Sóng thần từng xuất hiện và đổ bộ vào bờ biển nước ta
Những câu chuyện về động đất, sóng thần tại nước ta
Theo Viện Vật lý địa cầu, Trung tâm cảnh báo, động đất và sóng thần tại Việt Nam, động đất tại các tỉnh phía Nam có vẻ tăng lên kể từ sau trận động đất lịch sử ngày 26 - 12 - 2004 tại Châu Á gây sóng thần làm hơn 200.000 người chết. Báo cáo sơ bộ mới nhất của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu về kết quả quan sát động đất tại các tỉnh phía Nam từ cuối năm 2006 tới nay cho thấy, có hơn 150 trận động đất lớn nhỏ được ghi nhận. Theo các chuyên gia, tuỳ theo mức độ khác nhau của trận động đất trên mà gây ra các đợt sóng thần. Theo quan sát và ghi nhận của các nhà khoa học, thời gian gần đây cho thấy, động đất từng xảy ra ở vùng biển cách bờ biển Bình Thuận - Ninh Thuận khoảng 100 km. Khu vực này được xác định là khu vực nhiều đứt gãy nằm ở rìa phía đông của bồn trũng Cửu Long và đới nâng Côn Sơn. Điều đáng chú ý là các vị trí đứt gãy chính là nơi từng xảy ra vụ núi lửa hoạt động ở Hòn Tro năm 1923.
Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Biển, từ lâu, ngư dân tại các vùng ven biển vẫn có những câu chuyện truyền miệng về thảm hoạ sóng thần, những con sóng cao vượt đầu người, có thể xoá sạch những ngôi làng nó đi qua. Sau thảm hoạ sóng thần vào ngày 26 - 12 - 2004 giết chết hàng trăm ngàn người tại khu vực châu Á thì các nhà nghiên cứu địa cầu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Namđã bắt đầu tìm hiểu khả năng về tình hình xuất hiện sóng thần tại Việt Nam . Năm 1978, trong một ngày đẹp trời, sóng thần đã bất ngờ xuất hiện tại vùng Trà Cổ, Móng Cái. Sóng cao 2 - 3 m, tràn vào bờ nhiều đợt làm nứt tường nhà, làm đổ những hàng cây phi lao ven bờ. Xung quanh vùng biển vào thời điểm đó không có một sự cố động đất nào. Sau khi nghe kể và nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã kết luận, đây là hiện tượng sóng thần, nguồn gốc khí tượng học trượt đất, có thể xuất phát từ tâm trận lốc xoáy hoặc trượt đất dưới đáy biển của vùng biển xa. Xa hơn nữa là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, theo lời kể của những người cao tuổi, tại vùng bờ biển Diễn Châu (Nghệ An), sóng thần đã xuất hiện trong một ngày đẹp trời. Sóng dâng cao quét ngang thân tre ven biển, vào đất liền hơn 1 km, nước dâng cao 1,5 m, cuốn trôi nhiều nhà cửa. Các nhà khoa học kết luận, đây có lẽ cũng là sóng thần nguồn gốc khí tượng hoặc trượt lở đất ở vùng biển xa, giống như hiện tượng tại Trà Cổ vào năm 1978.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu trên cũng đã đặt ra giả thuyết rằng, từng có các đợt sóng thần xảy ra vào năm 1923 tại Khánh Hoà. Theo ghi chép của Tiến sĩ Armand Krempt (trợ lý của bác sĩ Alexandre Yersin), sóng thần đã từng phá hỏng chuồng ngựa của bác sĩ Alexandre Yersin ở Nha Trang khi chuồng ngựa của ông cách bờ biển 5 - 6 m. Sự cố này có liên quan tới hiện tượng núi lửa phun trào và gây động đất 6,1 độ richer tại hòn đảo Hòn Tro, quần đảo Phú Quý. Có thể việc núi lửa phun tại Hòn Tro mà tạo ra sóng thần. Trước khi xảy ra thảm hoạ sóng thần ngày 26 -12 - 2004, nghiên cứu về sóng thần tại Việt Nam chưa được chú ý nhiều. Tuy nhiên, tới nay, theo Viện Vật lý địa cầu, trên lãnh thổ Việt Nam đã có 33 điểm được khảo sát sóng thần, phân bố đều từ Móng Cái đến Cà Mau. Bên cạnh đó, nhiều đoàn khảo sát, điều tra tại các điểm dân cư, vùng ven biển nhằm tìm hiểu tất cả các hiện tượng sóng biển: sóng bão, nước dâng, thuỷ triều, sóng chưa rõ nguồn gốc cũng đã được tiến hành. Từ kết quả điều tra trên, các nhà khoa học khẳng định, bờ biển Việt Nam có thể đã từng bị sóng thần cao từ 2 đến 3 m tràn vào bờ.
Sóng thần cao nhất từng đổ bộ vào nước ta lên tới 3 - 4 mét
![]() |
Các công trình lớn gần biển sẽ bị tàn phá nếu gặp phải... sóng thần. |