Rác thải y tế: Cần một giải pháp căn cơ
Theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế, RTYT nguy hại chứa các yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn. RTYT nguy hại không chỉ là bông băng, chai nhựa mà còn bao gồm cả bơm kim tiêm, chai lọ thủy tinh, các bệnh phẩm chứa virus, vi khuẩn ở dạng mầm bệnh. . . .
Hiểm họa mà RTYT nguy hại nếu không được xử lý đúng cách là khôn lường. Đây sẽ là mối nguy hại không chỉ cho con người mà còn cho cả môi trường. Nguồn gốc của sự lây lan các loại dịch bệnh như tả, lỵ. . .từ các bệnh viện cũng từ RTYT. Theo TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thì RTYT có thể gây ra những hiểm hoạ cho con người như: gây sát thương cho con người do các vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, dụng cụ can thiệp y tế; nguồn lây nhiễm bệnh tật từ các loại bệnh phẩm trong quá trình khám, chữa bệnh bao gồm các bệnh phẩm thường thấy như máu, bệnh phẩm sinh thiết, các bộ phận cơ thể người bị hoại tử phải cắt bỏ. Bên cạnh đó còn có các loại dược phẩm loại bỏ thải ra môi trường như các chất độc dùng trong y học, các hoá chất dùng trong phòng xét nghiệm, các chất thải chưa kim loại nặng gây ô nhiễm cho môi trường, đất, nước. Lượng RTYT này nếu không được xử lý và kiểm soát đúng cách sẽ đe doạ trực tiếp tới sức khoẻ con người.
Đánh giá công tác thu gom và xử lý RTYT, Cục Quản lý Môi trường y tế cho rằng đa số các bệnh viện không có kho chứa RTYT, nếu có thì cũng không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường (thiếu thiết bị, kho chứa rác,. . .). Ngoài ra, có không ít các cơ sở y tế vứt rác lung tung, không đúng nơi quy định hoặc thiếu chặt chẽ trong công tác xử lý rác.
Theo Quyết định 43, nhà lưu giữa rác phải có mái che, có hàng rào bảo vệ, có cửa và có khoá, không để súc vật, các loài gặm nhấm và người không có nhiệm vụ tự do xâm nhập. Trên thực tế, rất ít cơ sở y tế đảm bảo được các quy định này. Nguyên nhân chủ yếu là các bệnh viện và cơ sở y tế phụ thuộc rất nhiều vào tài chính. Số tiền phải mà mỗi cơ sở y tế trung bình phải bỏ ra từ 80-100 triệu đồng chi cho việc xử lý rác, chưa kể đến kinh phí xây dựng, bảo dưỡng, duy trì nhà kho chứa rác. Đối với các bệnh viện lớn được đầu tư xây dựng lò đốt rác thì con số lò đốt được đầu tư bài bản cũng không nhiều. Phần lớn các lò đốt này nằm trong các chương trình, dự án tài trợ trong và ngoài nước. Khi xây dựng xong, các lò đốt này cũng ít được vận hành do chi phí vận hành rất tốn kém, chưa kể đến kinh phí bảo dưỡng và chi trả cho người vận hành. Do không chịu nổi với những chi phí như vậy, sau một thời gian xây dựng, có lò chưa kịp vận hành thì đã phải đắp chiếu, bỏ dở. Do đó, việc xử lý RTYT vẫn chủ yếu do Công ty Môi trường đô thị chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, việc xử lý RTYT nguy hại là rất tốn kém và phức tạp hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt thông thường nên khó tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh. Do đó, cái khó chung của các cơ sở y tế trong việc xử lý RTYT vẫn là vấn đề kinh phí khó kham nổi khi nguồn thu không đủ bù đắp chi phí vận hành. Nếu để các bệnh viện tự ý mỗi nơi làm một kiểu thì công tác quản lý, xử lý RTYT không đạt được hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến khung pháp lý, từ việc triển khai đồng bộ trên phạm vi quốc gia cho đến việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các quy định, quy trình thực thi, giám sát, đánh giá.
Để khắc phục tình trạng này, theo TS Trần Tuấn, cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; bổ sung, cập nhật các kiến thức khoa học về quản lý RTYT theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; nghiên cứu, vận dụng các quy định phù hợp vào điều kiện của Việt Nam; xây dựng tài liệu pháp lý chuyên ngành về quản lý RTYT đưa vào các chương trình nghị sự của Quốc hội để thông qua làm căn cứ để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề RTYT cần phải có sự nhận thức đầy đủ của các ngành, các cấp, cần có sự phối kết hợp và thực hiện giám sát chặt chẽ của các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường, giúp nhân viên y tế và người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường./.