Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/12/2005 14:38 (GMT+7)

Sử dụng thuốc kháng lao

Ở ta, trước đây và hiện nay bệnh lao là vấn đề y tế xã hội nghiêm trọng. Tỷ lệ nhiễm lao chung toàn dân trước đây đã cao và nay, với dịch HIV/AIDS xảy ra với tốc độ nhanh, chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa. Chương trình chống lao cần đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bằng cách phát hiện sớm các trường hợp lao phổi có vi khuẩn lao (soi trực tiếp thấy có vi khuẩn lao trong đàm) và đặc biệt dùng phác đồ hoá trị lao ngắn ngày hữu hiệu nhất để sớm dập tắt nguồn lây lao (sau khi uống thuốc 2-3 tuần, người bệnh không gây ra sự lây lan).

Trên phương tiện sử dụng thuốc kháng lao, vấn đề được quan tâm nhất vẫn là sử dụng thuốc sao cho thật hiệu quả, an toàn và ngăn chặn sự kháng thuốc. Sự đề kháng thuốc ở vi khuẩn lao rất mạnh mẽ cho nên trong điều trị, không bao giờ dùng một thuốc mà phải luôn dùng từ hai ba thuốc trở lên. Và hiện nay các nhà điều trị luôn luôn đề cập tới hiện tượng vi khuẩn lao đa kháng thuốc (multiple drug resistance) tức là vi khuẩn lao có thể đề kháng với nhiều thuốc cùng một lúc.

Đề phòng sự kháng thuốc

Để điều trị lao có hiệu quả, các nhà điều trị nghiên cứu đưa ra nhiều phác đồ điều trị. Mỗi phác đồ là sự kết hợp nhiều thuốc, ấn định liều dùng điều trị thật thích hợp cho từng loại tình trạng bệnh. Phác đồ điều trị khi được chỉ định bắt buộc người bệnh phải tuân thủ dùng thuốc theo đúng phác đồ. Có một số điều ta cần ghi nhận về sử dụng thuốc kháng lao dùng như sau:

Như tên gọi, thuốc kháng lao là thuốc chuyên dùng trị vi khuẩn lao. Nhưng có một số thuốc vừa diệt được vi khuẩn lao vừa trị được các vi khuẩn khác như thuốc streptomycin, rifampicin. Để ngăn chặn sự kháng thuốc, có khuyến cáo là nên dành các thuốc này chỉ để trị bệnh lao, tránh dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn khác. Trước đây có tình trạng sử dụng streptomycin rất bừa bãi là dễ bị ho, người bệnh được y tá tiêm hoặc nài nỉ bác sĩ xin tiêm streptomycin. Dùng như thế tránh sao streptomycin không bị đề kháng. Hiện nay ngưòi ta tránh dùng kết hợp streptomycin với penicillin cũng vì lí do vừa nêu trên.

Căn cứ vào hiệu quả, độc tính và kể cả giá cả, người ta chia thuốc kháng lao ra 2 hạng: hạng 1 và hạng 2.

-Hạng 1:Thuốc kháng lao hạng này được dùng ưu tiên vì hiệu quả điều trị cao hơn, ít độc tính hơn và rẻ tiền hơn thuốc kháng lao hạng 2, gồm có: isoniazid, rifampicin, pyrazinamid, ethambutol, streptomycin. Khi mới bị điều trị, người ta dùng thuốc hạng 1.

-Hạng 2:Chỉ khi điều trị thuốc hạng 1 không có hiệu quả người ta chuyển sang thuốc hạng 2.

Thuốc hạng 2 có nhiều bất lợi: độc, giá đắt, kết quả đôi khi không chắc chắn mà thời gian điều trị phải kéo dài (ít nhất là 12 tháng). Gồm có: kanamycin, cycloserin, ethionamid, prothionamid, PAS, capreomycin, amikamin…

Trong hạng thứ 2, có thể kể thêm các thuốc mới đang được nghiên cứu để điều trị lao: nhóm fluroquinolon (ofloxacin, sparfloxacin), nhóm macrilid (clarithromycin), rifabutin…

Nguyên tắc 3Đ

Riêng người bệnh cần ý thức bệnh lao là bệnh lây mạn tính, khi sử dụng thuốc kháng lao cần tuân thủ phác đồ điều trị theo 3 chữ Đ: ĐÚNG, ĐỦ, ĐỀU.

-Thuốc phải được dùng đúng: tức là phải dùng đúng các tên thuốc đã được chỉ định trong toa theo phác đồ. Không được bỏ bớt thuốc, thêm thuốc, hoặc thay đổi thuốc một cách tuỳ tiện.

-Thuốc phải dùng đủ liều và đủ thời gian vì các thuốc kháng lao đều độc nên phải dùng đủ liều hàng ngày. Nếu quá liều sẽ bị độc tính của thuốc, còn bớt liều thì thuốc không có hiệu quả và làm cho vi khuẩn kháng lao thuốc.

Phải dùng thuốc đủ thời gian mà bác sĩ điều trị quy định (tuỳ theo loại phác đồ, có khi 6 tháng, 9 tháng… Không được ngưng sớm vì bệnh sẽ không lành, dễ tái phát mà khi tái phát là sẽ nặng hơn.

-Thuốc phải dùng đều đặn: Thuốc kháng lao thường dùng một lần duy nhất trong ngày, các thuốc sẽ uống cùng lúc (uống vào lúc ăn sáng trước khi ăn sáng) trong thời gian dài, ngày nào cũng thế. Người bệnh cần cố gắng tuân theo, không nên tự ý chia thuốc ra nhiều lần để uống, cũng như không được quên uống thuốc để rồi khi nhớ lại uống bù (uống như thế có thể quá liều).

Chiến lược DOTS

Từ năm 1995, Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra chiến lược chống lao có tên DOTS (viết tắt của Directly Observed Treatment Short-Course, có nghĩa điều trị lao với phác đồ hoá trị lao ngắn ngày có kiểm soát). Chiến lược này đòi hỏi người bệnh phải được giám sát việc uống thuốc từng liều bởi nhân viên y tế (như uống thuốc trước mặt nhân viên y tế) để hoàn tất tốt quá trình điều trị. Mục tiêu của chiến lược DOTS là làm cho việc sử dụng thuốc kháng lao đúng, đủ, đều, đạt hiệu quả cao nhất, nhằm dần dần tiến tới không chế và thanh toán bệnh lao. Trong DOTS, phác đồ hoá trị lao gọi là ngắn ngày chỉ dùng thuốc trong 6 tháng có thể trị bệnh lao phổi mới mắc được viết tắt như sau: 2RHEZ/6RH (tức là trong 2 tháng đầu dùng mỗi ngày 4 thứ thuốc: rifampicin, isoniazid, ethambutol, pyrizinamid, 4 tháng sau dùng mỗi ngày 2 thứ thuốc: rifampicin, isoniazid). Phác đồ vừa kể có thể thay đổi thành 9 tháng (3RHE/6RH) hoặc thay thế một số thuốc khác để đối phó với bệnh tái phát chẳng hạn.

Trong quá trình điều trị lao, người bệnh phải ăn uống đầy đủ chất, hoạt động nghỉ ngơi hợp lý, phải luôn theo dõi và báo ngay với thầy thuốc khi có dấu hiệu bất thường nghi là độc tính, tác dụng bất lợi của thuốc. Riêng đối với trẻ sơ sinh, việc tiêm chủng vacxin chống lao BCG đúng kỹ thuật và có kiểm soát tốt giúp phòng bệnh hiệu quả.

Nguồn: Khoa học phổ thông, số 731, 25-31/8/2004, trang 29-31

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.