Sơn La: Một “nhà khoa học chân đất” lập nghiệp bằng sản phẩm tự mình sáng tạo ra
Máy chỉ nặng trên 90 kg, lắp bộ phận cày hay bừa là tùy yêu cầu từng lúc. Máy sử dụng động cơ xe máy, lốp xe mua hoặc đặt sản xuất, các bộ phận còn lại do anh thiết kế, chế tạo và lắp ráp. Năng suất bình quân mỗi giờ cày, bừa được 900-1000m 2đất khô. Đối với đất ướt, năng suất còn cao gấp 1,5-2 lần. Chi phí xăng cho một giờ máy hoạt động từ 6.000-10.000 đồng. Tính ra, cày bừa bằng máy của anh Tuấn vừa nhanh, vừa hiệu quả hơn rất nhiều so với cày bằng trâu, bò và tỏ ra ưu việt hơn khi cày, bừa trên đất nương, diện tích nhỏ, phân tán so với các máy cày, bừa hiện nay. Sản phẩm máy cày, máy bừa của anh Tuấn đã đoạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh Sơn La lần thứ 2 năm 2011. Anh Tuấn cũng là một trong 80 gương mặt đã đoạt giải cao tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2011, đồng thời anh được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng sáng tạo Lương Định Của.
Được giải thưởng là rất vinh dự nhưng quan trọng hơn là thị trường hóa được sản phẩm. Với nghị lực, quyết tâm và sự nhạy cảm, anh đã đứng ra thành lập HTX cơ khí. HTX hiện có 7 xã viên và gần 10 lao động hợp đồng thời vụ, bước đầu đã sản xuất bán ra thị trường được gần 150 máy, tạo thu nhập 1,5-2 triệu đồng/ lao động/tháng, lãi trên 2 triệu đồng/máy. Giá cả rất vừa túi tiền của nông dân, chỉ trên dưới 10 triều đồng/máy. Một số kênh truyền hình địa phương và Trung ương (VT2, VT6...) đã đưa tin, giới thiệu sản phẩm của HTX. Tiếng lành đồn xa, bước đầu đã có hàng trăm đơn đặt hàng ở 6 tỉnh trong cả nước. Rất tiếc là tiềm lực HTX của anh còn nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Anh cho biết, HTX đã xây dựng dự án xin vay vốn ưu đãi của các cơ sở tín dụng để mở rộng và nâng cấp cơ sở sản xuất tại bản Tường Chè thị trấn Mường La, nhưng chưa được.
Sản phẩm máy cày, bừa của anh đã được Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La tư vấn để đăng ký bảo hộ quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhưng anh dự định sẽ hoàn thiện thêm một bước về kiểu dáng và công nghệ sản xuất, để sản phẩm tinh xảo và mỹ thuật hơn... Hiện HTX đã xây dựng và đăng ký dự án sản xuất thử nghiệm tại Sở Khoa học và Công nghệ để cạnh tranh tuyển chọn trong danh mục đề tài, dự án khoa học công nghệ năm 2012 của tỉnh Sơn La.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh Tuấn thực thà: “Tôi vốn là thợ cơ khí. Có lẽ tôi là người sống ở cơ sở, hiểu rõ được nhu cầu thực tế của đời sống, của thị trường cộng với chút say sưa, ham học hỏi...”
Khó khăn nhất mà anh và HTX đang ra sức xoay xở là vốn mở rộng và nâng cấp đầu tư. Quan hệ tính dụng với các nhà tài trợ là vấn đề không đơn giản đối với nhà khoa học chân đất mới lập nghiệp. Anh Tuấn và HTX của mình rất cần sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Mường La, Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm khuyến công tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà tài trợ và các cấp chính quyền...