Skype và Kazaa thay đổi cách khai thác Internet
Chuyên gia phần mềm người Thụy Điển này khởi nghiệp khi còn làm việc cho một hãng viễn thông giá rẻ ở châu Âu có tên Tele2 hồi giữa thập kỷ trước. Tại đây, anh đã gặp người cộng sự Janus Friis và tháng 3/2001, hai người tung ra ứng dụng Kazaađể bắt đầu kiếm tiền bằng cách khai thác cơn sốt chia sẻ file mà mạng âm nhạc Napster khởi xướng.
Điều tạo nên ảnh hưởng cho Kazaa chính là việc nó không tập trung hóa tất cả các danh mục mà mọi người chia sẻ. Cách tiếp cận này đã giúp chính bản thân Kazaa và nhiều dịch vụ chia sẻ file tương tự tránh khỏi những rắc rối về nhiều khía cạnh, trong đó lớn nhất là mặt pháp lý. Kết quả là một sự bùng nổ các hoạt động trao đổi file nhạc bắt đầu và nhiều bộ phim cũng nhanh chóng xuất hiện qua hệ thống này khi mà băng thộng rộng trở nên phổ biến.
Đến nay, phần mềm Kazaa đã xuất hiện trong hơn 140 triệu máy tính. Khi mới bắt đầu, mặc dù Zennström tin rằng nó có một tiềm năng lớn, anh vẫn không tưởng tượng hết người ta sẽ dùng nó vào việc gì, cho chia sẻ phần mềm shareware, hình ảnh video hay một thứ gì khác... “Vì thế chúng tôi cố gắng làm cho Kazaa có một cấu trúc cởi mở hết sức có thể và sau đó chờ xem người ta sẽ khai thác nó ra sao”, Zennström kể lại. “Thế rồi, mọi người bắt đầu sử dụng nó nhiều hơn và Kazaa trở thành phần mềm được download nhiều nhất trên Internet”.
Theo Zennström, sự xuất hiện của Kazaa là lời khẳng định về mặt kỹ thuật rằng hoàn toàn có thể truyền file giữa 2 máy đầu cuối thay vì đi qua server. Tuy nhiên, có 2 lý do chủ yếu khiến người sử dụng lựa chọn Kazaa nhiều hơn các ứng dụng tương tự khác. “Một là chúng tôi đã cho ra một công nghệ thực sự rất mới, có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề để hệ thống vận hành suôn sẻ”, Zennström tâm sự. “Thứ hai là chúng tôi đã gói tất cả ứng dụng trong một giao diện rất dễ dùng mà nhờ đó mọi người có thể khai thác phần mềm một cách tốt nhất...”.
Những khó khăn của Kazaa hiện nay là sự chỉ trích của ngành công nghiệp âm nhạc vì họ coi đây cũng là một cổng trao đổi nội dung bất hợp pháp. Ngoài ra, vấn đề adware và spyware cũng là một thách thức lớn của không chỉ Kazaa mà nhiều mạng chia sẻ file khác phải khắc phục.
Sau Kazaa, dự án kinh doanh lớn thứ hai của Zennström là phần mềm Skype, ra mắt năm 2003, và cũng đi theo hướng khai thác công nghệ hoàn toàn mới.Dựa trên nền giao thức thoại Internet VoIP, Skype cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi miễn phí với nhau hoặc với mức phí rất thấp từ khắp nơi trên thế giới.
Skype là ứng dụng tải về miễn phí, chỉ cần người sử dụng có máy tính và kết nối Internet. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi cái tên này hiện nay có số người sử dụng trong lĩnh vực VoIP cao nhất và thu hút tới 100 triệu lượt download. “Skype hoàn toàn khác với Kazaa. Công nghệ của nó cho phép chúng ta liên lạc trực tiếp”, Zennström nói. “Và tất nhiên Skype cũng đã cắt xén rất nhiều nguồn thu của các công ty điện thoại lớn, những đối tượng vẫn còn đang khai thác công nghệ lạc hậu”.
Skype kiếm tiền thông qua một số lượng nhỏ những khách hàng bỏ tiền mua thêm dịch vụ mở rộng, chẳng hạn như tiện ích cho phép gọi từ Skype sang mạng điện thoại cố định hoặc ngược lại. Zennström nhấn mạnh rằng việc không “moi tiền” của tất cả người sử dụng như vậy cũng chẳng phải ý tưởng gì mới. “Điều này tương tự như Google. Khi sử dụng công cụ tìm kiếm của họ, khách hàng không phải trả tiền nhưng đôi khi khách hàng click vào các mục quảng cáo và Google kiếm tiền từ những hãng có quảng cáo đó. Skype cũng ‘kiếm ăn’ như vậy. Chỉ cần một số người bỏ tiền mua thêm dịch vụ chứ không phải tất cả”.
Zennström tin rằng kẻ thua trong cuộc canh tranh với kiến trúc liên lạc kiểu mới như Skype sẽ là các công ty viễn thông nếu họ không chịu nhận ra sự thay đổi lớn đang diễn ra. “Skype sẽ loại bỏ cước phí liên lạc, vốn là nguồn thu lớn của các công ty dịch vụ điện thoại hiện nay”, anh nói. “Trong tương lai, mọi cuộc gọi sẽ miễn phí và đó chắc chắn là thách thức lớn đối với họ. Trong khi đó, chính những ứng dụng như Skype hay Kazaa, cũng như nhiều phần mềm tương tự khác, đang kích thích người tiêu dùng bỏ tiền lắp kết nối băng rộng”.
Nguồn: vnexpress.net 27/6/2005