“Sự kiện Vịnh Bắc bộ” qua tư liệu Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu
Những ai còn nhớ trên TNVN lúc bấy giờ, Đại tá Hà Văn Lâu, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, tuyên bố sự kiện nghiêm trọng này với giọng Huế rành mạch, hùng hồn như một phóng viên tường thuật tại chỗ sự việc đang xảy ra… Bên kia nửa vòng trái đất, Tổng thống Johnson, thúc ép Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết Sự kiện Vịnh Bắc bộ để hợp thức hoá cho y tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Về sau này khi chiến tranh lùi xa, các phóng viên lần hồi tìm manh mối, nhân chứng và khẳng định “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” không diễn ra trên thực tế mà nằm trong một âm mưu khiêu khích dựng chuyện của nhà hoạch định chiến tranh Hoa Kỳ. Vậy đâu là sự thực…
Năm 2008, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn Đường lên cơ quan Tổng hành dinhcủa Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh, trong đó có mấy trang ghi lại sự kiện này. Trong cuộc đời binh nghiệp trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung tướng có một thời gian dài công tác tại Phòng Tác chiến, Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, có điều kiện hiểu biết tường tận sự kiện. Ngày 5 - 8 - 1964, lúc ấy ông là sĩ quan cấp tá, đang ngồi tại phòng trực ban cùng với ông Trần Văn Nghiêm, Cục phó Cục Tác chiến nhận tin từ các nơi. Sau đây xin lược trích những tư liệu về sự kiện này từ trang 110 đến trang 120 trong sách đã dẫn:
Ngày 2 - 8 - 1964, khoảng 19 giờ, trực ban tác chiến báo cáo: Có một khu trục hạm của Mỹ đang đi vào hải phận của ta, vòng lên hướng đảo Cát Bà. Trực chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân, Tham mưu phó Đoàn Bá Khanh xin chỉ thị của Bộ cách xử trí. Ông Trần Văn Nghiêm báo cáo với thủ tưởng Bộ Tổng Tham mưu, thường trực chỉ huy là Thiếu tướng Trần Quý Hai để xin chỉ thị. Ông Tổng Tham mưu phó trả lời: “Ủa! Cách xử trí như thế nào à? Tàu địch vào hải phận của ta thì phải đánh chứ còn chờ gì nữa?” Lập tức chúng tôi (Trần Văn Nghiêm và Hoàng Nghĩa Khánh) chuyển lệnh cho ông Đoàn Bá Khanh trực chỉ huy hải quân là Bộ đồng ý đánh. Hải quân cho hai tàu phóng lôi do đồng chí Khoái chỉ huy ra đuổi, tàu khu trục địch chạy về hướngNam. Vào hải phận tỉnh Thanh Hoá, ở đông đảo Hòn Mê, tàu phóng lôi ta phóng hai quả ngư lôi vào tàu địch nhưng bị trượt, Khu trục hạm Mỹ bắn tàu phóng lôi ta bị thương nặng một chiếc. Được tin này chúng tôi báo cáo với đồng chí Tổng Tham mưu phó và đồng chí chỉ thị cho tôi xuống ngay Hải Phòng xem tình hình để rút kinh nghiệm… Hôm sau, tôi đi ô tô vào Sầm Sơn trực tiếp nghe các đồng chí hải quân báo cáo hình hình quan sát cuộc hải chiến trong hải phận của ta, vùng biển Hòn Mê. Vừa về đến Bộ, tôi được gọi sang gặp đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng. Sáng ngày hôm sau, ngày 4 - 8 - 1964, tôi cùng với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đi trực thăng đến Bộ Tư lệnh Hải quân ở Kiến An đón đồng chí Tạ Xuân Thu, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Hải quân cùng bay ra căn cứ Hải quân ở Mũi Chùa (Đông Tiên Yên) để nghe đồng chí Khoái và các thủy thủ báo cáo trận đánh tàu Maddox của Mỹ. Đồng chí không nói gì đến chủ trương của Bộ Tổng Tham mưu và của Hải quân về sử dụng tàu phóng lôi ta đánh khu trục hạm Mỹ. Đồng chí khen ngợi tinh thần dũng cảm của anh em và nói cần rút kinh nghiệm để lần sau chiến đấu tốt hơn…
Theo trực thăng lúc bay về, đồng chí Văn Tiến Dũng nói với tôi: “Về phía anh em thuỷ thủ tàu phóng lôi ra quân trận đầu rất dũng cảm, dám đuổi một khu trục hạm to lớn của Mỹ là đáng biểu dương khen thưởng. Anh em sử dụng tàu chiến đấu chỉ bám đuôi mà không phóng ngư lôi vào bề ngang của mạn tàu địch là vì chưa có kinh nghiệm… Nhưng đứng về phía chỉ đạo của Bộ, chủ trương dùng tàu phóng lôi của ta đánh tàu địch trong tình hình ta còn hạn chế, không để chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, là sai lầm. Về cơ quan tác chiến của Bộ và của Hải quân làm tham mưu cho Bộ không đúng, về tổ chức tác chiến của Hải quân ta quá đơn giản…”. Tôi về nói lại với đồng chí Nghiêm và cả hai chúng tôi đều thấy rõ khuyết điểm và trách nhiệm của mình.
Đêm 4 rạng ngày 5 - 8 - 1964, tàu Mỹ tự bắn các loại súng và pháo sáng ở đông đảo Hòn Ngư, Nghệ An dựng lên một cái cớ để vu cáo tàu của ta tiếp tục đánh tàu địch.
Ngày 5 - 8 - 1964, tôi ngồi cùng trực ban tác chiến của Sở chỉ huy theo dõi tình hình.
11 giờ trưa, (5 - 8 - 1964) đồng chí Văn Tiến Dũng điện thoại sang hỏi: “Các cậu có nghe đài địch không? Nó nói đêm qua (4 - 8 - 1964) tàu ta lại đánh khiêu khích tàu chiến Mỹ ngoài hải phận quốc tế và John tuyên bố đánh trả đũa đấy! Lệnh ngay cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Báo động cấp 1”. Tôi ngơ ngác bất ngờ quá! Có tàu mình đánh tàu địch nữa đâu? Tôi vội vàng chuyển lệnh ngay, ưu tiên cho Quân chủng Phòng không Không quân, Hải quân rồi đến các Quân khu, các tỉnh ven biển phải vào báo động cấp 1 “sẵn sàng chiến đấu”. Sau đó tôi hỏi trực ban “Cục 2” quân báo, có nhận tin tức gì không? Khi đó trực ban Cục 2 mới báo cáo là vừa bắt xong đài BBC của Johnson vừa ra lệnh trả đũa vì tàu ta lại đánh vào tàu địch, nhưng Phòng 2 Hải quân nói không có tàu ta xuất kích.
12 giờ 30 phút (5 - 8 - 1964) máy bay địch thả bom vào căn cứ Hải quân Bãi Cháy. Các đơn vị phòng không trên bờ và 37 ly trên tàu bắn trả quyết liệt. Sau đó tin đưa về: Bãi Cháy bắn rơi 3 chiếc máy bay, bắt sống giặc lái (trung uy An - va- ret).
13 giờ, (5 - 8 - 1964) địch đánh phá bến phà Sông Gianh và thị xã Đồng Hới. Sau đó Quảng Bình báo ra đã bắn rơi 1 chiếc máy bay.
6 giờ chiều (5 - 8 - 1964), buổi phát thanh đài Tiếng nói ViệtNamloan tin: đế quốc Mỹ, bè lũ Johnson, thua đau ở miềnNamtrả đũa ra miền Bắc, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại. Chúng đã bị trừng phạt đích đáng. Quảng Ninh, Quảng Bình bắn rơi 7 máy bay, bắt sống một giặc lái.
Tiếp theo đó, ngày 7 - 8 - 1964, nghị quyết “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” đã được Quốc Hội Mỹ thông qua. Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên miền Bắc ViệtNam.
Sau đợt đánh bom “trả đũa” ngày 5 - 8 - 1964, máy bay Mỹ thỉnh thoảng vi phạm vùng trời miền Bắc. Từ ngày 7 - 2 - 1965, chiến tranh phá hoại diễn ra liên tục, leo thang từ nam vĩ tuyến 20 trở ra toàn miền Bắc.
Mưu toan cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc được hoạch định từ trước ngày 5 - 8 nhiều tháng. Tháng 3 - 1964, Johnson phê chuẩn kế hoạch dùng tàu khu trục Mỹ tuần tiễu ở Vịnh Bắc bộ. Ngày 17 - 4 - 1964, Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã vạch kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam, thông qua 94 mục tiêu đánh phá… (Kế hoạch 34A).
Với dã tâm như vậy dù không có vụ ngày 2 - 8 - 1964, tàu phóng lôi ta đuổi đánh phóng hai quả ngư lôi về tàu Maddox, thì chúng cũng có thể dựng ra sự kiện khác để vu cáo ta, có cớ mà hành động.
… Do sự suy nghĩ không chín chắn của chúng tôi, cán bộ tham mưu gần gũi của đồng chí Trần Quý Hai, đã không kìm chế sự căm tức về sự khiêu khích trắng trợn của tàu chiến Mỹ trong hải phận của ta, không quán triệt chính sách của Đảng và Chính phủ ta trong lúc đó còn muốn hạn chế chiến tranh trong phạm vi miền Nam, đã báo cáo không rõ tình hình, đề đạt ý kiến không đúng (qua máy điện thoại ở nhà riêng) để thủ trưởng ra quyết định không phù hợp với tình hình chính trị lúc đó. Chúng tôi tự nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm chính về mình.