Sinh viên chế máy bán hàng tự động
Đó là các sinh viên ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí chế tạo máy gồm: Nguyễn Tấn Nó, Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Minh Tân và Võ Long Sĩ. Sau hơn 5 tháng mày mò nghiên cứu, nhóm đã chế tạo thành công máy bán hàng tự động. Trong đó, Luân và Sĩ được giao lo phần thi công cơ khí cho máy, Nó và Tân chịu trách nhiệm phần điện tử, công nghệ thông tin.
Giải thích về đề tài nghiên cứu có vẻ không mấy mới lạ này, Tấn Nó bảo: "Cũng là máy bán hàng tự động nhưng được chế tạo dành cho người Việt". Rồi Tấn Nó giải thích: "Hầu hết các máy bán hàng tự động hiện có trên thị trường đều chỉ sử dụng loại tiền xu vốn không thích hợp với thói quen sử dụng tiền giấy của người Việt. Do đó, tụi em đã nảy ra ý tưởng thiết kế loại máy có thể sử dụng thêm các loại tiền polymer mệnh giá 10 ngàn, 20 ngàn và 50 ngàn đồng. Tất nhiên, máy của tụi em vẫn sử dụng được với các loại tiền xu với nhiều mệnh giá như: 500 đồng, 1 ngàn đồng, 2 ngàn đồng và 5 ngàn đồng như loại máy đã có trên thị trường. Chưa hết, thay vì chỉ thối lại được tiền xu, loại máy mới này còn thối lại cả tiền 10 ngàn đồng".
Máy bán hàng tự động dành cho người Việt |
Ngoài chức năng trên, màn hình cảm ứng trên máy còn được thiết kế tiện lợi hơn khi sử dụng. Giống như một giao diện của máy vi tính, người sử dụng có thể dễ dàng biết được thông tin sản phẩm, giá cả, tiền thừa, trực tiếp chọn mua sản phẩm… Hơn nữa, máy không chỉ dùng để bán đồ uống dạng lon mà còn cả các thức ăn nhanh dạng gói như mì tôm, sữa, cà phê, bánh kẹo… Toàn bộ thể tích máy có thể chứa được 192 sản phẩm dạng nước với 24 loại khác nhau và 60 sản phẩm dạng gói với 6 loại khác nhau. Hiện tại máy đã qua giai đoạn thử nghiệm và đang được dùng để bán hàng tại Trung tâm chế tạo thử của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Theo nhóm sinh viên nói trên thì việc thiết kế và chế tạo tới thời điểm này gần như hoàn tất; tuy nhiên, việc đưa máy ra ngoài thị trường thì cần phải có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Dù tới tháng 5.2011 này mới được nhận bằng tốt nghiệp nhưng cả 4 chàng trai đều đã đầu quân cho các công ty để tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu và chế tạo của mình.