Sản xuất lúa ở Đồng Tháp: Tiềm năng và cơ hội phát triển
Những thành tựu đạt được
Với diện tích tự nhiên 3.375 km 2đứng thứ 40 toàn quốc, dân số năm 2010 là 1.670 ngàn người, mật độ dân số đứng thứ 20 toàn quốc và đứng thứ 6/13 tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cửa ngõ Tây Nam của Tổ quốc, có 48 km đường biên giới quốc gia với 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà, có 3 quốc lộ chạy qua là quốc lộ 30, quốc lộ 54 và quốc lộ 80 cùng với 2 cảng sông quốc tế là cảng Sa Đéc và cảng Đồng Tháp, thế nhưng Đồng Tháp lại được coi là tỉnh “khuất nẻo” vì vậy cho đến năm 2010, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và riêng cây lúa vẫn chiếm tới 66% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Chiếm gần trọn vùng thượng nguồn nơi dòng sông Mê Kông chảy vào Việt Nam-Đồng Tháp có được lợi thế về nguồn tài nguyên đất và nước ngọt, đặc biệt là đất trồng lúa. Nếu tính diện tích đất nông nghiệp bình quân 1 hộ có sử dụng đất nông nghiệp thì Đồng Tháp đứng thứ 20 toàn quốc, nhưng nếu chỉ tính diện tích đất trồng lúa bình quân 1 hộ có sử dụng đất trồng lúa thì Đồng Tháp đứng thứ 5 toàn quốc. Thấy được lợi thế trên, ngay từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã xác định đúng vai trò, vị trí và hướng đi đó là tập trung đầu tư cho cây lúa. Đặc biệt là sau ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh tiến công khai thác vùng Đồng Tháp Mười, những cánh đồng sình lầy, phèn chua, hoang hóa, chủ yếu là lúa một vụ, sản xuất bấp bênh đã nhanh chóng thay thế bằng những cánh đồng 2-3 vụ lúa năng suất cao, sản xuất chắc ăn. Nông nghiệp Đồng Tháp đã có được sự phát triển vượt bậc nhờ cây lúa mà ấn tượng nhất là sản lượng lúa năm 2010 đã gấp 6,6 lần so với năm 1976.
Tuy nhiên, để có được thành quả trên thì người dân Đồng Tháp đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn và cứ qua từng giai đoạn, mồ hôi người trồng lúa đổ nhiều hơn thì hạt lúa Tháp Mười cũng nhiều hơn và chất lượng cũng cao hơn.
Có thể nói giai đoạn khó khăn nhất là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến năm 1985, vừa bước ra khỏi chiến tranh, ruộng đất tuy nhiều nhưng hầu hết là sình lầy, chua phèn, trong khi kỹ thuật canh tác lạc hậu, vốn đầu tư thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có, phần lớn diện tích chỉ trồng được 1 vụ bấp bênh. Ngoại trừ đồng ruộng, tất cả điều kiện khác hầu như bắt đầu từ số không. Nhà nước cùng người dân bắt tay vào xây dựng nông trường, hợp tác xã, khai hoang phục hóa, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, đó là các công trình thủy lợi, là máy móc thiết bị, v.v…Kết quả là năm 1985 sản lượng lúa đã đạt 697.981 tấn, gấp 1,6 lần so với năm 1976.
Giai đoạn 15 năm tiếp theo, từ 1986-2000, nông dân Đồng Tháp cùng với cả nước bước vào thời kỳ đổi mới và cũng là thời kỳ tiến quân vào khai thác Đồng Tháp Mười. Đây là thời kỳ không kém phần khó khăn so với giai đoạn 1976-1985 nhưng đều quyết tâm, phấn khởi. Hàng loạt công trình thủy lợi hình thành, nhiều vùng sâu, vùng trũng Đồng Tháp Mười đã được thau chua, rửa phèn đồng ruộng và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay dần xuất hiện. Sản xuất lúa bước đầu được cơ giới hóa với hệ thống trạm bơm tưới tiêu, máy cày, máy xới v.v… và đặc biệt là hệ thống bờ bao để sản xuất lúa vụ 3 đã được hình thành. Đây chính là thời kỳ mà sản xuất lúa có được bước tiến nhanh nhất về mặt sản lượng, đến 1995 sản lượng lúa đã gấp 2,58 lần năm 1985 và đến năm 2000, mặc dù bị trận lũ lịch sử nhấn chìm gần 10 ngàn ha và 29 ngàn ha phải gặt chạy lũ làm năng suất lúa năm 2000 giảm mạnh, nhưng sản lượng lúa vẫn đạt 1.878 ngàn tấn, gấp 2,7 lần so với 15 năm trước đó.
Giai đoạn 2001-2010, trong bối cảnh đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, kinh tế Đồng Tháp nói chung và cây lúa nói riêng được tập trung đầu tư mạnh mẽ về chiều sâu. Đây là giai đoạn cây lúa được đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, kỹ thuật canh tác, giống lúa v.v… Về hạ tầng kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có gần 7.500 km bờ bao bảo vệ lúa, 702 hệ thống trạm bơm điện, 3.732 km kênh mương được xây dựng kết hợp với giao thông nông thôn. Hệ thống thủy lợi gồm 22 kênh trục chính; 1.857 km kênh cấp 1 và 1.587 km kênh cấp 2 cùng với 1.736 cống tưới tiêu phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Về cơ giới hóa sản xuất, nhiều chương trình dự án đã được triển khai có hiệu quả bằng nhiều nguồn vốn, điển hình là các đề án, dự án cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, với các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương, từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo v.v… đến nay toàn tỉnh có trên 6.000 máy cày máy xới, gần 14.000 dụng cụ xạ hàng; 693 máy gặt đập liên hợp, trên 1.000 máy gặt xếp dãy, 655 lò sấy v.v…đã đảm bảo 100% diện tích lúa được cơ giới hóa khâu làm đất, 51% diện tích lúa được thu hoạch bằng cơ giới, năng lực sấy đáp ứng 25% sản lượng lúa hè thu. Về chuyển giao kỹ thuật và đầu tư giống lúa mới, ngành nông nghiệp đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, mô hình quản lý rầy nâu bằng thuốc sinh học v.v… để đến nay có trên 31% lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp đã qua đào tạo và trên 60% diện tích lúa được sử dụng giống chất lượng cao, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa. Sau 10 năm năng lực sản xuất lúa của tỉnh đã có bước tiến xa về chất mà minh chứng cụ thể nhất, rõ ràng nhất là năng suất lúa tính trên diện tích gieo trồng đã tăng từ 46 tạ/ha năm 2000 lên 55,73 tạ/ha năm 2005 và 60,36 tạ/ha năm 2010; sản lượng lúa năm 2010 đã đạt 2.807 ngàn tấn, trong đó gần 70% lúa chất lượng cao.
Những khó khăn, hạn chế
Với đặc điểm là ruộng đất nhỏ lẻ, mamh mún, đây là khó khăn và cũng là rào cản lớn nhất trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như đầu tư cơ giới hóa sản xuất để tạo được sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng còn thiếu và yếu, trình độ có giới hóa còn thấp, mới chỉ có 51% diện tích được thu hoạch bằng cơ giới, 255 sản lượng lúa hè thu được sấy, vì vậy theo đánh giá chung vẫn còn 8-10% sản lượng lúa bị tổn thất trong và sau thu hoạch, làm giảm hiệu quả sản xuất.
Trình độ lao động thấp, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng lúa hàng hóa chưa ổn định, thiếu đồng đều vì vậy sức cạnh tranh trên thị trường thế giới còn hạn chế. Sản xuất và tiêu thụ thiếu gắn kết, mô hình liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ do thiếu sự cam kết, ràng buộc, chính vì vậy mà giá lúa thiếu ổn định, việc quản bá thương hiệu của hạt lúa còn hạn chế.
Cơ hội, thách thức và giải pháp:
Nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng tăng là cơ hội lớn nhất để sản xuất lúa của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng phát huy ưu thế.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng nhanh, sản xuất lúa có nhiều cơ hội do thị trường xuất khẩu được mở rộng nhưng đó cũng là thách thức do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi chất lượng lúa hàng hóa của ta còn hạn chế.
Sự phát triển nông nghiệp cùng với việc xây dựng đập thủy điện của các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Kông gây ra tình trạng thiếu nước ngọt và nước ngọt nghèo phù sa sẽ là thách thức đối với sản xuất lúa của đồng bằng sông cửu Long nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng.
Trình độ lao động thấp là thách thức lớn nhất trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để cây lúa Đồng Tháp tiếp tục phát triển và khẳng định vị trí của mình trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật: Đây là giải pháp hàng đầu, mamg lại hiệu quả nhanh nhất vì nó có thể trang bị cho nông dân kiến thức cả về lý thuyết và thực hành.
Nâng cao nhận thức của người trồng lúa về vai trò trách nhiệm của mình trong điều kiện kinh tế hội nhập, người sản xuất phải tư duy theo hướng sản nông nghiệp sạch, tăng năng suất, chất lượng đi đôi với an toàn vệ sinh thực phẩm để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng quy mô đất trồng lúa bình quân 1 lao động để đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hàng hóa với sản lượng lớn bằng hai biện pháp chủ yếu: Thứ nhất là mở rộng mô hình hợp tác; thứ hai là tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, khuyến khích những lao động ít đất hoặc sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang ngành nghề khác.
Tăng cường đầu tư cho giống lúa mới, đào tạo nghề, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch, kết cấu hạ tầng sản xuất lúa. Trong đó vốn Nhà nước phải giữ vai trò chủ lực trong đào tạo nghề và đầu tư triển khai các giống lúa mới có chất lượng cao.
Tăng cường vai trò của Nhà nước về cơ chế, chính sách. Thứ nhất là phải thực hiện được vai trò cầu nối giữa người trồng lúa với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và thị trường tiêu thụ; Thứ hai là phải hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người trồng lúa như thực hiện bảo hiểm cho trồng lúa, xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu của hạt lúa.
Sau 35 năm đầu tư phát triển, cây lúa Đồng Tháp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình đối với đất nước nói chung và kinh tế của tỉnh nói riêng. Trong thời gian tới, vai trò, vị trí đó tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2011-2015 đó là “Huy động các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp…”, “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa…” với mục tiêu sản lượng lúa đạt trên 2,5 triệu tấn/năm. Như vậy sau khi trừ phần tiêu dùng và sử dụng tại chỗ, hàng năm Đồng Tháp sẽ có 1,8 triệu tấn lúa hàng hóa để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tham gia thị trường xuất khẩu gạo. Chặng đường trước mắt còn đó những khó khăn thách thức, tuy nhiên, các nghị quyết của Đảng về mục tiêu sản xuất lương thực, về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, đã tạo ra luồng gió mới, động lực mới cho sản xuất, để người trồng lúa Đồng Tháp vững tâm, phấn khởi thực hiện vai trò bảo đảm lương thực quốc gia, đồng thời để cây lúa Tháp Mười ngày càng vươn cao, vươn xa, khẳng định được thương hiệu trên thị trường lương thực thế giới./.