Tạo ra bò con từ tế bào đông lạnh
Thành công này có ý nghĩa lớn trong việc duy trì nòi giống của các loài sinh vật quý hiếm và mang đến hy vọng về khả năng có con trong tương lai đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Những con bò từ tế bào đông lạnh đầu tiên của Việt Nam
Thạc sĩ Phan Kim Ngọc và các cộng sự ở phòng thí nghiệm tế bào gốc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM vừa thành công trong việc tạo ra những con bò con từ những tế bào được bảo quản trong đông lạnh trước đó một thời gian dài. Đây là những con bò đầu tiên ở Việt Nam được tạo ra từ các tế bào đông lạnh. Trước đây, người ta từng tiến hành thụ tinh nhân tạo các tế bào sinh sản vừa lấy ra từ cơ thể sống của cha, mẹ để tạo thành phôi. Sau đó đưa phôi này vào trữ lạnh để chờ khi thích hợp sẽ cấy vào cơ thể mẹ để phôi sinh trưởng tạo thành bào thai. Còn ở nghiên cứu này, các tế bào đã làm đông lạnh từ trước được giải đông và tiến hành cho thụ tinh. Đây là việc làm rất khó khăn và tốn nhiều công sức, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tế. Kỹ thuật này mở ra hy vọng mới trong việc bảo tồn sinh vật và đem lại hy vọng có con cho những người gặp hoàn cảnh đặc biệt.
Khó khăn đầu tiên của kỹ thuật này là quá trình trữ đông các tế bào phải đạt điều kiện đặc biệt là 196 0C, trong môi trường nitơ lỏng để các tế bào không bị tổn thương. Ngoài ra, quá trình thụ tinh cho các tế bào này sau khi giải đông cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt là trứng. Sau khi giải đông, màng thụ tinh của trứng bị tổn thương khiến cho tinh trùng hầu như không thể xâm nhập vào bên trong. Để giúp khắc phục điều này, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp vi tiêm, dùng các mũi kim cực nhỏ đưa các đoạn gen vào thẳng bên trong nhân tế bào, giúp cho quá trình thụ tinh có thể diễn ra thuận lợi. Sau đó, các nhà khoa học đưa các tế bào đã được xử lý vào tủ nuôi có môi trường giống như một cơ thể sống để phát triển thành phôi.
Đối với công trình thực hiện trên bò, các nhà khoa học tiêm thẳng những phôi đó vào tử cung các con bò cái được chuẩn bị từ trước. Một điều đặc biệt là các nhà khoa học đã cho phôi có gen của giống bò vàng Việt Nam cấy vào cơ thể của những con bò sữa ngoại nhập. Vì thế, kết quả là những con bò sữa đen trắng này sinh ra những con bò vàng có ngoại hình và màu da khác hẳn bò mẹ. Đó là ý đồ của những người nghiên cứu nhằm tạo ra một kết quả hoàn toàn rõ rệt rằng những con bò con hoàn toàn không giống các con bò mẹ.
Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết thêm, thực ra trong đề cương của đề tài nghiên cứu chỉ yêu cầu tạo ra phôi từ các tế bào đông lạnh. Tuy nhiên, do quá “hăng máu” nên các nhà khoa học đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng tiền riêng ngoài số tiền 350 triệu đồng được cấp làm đề tài để đưa các phôi này sinh trưởng thành các con bò con thực sự. Đề tài thực hiện từ cuối năm 2005, đến đầu năm 2008 thì thành công trong việc tạo phôi. Ban đầu, có 4 con bò được sinh ra nhưng sau đó một con chết do mắc bệnh thông thường, một con do sơ ý nên bị mất và hiện còn 2 con phát triển bình thường.
Hy vọng cứu những loài quý hiếm
Để dễ hình dung, thạc sĩ Phan Kim Ngọc giải thích: Trước đây, đối với những bệnh nhân ung thư sẽ phải điều trị bằng phương pháp chiếu xạ thì mong ước có con trong tương lai là không tưởng. Đó là bởi sau khi chiếu xạ, các tia phóng xạ cực mạnh sẽ bắn gãy hết gen, làm cho các em bé sinh ra bởi những người này sẽ bị dị tật, quái thai và nhiều vấn đề khác. Giờ đây, sau thành công của nghiên cứu nói trên, những người bị ung thư nếu mong muốn sau này sẽ có con thì trước khi thực hiện chiếu xạ chỉ việc yêu cầu bệnh viện lấy ra một ít tế bào (tế bào sinh sản hoặc bất kỳ tế bào nào trên cơ thể) và cho vào trữ lạnh. Hai, ba năm sau hoặc lâu hơn nữa, nếu những người này mong muốn có con thì sẽ thực hiện giải đông các tế bào này và tiến hành thụ tinh để sinh ra một em bé bình thường mang nguồn gen khỏe mạnh trước đây của chính người đó.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu trên cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm. Ví dụ, có một loài hổ quý sắp tuyệt chủng, chẳng may vì lý do gì đó khiến con hổ bị chết. Khi đó các nhà khoa học chỉ việc lấy tế bào sinh sản hoặc một ít tế bào bất kỳ trên con hổ và cho vào trữ lạnh. Đến khi cần phục hồi, chỉ việc đem các tế bào đó ra giải đông, tiến hành thụ tinh để tạo ra những con hổ con quý hiếm cần bảo tồn.