Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 19/06/2012 23:30 (GMT+7)

Quan niệm về “công dân” trong lịch sử tư tưởng và một số vấn đề đặt ra hiện nay

1. Dẫn nhập

Hiện nay, vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân không chỉ dừng lại ở vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn đề được cả thế giới quan tâm. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là một chức năng rất quan trọng, một trong những tiêu chí đánh giá mức độ dân chủ của một chế độ xã hội.

Khái niệm “công dân” không phải là một khái niệm nhất thành bất biến mà thay đổi theo từng thời điểm lịch sử, xã hội. Và, tất nhiên, “công dân” là đối tượng nghiên cứu của rất nhiều ngành khoa học khác nhau như chính trị học, xã hội học, triết học, v.v... đặc biệt là luật học. Trong bài viết này, chúng tôi không chỉ phác hoạ quan niệm của một số nhà triết học phương Tây tiêu biểu trong lịch sử về khái niệm “công dân”, mà còn đề cập tới những vấn đề mà thế giới đương đại đang đặt ra đối với “công dân”.

2. Điểm qua một số quan niệm về “công dân” của các nhà triết học phương Tây tiêu biểu

Trong triết học Hy Lạp cổ đại, “công dân” được hiểu là một người đàn ông tự do, là thành viên của một chế độ chính trị và có đủ phẩm chất mà chính thể đó yêu cầu. Còn “công dân” trong thời kỳ Trung cổ lại được dùng để chỉ những người dân sống trong các pháo đài và các thành thị, những người hoạt động sản xuất thủ công và buôn bán trong các phường hội.

Câu hỏi kinh điển về bản chất của công dân trong một nhà nước đã được Plato đặt ra trong Hội thoại Protagoras. Trong Hội thoại này, Plato có nhắc đến câu chuyện vị thần Prometheus đã đem chia cho con người tất cả các nghệ thuật, kể cả nghệ thuật hoạt động chính trị, các phẩm chất (đức hạnh) của công dân như biết xấu hổ ( aidos) và tuân thủ pháp luật ( dike).

Socrates đã phản bác lại quan niệm của Plato khi cho rằng, hoạt động chính trị không phải là công việc của mọi công dân, mà chỉ là công việc của các nhà triết học. Aristotle đồng tình với quan niệm này của Socrates và coi đức hạnh của công dân là công bằng và tình bạn. Nhưng dường như Aristotle thừa nhận sự tồn tại của các hình thức đức hạnh khác nhau, tương ứng với các giai cấp xã hội khác nhau (ví dụ như ông phân biệt lòng dũng cảm của người cai trị với lòng dũng cảm của kẻ bị trị). Trong quyển thứ 3 của cuốn Politic(Chính trị), Aristotle có đưa ra một định nghĩa kinh điển về công dân thị thành ( polites). Một politeslà một người vừa có khả năng tham gia vào công việc cai trị, đồng thời lại vừa có khả năng bị cai trị bởi người khác. Như vậy, trái với các lý thuyết hiện đại sau này như của Machiavelli hay của Hobbes, Aristotle không thấy có vấn đề hay không cảm thấy có trở ngại gì trong việc một công dân chuyển từ trạng thái thống trị sang trạng thái bị trị. Quan niệm của Aristotle bắt nguồn từ hiện thực lịch sử của các thị thành Hy Lạp lúc bấy giờ, khi đó mọi công dân tự mình đều phải đảm nhiệm các chức năng và các công việc lập pháp. Tuy nhiên, sau này các công dân tự do La Mã chỉ tham gia tích cực vào hoạt động chính trị trong một số trường hợp đặc biệt, còn nhìn chung, họ phải tuân thủ các quyết định có tính chất cưỡng chế của Hội đồng nguyên lão.

Sự phát triển của các thị thành trong thời Trung cổ đã dẫn đến cách hiểu “công dân” theo nghĩa là những người thuộc về tầng lớp thương gia và thợ thủ công. Cùng với sự phát triển của sản xuất và thương mại, tầng lớp “công dân” cũng ngày càng gia tăng, với những đặc trưng về tâm lý, lối sống và hệ tư tưởng cũng thay đổi như niềm tin vào sự tiến bộ, vào chủ nghĩa duy vật và các giá trị cá nhân.

Từ thế kỷ XVII, vấn đề tính chủ động chính trị của công dân đã được các nhà triết học chính trị Anh đặt ra. Theo đó, chế độ chính trị không bị quy định từ trước bởi một mục đích nào đó hay bởi tôn giáo, mà do chính các hoạt động thực tế có chủ đích của con người. Chẳng hạn như Hobbes cho rằng, nhà nước là sản phẩm của hoạt động, là tác phẩm do con người tạo nên. Song, đối với từng công dân riêng lẻ của nhà nước thì hoạt động sản sinh ra nhà nước cũng đồng thời bao hàm cả “quyền lực tự nhiên” lẫn quyền phản kháng của họ. Ngoài ra, theo Hobbes, các phẩm chất của công dân không phải là mục đích (theo như truyền thống Aristotle) mà là “phương tiện” để gìn giữ hòa bình.

Học thuyết của Locke vào thế kỷ XVII đã đưa lý luận chính trị của nước Anh tiến lên một bước. Locke cho rằng, về bản tính tự nhiên thì các công dân của nhà nước đều tự do và bình đẳng và cần phải tạo ra các khuôn khổ pháp lý để đảm bảo sự thực thi pháp luật, cũng như đảm bảo cho việc các quyết định chính trị không đi ngược lại hệ thống pháp luật, chống lại nền dân chủ. Chính nhờ các khuôn khổ ấy mà công dân biết được chính phủ hạn chế lợi ích của xã hội đến mức độ nào.

Đối với Rousseau thì phẩm chất của công dân là kết quả của khế ước xã hội và cùng với khế ước xã hội đã xuất hiện tình trạng “giằng xé” ở mỗi công dân giữa chuẩn mực của ý chí chung và lợi ích riêng tư. Điểm đáng lưu ý trong khái niệm “công dân” của Rousseau là mối liên hệ nội tại giữa quyền của các công dân và việc họ tham gia vào một cộng đồng chính trị nhất định với tư cách là các thành viên tự do và bình đẳng. Rousseau nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa chính trị đối với sự phát triển ý thức công dân.

Đáng chú ý là định nghĩa của Kant về công dân (của nhà nước) như là “những thành viên của một cộng đồng liên kết với nhau thành xã hội” (I. Kant, 1968, tr. 432). Kant hiểu xã hội theo hai nghĩa: nó vừa là “xã hội công dân” và đồng thời cũng vừa là “nhà nước”. Đặc điểm cơ bản của công dân là sự tự do, bình đẳng giữa tuân thủ chuẩn tắc pháp lý do một cộng đồng xác lập và sự tự chủ của chính họ trong các công việc pháp lý. Kant phân biệt giữa “công dân tích cực” và “công dân thụ động”. “Công dân thụ động” là những người không tự mình làm ra được mà phải nhận sự trợ giúp (thực phẩm và an ninh) từ người khác để tồn tại (I. Kant, 1968, tr. 433). Tuy vậy, theo ông, mỗi công dân đều có khả năng chuyển từ trạng thái “thụ động” sang trạng thái cao hơn là trạng thái “tích cực”. Quan niệm về “công dân tích cực” của Kant được xây dựng trên cơ sở khế ước xã hội theo kiểu riêng, theo đó thì tất cả các thành viên của xã hội phải từ bỏ quyền tự do bề ngoài để trở thành thành viên của một “chế độ chung”, tức là trở thành thành viên của nhà nước.

Ở giai đoạn đầu, Hegel đã thay các phẩm hạnh công dân của thời kỳ Hy Lạp hóa bằng những phẩm chất của “các chính khách lớn” (chữ dùng của Hegel) như sự dũng cảm, lòng gan dạ. Nhưng sau này, trong Triết học pháp quyền, ông đã phát triển khái niệm “công dân” theo hướng trình bày các tính quy định của cá nhân về mặt luật pháp, các tính quy định của chủ thể đạo đức và của các thành viên trong gia đình. Cũng giống như Rousseau, Hegel cho rằng khái niệm “công dân” là khái niệm mà dựa vào đó ta có thể xây dựng được khái niệm “con người hiện đại”. Theo quan niệm của Hegel, công dân vừa là thành viên của xã hội công dân, vừa là thành viên của một tầng lớp nào đó và nằm trong mối liên hệ, tác động qua lại với các cơ quan hành chính và với các thiết chế chính trị. Chúng vừa hạn chế hoạt động của công dân và đồng thời lại vừa làm cho anh ta được “tự do”. Các phẩm chất công dân liên quan đến các thiết chế và phương thức hành động cũng chính là biểu lộ “tinh thần khách quan” của xã hội mà anh ta đang sống. Phẩm chất quan trọng của công dân là “tạo ra pháp luật” (G.W.F. Hegel, 1986, tr. 298) chứ không phải là chủ nghĩa anh hùng cá nhân.

Ngược lại với Hegel, Mác đã nghiên cứu nội dung ý thức công dân từ những mâu thuẫn của “xã hội công dân” với tư cách là xã hội có giai cấp đối kháng. Mác và Ăngghen phê phán mạnh mẽ cách hiểu “xã hội công dân” theo quan điểm cũ. Trong Hệ tư tưởng Đức, các ông viết: “Xã hội công dân bao trùm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Nó bao trùm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp trong giai đoạn đó và do đó, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia và dân tộc, mặc dù, mặt khác, về đối ngoại nó vẫn phải hiện ra như là một dân tộc và về đối nội nó vẫn phải tự tổ chức thành một nhà nước. Thuật ngữ “xã hội công dân” xuất hiện trong thế kỷ XVIII khi những quan hệ sở hữu thoát khỏi thể cộng đồng (Gemeinwesen) cổ đại và trung cổ” (C. Mác và Ph. Ăngghen, 1995, tập 3, tr. 52). Như vậy, khi tiếp thu quan niệm trước kia về “xã hội công dân” các ông đã không chỉ xem đó là nơi tồn tại của những lợi ích tư nhân và tầng lớp thị dân gắn liền với chúng, mà còn thấy được “xã hội công dân” còn là lĩnh vực sinh hoạt của đông đảo quần chúng lao động bị tước mất những lợi ích cơ bản.

Vào thế kỷ XX, vấn đề trung tâm được đặt ra đối với các xã hội dân chủ là làm thế nào mà các xã hội ấy, bên cạnh các quyền tự do và bình đẳng, lại có thể bảo đảm cho các công dân của mình có được “sự an toàn xã hội”? Đặc biệt, từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai trở đi đã xuất hiện hàng loạt công trình của các nhà nghiên cứu phương Tây về quyền của công dân cũng như các yếu tố tác động đến quyền, nghĩa vụ và tự do của công dân. Chẳng hạn như học giả nổi tiếng Marshall đã quan tâm đến sự bất bình đẳng và đi sâu vào phân tích về quyền của công dân. Theo ông, quyền của công dân phải bao hàm ba nhân tố là: 1) Các quyền cá nhân bảo đảm tự do cá nhân, ví dụ như tự do ngôn luận, tự do về tư tưởng, tự do về sở hữu và được pháp luật bảo vệ. 2) Các quyền thuộc lĩnh vực chính trị, tham gia và điều hành quyền lực chính trị. 3) Các quyền xã hội, đảm bảo cho công dân có quyền được sử dụng phúc lợi chung của xã hội và có được một cuộc sống, đời sống văn hóa tinh thần đạt tiêu chuẩn tương ứng với trình độ phát triển của xã hội mà công dân đang sống (Xem: H.J. Sandkuehler, 2000, tr. 197).

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vấn đề đặt ra là xu hướng nào sẽ nổi trội hơn trong tương lai: xu hướng “công dân thế giới”, “công dân toàn cầu” hay “công dân quốc gia - dân tộc”? Ngoài ra, chúng ta còn thấy nổi lên các vấn đề như trách nhiệm chính trị của công dân, mối quan hệ giữa công dân với môi trường kinh tế - xã hội, vấn đề về bản sắc văn hóa của công dân. Rất nhiều học giả phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đe dọa phá hủy đạo đức công dân bởi tiền bạc, bởi sự tiêu dùng, sùng bái hàng hóa, bởi lối sống hưởng thụ đang gia tăng cùng với sự phát triển của hợp tác kinh tế và của quá trình toàn cầu hóa.

Một vấn đề mới đang đặt ra là người ta cần phải làm gì để chống lại lối sống “thụ động”, sự thờ ơ đang gia tăng của “công dân” trước những biến động kinh tế - xã hội và chính trị. Cần phải phân tích sâu hơn các tác động của một loạt yếu tố như: sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, sự thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng, hệ thống giáo dục và y tế, môi trường, truyền thông, phim ảnh, ca nhạc, mốt, v.v... đã và sẽ tác động đến ý thức của công dân ra sao. Môt loạt công trình của các học giả tên tuổi ở phương Tây đã đi sâu vào phân tích các yếu tố này.

3. Quan niệm về công dân ở Việt Nam hiện nay

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay, khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì những vấn đề được các nhà triết học, chính trị học phương Tây đề cập ở trên, theo chúng tôi, là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là trong việc xem xét chúng có tác động như thế nào đến ý thức, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, gắn với việc xây dựng nền dân chủ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của “công dân dưới chế độ mới”. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợilàm chủ, thì phải có nghĩa vụlàm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước” (Hồ Chí Minh, 1996, tập 7, tr. 452). Quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta, cũng như trong bản Hiến pháp đã được sửa đổi mới nhất. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, tr. 85). Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân. Một mặt, phải có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Song, mặt khác, phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vẫn còn một khoảng cách đáng kể (do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan) giữa lý thuyết về quyền, nghĩa vụ và tự do của công dân so với thực tế. Vì vậy, thiết nghĩ để có thể lấp đầy khoảng cách ấy thì việc nghiên cứu những vấn đề đặt ra đối với công dân trong các nước phương Tây theo tinh thần “gạn đục, khơi trong”, tiếp thu những thành tựu đã đạt được, áp dụng chúng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hoàn toàn là một việc làm hết sức có ý nghĩa, bổ ích và cấp bách cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn./.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.