Quan niệm về thần linh của người Ba na
Ba na là tộc người đông nhất trong nhóm tộc người nói ngôn ngữ Môn Khơme ở Tây Nguyên. Theo thống kê, hiện nay người Ba na có khoảng 115.397 người (1), địa bàn cư trú tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cũng như các tộc người khác, người Ba na tin rằng mọi thứ ở xung quanh họ đều có sự hiện hữu của thần linh (yang), chi phối, quy định những suy nghĩ, hành động của họ. Tận sâu thẳm trong tâm thức của mình, người Ba na rất sợ các vị thần linh và họ không hề bỏ qua những nghi lễ cúng tế để làm vừa lòng các vị thần.
Trong cái nhìn suy nguyên về thế giới, người Ba na nhìn mọi thứ đều linh thiêng, đều cất giấu một bí mật nào đó mà họ không thể khám phá. Toàn bộ cuộc sống của người Ba na đều khuôn theo một tập quán, bất di bất dịch, tự ngàn đời, điều mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ họ đã từng làm, từng biết: các yang là những đấng tối cao tạo ra muôn loài, vũ trụ, con người; quyết định chức năng của mọi thứ; con người, sinh linh bé nhỏ trong vô vàn tạo vật mà thần linh tạo nên, phải chịu ơn thần linh, không được làm bất cứ điều gì trái ngược với truyền thống của tổ tiên. Bởi con người được thần linh giao trọng trách phải duy trì trật tự mà thần linh đã sắp đặt, mọi thứ được sinh ra từ thần linh thì kết thúc cũng bởi thần linh. Nhận thức ấy khiến người Ba na nhìn mọi vật đều có linh hồn, từ hạt lúa (sri) đến ché rượu (ghe) cúng thần. Đây không phải là điều gì phức tạp mà là sự biểu lộ một cách bình thường của một tín ngưỡng sống động và tổng quát với niềm tin yang có mặt ở khắp mọi nơi và có thể nhìn thấy mọi thứ.
Toàn bộ đời sống của người Ba na được phản chiếu qua tín ngưỡng thờ cúng thần linh. Những lời cầu khấn yang luôn gắn với nhịp điệu sinh hoạt của từng gia đình (sinh đẻ, cưới xin, bệnh tật, tang ma, mua bán...), của các nghi lễ nông nghiệp (bắt đầu và kết thúc lao động sản xuất, năm mới)... và khoác lên chúng một ý nghĩa tinh thần, một nét thiêng liêng... Trong thế giới thần linh, con người cố gắng thích nghi với những trật tự đã được định sẵn, đi vào trong vòng tuần hoàn ấy, sáp nhập vào cái thiêng liêng ấy, tham gia vào nhịp điệu của nó. Trong thế giới thần linh không có chỗ cho những suy nghĩ tự do cá nhân, những hoạt động ngẫu hứng, nó như một con đường mòn đã được vạch sẵn mà thế hệ này nối tiếp thế hệ khác cứ thế giẫm chân lên.
Đối với người Ba na, hệ thống thần linh của họ chưa đủ để xây dựng một điện thần (pathéon) đồ sộ. Tuy vậy qua những sử thi, những truyền thuyết lý giải sự hình thành của vũ trụ và muôn loài, ta có thể hình dung các vị thần (yang) của người Ba na một cách khá sinh động theo quan niệm của người trong cuộc.
Trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba na, sự sống hiển hiện như một thể thống nhất qua sự sắp đặt từ bàn tay của thể sóng đôi thần linh tối cao Bok Kei Deivà Yă Kǔh Kěh.Họ đồng thời cũng là những vị thần chủ trì nhịp điệu nông nghiệp. Với người Ba na, chỉ ở những vị thần ấy mới có đầy đủ các đức tính: nhân từ, vĩnh hằng, tối cao tuyệt đối, là người sáng tạo ra sự sống, coi sóc con người và mùa màng. Người vợ, Yă Kǔh Kěh làm nên trời đất, còn chồng Bok Kei Dei làm ra mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú rồi đính chúng lên bầu trời.
Ngoài thể sóng đôi Bok Kei Dei và Yă Kǔh Kěh, còn có thể sóng đôi yang Măt Nar - yang Măt Khei(thần mặt trời - thần mặt trăng). Người Ba na có nhiều huyền thoại lý giải về sự nóng nảy của mặt trời hoặc sự dịu mát của mặt trăng. Thần mặt trời là nữ thần của sự sinh sản và phì nhiêu. Mặt trời sưởi ấm, ủ ấm, làm cho lúa ra bông chắc hạt; soi sáng cho con người thấy đường lên rừng, lên rẫy. Thần mặt trăng luôn gần gũi với người lao động, bước đi của thần trở thành nhịp sống của con người, giúp con người nhận biết thời gian trôi chảy để cấy trồng hay tổ chức các nghi lễ. Sự sống của mặt trời và mặt trăng cũng là sự sống của muôn loài trên mặt đất. Mặt trời, mặt trăng thường xuất hiện sóng đôi, là một trong những môtip trang trí trên hình vẽ, nhà Rông, họa tiết hoa văn trên đồ đan lát hoặc sản phẩm dệt của người Ba na.
Bok Kei Dei - Yă Kǔh Kěh, mặt trời - mặt trăng đều là những vị thần đáng kính. Phải chăng sự ôn hòa đều đặn từ những thực thể tự nhiên này khiến người ta lơ là đi việc thờ cúng? Nhịp điệu bình lặng khiến cho các thần chỉ còn giữ được vị trí trong miền ký ức cùng những thần thoại? Dẫu sao, con người vốn thực dụng. Họ thường hướng đến các vị thần làm chủ các hiện tượng tự nhiên có tác động trực tiếp và thường xuyên hơn đến cuộc sống đời thường của con người, như lời nhận xét của J.Dournes khi viết về tín ngưỡng của cư dân bản địa Tây Nguyên: "Dù mang tên gọi nào, vị thần tối cao thường bị người ta quên, mà lại nhớ đến các yang nhỏ là những vị được hưởng lộc của người hiến tế. Người Tây Nguyên thích cúng các vị thần biết thưởng thức thịt và rượu ghè. Vả chăng đấy cũng là xu hướng chung của con người mọi thời. Ta đã thấy người La Mã hiến tế cho các vị thần nhỏ hơn là cho Jupiter vĩ đại, và ngày nay, người Cơ Đốc giáo suy đồi thờ các thánh đến mức che lấp cả vị chúa duy nhất" (2).
Và cho dù ít được nhớ đến trong các nghi lễ thì các thể sóng đôi kể trên vẫn là một đối tượng đích thực trong hệ thống tín ngưỡng của người Ba na.
Trong tín ngưỡng của người Ba na, thần Lúa (yang Sri) cũng như việc thờ cúng cây lúa luôn chiếm một vị thế đặc biệt. Tín ngưỡng thờ thần Lúa có mặt khắp nơi trên thế giới. Người ta gọi thần Lúa là mẹ Lúa, gắn thần Lúa với hình ảnh của người phụ nữ. Với người Ba na, lúa là một loại cây có "hồn" (Pơngol) nên con người không được xúc phạm, phải giữ gìn một cách kính cẩn trên nương rẫy và trong kho lúa để cho lương thực được dồi dào và vụ mùa được phong đăng hòa cốc. Người Ba na có không ít kiêng cữ để tránh làm phật lòng thần Lúa cùng với nhiều lời khấn để giữ lúa lại với con người. Chẳng hạn, khi thu hoạch lúa trên rẫy phải căng dây đưa hồn Lúa về kho; ở những nơi phải qua suối thì phải bắc cầu cho hồn Lúa qua; ở những chỗ ngã ba đường phải cắm hoa lau chỉ đường cho hồn Lúa về kho; chỉ được tuốt lúa mà không được dùng liềm cắt lúa; chỉ phụ nữ mới được lên kho lấy lúa về giã ăn hàng ngày... Lúa là người phụ nữ nên chỉ có đàn bà mới biết cách chăm lo cho nó, từ trên nương rẫy cho đến trong bếp núc nấu nướng. Đàn ông thì cầu khấn Bok Glaih (thần Sấm) còn đàn bà thì cầu khấn yang Sri như một điều quy định đối với người Ba na. Sự gắn bó thần bí giữa tính phì nhiêu của đất và sức mạnh sáng tạo của người phụ nữ là một trong những trực cảm cơ bản của cái gọi là ý thức nông nghiệp.
Đáng sợ nhất với người Ba na chính là thần Sấm Sét (Bok Glaih). Thần được hình dung như một người khổng lồ, thân thể cao lớn với dáng vẻ bên ngoài dữ tợn, luôn mang bên mình chiếc rìu đá phóng sét. Về mùa tạnh ráo thần ngủ li bì, đến mùa mưa gió thần thức dậy đi xem xét khắp nơi. Bok Glaih là vị thần dễ bị xúc động và nổi giận. Không chỉ chăm lo đến mỹ tục truyền thống của con người, công việc của thần còn là duy trì một trật tự cần thiết cho vũ trụ. Một nghi lễ diễn ra trong trạng thái thiếu tôn trọng hoặc trật khỏi "đường ray" truyền thống sẽ ngay lập tức bị thần giáng cho một lưỡi sét chí mạng. Với thần, mọi trật tự từ khởi nguyên cần phải được duy trì và tôn trọng. Con người chỉ là một trong muôn vàn sinh linh có hồn khác không thể tự đặt cho mình quyền đứng lên trên vạn vật. Trong tín ngưỡng của người Ba na, bị sét đánh là một điều xui xẻo, một tai họa không chỉ cho người bị hại mà còn cho cả dân làng. Lúc ấy mọi người sẽ phải làm lễ cúng tạ thần Sấm thật lớn để mong thần tha tội bởi họ nghĩ rằng đã làm điều gì đó phật ý thần.
Luôn thân thiện và được người Ba na yêu mến là thần Nước (yang Dăk). Bởi cũng giống như họ, thần hiền hòa, yêu ca hát và thích hội hè. Trong tâm thức của người Ba na, thần Nước là một vị nữ thần xinh đẹp, có giọng hát ngọt ngào. Vẻ thanh thoát và giọng hát mê hồn của thần đã từng hút hồn biết bao chàng trai làng. Con người luôn cố gắng giữ cho cuộc sống trong làng một sự thuần khiết đạo đức vì nếu không sẽ làm ô uế nguồn nước. Trong đời sống hàng ngày của người Ba na có những nghi thức kiêng cữ liên quan đến việc bảo vệ sự thuần khiết cho nguồn nước.
Một trong những vị thần khá quan trọng trong tín ngưỡng của người Ba na là Yă Dung Dai Taih Tŏh(bà vú dài thõng), người giữ cửa măng lung, người đảm nhận việc cho các linh hồn trẻ sơ sinh bú mớm khi nó chẳng may chết sớm. Hồn của người chết, nếu muốn đến được măng lung, thế giới của người chết, phải mua lửa từ nhà Yă Dung Dai Taih Tŏh, do vậy người Ba na có tục chôn theo người chết một ít hạt cườm và bông để người chết mua lửa.
Với người Ba na, lửa được xem là vị thần đầy quyền uy bởi khả năng phá hủy ghê gớm của nó. Sự trừng phạt của lửa thường nghiệt ngã trong ngôi nhà mà mọi vật liệu được dùng chủ yếu là tre nứa. Cái chết cháy với người Ba na được xem là cái chết dữ và đôi lúc họ buộc phải bỏ lại phía sau ngôi làng cũ để đến lập làng ở một nơi mới, vất vả mà yên lành. Vì vậy, khi chuẩn bị đốt rẫy để bắt đầu mùa trồng trỉa, bao giờ người Ba na cũng cầu khấn thần Lửa (yang Ŭnh) để mong thần ban cho ngọn lửa quý giúp rẫy cháy đều, có nhiều tro để mùa màng tươi tốt, để cuộc sống con người luôn bình yên, hạnh phúc.
Một vị thần khá "chuyên biệt" mà người Ba na hay nhắc đến là Bok Hôch, thần cai quản chim muông và thú rừng. Đến mùa lúa chín, thần thường hay xua chim thú đi chăn dắt. Bok Hôch được hình dung là một con chim lớn có sải cánh rộng và phát ra tiếng kêu rất ghê sợ. Vào thời điểm bảo vệ rẫy để chuẩn bị cho vụ thu hoạch, người Ba na thường làm rất nhiều loại bẫy, chông, thò, hàng rào để ngăn cản sự phá hoại của chim thú.
Thường xuất hiện nhiều trong các câu chuyện thần thoại của người Ba na là thần Cây Đa (yang Long Jơri). Hơn tất cả những loài cây khác, cây đa là loại cây tối thiêng, biểu tượng của sức mạnh và sự sống. Thần Cây Đa là một trong những nữ thần, luôn hiện lên với dáng vẻ rậm rạp và sù sì, nhưng trong cái dáng vẻ nặng nề ấy là một tấm lòng bác ái. Người Ba na tin rằng phụ nữ nào sinh xong mà không có sữa cho con bú thì "mua" sữa cây đa bôi vào bầu vú sẽ có sữa ngay. Trong khung cảnh của đại ngàn bao la, sâu thẳm, nơi có những khu rừng thiêng, những cây lúa, nổi bật lên một khối xanh thẫm, cành lá tỏa rộng ra bốn bề, rễ cây chằng chịt mặt đất. Với con mắt nhìn mọi vật luôn mới mẻ, nhạy cảm, đầy sức tưởng tượng, luôn ngạc nhiên và sợ hãi của người Ba na thì cây đa quả là nơi thần linh cư trú.
Trong đời sống tâm linh của người Ba na còn vô số các vị thần khác nữa như thần Rừng (yang Bri), thần Đất (yang Tĕh), thần Đá (yang T"mo), thần Núi (yang Kông), thần Sông (yang Krong), thần Nồi (yang Gŏ), thần Sắt (yang Mam), thần Chiêng (yang Ching)... Mỗi thần có một công việc cụ thể theo sự sắp đặt của đấng tạo hóa Bok Kei Dei và Yă Kǔh Kěh.
Người Tây Nguyên truyền thống đều là tín đồ của niềm tin vạn vật hữu linh, không riêng gì người Ba na. Dẫu trong quá trình vận động của cuộc sống, họ có thể quên ở miền quá khứ những vị thần khác, nhưng những vị thần xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày cũng đủ lý giải hết thảy những hiện tượng tự nhiên bao bọc, gần gũi và thật dễ hiểu đối với người Ba na. Trật tự vũ trụ đã được sắp đặt và các thần linh coi sóc mọi thứ. Con người, một sinh linh có hồn như bao sinh thể khác, thực hành theo đường hướng mà truyền thống đã định. Họ hiến sinh cho thần linh không phải vì thần linh mà chính là sự lo toan cho cuộc sống của mình, cho sự trường tồn của toàn thể cộng đồng, vì thần linh có mặt ở khắp mọi nơi, nhìn thấy và nghe thấy tất cả. Các pơ jâu, một dạng thầy cúng được viện dẫn đến ở nhiều trường hợp phức tạp hơn, có thể trò chuyện với thần linh vì linh hồn của các pơ jâu bao giờ cũng có sự nâng đỡ của một vị thần nào đấy. Thông thường với người Ba na, bói là cách để biết được lòng của các vị thần, biết được nguyên nhân của các biến cố bất thường.
Thần linh của người Ba na chưa được linh tượng hóa, chỉ tồn tại với tất cả sự sống động trong tâm trí họ. Ngay cả những làng của người Ba na theo đạo Thiên Chúa thì niềm tin đối với thần Sấm sét, thần Nước, thần Lửa... không phải là đã hết. Họ cầu Chúa và cũng cầu xin các vị thần trong truyền thống của mình. Tín ngưỡng truyền thống có một sức sống bền bỉ, không thể rũ bỏ một sớm một chiều. Nói như vậy không có nghĩa là tín ngưỡng của người Ba na không bị mai một đi ít nhiều. Những cánh rừng đã lùi xa, không gian sinh tồn không còn vẻ thâm u, ở nhiều nơi tin thờ ngày xưa, nay người ta tự nhiên bước vào, khai thác mà không cần đến lời khấn bởi một lẽ các thần chắc không còn ở nơi đây. Nói như J.Dournes: "Vẫn có những người Tây Nguyên không còn có tôn giáo nữa. Nguyên nhân duy nhất là sự tiến hóa không được hướng dẫn một cách đầy đủ. Chính sự tiếp xúc với văn minh đã khiến họ biến theo tà giáo" (3). Hiện tượng ấy được nói đến hơn nửa thế kỷ trước, bây giờ không hiếm gặp ở người Ba na.
Trên thực tế, quan niệm về thần linh của người Ba na đang dần bị mai một và mất đi cùng với quá trình vận động và phát triển của cuộc sống hiện đại. Già làng, bậc minh triết trong làng, sẽ trở về cùng với thế giới của ông bà, tổ tiên, mang theo những điều huyền bí về thần linh mà lớp trẻ ngày nay chẳng mấy bận tâm. Cái mà họ lưu tâm hơn cả chính là những bài nhạc trẻ, những bộ phim hiện đại, những thú vui của thanh niên người Việt.
Ở những làng theo đạo, thần linh dần dần nhường chỗ cho đức Chúa. Những lời cầu khấn các vị thần giàu hình tượng, phản ánh lối tư duy cụ thể, cảm tính được thay thế bằng những lời kinh thánh trong tất cả các nghi lễ. Ngay cả những làng mà tín ngưỡng cổ truyền còn "chăn dắt" tâm linh của họ thì lời cúng cổ dành cho các vị thần đáng kính cũng đã nhạt nhòa nhiều. Người ta lặp lại những câu còn nhớ nhưng đôi khi là vô thức. Lời cúng thần hiện tại cũng trở nên giản tiện, ngắn gọn và thực dụng hơn; chẳng hạn người ta hay cầu xin xe máy, máy kéo, tivi, catset... trong những nghi lễ cúng thần của mình.
Một quy tắc của hiến sinh là việc con người dâng lên thần những thứ mà với họ là giá trị hơn cả. Thế nhưng khi hệ giá trị đã ít nhiều thay đổi thì lập tức nó đi vào các nghi lễ cúng tế. Không chỉ dâng cho thần linh rượu ghè, thứ rượu mà thần yêu thích, họ còn dâng cho thần thứ rượu trắng (rượu đế) mua ở các quán người Việt. Các thần chắc cũng sẽ hài lòng.
Tất cả những biểu hiện trên cho thấy quan niệm về thần linh của người Ba na đã thay đổi. Trong giai đoạn hiện nay, lưu giữ những giá trị văn hóa tộc người là vấn đề cần được quan tâm. Trước hết, cần tiến hành sưu tầm chuyện cổ về các vị thần của người Ba na từ những vị già làng đáng kính, những người cất giữ trong mình vô vàn điều thú vị về các thần ở miền ký ức xa xăm.
Thứ hai, cần phục dựng lại hệ thống các nghi lễ truyền thống như nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời người. Chỉ có thông qua những nghi lễ cụ thể, chúng ta mới có thể hiểu rõ được vai trò, chức năng của từng vị thần trong đời sống tâm linh, cũng như quan niệm của họ về những vị thần đó.
Thứ ba, cần sưu tầm những lời khấn cổ trong những nghi lễ vì lời khấn không chỉ là sợi dây tâm linh giao kết giữa con người và thần linh mà quan trọng hơn, nó cố kết tính bền vững, trường tồn của cộng đồng. Lời khấn thường được diễn xướng bằng hình thức văn vần nên ít nhiều có thể xem nó như một dạng thơ ca trữ tình đặc thù của người Ba na.
Thứ tư, cần tạo một tác động phản hồi về văn hóa truyền thống đối với giới trẻ, những người sẽ nhận sứ mệnh trao truyền văn hóa. Khi nhận thức được văn hóa tộc người mình đang được quan tâm thì họ sẽ có ý thức trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa của chính mình.
Truyền thống không phải nhất thành bất biến mà nó luôn gắn với quy luật vận động của lịch sử. Niềm tin vào các vị thần sẽ thay đổi rất nhiều trong cuộc sống hiện tại của người Ba na nhưng những giá trị nhân văn lưu chứa trong đó phải cần được bảo lưu, trân trọng, giữ gìn bởi đó là sự tích hợp văn hóa của tộc người, là sự trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, là trầm tích lắng lại sau muôn vàn biến động của thời cuộc.
______________
1. Lê Duy Đại, Dân cư, dân số Tây Nguyên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,Tạp chí Dân tộc học, số 4-2006.
2, 3. Dam Bo, Miền đất huyền ảo, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.318, 310.
Nguồn: T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 11/2007, tr 39