Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 13/07/2006 15:24 (GMT+7)

Tâm lý học sức khoẻ

Tới năm 1989, Hội đã có 2742 thành viên, là một phân hội mà số thành viên phát triển nhanh nhất trong Hội Tâm lý học Mỹ. Năm 1982, Hội đã cho ra đời Tạp chí “Tâm lý học sức khoẻ”. Ngoài Tạp chí “Tâm lý học sức khoẻ”, Hội Tâm lý học Mỹ còn cho xuất bản hàng chục loại tạp chí liên quan đăng tải một số lớn các bài viết và các công trình nghiên cứu về Tâm lý học sức khoẻ, ví dụ như các tạp chí “Tâm lý và sức khoẻ”, “Sức khoẻ và hành vi xã hội”, “Tâm lý học ứng dụng”, “Tâm lý học biến thái”, “Nghiên cứu và trị liệu hành vi”, “Y học hành vi”, “Khoa học xã hội và y học”, v.v…

Tiếp sau đó, Tâm lý học sức khoẻ phát triển mạnh ở châu Âu, đặc biệt ở các nước Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan v.v…

Còn ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, Tâm lý học sức khoẻ cũng phát triển với một nhịp độ khá mạnh mẽ.

Tại Nhật, tháng 1-1998, Hội Tâm lý học sức khoẻ Nhật chính thức được thành lập, đến tháng 10-1998 đã tiến hành Đại hội lần đầu tiên, đồng thời phát hành tạp chí của Hội “Nghiên cứu Tâm lý học sức khoẻ”.

Còn tại Trung Quốc, các nhà tâm lý học thành lập Hội Tâm lý học Trung y, đi sâu vào khai thác cơ sở lý luận cũng như nguyên tắc của tư tưởng Tâm lý học sức khoẻ Trung Quốc cổ đại, tình hình sức khoẻ tâm thần (mental health) và thuật bảo kiện của Trung Quốc đương đại. Các nhà tâm lý học sức khoẻ Trung Quốc đã soạn thảo và phổ biến trong toàn quốc các giáo trình “Trung y dưỡng sinh học”, “Trung y bảo kiện học”, “Trung y khí công học” v.v…

Đôi nét về lịch sử mối quan hệ tâm lý và thể chất

Sức khoẻ thường ngụ ý chỉ cơ thể ở trạng thái bình thường, còn tâm lý học thì quan tâm đến trạng thái tâm lý của con người. Do vậy Tâm lý học sức khoẻ chú trọng đến tác dụng chung của tâm lý và cơ thể, có như vậy con người mới có sức khoẻ cả về thể chất lẫn tâm lý. Rõ ràng lĩnh vực nghiên cứu của Tâm lý học sức khoẻ có những đặc trưng quan trọng của khoa học sức khoẻ và khoa học tâm lý.

Nhìn lại lịch sử mối quan hệ giữa tâm lý và thể chất, ta thấy các nhà triết học có hai quan điểm khác nhau. Một quan điểm cho rằng tâm lý và thể chất là hai hệ thống độc lập với nhau. Còn quan điểm kia thì cho chúng thuộc cùng một hệ thống.

Giả dụ chúng ta đi ngược lai thời cổ đại, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, các nhà tư tưởng thời đó xem tâm lý và thể chất là một đơn vị. Người xưa tin rằng, khi yêu khí đi vào trong cơ thể thì con người sinh bệnh, nếu như ta có thể dùng một số biện pháp tống đuổi được yêu khí ra khỏi cơ thể thì con người sẽ bình phục. Các nhà khảo cổ phát hiện thấy rằng, ở xương sọ của những người thời đó đôi khi có những lỗ khoan nhỏ bằng đồng xu. Họ đoán rằng những lỗ khoan ấy không phải là vết thương trong chiến trận, mà là do con người dùng những mũi đá nhọn sắc khoan đục mà thành. Các thầy thuốc thời đó đã dùng “thuật khoan xương” ấy để tống đuổi yêu khí ra khỏi cơ thể.

Mặt khác, người cổ Hy Lạp cho rằng, tâm lý và thể chất thuộc hai hiện tượng tách rời nhau. Họ không quy tật bệnh là do yêu khí. Vào thế kỉ V trước công nguyên, danh y cổ Hy Lạp Hippocrates đề xuất “thuyết thể dịch” để thuyết minh về tật bệnh của con người.

Theo học thuyết đó, nếu số lượng bốn loại thể dịch là máu, dịch nhầy, mật vàng, mật đen trong cơ thể con người không cân bằng thì sẽ sinh bệnh. Chữa trị tật bệnh là tìm cách khôi phục sự cân bằng của thể dịch. Người thời đó không hề suy nghĩ tới tác dụng của nhân tố tâm lý trong quá trình mắc bệnh của con người.

Đến thời Trung cổ, do chủ nghĩa thần bí (misticism) chiếm địa vị thống trị nên người ta xem tật bệnh như là sự trừng phạt của Thượng đế do đã làm những việc bất lương, cho nên biện pháp chữa bệnh là hành hạ thể xác để cho tội ác thoát ra ngoài. Về sau biện pháp này dần dần được thay thế bằng những lời cầu khấn, niệm chú, nghi thức cúng lễ cũng như những hành động tu nhân tích đức, bố thí và làm việc thiện. Ở thời kỳ sau này, tri thức chữa bệnh nằm trong tay nhà thờ, phương pháp chữa bệnh mang đậm màu sắc tôn giáo.

Sau thời Văn nghệ phục hưng, kỹ thuật chữa bệnh phát triển nhanh chóng. Phát minh ra kính hiển vi, các thầy thuốc bắt đầu giải phẫu cơ thể cùng nhiều thành tựu khác khiến người ta từ bỏ “thuyết thể dịch” và chuyển sang “bệnh học tế bào” (Cytopathology). Những tiến bộ đó đã làm cho người ta ngày càng coi trọng “phòng thí nghiệm y học” và nhân tố cơ thể của con người và xem đó là cơ sở của sự phát triển y học, còn không quan tâm nhiều tới nhân tố tâm lý, kết quả làm cho tâm lý và thể chất ngày càng tách rời nhau, bác sỹ trở thành vệ sĩ của cơ thể, chỉ còn có các nhà triết học suy nghĩ tới vấn đề tâm lý.

Suốt trong thời gian 300 năm tiếp theo sau đó, các thầy thuốc dồn hết tâm trí vào nghiên cứu sự biến đổi của các cơ quan và các tế bào, đồng thời coi những cứ liệu vật lý đó là cơ sở duy nhất để chuẩn đoán và chữa trị bệnh tật.

Và như ngày nay chúng ta đã thấy, tình hình đã dần dần đổi khác. Người ta càng ngày càng nhận thức ra rằng, sức khoẻ của cơ thể liên quan mật thiết tới trạng thái tâm lý và hoàn cảnh xã hội. Đối với việc chữa trị bệnh tật cũng như việc xử lý sau này như thế nào đều chịu ảnh hưởng tinh vi vủa mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc cũng như thái độ của chính bệnh nhân với bệnh tật của mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ bao đời nay người Tây Tạng đã cho khắc ở trên vách núi lời nhắn nhủ “Hỡi người! Các con đã học được cách lạc quan với bệnh tật hay chưa?”.

Đặc biệt là muốn giữ gìn sức khoẻ thân thể cần phải có thói quen vệ sinh tốt, mà thói quen vệ sinh vừa chịu sự khống chế của cá nhân, đồng thời lại chịu sự chế ước của một số nhân vật xã hội. Trong vấn đề sức khoẻ và bệnh tật, rõ ràng yếu tố tâm lý và thể chất không thể nào tách rời nhau được. Nếu không hiểu điều kiện tâm lý và hoàn cảnh xã hội có liên quan đến sức khoẻ và bệnh tật thì không thể nào hiểu thấu đáo được cốt lõi của vấn đề giữ gìn sức khoẻ. Quan điểm về mối quan hệ gắn bó giữa tâm lý và thể chất ngày càng được các chuyên gia, các nhà khoa học và đông đảo quần chúng tiếp thu.

Định nghĩa Tâm lý học sức khoẻ

Tâm lý học sức khoẻ là một phân ngành của Tâm lý học, có nhiệm vụ làm sáng tỏ tác dụng của các nhân tố tâm lý đối với việc giữ gìn sức khoẻ, tìm hiểu tại sao con người mắc bệnh và sau khi mắc bệnh họ có những phản ứng gì. Đồng thời với việc nghiên cứu những vấn đề ấy, Tâm lý học sức khoẻ còn chú trọng nghiên cứu việc giúp đỡ con người giữ gìn sức khoẻ và chiến thắng bệnh tật. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Tâm lý học sức khoẻ quan tâm tới một sự thật hiển nhiên là mọi người ai cũng biết hút thuốc có hại cho sức khoẻ, có nguy cơ dẫn tới các bệnh ung thư và tim mạch, vậy mà tại sao họ vẫn hút?

Sau khi đã hiểu rõ được vấn đề này, nhà nghiên cứu chẳng những biết được những biểu hiện cụ thể của tập quán có hại đối với sức khoẻ ấy, mà còn giúp đỡ mọi người hạn chế và cai thuốc lá.

Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học sức khoẻ

Tâm lý học sức khoẻ quan tâm tới mọi vấn đề về mặt Tâm lý học có liên quan tới sức khoẻ và bệnh tật. Trọng tâm nghiên cứu của bộ môn khoa học này trước hết nhằm làm thế nào duy trì và tăng cường sức khoẻ, trong đó bao gồm cả việc rèn luyện và cải tiến tập quán ăn uống của con người như thế nào.

Ngoài ra, tâm lý học sức khoẻ còn nghiên cứu những vấn đề về tâm lý có liên quan tới việc phòng và chữa bệnh. Các nhà Tâm lý học sức khoẻ còn cố gắng bày cách cho những con người làm việc căng thẳng làm thế nào khống chế một cách hữu hiệu những căng thẳng thần kinh, làm cho trạng thái căng thẳng không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Các nhà Tâm lý học sức khoẻ còn làm việc với những người đã mắc bệnh, giúp họ có một thái độ lạc quan trước bệnh tật và biết cách tuân thủ những lời dặn của thầy thuốc.

Thêm nữa, Tâm lý học sức khoẻ còn nghiên cứu vấn đề về mối quan hệ giữ các nguyên nhân gây bệnh với sức khoẻ, bệnh tật và sự mất cân bằng các chức năng của cơ thể con người. Ở đây, các nhà Tâm lý học sức khoẻ đặc biệt chú trọng tới những hành vi và nhân tố xã hội có liên quan tới sức khoẻ, tật bệnh và sự mất cân bằng các chức năng của cơ thể con người. Các nhân tố xã hội đề cập ở đây xoay quanh những vấn đề như hút thuốc lá, uống rượu, ma tuý, mại dâm, tập luyện, an toàn giao thông và các phương thức giải toả sức ép tâm lý và nhịp điệu làm việc căng thẳng, hối hả vội vàng…

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu Tâm lý học sức khoẻ cần góp phần tích cực trong việc phân tích và nghiên cứu những biện pháp cải thiện hệ thống bảo vệ sức khoẻ cũng như việc hoạch định các chính sách tăng cường và bồi bổ sức khoẻ cho con người. Việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến những hành vi và lối sống của con người, góp phần cải thiện tình hình giáo dục sức khoẻ cộng đồng.

Tóm lại, Tâm lý học sức khoẻ là một bộ môn khoa học xuất phát từ góc độ tâm lý học nghiên cứu vấn đề đẩy mạnh và giữ gìn sức khoẻ như thế nào, phòng bệnh và chữa bệnh như thế nào, tìm ra nguyên nhân tật bệnh và sự mất cân bằng các chức năng trong cơ thể như thế nào cũng như việc cải thiện chế độ bảo vệ sức khoẻ và hoạch định các chính sách giữ gìn và tăng cường sức khoẻ cộng đồng như thế nào…

Nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học sức khoẻ

1. Tối ưu hoá và hoàn thiện nhân cách của con người

Tác dụng của cảm xúc lành mạnh đối với sức khoẻ của con người là yếu tố không thuốc nào có thể so sánh được. Cảm xúc lành mạnh chính là bộ máy tăng cường và phối hợp các chức năng của cơ thể, là nhân tố tâm lý quan trọng nhất củng cố sức khoẻ con người. Những cảm xúc tiêu cực là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm suy giảm sức khoẻ con người, mà tác dụng chúng gây ra đối với cơ thể không thua kém gì vi trùng và virus. Vì vậy, việc tối ưu hoá cảm xúc của con người, phòng ngừa những cảm xúc tiêu cực cũng như những cảm xúc hẫng hụt, đau buồn, khổ não kéo dài là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tâm lý học sức khoẻ. Ngày nay, người ta thường bàn nhiều đến “Văn hóa cảm xúc” và coi đó là một mục tiêu phấn đấu của con người hiện đại. Nhân cách là tính khuynh hướng và phương thức hành vi quen thuộc, tương đối ổn định của con người đối với người khác cũng như đối với công việc. Nhân cách có một tác dụng quan trọng đối với sức khoẻ và bệnh tật của con người. Một nhân cách hoàn hảo là một đảm bảo quan trọng về mặt tâm lý đối với sức khoẻ con người. Một nhân cách tồi tệ chính là một tác nhân nguy hại về mặt tâm lý, ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ tâm thần của con người, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh chính mà nhiều khi con người không ý thức được. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đưa ra luận điểm “nhân giả thọ”, nghĩa là “những người nhân đức thì trường thọ”. Tập quán sinh hoạt xấu cũng như lối sống buông thả ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, mà tính cách chính là nguyên nhân đẻ ra tập quán và lối sống tiêu cực ấy. Bởi vậy, việc tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách chính là đối sách tâm lý học cơ bản nhất phòng ngừa những tập quán sinh hoạt và lối sống không lành mạnh.

2. Phòng ngừa những bệnh tâm thể (Psychosomatic Diseases)

Việc nghiên cứu nguyên nhân tâm lý cũng như cơ chế tâm lý và cơ chế sinh lý của các bệnh tâm thể từ góc độ tâm lý học cùng với việc triển khai sự nghiệp giáo dục sức khoẻ tâm thần (metal health education) từ góc độ y học dự phòng (preventive medicine) sẽ có tác dụng giảm thiểu các bệnh tâm thể. Còn đối với những bệnh tâm thể đã phát sinh thì xuất phát từ góc độ tâm lý học, đề xuất đối sách tâm lý trị liệu, như thế sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa trị lên rất nhiều. Tâm lý học sức khoẻ cần tập trung nghiên cứu đối sách tâm lý phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, huyết áp cao, AIDS v.v… Nếu như Tâm lý học sức khoẻ đạt thành tích trong việc dự phòng và chữa trị những chứng bệnh cực kỳ nguy hại đến sức khoẻ con người ấy thì sẽ góp phần đắc lực trong việc kéo dài tuổi thọ con người.

Xuất phát từ góc độ phát triển xã hội, Tâm lý học sức khoẻ cần sớm áp dụng những biện pháp dự phòng về mặt tâm lý, ngăn ngừa những thói quen sinh hoạt và lối sống không lành mạnh như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, ma tuý, hụi họ, cá độ, đề đóm v.v… Chúng ta cần chú trọng đầy đủ đến một mối nguy hại mới, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và sự ứng dụng rộng rãi kỹ thuật máy tính điện tử trong đời sống thường ngày. Thật vậy, kỹ thuật máy tính một mặt có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển khoa học kỹ thuật và đời sống, nhưng đồng thời không tránh khỏi đẻ ra những mối nguy hại đối với lối sống và tập quán sinh hoạt của con người.

3. Liên hệ với y học và tâm lý học y học (Medical Psychology)

Tình trạng mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, vấn đế khoa học hoá công tác quản lý bệnh viện, hợp lý hoá việc phục hồi chức năng đối với người bệnh v.v… đều là những khâu cực kỳ quan trọng trong Tâm lý học sức khoẻ. Nghiên cứu mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân từ góc độ tâm lý học, tác phong chữa bệnh của các bác sĩ và nhân viên y tế, mối quan hệ giữa chính sách quản lý của bệnh viện đối với việc phục hồi sức khoẻ người bệnh để từ đó căn cứ vào những lý luận của Tâm lý học sức khoẻ mà đề ra đối sách cải cách về mặt tâm lý học sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh của bệnh nhân, giúp phục hồi sức khoẻ cho bệnh nhân sau chấn thương.

4. Phổ biến tri thức về Tâm lý học sức khoẻ trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt là trong các ngành giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

Tất thảy mọi hành vi và hoạt động tâm lý của con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan mật thiết đến sức khoẻ và tình hình bệnh tật của con người, mọi sự biến đổi trong đời sống xã hội cũng như trong môi trường tự nhiên đều có ảnh hưởng tới sức khoẻ và bệnh tật của con người, do vậy mà việc phổ biến rộng khắp những tri thức về Tâm lý học sức khoẻ trong cộng đồng là một công việc vô cùng cần thiết. Trong thế kỷ XXI, mọi người đều phải được hưởng quyền lợi về sức khoẻ, muốn thực hiện được mục tiêu này trước hết mọi người phải được trang bị những tri thức cần thiết về sức khoẻ tâm thần, đó là một đảm bảo quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu trên.

Có thể nói, trong tình hình hiện nay, do nhịp sống căng thẳng, lượng thông tin hàng ngày dội đến như thác lũ, các “bệnh văn minh” ngày càng lan rộng, con người phải chịu sức ép từ mọi phía cho nên Tâm lý học sức khoẻ đang được toàn xã hội, đặc biệt là các nhà y học và tâm lý học quan tâm, đồng thời việc phổ biến những tri thức về Tâm lý học sức khoẻ là một đòi hỏi bức thiết của con người trong xã hội hiện đại!.

Nguồn: Thế giới trong ta số 251, 252 tháng 2, 3/2006

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...