Sự tương đồng giữa gen người và... lợn
Trong khi có thể dễ dàng nhận biết sự khác biệt bề ngoài, thì bên trong cơ thể người và lợn lại có những sự tương đồng khá ấn tượng. Các nhà nghiên cứu tại ĐH Tổng hợp Illinois (Mỹ) cho biết, họ đã tiến hành so sánh bộ gen, hay bản đồ DNA của 2 loài, nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho các nhà nghiên cứu y học để phát triển điều trị bệnh huyết khối động mạch, ung thư hay các bệnh khác của con người.
"Khi quan sát các chuỗi DNA của người và lợn, có thể thấy chúng giống nhau một cách kỳ lạ" - Jonathan Beever, nhà di truyền học động vật, người đã tiến hành so sánh gen trong 2 năm qua với đồng nghiệp Lawrence Schook của mình và sinh viên Stacey Meyers, nói: "Lợn chính là một vật mẫu ngoạn mục của con người". Ông cho biết, những so sánh đã chỉ ra ít nhất 173 vị trí trên các nhiễm sắc thể của lợn và người có các gen đồng nhất với nhau.
Đối với các loài động vật có vú, việc có các gen giống hệt nhau là điều khác thường. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là một số bộ phận của lợn sẽ giống hệt bộ phận tương ứng trên cơ thể người vì những đặc trưng của loài được tạo ra bởi các kiểu tập hợp gen khác nhau. Và điều quan trọng ở đây, theo Schook, là mỗi gen đều có vai trò nhất định đối với cơ thể động vật phụ thuộc vào vị trí của chúng trong bộ gen. Nắm được sự tương đồng của các gen và vị trí của chúng thông qua bản đồ so sánh mới được thiết lập, có thể mở ra một hướng mới cho các nhà nghiên cứu y học trong công cuộc tìm kiếm các giải pháp điều trị bệnh tật cho con người.
Gary Rohrer, nhà di truyền học tại Clay Center, Neb. nói: "Giờ đây, bạn chỉ cần đọc tấm bản đồ này để tìm ra câu trả lời cho hướng nghiên cứu của mình". Những câu trả lời đó có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu và điều trị bệnh tật của cả 2 loài, vì những bệnh liên quan đến di truyền có thể giống nhau ở cả người và lợn. Ví dụ, việc so sánh các gen gây ra các mảng xơ vữa động mạch ở người với các gen tương ứng của lợn cho phép các nhà nghiên cứu xác định những biến đổi do bệnh gây ra và tiến hành các điều trị thử nghiệm trên cơ thể lợn, Schook cho biết.
Tuy vậy, công việc nghiên cứu gen lợn vẫn chưa dừng lại ở đây. Schook và Beever sẽ thực hiện bước tiếp theo là giải mã cấu trúc chuỗi xoắn kép. Họ hy vọng có thể bắt đầu công việc này trong vòng 6 tháng nữa.
Nguồn: Laodong.com.vn 7/8/2005