Sao và tẩm trong bào chế đông dược
Qui trình chế biến thuốc Đông y gồm có sơ chế và bào chế. Sơ chế là chế biến thuốc trong giai đoạn từ khi thu hái cho đến lúc trở nên vị thuốc hoàn chỉnh, còn bào chế là chế biến những vị thuốc đã hoàn chỉnh đó thành những dạng thuốc dùng khác nhau như thang, hoàn, tễ, bột...
Sơ chế dược liệu nhằm: loại bỏ tạp chất, làm dược liệu tinh khiết hơn; làm đẹp thuốc, tạo vị thế hàng hoá đặc biệt cho vị thuốc; thay đổi tính chất của thuốc: tính âm dương, tính qui kinh... làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc, hoặc tạo ra tác dụng mới; làm giảm độc tính của thuốc; giúp bảo quản thuốc tốt hơn.
Bài này chỉ đề cập đến một phần nhỏ trong việc sơ chế dược liệu, đó là sao và tẩm.
Sao dược liệu
![]() |
Sao dược liệu bằng máy |
Có 2 cách sao chính là sao không thêm chất khác và sao thêm chất khác.
a) Sao không thêm chất khác;
- Sao (rang) vàng: sao cho đến khi dược liệu có màu vàng bên ngoài nhưng bên trong vẫn giữ màu như cũ. Khi sao để nhỏ lửa, mục đích để dễ bảo quản dược liệu, làm dược liệu bớt tính hàn, có mùi thơm, dễ đi vào Tỳ vị (theo Đông y, màu vàng dễ đi vào Tỳ vị).
- Sao vàng hạ thổ: đào hố sâu khoảng 30 cm hoặc quét sạch nền đất. Sau khi sao thuốc xong, đổ ập thuốc xuống, đậy kín lại, để khoảng 15 - 30 phút cho nguội. Mục đích là để cân bằng âm dương cho vị thuốc (lửa là dương, đất là âm).
- Sao già xém cạnh: dùng lửa lớn, khi chảo thật nóng mới cho dược liệu vào, sao cho đến khi mặt ngoài của thuốc xém cạnh là được, trong ruột vẫn giữ nguyên màu. Thường áp dụng cho những vị thuốc quá chua hoặc quá chát (như hạt Cau, Trần bì, Chỉ thực...) hoặc mùi vị tanh (như Thần khúc, Thăng ma...).
- Sao tồn tính (hắc sao): thường dùng tăng tác dụng cầm máu, tiêu thực của vị thuốc. Để lửa lớn sao cho gần cháy hết dược liệu nhưng chưa thành than, bên trong dược liệu vẫn còn giữ được màu ban đầu. Sao đến khi thấy khói bốc lên, nhắc xuống, đập nắp kín để hơi nóng nung nấu dược liệu rồi để nguội dần.
- Sao đen: so với sao tồn tính, mức độ có cháy hơn. Mục đích để thuốc có tác dụng chỉ huyết (cầm máu).
![]() |
Cắt dược liệu bằng máy |
- Sao với cát: chọn thứ cát thật mịn và đãi thật sạch, rang cho nóng rồi mới cho thuốc vào đảo đều. Mục đích để thuốc không chạm vào đáy nồi, thuốc thấm nhiệt đều hơn nhờ có lớp cát bao quanh.
- Sao với cám: mục đích rút bớt tinh dầu của vị thuốc ra như Thương truật, Trần bì...
- Sao với vỏ sò, bột hoạt thạch để các vị thuốc có độ dẻo, có chất keo, chất nhựa không dính vào nhau như A giao, Nhũ hương...
Tẩm dược liệu
![]() |
Rửa dược liệu bằng máy |
- Tẩm rượu sao: dùng rượu 30 - 40 0trộn với thuốc cho đều, ngâm khoảng 2 - 3 giờ, rồi đem sao vàng. Mục đích để giảm bớt tính hàn và tăng thêm độ ẩm của vị thuốc. Ngoài ra, rượu có tính bốc lên, do đó dẫn đến nơi mong muốn.
- Tẩm giấm sao: mục đích để dẫn thuốc vào tạng Can vì giấm có vị chua, theo Đông y vị chua đi vào Can. Còn làm giảm tính kích thích của một số vị thuốc.
- Tẩm nước muối sao: mục đích để dẫn thuốc vào tạng Thận vì theo Đông y, vị mặn vào kinh Thận.
- Tẩm nước Gừng tươi: làm tăng tác dụng kích thích tiêu hoá (kiện Tỳ vị) và làm thuốc giảm bớt tính hàn.
- Tẩm mật ong: mật có vị ngọt để dẫn thuốc vào kinh Tỳ và làm giảm bớt vị đắng chát của thuốc. Hiện nay đa số dùng mật mía.
- Tẩm đồng tiện (nước tiểu trẻ em khoẻ mạnh dưới 5 tuổi, chỉ lấy phần giữa dòng): có tác dụng dẫn thuốc vào huyết và giáng hỏa.
- Tẩm nước Camthảo, nước Đậu đen: mục đích làm giải độc, làm tính thuốc êm dịu hơn, đỡ chát, tăng tác dụng bổ dưỡng của vị thuốc.
- Tẩm nước vo gạo: làm giảm bớt độc tính của thuốc.
Ngoài ra còn dùng một số chất khác như sữa, hoàng thổ (đất sét vàng), nhưng hiện nay không còn thông dụng lắm.