So sánh hàm nghĩa văn hoá các từ chỉ động vật tiếng hán và tiếng việt
1. Đặt vấn đề
Edward Sapir, nhà ngôn ngữ học người Mĩ, đã từng viết: “Đằng sau ngôn ngữ của một dân tộc luôn tồn tại phông văn hoá của dân tộc ấy, hơn thế ngôn ngữ không thể tồn tại độc lập với văn hoá.” (Edward Sapir, Language, trang 122). L.R.Palmer cũng nói rằng: “Lịch sử của ngôn ngữ và lịch sử của văn hoá luôn luôn đồng hành với nhau, chúng cùng hiệp tác, cùng bổ trợ cho nhau”. (L.R.Palmer, An introdution to modern linguistics, trang 151). Từ đó có thể thấy rằng ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ. Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải văn hoá, ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau ghi giữ và phản ánh bộ mặt văn hoá đặc trưng của dân tộc ấy. Ngược lại, đặc trưng văn hoá của mỗi dân tộc lại ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc ấy.
Xét về mặt văn hoá, có thể chia hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ dân tộc thành hai loại: từ vựng mang hàm nghĩa văn hoá và từ vựng thông thường, không mang hàm nghĩa văn hoá. Sự khác biệt giữa từ vựng văn hoá và từ vựng thông thường có thể thấy ở chỗ từ vựng văn hoá mang thông điệp văn hoá dân tộc; từ vựng văn hoá có các mối quan hệ với văn hoá dân tộc, bao gồm văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, có khi là sự phản ánh trực tiếp văn hoá này, ví dụ như: “rồng, “phượng...” trong tiếng Trung Quốc; có khi là biểu trưng của văn hoá, ví dụ: “hoa sen, “cây tre...” trong tiếng Việt. Từ vựng văn hoá cũng có khi là các từ có mối quan hệ sâu xa với văn hoá, ví dụ các từ ngữ xuất hiện từ các điển tích văn hoá hay các từ xuất hiện trong tôn giáo. Còn từ vựng thông thường không có đặc điểm trên đây, chúng chỉ có ý nghĩa thuần tuý, ví dụ như “sách”, “bút”, “lớp học”...
Nghiên cứu hàm nghĩa văn hoá trong từ vựng là một lĩnh vực chưa được đào sâu nghiên cứu ở Việt Nam . Song với nhu cầu tìm về bản sắc văn hoá dân tộc, nhu cầu giao lưu văn hoá ngôn ngữ và nhu cầu học ngoại ngữ trong thời đại hội nhập toàn cầu hoá hiện nay, nghiên cứu hàm nghĩa văn hoá trong ngôn ngữ trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hàm nghĩa văn hoá hay phông văn hoá thường xuất hiện nhiều nhất ở lớp từ vựng cơ bản, lớp từ vựng chỉ tên gọi động vật, thực vật... Lớp từ vựng này thuộc hạt nhân của hệ thống từ vựng trong mỗi ngôn ngữ, có trước tiên và được người bản ngữ nhân thức sớm hơn cả. Hơn nữa, các từ thuộc trường từ vựng này rất hàm súc về ngữ nghĩa, đồng thời có sự biến đổi ngữ nghĩa rất phong phú trong lời nói.
Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chọn một số từ trong lớp từ vựng tên gọi động vật thân thuộc, gắn bó với cuộc sống của người Trung Quốc và người Việt Nam từ lâu đời để phân tích, so sánh, đối chiếu hàm nghĩa văn hoá của nhóm từ vựng này trong hai ngôn ngữ Việt và Hán. Thông qua phân tích, so sánh, đối chiếu thấy được quá trình giao thoa, ảnh hưởng, sự giống và khác nhau trong quan niệm, sự liên tưởng ngôn ngữ giữa người Việt Nam và người Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu chỉ ở mức ban đầu nhưng chúng tôi hi vọng sẽ có đóng góp nhất định về phương diện thực tiễn, cụ thể là trong công tác giảng dạy tiếng Hán và tiếng Việt, cũng như công tác đối dịch Hán – Việt, Việt – Hán. Theo tư liệu mà chúng tôi có được, khi xét hàm nghĩa văn hoá của lớp từ chỉ động vật trong tiếng Hán và tiếng Việt, có thể thấy ba trường hợp: trường hợp nghĩa biểu trưng giống nhau, trường hợp nghĩa biểu trưng khác nhau(có thể tồn tại ở ngôn ngữ này mà không tồn tại ở ngôn ngữ kia) và trường hợp nghĩa biểu trưng có một phần giống nhau và một phần khác nhau.
2. Nghĩa biểu trưng giống nhau
Tiếng Hán và tiếng Việt, hai ngôn ngữ của hai dân tộc có nền văn hoá khá tương đồng, có các từ là tên gọi động vật mang hàm nghĩa biểu trưng hoàn toàn giống nhau, hoặc hoàn toàn khác biệt, song số lượng từ vựng ấy rất ít, phần lớn là có sự liên tưởng giống nhau và khác nhau cùng tồn tại ở một từ. Chẳng hạn, có một số con vật điển hình, có giá trị biểu trưng giống nhau trong cả hai ngôn ngữ Hán, Việt như:
Con quạ - biểu trưng cho điều không an lành, ác độc: “Đồ quạ khoang!”
Con lợn - biểu trưng cho sự ngu xuẩn: “Ngu như lợn!”
Con rắn - biểu trưng cho sự thâm hiểm, ác độc: “Đồ rắn độc!”
Đại bàng - biểu trưng cho lòng kiêu hãnh, dũng cảm.
Con cáo - biểu trưng cho sự tinh ranh, khôn ngoan.
Con lừa - biểu trưng cho sự ngu ngốc, bướng bỉnh.
3. Nghĩa biểu trưng khác nhau
Một số tên gọi động vật lại chỉ mang hàm nghĩa văn hoá đặc trưng có trong từng ngôn ngữ Hán hoặc Việt. Phân tích một số tên gọi động vật cơ bản trong tiếng Hán và tiếng Việt chúng ta có thể thấy rõ điều này.
1. Gấu trúc
Gấu trúc là động vật quí hiếm chỉ có ở Trung Quốc, không có ở Việt Nam. Gấu trúc có vẻ bề ngoài đáng yêu, rất đẹp, được người Trung Quốc coi là “quốc bảo”, tượng trưng cho sự quý báu, đáng được bảo vệ. Người Trung Quốc thường nói: “Bảo vệ như bảo vệ gấu trúc” có nghĩa là bảo vệ cẩn thận, chặt chẽ; “Anh ấy trong cơ quan là gấu trúc đấy” có nghĩa là anh ấy là một nhân vật quan trọng trong cơ quan. Gấu trúc có đôi tròng mắt đen khiến người Trung Quốc liên tưởng đến đôi mắt người phụ nữ trang điểm tô quá đen quanh tròng mắt: “mắt gấu trúc” v.v. Gấu trúc không có ở Việt Nam, không có liên hệ mật thiết với cuộc sống của người Việt nên trong tiếng Việt, dường như không có từ hay sự liên tưởng nào liên quan đến gấu trúc cả.
2. Chim chín đầu
Chim chín đầu là một loài chim tưởng tượng trong truyền thuyết của Trung Quốc. Loài chim này thông minh, nhanh nhẹn, được người Trung Quốc ví với người Hồ Bắc: “Thiên thượng cửu đầu điểu, địa hạ Hồ Bắc lão” (ý là trên trời có chim chín đầu khôn ngoan, nhanh nhẹn, dưới đất có người Hồ Bắc cũng như vậy). Người Việt không có khái niệm về chim chín đầu nên cũng không thấy chim chín đầu xuất hiện như một biểu trưng văn hoá trong tiếng Việt.
3. Tỉ dực điểu
Tỉ dực điểu cũng là một loài chim tưởng tượng trong truyền thuyết của Trung Quốc. Loài chim này biểu trưng cho tình ân ái phu thê: “Tại thiên nguyên vi tỉ dực điểu, tại địa nguyên vi liên lí chi” (Trích “Trường hận ca”) (nghĩa là nếu ở trên trời nguyên làm chim tỉ dực điểu, nếu ở dưới đất nguyên làm cành cây liên lí). Cũng giống như chim chín đầu, tỉ dực điểu không tồn tại ở Việt Nam với hàm ý văn hoá.
4. Ốc nhồi
ốc nhồi là một sinh vật sống dưới nước rất phổ biến ở Việt Nam, vì vậy rất quen thuộc với cuộc sống của người Việt. Người Việt lấy ốc nhồi làm các món ăn khoái khẩu, lại lấy hình tượng ốc nhồi để so sánh với mắt người: “mắt ốc nhồi” (chỉ người có mắt to, hơi lồi ra phía ngoài). Ngược lại, ốc nhồi không có nhiều ở Trung Quốc, đặc biệt không có ở miền Bắc Trung Quốc, vùng Trung nguyên, nơi sản sinh nền văn hoá Trung Hoa cổ đại. Vì không tiếp xúc với ốc nhồi nhiều nên người Trung Quốc cũng không có liên tưởng gì đặc biệt với ốc nhồi.
5. Con cáy
Cáy là một động vật sống ở biển, xuất hiện khá nhiều ở các vùng biển Việt Nam. Cáy có đặc điểm rất nhát, hễ có tác động hay một sự tác động nho nhỏ là lẩn trốn. Từ việc quan sát thói quen sống và đặc điểm của cáy với người có tính cách nhút nhát: “Nhát như cáy”. Người Trung Quốc khi muốn nói đến nhút nhát, người ta lại liên tưởng đến con chuột chứ không phải con cáy như người Việt Nam.
4. Nghĩa biểu trưng có phần giống nhau và phần khác nhau
Chúng tôi cho rằng đây là trường hợp thú vị nhất. Chúng ta đều biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có phong tục tập quán, bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa lý, tín ngưỡng tôn giáo và phương thức tư duy tương đối giống nhau. Hơn nữa, người Việt mượn rất nhiều từ gốc Hán của người Trung Quốc, khi vay mượn từ vựng, người Việt đồng thời mượn luôn hàm nghĩa văn hoá có trong từ vựng đó. Tuy nhiên, người Việt, bên cạnh mượn ý nghĩa Hán, lại bổ sung thêm vào những quan niệm, tư tưởng thể hiện bản sắc văn hoá của mình. Những điều này dẫn đến có rất nhiều từ là tên động vật trong tiếng Việt và tiếng Hán có một phần ý nghĩa biểu trưng, liên tưởng giống nhau, phần còn lại có khác nhau. Dưới đây, tác giả xin khảo sát một số tên động vật thường gặp, có ý nghĩa biểu trưng cao nhất.
1. Rồng
Rồng là con vật tưởng tượng của người Trung Quốc cổ đại. Do sự phát triển lan rộng của văn hoá Trung Hoa, ảnh hưởng lan truyền sang các nước khác trong đó có Việt Nam, ý nghĩa biểu trưng văn hoá của rồng cũng được thể hiện trong tiếng Việt, ví dụ:
Rồng tượng trưng cho hoàng đế: chân long thiên tử, long thể, long bào, long sàng...
Rồng có ý nghĩa uy nghi, trang trọng, thường dùng kết hợp với hổ: ngoạ hổ tàng long, long bàn hổ cứ, long tranh hổ đấu...
Ngoài ý nghĩa văn hoá tương đồng trên đây, rồng trong mỗi ngôn ngữ Hán hay Việt lại có ý nghĩa biểu trưng riêng. Trong tiếng Hán, rồng được sánh với người có tài, có địa vị, ví dụ người Trung Quốc nói: Ngoạ Long tiên sinh(Gia Cát Lượng), vọng tử thành long(mong muốn con cái trở thành người có tài, có địa vị). Ngoài ra, người Trung Quốc còn mượn hình dáng của con rồng để biểu trưng sự vật khác, ví dụ: “thuỷ long đầu” (chỉ vòi nước, vì vòi nước có hình dáng giống đầu rồng), “một con rồng” (chỉ sự phục vụ hay một việc có tính chất từ đầu đến cuối, từ a đến z.)v.v. Ngược lại, trong tiếng Việt, rồng được so sánh như người tôn quý: “rồng đến nhà tôm”, “rồng” là biểu tượng của dòng giống cao quý: “con rồng cháu tiên”. Hay một ý nghĩa khác biệt khác, biểu thị nét tốt đẹp mà người Việt gắn cho con rồng: “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
2. Hạc
Cũng giống như rồng, hạc là loài vật xuất hiện từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. Trong quan niệm của người Trung Quốc, hạc là một loài chim tượng trưng cho sự cát tường, là trưởng của muôn loài chim. Hạc được gọi là “nhất phẩm điểu”, trên áo của các quan nhất phẩm các triều đại Minh Thanh đều có thêu một con hạc. Hạc được người Trung Quốc gắn cho rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, ung dung tự tại như người quân tử: “hạc minh chi sĩ” (người đánh đàn ung dung, tự tại); cũng so sánh hạc với người có phong thái tao nhã, tài năng xuất chúng: “cô vân dã hạc”, “hạc lập kê quần”. Trong tư tưởng của người Trung Quốc, hạc còn tượng trưng cho sự trường thọ, vì vậy người Trung Quốc khi nói đến người già trường thọ thường dùng “hạc thọ, hạc linh, hạc phát đồng nhan”, khi viếng người chết cao tuổi thường ghi: “anh linh tuỳ hạc, hạc giá Tây thiên, giá hạc quy tiên, giá hạc quy túc”...
Trong tiếng Việt, hạc không có ý nghĩa phong phú như trong tiếng Hán. Nếu là quan niệm riêng của người Việt, thì rõ nhất có lẽ là lối so sánh “gầy như hạc”. Người Việt khác với người Trung Quốc trong việc dùng hình dáng con hạc để nói đến dáng vẻ người.
3. Hổ
Người Việt Nam và người Trung Quốc đều cho rằng hổ là loài hung ác. Hổ tượng trưng cho nơi nguy hiểm và thế lực. Trong tiếng Hán có: “vi hổ tác trướng” (nghĩa là mượn uy danh lớn để hành sự), “hổ lang chi tâm” (lòng dạ hổ lang), “phóng hổ quy sơn” (thả hổ về rừng)... trong tiếng Việt có: “hổ tướng”. “hổ dữ không ăn thịt con”, “cưỡi trên lưng hổ”, “hổ phụ sinh hổ tử”, “nhị hổ tương tranh”, “toạ sơn quan hổ đấu...”. Đây là những cụm từ Hán Việt mà người Việt mượn từ tiếng Hán như trên đã đề cập.
Tuy nhiên, từ “hổ” trong tiếng Hán cũng có hàm nghĩa khác mà tiếng Việt không có, ví dụ trong tiếng Hán có: “con hổ điện, con hổ nước, con hổ thuế, con hổ nhà đất...”; hàm nghĩa của “hổ” ở đây đã được chuyển dịch thành thiết bị quá tiêu hao năng lượng và kẻ phạm tội lợi dụng chức quyền tham ô, chiếm đoạt lượng lớn tài sản nhà nước.Trong khi đó, người Việt lại gọi hổ là “ông ba mươi”. Việt Nam có một truyền thuyết kể rằng đến 30 tết, hổ thường tìm đến các thôn làng ăn thịt người, mọi người sợ hãi gọi hổ là ông ba mươi. Người Trung Quốc nếu không biết truyền thuyết này thì không thể hiểu được người Việt muốn ám chỉ cái gì.
4. Ngựa
Ngựa là con vật quen thuộc của người Trung Quốc. Ngay từ thời cổ đại, ngựa đã xuất hiện trong đời sống của người dân. Ngựa vừa là phương tiện đi lại, vừa đảm bảo sức kéo nhà nông, vừa là phương tiện chiến tranh, vì vậy từ ”mã” đã xuất hiện với tần suất cao trong từ vựng tiếng Hán từ thời đó: ”thiên quân vạn mã”, ”đơn phương độc mã”, ”binh cường mã tráng”, ”mã đáo thành công”... Ở Việt Nam không có nhiều ngựa, nhưng do ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa, trong tiếng Việt cũng có cách nói tương tự (”thiên binh vạn mã”, ”đơn thương độc mã”, ”mã đáo thành công”...).
Tuy nhiên, ta vẫn có thể thấy có những cách diễn đạt có liên quan đến ngựa được người Trung Quốc sử dụng mà người Việt không dùng. Chẳng hạn, người Hán so sánh ”thiên lí mã” với người có tài năng, dùng “Lão kí phục lịch (ý mặt chữ là con ngựa già phục bên máng ngựa)” để miêu tả người già nhưng vẫn chăm chỉ làm việc. Ngoài ra, từ ”mã” đã thay đổi ý nghĩa mà tiếng Việt cũng không có: ”mã nhĩ đông phong” (gió thổi ngoài tai), ”hầu niên mã nguyệt” (năm mùng thất, chỉ rất lâu sau), ”long mã tinh thần” (chỉ tinh thần rất hăng say), ”ngưu đầu bất đối mã chuỷ” (râu ông nọ cắm cằm bà kia)” v.v...
Ngược lại, trong tiếng Việt, ngựa cũng mang hàm nghĩa riêng mà tiếng Hán không có. Người Việt mượn hình dáng của ngựa để miêu tả sự vật khác: ”ghế ngựa”, ”đầu trâu mặt ngựa”. ”Hình ảnh con ngựa cũng gây cho người Việt nhiều ấn tượng âm tính. Đấy là một kẻ lông bông(”lông bông như ngựa chạy đường quai”), một thân phận tôi đòi, bị người khác chi phối (”thân trâu ngựa”, ”gái có chồng như ngựa có cương”). Ở người Việt, ngựa là biểu tượng của thế lực, của cải. Người nào có những thứ đó là người ”lên xe xuống ngựa”, ”tàn che ngựa cưỡi”, trong nhà họ thì ”chuông vạn ngựa nghìn” (trích trong ”Nhựa ta và ngựa tây” - Dương Kỳ Đức - TCNN & ĐS, số 1+2-2002).
5. Trâu, bò
Người Việt Nam và người Trung Quốc đều cày ruộng bằng trâu, bò. Trâu, bò xuất hiện trong nhóm từ vựng mang hàm ý nghĩa văn hoá trong tiếng Hán và tiếng Việt với tần suất khá cao. Trâu, bò trong hai ngôn ngữ đều tượng trưng cho sức mạnh, sự ngu dốt: Ví dụ: ”sức chín trâu” (chỉ sức lực lớn), ”con trâu sắt” (rất khoẻ), ”khoẻ như trâu, đàn gảy tai trâu, ngu như bò...”.
Ngược lại, trong tiếng Hán và tiếng Việt cũng có những cách diễn đạt khác, trong đó ý nghĩa biểu trưng của từ ”trâu, bò” không giống nhau. Chẳng hạn, trong tiếng Hán, trâu biểu trưng cho sự kiên nhẫn, chăm chỉ: ”lão hoàng ngưu” (chỉ người chăm chỉ, kiên nhẫn)”; trâu biểu trưng cho sự ương bướng, cố chấp: ”ngưu tính” (tính ương bướng); phát ngưu tì khí (ương bướng, cố chấp)”; trâu biểu trưng cho sự tài giỏi, cao siêu: ”nhĩ chân ngưu! (Bạn thật là siêu!)”.
Trong tiếng Việt lại có cách diễn đạt riêng, trong đó ý nghĩa biểu trưng của ”trâu, bò” khác với tiếng Hán. Chẳng han, người Việt cho rằng trâu là loài bẩn: ”Bẩn như trâu”, hay trâu được gắn với người hay ghen ghét: ”Trâu buộc ghét trâu ăn.”
6. Gà
Gà là động vật thân thuộc nhất đối với cả người Việt và người Trung Quốc. Gà thường được sử dụng trong ngôn ngữ để miêu tả, so sánh với những hành vi, hoạt động của con người: ”nổi da gà”, ”chữ viết như gà bới”.
Song, ”gà” trong tiếng Hán cũng có những hàm nghĩa riêng biệt, ví dụ: ”lạc kê thang” (ướt như chuột lột), ”đấu kê nhãn” (mắt gà chọi), ”giá kê tuỳ kê, giá cẩu tuỳ cẩu” (gái lấy chồng phải theo chồng)... Trong tiếng Việt lại có cách biểu trưng theo quan niệm của người Việt, khác với người Trung Quốc. Ví dụ: ”gà công nghiệp” (chỉ người ngây ngô, ít tiếp xúc với bên ngoài), ”gà mờ”(chỉ người hồ đồ, không hiểu sự việc), ”gà phải cáo” (chỉ gặp phải tình huống đáng sợ), ”gà tồ” (chỉ người ngốc nghếch). v.v...
5. Kết luận
Rõ ràng là qua việc tìm hiểu cách diễn đạt trong ngôn ngữ của mỗi dân tộc, chúng ta có thể thấy được quan niệm tư tưởng, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo.... của những dân tộc đó. Hàm nghĩa văn hoá tiềm ẩn sâu sắc trong từ vựng, đặc biệt các từ là tên gọi động vật. Những tưởng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nền văn hoá khá giống nhau, ngôn ngữ khá tương đồng, nhưng chỉ qua phân tích một số từ ngữ tiêu biểu, ta thấy được giữa tiếng Việt và tiếng Hán không chỉ tồn tại những phần giống nhau, kết quả của quá trình vay mượn, tiếp xúc mà còn rất nhiều nét khác biệt đang chờ chúng ta khám phá thêm.
_________
Tài liệu tham khảo
1. Dương Kỳ đức - Ngựa ta và ngựa tây, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 1+2, 2002 tr 24-27
2. La Thường Bồi - Ngôn ngữ và văn hoá,Nxb Ngữ văn, 1989.
3. Trần Quang Lỗi (chủ biên) - Từ điển quán ngữ tiếng Hán, Nxb Đại từ điển Hán ngữ, 2004
4. Lưu Tùng Quân, Lý Hành Kiện, Hướng Quang Trung (chủ biên) - Đại từ điển thành ngữ TrungHoa, Nxb Văn sử Cát Lâm, 1996.
5. Nguyễn Thuý Khanh - Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu với tiếng Nga), Luân án PTS, 1996.
6. Nguyễn Thuý Khanh - Một vài nhận xét về thành ngữ so sánh có gọi tên động vật tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, 1995, tr22-30.
7. Hoàng Văn Hảnh - Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ,1994.
8. Sapir, Edward. Language: An Introdution to the Study of Speech. New York : Harcourt, Brace, 1921.
9. L.R.Palmer - An introduction to Modern linguistics, Oxford University Press, 1959.