Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 25/11/2010 19:08 (GMT+7)

Suy nghĩ về phương án khả thi phòng chống bão để giảm thiểu tổn thất

Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu

Như mọi quốc gia trên thế giới, chúng ta muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng và vấn nạn của Biến đổi khí hậu mang tính thời đại. Những thách thức trên đòi hỏi chúng ta phải phát triển nhanh nhưng vẫn bảo đảm vững chắc.

Phát huy vị trí địa kinh tế thuận lợi để xây dựng một quốc gia công nghiệp tiên tiến

Việt Nam, nước đang phát triển ở Biển Đông với tiềm năng rất lớn trong khu vực tăng trưởng kinh tế năng động của châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời cũng được xếp thứ hai trong 10 quốc gia trên địa cầu bị tác động và ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BDKH).

Diện tích đất liền 320.000 km2 và vùng biển khoảng 1 triệu km2, trung bình 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới) nên biển có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước vừa tích cực lẫn tiêu cực. Bờ biển đẹp và dài hơn 3.260 km chạy dọc từ Bắc xuống Nam, cả phía Đông hướng ra đại dương tạo thế án ngữ trên các tuyến hàng không và hàng hải huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung cận đông với các quốc gia Đông Nam và Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong khu vực á nhiệt đới, trên đường di chuyển của bão tây bắc Thái Bình Dương, mỗi năm trung bình có 6,9 trận bão/ áp thấp nhiệt đới, nên tác động và hậu quả do bão gây ra hàng năm như: mưa to, gió lớn, lũ lụt, nước biển dâng, trượt đất, xâm mặn… thường xuyên làm thiệt hại cho quốc gia, đe dọa nghiêm trọng an sinh xã hội, hạn chế quá trình phát triển nhanh để trở thành một đất nướ giàu đẹp.

Bão là hiểm họa lớn nhất cần đối phó

Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 0C, gây biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai, nhất là bão, lụt, hạn hán ngày càng ác liệt hơn. Riêng bão với cường độ mạnh xảy ra nhiều nơi. Đường đi của bão có xu thế lệch về phía Nam và mùa bão kéo dài đến những tháng cuối năm. Những khu vực mà vài thập niên trước đây chúng ta cho là an toàn đối với bão hoặc ít bị ảnh hưởng thì nay đã bị đe dọa ở nhiều cấp độ khác nhau như: Đồng bằng Nam bộ, Nam Tây Nguyên. Có thể nói hiện nay hiểm họa của bão đã bao phủ toàn bộ lãnh thổ. Vùng duyên hải và đồng bằng phải chịu mưa to, gió giật từ cấp 9 – 13 (tùy thuộc vào cường độ của từng trận bão hoặc vùng tâm bão đi qua ) có sức tàn phá ghê gớm nhà cửa, hoa màu, các công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông. Bão gây lũ lụt lớn ở đồng bằng, trung du, lũ ống, lũ quét và lở đất ở vùng cao, làm ách tắc giao thông ở vùng sâu vùng xa, cô lập nhiều vùng miền núi với miền xuôi.

Từ tháng 11 – 1997 đến tháng 09 – 2009 thống kê được 5 cơn bão dữ đã gây thiệt hại đáng kể về tính mạng và tài sản của nhân dân:

Bão Linda (tháng 11 – 1997) với sức gió cấp 14 vào Nam bộ và vùng phụ cận, làm chết 778 người, mất tích 2.123 người, bị thương 1.232 người, hư hại 107.892 ngôi nhà, ảnh hưởng đến đời sống 186.886 hộ dân.

Bão Chanchu (tháng 5 – 2006) với sức gió cấp 13, tuy không vào đất liền, nhưng đã làm 19 ngư dân thiệt mạng, 249 người mất tích, 21 tàu chìm trên biển Đông.

Bão Xangsane (tháng 09 – 2006), sức gió cấp 13, giật cấp 14 làm chết 72 người, bị thương 532 người, nhà sập 24.066 cái, nhà bị ngập lụt 325.282 cái, thiệt hại hơn 10,4 tỷ đồng.

Bão Durian (tháng 12 – 2007) sức gió cấp 12, làm chết 85 người, bị thương 1.412 người, hơn 50.000 ngôi nhà đổ trôi, 195.000 nhà hư hại.

Bão Ketsana (tháng 09 – 2009) sức gió cấp 13, giật cấp 14, đã gây thiệt hại to lớn về người và của, đặc biệt là khi đổ bộ vào đất liền, bão tiếp tục hoạt động mạnh và tồn tại lâu hơn những cơn bão trước, gió mạnh và mưa lớn chẳng những vùng tâm bão đi qua mà cả hoàn lưu rộng lớn, có nơi ở vùng cao mưa trên 1.000 mm.

Phần trên chỉ ghi nhận sơ bộ thiệt hại các cơn bão dữ gây ra. Nếu thống kê đầy đủ các trận bão trong vòng 12 năm qua, con số sẽ khổng lồ, khó tưởng tượng. Như vậy, bão là một trong những hiểm họa hàng đầu mà chúng ta phải quan tâm giảm thiểu trong quá trình ứng phó với BDKH.

Phòng chống chủ động để giảm thiểu tổn thất

Hiện nay, trên thế giới chưa có quốc gia nào nghĩ đến việc sử dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để khống chế bão. Một số nhà khoa học nêu giả thiết là có thể dùng khí lạnh từ bên ngoài đưa vào “tâm bão” để vô hiệu hóa nhiệt lượng khổng lồ được tích tụ và phát triển từ áp thấp nhiệt đới thành bão. Nhưng vẫn chưa thấy ai thực hiện bởi vì việc này cực kỳ phức tạp và tốn kém khó lường đến bây giờ biện pháp duy nhất vẫn là phòng chống chủ động để giảm thiểu tổn thất.

Nói đến phòng chống bão, đương nhiên mỗi ngành và từng địa phương, tùy đặc thù của mình đều có riêng phương án sao cho phù hợp. Nhưng xét về cơ bản những gì mang tính chi phối thì trung ương phải thống nhất quản lý.

Công tác dự báo bão

Là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà ngành khí tượng thủy văn lo, bởi vì ngành này theo dõi trận bão từ khi mới hình thành vùng áp thấp cho đến phát triển thành bão và kết thúc, nên việc dự báo cường độ, hướng di chuyển của bão nếu đạt độ tin cậy chính xác cao sẽ giúp cơ quan chỉ đạo đề ra đối sách đúng đắn cũng như cư dân những vùng bão đi qua chuẩn bị đối phó thích hợp. Vì vậy ngành khí tượng thủy văn cần được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị quan trắc hiện đại, sở hữu đội ngũ CB – CNV được đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ ngang tầm thế giới để vừa bảo đảm công việc phức tạp khó khăn, vừa mở rộng được quan hệ hợp tác quốc tế trong mạng lưới khí tượng toàn cầu. Rất tiếc, hiện nay chúng ta đang tụt hậu xa so với các nước trong khu vực ở lĩnh vực này.

Philipine có: 58 trạm quan trắc tự động hoàn toàn, 4 trạm thám không, 5 trạm radar.

Malaysia: có 464 trạm tự động hoàn toàn, 76 trạm tự động có điều khiển, 10 trạm thám không, 8 trạm radar.

Hàn Quốc có: 464 trạm tự động hoàn toàn, 76 trạm tự động có điều khiển, 10 trạm thám không, 11 trạm radar và 5 phao biển.

Trong khi Việt Nam chỉ có 170 trạm thủ công, 5 trạm thám không và 5 trạm radar (Nguồn: Đài KTTV TƯ) chính vì thế, khả năng dự báo của chúng ta yếu kém, nên thỉnh thoảng xảy ra sự cố bất cập đó cũng là điều đương nhiên khó tránh.

Công tác chống bão

Trước tiên phải lưu ý những nơi có dân cư sinh sống đông đúc, những khu vực hoạt động kinh tế quan trọng, vùng khó khăn đi lại thường xuyên bị bão đe dọa, dễ bị tổn thương như: ven biển, đồng bằng, hải đảo, kế tiếp là trung du, miền núi… Ở tầm quốc gia, Nhà nước đã có các Bộ và Ngành chức năng quán xuyến, quản lý từng lĩnh vực chuyên môn, chắc chắn không thể thiếu chiến lược ứng phó với thiên tai. Nhưng xét ra thì chúng ta là quốc gia đang phát triển, hiện phấn đấu để thoát khỏi đói nghèo, với hoàn cảnh này chưa thể tập trung đầu tư để đối phó với thiên tai một cách bài bản và đầy đủ như những nước tiên tiến giàu có khác. Do đó bài viết chỉ đề cập đến những vấn đề nên làm, nhằm góp phần nhỏ về dữ liệu để độc giả tiện tham khảo.

- Tổ chức lại và trang bị hoàn chỉnh ngành hải sản

Hải sản là ngành trực tiếp với sóng gió, bão tố. Mỗi ngày có hàng vạn ngư dân với số tàu thuyền gần 9 vạn chiếc hoạt động ở ven biển, vùng lộng và ở biển xa, là một lực lượng dân sự hùng hậu ngày đêm có mặt tham gia bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, đồng thời hàng năm đóng góp trên 3 tỷ USD cho xuất khẩu. Nhưng lực lượng này có đến 70% à tàu thuyền tư nhân, đóng bằng gỗ, mã lực nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, chỉ đánh bắt ven bờ, kém hiệu quả kinh tế, lại phải đối đầu với thời tiết biển khắc nghiệt vào mùa gió bão, mức độ rủi ro về sinh mạng rất cao. Muốn hạn chế cần tổ chức lại thành đội tàu chính qui và hiện đại chẳng những có thể đánh bắt xa bờ và đại dương mà còn nâng cao khả năng an ninh quốc phòng cho đất nước. Đặc biệt phải trang bị phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc và máy móc khi tượng tiên tiến để phát hiện và hướng dẫn tránh bão, theo đúng các công ước quốc tế về “Bảo vệ sinh mạng người trên biển”. Tuy việc này có tốn kém, nhưng nên thực hiện dần từng bước theo khả năng của mình cho đến khi hoàn thiện, vì Việt Nam là quốc gia biển, chúng ta sẽ phát triển bền vững và trường tồn trên dải đất của cha ông.

- Xây nhà chống bão cho cụm dân cư ở những nơi xung yếu

Cụm dân cư chống lũ đã được hình thành từ nhiều năm nay ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là sáng kiến có giá trị thực tiễn lẫn chiến lược đối với vùng thường xuyên bị ngập lụt ở Nam bộ, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu thích ứng với BDKH do Liên hiệp quốc đề xuất cho những nước bị ảnh hưởng và tác động bởi thiên tai.

Từ kinh nghiệm này, chúng ta nên chuyển sang xây nhà chống bão cho từng cụm dân cư ở những nơi xung yếu bão thường đi qua. Muốn thực hiện việc khó khăn trên, cần sức người cũng như vậy chất lớn của xã hội và nhân dân, nhưng cần phải đi từng bước vững chắc. Khởi đầu bằng xây trụ sở, trường học, trạm xá cho chính quyền các địa phương theo kiểu nhà kiên cố, thiết kế đặc biệt chịu được gió cấp 10 – 13 B, là nơi tạm trú an toàn cho dân cả vùng khi có bão, sau đó thì khuyến khích dân tự làm cho mình với sự hỗ trợ một phần nhất định của nhà nước, hoặc vận động các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước chi viện khi kết hợp xây dựng nhà chính sách, nhà tình thương…

Vừa qua ở Thừa Thiên Huế, một tổ chức phi chính phủ của Pháp đã xây kiểu nhà mẫu vừa chống bão, vừa chống lũ, có thể là mô hình tương đối phù hợp để chúng ta nghiên cứu áp dụng ở khu vực duyên hải miền Trung. Xây nhà chống bão là một chính sách lâu dài, hợp lòng dân, nếu thực hiện thành công sẽ ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở những vùng bão lụt.

Tăng cường vốn, phương tiện, vật tư, lương thực dự phòng cho những tỉnh và địa phương thường xuyên bị bão lụt

Thời gian qua, nhất là sau bão số 9 (Ketsana) nhiều nơi bị bão đã bộc lộ thiếu sót và yếu kém trong khâu phòng chống, đặc biệt là không đủ phương tiện, vật tư, lương thực để sẵn sàng ứng cứu dân, có địa phương chỉ trông chờ vào chi viện của Trung ương nên xử lý tình huống lúng túng, thiếu năng động, đánh mất tiêu chí “ba tại chỗ” mà từ lâu chúng ta vẫn áp dụng tốt. Nếu suy cho cùng, điều đáng trách đó là chúng ta chưa có một chính sách hoàn chỉnh và hợp lý đối với từng vùng, từng địa phương, thiếu hẳn cơ chế quy định rõ ràng mỗi tỉnh, mỗi vùng phải dự trữ và chuẩn bị những gì để phòng chống bão hiệu quả. Nên chăng tăng cường vốn, phương tiện cứu hộ, vật tư chuyên dùng, lương thực dự phòng đầy đủ cho những địa phương thường xuyên bị bão lụt và lập quỹ đặc biệt ở tầm vĩ mô để giải quyết những tình huống bất cập do thiên tai gây ra trong cả nước.

Lập quỹ phòng chống bão lụt của nhân dân

Thông thường, sau mỗi trận bão lụt lớn, ngoài sự quyên góp tự nguyện của nhân dân theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng phát động những đợt giúp đỡ đồng bào bị nạn và luôn được cả nước nhiệt liệt hưởng ứng. Trong thực tế, năm nào người dân cũng dành một phần thu nhập nhỏ của mình để làm nghĩa cử cao đẹp nói trên. Tuy nhiên, xét về số lượng thì nguồn thu này không nhiều chỉ đáp ứng một phần nhu cầu cứu trợ trước mắt, song biến đổi khí hậu sẽ tồn tại lâu dài, thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, thiên tai sẽ nhiều và dồn dập hơn. Vậy, sự đóng góp đầy tính nhân văn ngày càng thường xuyên, nên phải mang lại hiệu quả cao và hàm ý “nghĩa vụ” của công dân đối với quốc gia, ít ra cũng góp phần cùng Nhà nước giải quyết khó khăn nhằm ổn định cuộc sống cho cư dân vùng thiên tai cùng phát triển bền vững với cả nước. Thiết nghĩ, nên lập một quỹ phòng chống bão lụt thường xuyên của nhân dân do Mặt trận Tổ quốc các cấp quản lý điều hành. Hàng năm mọi người dân đều có nhiệm vụ góp vào đây, giống như dạng “hũ gạo cứu quốc thời chiến tranh. Mặt khác, các cơ quan có chức năng tuyên truyền nên hướng quần chúng cũng như các nhà tài trợ tích cực đóng góp cho quỹ, thay vì tài trợ cho những hoạt động mang tính quảng bá riêng tư… Tin tưởng quỹ sẽ có vai trò tích cực và nguồn thu dồi dào để góp phần thiết thực phục vụ cho an sinh xã hội.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hiểm họa thiên tai và hướng dẫn, huấn luyện dân cư kỹ năng phòng chống bão lụt

Đa số cư dân vùng duyên hải và những khu vực bị bão lụt là dân lao động nghèo, quanh năm bám biển, bám ruộng đồng, ít được học hành, văn hóa thấp nên hiểu biết về bão lụt rất mập mờ, cộng với những hủ tục còn ăn sâu trong tiềm thức và phong tục tập quán làng quê, như ở một số làng chài miền Trung ngư dân từ chối mang theo phao cứu sinh khi ra biển hay tránh vớt người bị nạn trên biển vì sợ phải thế mạng… Đây chính là hậu quả của việc thiếu hiểu biết về những hiểm họa thiên tai. Cho nên cần tăng cường tuyên truyền , phổ biến những kiến thức phòng chống bão lụt trong dân, nhất là những vùng thường xuyên bị bão lụt là rất cần thiết. Ở Nhật Bản, đất nước luôn bị động đất, họ dạy trẻ em từ lớp vỡ lòng cách ứng xử khi xảy ra động đất tại trường học, tại nhà lúc vắng người lớn. Philipines, nước được coi là rốn bão, hướng dẫn xây nhà và trồng những loại cây gì có thể chịu được gió bão…

Nhưng vì sao chúng ta lại ít quan tâm? Đã đến lúc nên làm vì quá chậm….

Chúng ta thường nói về sức mạnh tại chỗ mỗi khi đề cập đến công tác phòng chống bão lụt. Đó chính là nguồn nhân lực, sức mạnh của con người. Nếu con người không có kiến thức, thiếu hiểu biết về đối tượng cũng như hành động của đối thủ mà mình phải đương đầu, thì e rằng khó thành công.

Vận dụng ý này vào cuộc chiến đấu chống thiên tai, chúng ta thấy rằng cần phải đào tạo kỹ năng cho những lực lượng phòng chống, không riêng của Trung ương mà cũng cần đến người tại chỗ ở những vùng xung yếu. Nếu họ được huấn luyện tốt về nghiệp vụ để tự giải quyết khó khăn cho mình, thì Trung ương sẽ giảm bớt áp lực phải phân tán chi viện cho nhiều nơi, khi hoàn lưu của bão lụt thường trải ra nhiều khu vực rộng lớn. Nguyên tắc: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” xem ra có thể thích ứng trong hoàn cảnh này.

Lời kết

Bão lụt là một trong những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan của thiên nhiên, gây cho loài người nhiều mất mát và đau khổ. Trong lịch sử nhân loại, con người luôn đối mặt với nó để sinh tồn. Hiểm họa trên khôgn phải là sự trừng phạt của đáng quyền linh nào, mà đó là sự biến đổi môi trường sống trên hành tinh xanh, tác nhân chính do con người tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa thế giới từ hai thế kỷ trở lại đây.

Đến nay, cả nhân loại đều nhận thức được nguy cơ này vì nó đang đe dọa sự sống còn và ngày càng trở nên nguy hiểm cho nhiều quốc gia. Liên hiệp quốc và ở Hội nghị Copenhagen những người thiện chí đã cố gắng nêu nhiều giải pháp nhằm hạn chế mức phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ trái đất không vượt 2 độ vào cuối thế kỷ này; nhưng rất tiếc, không đạt được thỏa thuận mong muốn. Tia sáng cuối đường hầm chỉ mới lóe lên nhưng chưa bùng phát thành ánh sáng. Lợi ích toàn cục của thế giới chưa thắng nổi lợi ích cục bộ của quốc gia. Thế giới còn phải tiếp tục phấn đấu để đi đến sự đồng thuận, chúng ta nên kiên trì chờ đợi một kết quả tốt hơn. Công tác chống bão lụt là một mắt xích trong dây chuyền giảm thiểu tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời cũng là thử thách đối với ý chí và quyết tâm của dân tộc. Hy vọng chúng ta sẽ làm tốt để thế giới nhận rõ hơn bản lĩnh của người Việt Nam.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.