Sáng kiến cải tiến hệ thống sấy thủy sản
Mặc dù Quảng Trị là một trong những tỉnh có số giờ nắng cao và cường độ nắng mạnh nhưng chỉ tập trung vào mùa hè, còn các mùa khác rất ít giờ nắng, thậm chí mưa kéo dài hàng tháng trời làm ảnh hưởng rất lớn đến những hoạt động sản xuất ngoài trời, trong đó có chế biến thủy sản khô các loại.
Về mùa mưa, do ít khi trời nắng nên phần lớn số thủy sản cần chế biến khô ngư dân phải thuê hầm cấp đông bảo quản sản phẩm trong thời gian dài để chờ nắng không chỉ gây tốn kém rất nhiều mà còn tạo ra sản phẩm cá khô đạt chất lượng thấp, tỷ lệ hư hỏng cao.
Những năm trở lại đây, một số hộ dân ở thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt, huyện Gio Linh đã đi tham quan, học hỏi ở các nơi về đầu tư xây dựng lò sấy bằng hơi nóng song hiệu quả vẫn không cao do hệ thống sấy không đảm bảo kỹ thuật, chưa tiết kiệm nhiên liệu, công suất sấy thấp, thời gian sấy dài, nên chi phí sấy cá vẫn ở mức cao khoảng 50- 60 ngàn đồng/tấn cá tươi.
Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Hữu Thuần đã cải tiến hệ thống sấy theo công nghệ cloriphe để ứng dụng cho các hộ sấy cá có quy mô vừa và nhỏ.
Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, Nguyễn Hữu Thuần, chàng kỹ sư trẻ 33 tuổi, đã gần 10 năm gắn bó cùng ngành Công nghiệp Quảng Trị.
Anh Thuần cho biết: “Nguyên tắc cải tiến của tôi là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sấy, giảm chi phí nguyên liệu đốt, công suất khá, cho sản phẩm có chất lượng tốt và đồng đều. Điều quan trọng hơn là chi phí đầu tư thấp nên ứng dụng được đại trà, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”.
Với nguyên tắc đó, việc đầu tiên là anh đã nghiên cứu thay thế toàn bộ các vật liệu làm lò sấy để tăng cường khả năng giữ nhiệt, bổ sung bộ phận hướng nhiệt vào vị trí vật sấy, thay đổi vị trí đặt quạt và hệ thống ống dẫn nhiệt. Lò đốt được thiết kế có thể sử dụng được nhiều nhiên liệu đốt như kết hợp giữa đốt củi, than, than đá và trấu, mùn cưa để tăng khả năng gia nhiệt cho hầm sấy, đồng thời có một bộ phận thu hồi một phần nhiệt từ khói thải ra.
Từ hiệu quả giữ nhiệt cao, các chủ lò có thể đầu tư thêm kệ sấy, phù hợp với các vỉ có sẵn của cơ sở để tăng hiệu quả sấy. Mô hình cải tiến hệ thống sấy thủy sản này đã được áp dụng cho các cơ sở hấp sấy cá tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh mang lại hiệu quả cao, giúp cho các cơ sở chủ động trong sản xuất.
Mô hình có mức đầu tư vừa phải, quy mô phù hợp với khả năng của các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ; có khả năng áp dụng rộng rãi bởi thiết kế gọn nhẹ, linh hoạt, có thể thay đổi vị trí đặt hầm sấy mà không phải đập bỏ, xây mới như mô hình cũ nên tiết kiệm trong đầu tư; có hiệu suất sấy cao, tốc độ sấy lớn hơn do thiết kế không gian nhỏ vừa phải.
Mô hình có thể mở rộng quy mô bằng cách lắp đặt thêm hầm sấy và hệ thống đường ống dẫn nhiệt song song. Mô hình cũng có thể chuyển đổi công nghệ lò đốt bằng than, củi sang lò đốt bằng công nghệ đốt hơi nước một cách dễ dàng vì chỉ cần điều chỉnh một số kết cấu ở đường ống là đáp ứng được yêu cầu. Với giải pháp này của anh Nguyễn Hữu Thuần đã đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 4, năm 2011.
Mô hình cải tiến hệ thống sấy thủy sản áp dụng cho các cơ sở quy mô vừa và nhỏ có lợi ích lớn về kinh tế. Theo tính toán, sử dụng lò sấy mới chi phí để sấy 1 kg cá khô mất khoảng 630 đồng tiền điện và tiền chất đốt (nếu tính cá tươi thì khoảng 200 đồng/ kg, bằng 40% chi phí sấy lò cũ).
Như vậy, đầu tư hệ thống sấy mới này sẽ giảm được chi phí sản xuất, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế, giúp cho các cơ sở chủ động trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Việc đầu tư hệ thống sấy hấp cá đạt chất lượng tốt, hiệu quả cao giúp mở rộng ngành nghề sản xuất này ra vùng biển Cửa Tùng và các vùng biển khác trong tỉnh (nghề này mới chỉ phát triển ở vùng biển Cửa Việt), người dân mạnh dạn đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm thủy hải sản hấp sấy, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt hải sản, góp phần thúc đẩy kinh tế biển của tỉnh phát triển.