Sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân hóa học
Vai trò và lợi ích của nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nông nghiệp được sử dụng để sản xuất rau quả, thực phẩm và các nông sản khác theo quy trình canh tác sạch, nghĩa là không sử dụng phân hóa học và các loại hóa chất diệt trừ cỏ và sâu bệnh trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ vì thế rất an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường sống nói chung. Với phương pháp canh tác của nông nghiệp hữu cơ, trong đất canh tác và các sản phẩm nông nghiệp không có các chất lắng cặn của thuốc diệt sâu, cỏ và nấm; không có các hóa chất độc hại được sử dụng làm ô nhiễm môi trường sống.
Nông nghiệp hữu cơ cũng không có các sản phẩm chuyển gen không có lợi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có hàm lượng vi-ta-min cao hơn các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương pháp canh tác thông thường; chúng có hàm lượng khoáng chất cao, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Công tác nghiên cứu ở các nước chỉ ra rằng, phần lớn nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nhiều mục tiêu, không chỉ là những mục tiêu kinh tế. Trước hết là việc sử dụng đất canh tác tối ưu, kết hợp lợi ích của chăn nuôi và trồng trọt, duy trì độ màu mỡ tự nhiên của đất, tăng cường sự đa dạng sinh thái. Những mục tiêu này đều góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp nhận nhiều biện pháp bảo vệ đất và nước cũng như kỹ thuật canh tác được sử dụng nhằm chống xói mòn, mặn hóa và các hình thức xuống cấp khác của đất canh tác; sử dụng việc trồng các loại cây lương thực - thực phẩm xen kẽ và quay vòng, phân hữu cơ và phủ bổi (rơm, rạ, lá cây) nhằm tăng độ màu mỡ của đất...
Nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng sử dụng các biện pháp tự nhiên kiểm soát sâu bọ, hay nói cách khác là kiểm soát sinh học. Việc giảm sử dụng các loại hóa chất diệt cỏ và sâu bọ thường gây tác hại cho ba triệu người mỗi năm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho các hộ nông dân và người tiêu dùng nói chung.
Nông nghiệp hữu cơ còn đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, tăng thu nhập cho các gia đình nông thôn, giúp vào việc phát triển nông nghiệp bền vững. Ở các nước đang phát triển, nông nghiệp hữu cơ là con đường thoát nghèo đối với nông dân do việc chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp nông dân có thu nhập và mức sống tốt hơn. Nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tăng nhanh tạo cơ hội xuất khẩu mới cho các nước nghèo. Rất nhiều nước đang phát triển đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rộng lớn các sản phẩm hữu cơ, như các loại rau quả nhiệt đới phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm dành cho trẻ em châu Âu; thảo dược của Zimbabwe, Nam Phi, bông châu Phi xuất sang Liên minh châu Âu (EU); chè của Trung Quốc xuất sang Hà Lan; đậu tương, xúp lơ xanh của Trung Quốc xuất sang Nhật Bản...Tổ chức quốc tế tài trợ cho phát triển nông nghiệp (IFAD) tiến hành công tác nghiên cứu ở một loạt nước, chỉ ra rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ giúp người nghèo ở các nước đang phát triển cách thức liên kết nông nghiệp hữu cơ với các chương trình phát triển.Thí dụ, ở Costa Rica thu nhập tăng là động lực chính đối với các nhà sản xuất nhỏ bắt đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Những người trồng ca-cao theo phương pháp hữu cơ tăng thu nhập 150% so với thu nhập từ sản phẩm ca-cao được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nông nghiệp hữu cơ còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Việc tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ với thu nhập tăng ở các vùng nông thôn còn giúp ngăn chặn làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm. IFAD cho rằng, một bộ phận nông dân cá thể ở Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mỹ la-tinh và nhiều nước đang phát triển khác có được lợi thế khi chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các nước trên thế giới
Nông nghiệp hữu cơ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của thế giới hiện đại. Vai trò quan trọng của nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng ở các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi, nơi sản xuất nông nghiệp không có đủ phân bón và máy móc hiện đại. Ở nhiều nước đang phát triển, sản xuất nông nghiệp thường dựa vào phương pháp canh tác và cơ sở kỹ thuật nông nghiệp truyền thống. Ở các nước SNG, sau khi nhà nước xóa bỏ trợ giá cùng những thay đổi về cơ cấu của ngành nông nghiệp, gây tình trạng thiếu phân bón trầm trọng, dẫn đến giảm lượng các loại cây trồng và mùa màng từ những năm 1990.
Ở các nước phát triển, người dân ngày càng quan tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường do các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp gây tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sống. Vì những lý do nói trên, mối quan tâm đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng ở các khu vực trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng trở nên quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của nhiều nước. Ðặc biệt năm năm gần đây, bùng nổ sản phẩm hữu cơ ở nhiều nước trên thế giới, với việc bán ra sản phẩm hữu cơ ở châu Âu tăng gấp hai lần so với cuối những năm 1990.
Ở Áo và Thụy Sĩ, nông nghiệp hữu cơ chiếm 10% hệ thống sản xuất nông nghiệp. Còn ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Singapore , tỷ lệ tăng trưởng của nông nghiệp hữu cơ là 20%/năm.
Trong các nước thành viên EU, kể từ khi những quy định của khối này về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện vào năm 1992, hàng chục nghìn nông trại được chuyển hướng theo cách sản xuất này. Tính đến cuối năm 2003, các nước EU có 143 nghìn trang trại sản xuất theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 5,6 triệu ha, chiếm 3,4% diện tích đất nông nghiệp của khối này. Từ 1998 đến nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong EU tăng 30%/năm. Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ phát triển khắp châu Âu với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ các nước. Tháng 4-2005, EU quyết định đầu tư 18 triệu ơ-rô cho một dự án năm năm, nhằm bảo đảm an toàn và năng suất cho hệ thống cung cấp sản phẩm hữu cơ khắp châu Âu.
Ở châu Á, các số liệu thống kê về nông nghiệp hữu cơ ở lục địa đông dân nhất thế giới không thể so sánh với EU.
Theo số liệu thống kê không chính thức, châu Á có khoảng 500 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Các nhà xuất khẩu sản phẩm hữu cơ chính là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Sri Lanka, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc có 2.910 nông trang được chứng nhận là nhà sản xuất "sản phẩm xanh" vào cuối năm 2003, với 4.030 sản phẩm hữu cơ các loại. Xuất khẩu sản phẩm xanh của Trung Quốc tăng 5%/năm. Trung Quốc hiện trồng tới 50% sản lượng rau và dưa hấu của thế giới, nhiều gấp năm lần Ấn Ðộ và 11 lần Mỹ. Sản lượng xúp lơ xanh, cà-rốt, cà chua và các loại rau khác cũng tăng gấp hai lần. So với năm 2004, diện tích trồng rau của Trung Quốc năm nay tăng 89% và hoa quả tăng 16%.
Ấn Ðộ có 41 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Ấn Ðộ vạch kế hoạch đưa nhóm cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ vào hoạt động từ tháng 5-2005 nhằm khuyến khích nông dân chuyển sang hình thức canh tác này. Malaysia có 131 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ, đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm hữu cơ lên 210 triệu USD trong kế hoạch năm năm lần thứ 9, bắt đầu từ năm 2006 của nước này.
Hiện nay sản phẩm hữu cơ của Malaysia trị giá 132 triệu USD. Ở Thái-lan, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ tăng 60% năm 2004. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ được chính phủ khuyến khích. Mới đây, Thái-lan đã công bố chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đưa vào hoạt động hệ thống cấp chứng chỉ và biểu tượng nhà nước đối với loại sản phẩm này. Thái-lan sẽ thành lập Viện nghiên cứu với ngân sách 5 triệu USD về cây trồng và vật nuôi theo phương pháp hữu cơ. Các cơ quan nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ở 17 tỉnh của Thái-lan tập trung nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ và tiến hành đào tạo nông dân về phương thức canh tác mới này. Việc cấp chứng chỉ cho sản phẩm hữu cơ của nông dân được tiến hành miễn phí.
Những bất cập ở các nước đang phát triển
Người tiêu dùng châu Á và các nước đang phát triển khác đang có nhu cầu về sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng, các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở các nước đang phát triển bị kém lợi thế hơn so với các đồng nghiệp ở các nước phát triển trong việc kiếm lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm này. Chí phí sản xuất ban đầu cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu hệ thống đánh giá, kiểm định để cấp chứng chỉ cho sản phẩm hữu cơ khiến cho các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển kém lợi thế trong cuộc cạnh tranh giành thị phần lớn hơn trên thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới, trị giá 20 tỷ USD năm 2004, đang tăng lên nhanh chóng, dự đoán sẽ đạt 100 tỷ USD trong mười năm tới. Nông dân và các doanh nhân nông nghiệp muốn tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các nước phát triển phải thường xuyên thuê một cơ quan cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ, để hằng năm, cơ quan này tiến hành kiểm tra và xác nhận những sản phẩm do họ sản xuất có đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác thương mại khác đặt ra hay không. Chi phí cho dịch vụ này thường rất cao.
Hơn thế, việc xuất khẩu nông phẩm hữu cơ sang thị trường các nước phát triển thường bị các cơ quan cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm phong tỏa tới ba năm, theo quy trình cấp chứng nhận sản phẩm của các nước này, nhằm "làm trong sạch các hóa chất lắng đọng" trong đất canh tác. Một trở ngại khác đối với các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là vấn đề tiếp cận thông tin đáng tin cậy về thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này.
Việc chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nếu được chính phủ các nước khuyến khích, đầu tư cho công tác nghiên cứu các loại cây trồng và vật nuôi theo phương pháp hữu cơ, đào tạo nông dân về kỹ thuật canh tác hữu cơ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương và góp phần xóa nghèo cho nông dân các nước đang phát triển.
Nguồn: nhandan.com.vn 7/6/2005