sau khi đã chịu “ở nơi lao lý ngục tù thảm thương” và qua nhiều hình thức xét hỏi, biết rõ ông là người chân tu nên được trả tự do, nhưng theo yêu cầu của quan, ông phải thế phát cho đúng “luật nhà chùa”. Ông chịu cắt tóc nhưng không chịu cạo râu, vì “sắc chỉ” không đề cập đến chuyện này. Việc trình lên, quan trên cả giận nhưng không làm gì được bèn mưu mô hạ uy tín ông, bằng cách tổ chức các nhà tu một bữa cơm chay trước khi “phóng thích”. Các quan cho bày cỗ trên một chiếc chiếu mà bên dưới đã ngầm để sẵm một hình đức Phật, rồi mời các tăng sĩ ngồi lên. Trong khi các sĩ tăng khác đã an toạ trên chiếc chiếu thì ông từ chối, đáp rằng: “ Bẩm tôi xin đứng dưới này, vì Phật bà ở dưới ngồi lên đặng nào”.

Đại loại là, những hình thức thử thách bằng “cạm bẫy” như vậy ông đều biết rõ và vượt qua dễ dàng, làm cho các quan chẳng những phải công nhận là một thầy tu chân chính là còn kính phục. Do đó họ trả tự do và mời ông đến trụ trì tại ngôi chùa Tây An (chùa chính, lớn nhất của tỉnh) do chính quan Tổng đốc Doãn Uẩn chủ trương xây cất.

Tại đây, trong việc xiển dương Phật pháp, ông như một người hoát nhiên đại ngộ, cảm hoá và thu phục được đến hàng vạn người. Mỗi môn đệ đều được ông cấp cho một “lòng phái” (như thẻ tín đồ), có triện son mang 4 chữ nho “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Vì vậy, ông được xem là Giáo tổ của tông phái này. Và vì tu ở chùa Tây An nên người đương thời gọi là “Thầy Tây An” (rồi sau được tôn là “Đức Phật thầy Tân An”), gọi chùa là Chùa Phật thầy.

Dù đang yên tu ở đây, nhưng ông vẫn luyến nhớ trại ruộng đơn sơ ở “cốc ông Đạo Kiến” nên qua sự lui tới viếng thăm mật thiết của các đệ tử ở vùng Cù lao Ông Chưởng, ông đặt tên cho ngôi chùa ấy là “Tây An Cổ Tự” (cũng “Tây An, nhưng có thêm chữ “cổ” để phân biệt nơi ông đến trú ngụ trước hơn “ Tây An Tự” ở núi Sam. Chính vì vậy mà những tín đồ “Bửu Sơn Kỳ Hương” cho rằng Phật thầy Tây An là người đã đặt tên cho ngôi chùa ở núi Sam là “ Tây An Tự”.

Toạ lạc ở triền núi Sam trên một nền cao cách mặt đất bởi 10 bực thang cẩn đá xanh, Tây An Tự sừng sững ở ngã ba, ngay vị trí đầu đường từ Châu Đốc vào nên người trước goi đường ấy là “lộ Tây An”.

Ban đầu (1847), chùa Tây An được kiến trúc theo mô hình chùa Giác Lâm: dạng hình chữ Tam, sườn gỗ, mái chồng 2 lớp, lợp ngói đại ống. Sau (1960) trùng kiến thêm phía trước một toà tháp hình tròn, to cao và rộng, “chóp củ hành”, nhọn vút lên cao (đứng ở cổng nhìn lên, thấy cao hơn đỉnh núi). Giữa tháp tôn trí tượng kim thân đức Phật Thích Ca. Xung quanh là 8 cửa vòm tròn, để thoáng đãng. Các nhà kiến trúc đã đặc biệt nhấn mạnh “vòm củ hành” của nghệ thuật Ấn Hồi. Tuy bị pha tạp, nhưng lại nói lên được ý nghĩa khác, quý hơn, thể hiện đậm nét lòng sùng ngưỡng của người dân địa phương.

Cả Đông môn và Tây môn đều lợp mái ngói cong, kiểu thức cổ kính. Phía trong “Tây An môn” (tức cổng tam quan), ở giữa có tượng Quan Âm Thị Kính bồng con của Thị Mầu. Sân chùa rộng, ngay ở cửa vào tại thềm có đúc 2 con voi to, một con 2 ngà và một con 6 ngà. Bên trái là Tây lang với khu nhà hương khói rộng rãi. Bên phải là khu mộ tháp, cao thấp, to nhỏ như đứng ngồi chen chúc. Chính nơi đây, ngôi mộ nhỏ không đắp nấm (khoả bằng – theo di giáo của thầy Tây An nằm khiêm nhường bên cạnh tháp ấy. Nền chùa lót gạch bông sạch sẽ).

Bên trong tôn trí rất nhiều bàn thờ với trên 100 tượng phật và 18 vị La Hán, mỗi vị hiển hiện một trạng thái biểu cảm khác nhau. Nếu kể cả các loại tượng như Ngọc Hoàng, Thần Nông, Huỳnh Đế… thì chùa có gần 150 tượg. Hầu hết các tượng đều được khắc chạm công phu, sống động. Đa phần làm bằng gỗ, còn nguyên vẹn.

Tây An Tự có trên 160 năm tuổi, nên nó được xem là một ngôi chùa cổ. Vì vậy, tấm biển “Tây An Tự” ở cổng, từ lâu đã được sửa lại là “Tây An Cổ Tự” (trùng tên với Tây An Cổ Tự ở huyện Chợ Mới).

Những vị sư trụ trì tại chùa này đều thuộc dòng phái Lâm Tế. Trong đó, Hoà thượng Thích Bửu Thọ là vị sư trụ trì lâu dài nhất 60 năm (1913 – 1973). Riêng “Thầy Tân An” đã được người đời nhắc nhỏ nhiều nhất, bởi trong thời gian “mở đạo dạy đời”, với thuyết “Tứ ân” (lấy ân Đất - Nước làm trọng) song song với chủ trương nhập thế (“Học Phật tu nhân”), nổi bật là việc khẩn hoang lập “trại ruộng”, di dân mở làng…

Thầy có công rèn luyện một lớp tu sĩ yêu nước đầy bản lĩnh. Trong “thập nhị hiền thủ” của thầy, ông Trần Văn Thành là một trong những người tiêu biểu, biết tận dụng chiếc áo nhà tu của mình để che mắt giặc, lập chiến khu chống Pháp ở Bãi Thưa (Láng Linh – Châu Phú). Vì vậy, mãi cho đến nay, dù đã trên 150 năm mà đức hạnh của vị thầy tu yêu nước ấy vẫn được người đời ngưỡng vọng.

Do đó mỗi năm, ngoài mùa trẩy hội (tháng 4 âm lịch), du khách từ khắp nơi tấp nập kéo về dự lễ hội Bà Chúa Xứ, tham quan lăng ông Nguyễn Văn Thoại và chiêm bái Tây An Cổ Tự… Cũng cứ đến ngày kỷ niệm Đức Phật thầy Tây An tịch diệt 12 tháng 8 âm lịch, những người mộ đạo hoặc ngưỡng kính công đức Ngài, đều rủ nhau đến lễ bái rất đông.

Nếu ngày xưa “chùa Tây An ở thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, thời năm Thiệu Trị thứ 7 do Mưu lược của Tướng Tuy Tĩnh Tử Doãn Uẩn dựng trong khi làm Tổng đốc An Giang, chùa đứng sừng sững trên ngọi núi, quay mặt ra tỉnh thành, dựa lưng vào vách đá, tiếng người vắng vẻ, cây cối um tùm, cũng là một thắng cảnh” (Đại Nam nhất thống chí), thì ngay nay danh lam Tây An Cổ Tự đã trở thành một ngôi chùa xưa đẹp nhất của An Giang và nổi tiếng cả nước, bởi chính nó đã tô điểm, làm cho cảnh quan của núi Sam thêm phong nhã, khoáng đạt. Do vậy, Bộ Văn hoá - Thông tin đã sớm công nhận “Tây An Cổ Tự” là một di tích lịch sử - văn hoá để chính quyền và nhân dân có trách nhiệm bảo vệ và trùng kiến.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...