Tặng bằng khen đột xuất cho sáng chế vì nông dân
Đây là một trong nhiều phát minh của người kỹ sư được xem là trợ thủ đắc lực của nhà nông ở ĐBSCL này.
Là kỹ sư cơ khí nông nghiệp, từng lăn lộn với ruộng đồng từ thời bao cấp, kỹ sư Ngô Văn Hóa (SN 1962) thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nông dân khi thiếu sự hỗ trợ của máy móc trong quá trình sản xuất. Vì vậy, anh luôn tâm nguyện: không ngừng nghiên cứu, cải tiến và chế tạo nhiều loại máy nông cụ với giá rẻ để phục vụ bà con nông dân.
Không ngừng cải tiến
Năm 1997, tỉnh An Giang phát động phong trào “ba giảm, ba tăng” trong sản xuất lúa. Trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ là cơ sở để giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần giảm chi phí canh tác...
Thời gian này, Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu đến nông dân máy sạ lúa theo hàng. Song, những chiếc máy đầu tiên vừa nhỏ, vừa nặng và công suất thấp. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Hóa nghĩ ra cách cải tiến máy sạ hàng: anh vay mượn tiền của bạn bè, người thân trong gia đình để chuyển từ vật liệu bằng sắt sang vật liệu bằng nhựa, đồng thời tăng chiều dài và mở lớn dung tích chứa lúa của máy. Nhờ đó, công suất sạ lúa của máy tăng gấp đôi nhưng giá bán giảm gần phân nửa, từ 500.000 đồng/máy xuống còn 280.00 đồng/máy.
Năm 2000, khi máy sạ hàng đã khá phổ biến ở vùng ĐBSCL, nông dân lại gặp cảnh thiếu nhân công gặt lúa. Lúc này, trên thị trường có bán một số loại máy gặt lúa nhưng giá khá cao, nhiều nông dân không đủ tiền mua. Thế là kỹ sư Hóa lại mày mò nghiên cứu, cải tạo chiếc máy gặt xếp dãy đang bán ở các cửa hàng để cho ra đời chiếc máy gặt xếp dãy mới có năng suất cao hơn gấp ba lần.
Ưu điểm vượt trội của chiếc máy cải tiến này là có thể gặt được lúa ngã 30 độ, ít hao hụt, gọn nhẹ, dễ di chuyển và giá bán thấp hơn nhiều loại máy đang có trên thị trường khoảng 30-40% nhờ chạy bằng dầu. Với chiếc máy này, người sử dụng tiết kiệm mỗi vụ gặt từ 7-10 triệu đồng.
Nhưng nông dân vẫn khổ khi thu hoạch lúa trong những ngày mưa bão triền miên. Lúa không phơi được, trong khi các cơ sở sấy lúa còn ít, công suất thấp, giá sấy cao nên lúa bị lên mộng, hao hụt nhiều, bán mất giá… Không thể để bà con nông dân thiệt thòi, anh Hóa lại nghiên cứu, cải tiến để nâng cao năng suất những lò sấy từ 4 tấn/mẻ lên 8 tấn/mẻ, giúp giảm một nửa số nhân công đứng lò. Nhờ đó, nhiều nơi nông dân giảm được nỗi khổ lúa hao hụt, lên mộng nhờ được phơi sấy kịp thời.
Máy ly tâm tách hạt giống lúa siêu rẻ
Không dừng lại ở đó, gần đây, kỹ sư Ngô Văn Hóa còn sáng chế thành công chiếc máy phân ly tách hạt giống lúa có công suất 500kg hạt /giờ, tiêu hao chỉ khoảng 5 số điện mỗi giờ (tương đương 5.000 đồng). Trong khi các loại máy đang bán trên thị trường có giá khoảng 220 triệu đồng thì giá bán mỗi chiếc máy của kỹ sư Hóa chỉ có 21 triệu đồng.
Ông Cao Văn Tuấn (xã Bình Thạnh, huyện Thoại Sơn) mua chiếc máy phân ly tách hạt giống lúa do kỹ sư Hóa sáng chế, cho biết: “Máy này gọn nhẹ, dễ di chuyển, dễ sử dụng. Máy chỉ cần dùng nguồn điện sinh hoạt gia đình chứ không phải điện ba pha như nhiều loại máy nhập khác. Ngoài ra, nó còn có thể tách rơm rạ, lúa lép, lúa lửng, đá sỏi… ra riêng, kể cả việc bóc tách bào tử, nấm bệnh bám trên hạt lúa, cho ra lúa giống đạt chuẩn. Tính ra, máy phân ly tách hạt giống lúa của anh Hóa sản xuất là siêu rẻ”.
Anh Hóa thổ lộ ước nguyện của mình: “Tôi mong được nhà nước hỗ trợ đầu tư để sản xuất máy phân ly tách hạt. Nếu so sánh với giá máy trên thị trường ở mức 80 triệu đồng thôi thì trên 200 cơ sở sản xuất lúa giống ở tỉnh An Giang trang bị được máy này sẽ tiết kiệm không dưới 12 tỷ đồng”.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đang đề nghị UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen đột xuất cho kỹ sư Ngô Văn Hóa trong năm 2009.