Rối loạn thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật được chia làm hai hệ: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Mỗi hệ giao cảm hoặc phó cảm có các trung khu. Trung khu của hệ giao cảm phân bố ở sừng bên chất xám tuỷ sống từ ngực 1 đến thắt lựng 2 – 3, trung khu hệ phó giao cảm phân bố ở 3 nơi: não giữa, hành cầu não và các đốt cùng của tuỷ sống.
Ngoài não giữa, cầu não, tuỷ sống. Tham gia vào chức năng thực vật còn có một số cấu trúc thần kinh nằm trên chúng: thể lưới thân não, các trung khu thực vật trong tiểu não, vùng trán của bán cầu đại não…
Chức năng của hệ thần kinh thực vật
Nói chung, chức năng của hệ thần kinh thực vật là điều hoà các quá trình chuyển hoá vật chất, điều hoà hoạt động của cơ quan nội tạng cũng như của chính hệ thần kinh trung ương. Trong điều hoà chức năng của các cơ quan thường có sự tham gia của cả hai hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Tác dụng của giao cảm và phó giao cảm thường có mối quan hệ tương hỗ: kích thích đồng thời các dây thần kinh giao cảm có tác dụng tăng cường chức năng của các dây phó giao cảm…
Ảnh hưởng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm lên chức năng các cơ quan trong cơ thể diễn ra như sau: giao cảm làm giãn đồng tử thì phó giao cảm làm co, giao cảm làm giãn mạch vành (beta 2) và co (alpha) thì phó giao cảm làm giãn, giao cảm làm tăng nhịp tim thì phó giao cảm làm giảm nhịp tim, giao cảm nhu động và trương lực lòng ruột thì phó giao cảm làm tăng nhu động và trương lực…
Phản xạ thực vật là các phản xạ được thực hiện với sự tham gia của các neuron thuộc hệ thần kinh thực vật. Được chia thành phản xạ thực vật chính thức, phản xạ thực vật tại chỗ và phản xạ axon.
Các phản xạ tại chỗ quan trọng:
- Phản xạ tạng - tạng là phản xạ phát sinh khi kích thích vào một tạng nào đó và phản ứng xuất hiện ở một tạng khác.
- Phản xạ tạng - cơ là phản xạ phát sinh khi kích thích vào cơ quan nội tạng gây ra phản ứng ở cơ.
- Phản xạ tạng - da phát sinh khi các cơ quan nội tạng và phản ứng xuất hiện ở da.
- Phản xạ da - tạng phát sinh khi kích thích da và phản ứng xuất hiện ở cơ quan nội tạng.
Điều hoà chức năng thực vật là các trung khu điều hoà nằm ở tủy sống, ở hành não và não giữa, vùng dưới đồi, ngoài ra còn có vai trò của thể lưới, tiểu não, vỏ các bán cầu đại não.
Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật và vấn đề điều trị
Mặc dù có các trung tâm điều hoà hoạt động của thần kinh thực vật nhưng trong trường hợp mất cân bằng thì không điều hoà được hệ thống này và đưa đến các triệu chứng của rối loạn.
Tùy vào rối loạn giao cảm hay phó giao cảm (hệ nào chiếm ưu thế) mà triệu chứng biểu hiện khác nhau. Thường gặp triệu chứng ở hệ tim mạch và bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim. Thường bệnh nhân có nhịp tim nhanh (hoặc cơn nhịp nhanh), thậm chí co thắt cả mạch vành làm cho bệnh nhân đau ngực (triệu chứng giống với nhồi máu cơ tim), nhịp tim nhanh làm cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi cảm giác hẫng người. Đặc biệt, các cơn rối loạn này không liên quan gì đến sự gắng sức của bệnh nhân cũng như xuất hiện không có quy luật gì cả và cơn có thể kết thúc đột ngột làm cho người ngoài tưởng rằng bệnh nhân giả bộ. Đối với rối loạn thần kinh thực vật mà phó giao cảm chiếm ưu thế thì người bệnh bị co thắt phế quản làm khó thở. Một số biểu hiện ở đường tiêu hoá làm co thắt ruột giữ dội gây đau bụng đôi khi phải vào cấp cứu. Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả đò nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân có thể kèm theo rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô, hư móng, giảm hứng thú tình dục, mất ngủ…
Triệu chứng biểu hiện của bệnh chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng. Để điều trị, bệnh nhân được dùng các thuốc điều trị triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân và dùng tâm lý liệu pháp, vận động liệu pháp… Một sai lầm trong điều trị là vấn đề dùng thuốc ngủ, có thể tạo thêm rối loạn khác. Hiện đối với thể bệnh bị trầm cảm người ta dùng thuốc chống trầm cảm, đối với rối loạn nhịp tim nhanh thì dùng thuốc kiểm soát nhịp tim và nói chung là điều trị triệu chứng.